[eMagazine] - HỒ THANH TÂM, chàng tiến sĩ vùng cát Bình Sa và giải thưởng Quả cầu vàng 2020

QUẢNG NAM MEDIA 16/02/2021 15:52

(QNO) - Từ vùng quê nghèo xã Bình Sa (huyện Thăng Bình), Hồ Thanh Tâm có cơ may được học tập, nghiên cứu cùng một thầy giáo giỏi về công nghệ sinh học tại Đà Lạt. Từ đó, đam mê nghiên cứu đã giúp anh học lên cao học, được giới thiệu học bổng toàn phần tại Hàn Quốc. Vừa nghiên cứu, hoàn thiện tiến sĩ ở đất Hàn, vừa công bố 34 công trình và bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế… Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm – chàng thanh niên ở vùng quê nghèo Bình Sa ấy tiếp tục làm rạng danh quê nhà với Giải thưởng Quả cầu vàng năm 2020.

 

Đó là chàng trai có gương mặt thư sinh, sáng, hiền lành và có nét đam mê, kiểu đã mê một món gì đấy thì sẽ sống chết với món ấy. Càng khó nghĩ đây là người mê nghiên cứu khoa học. Vậy mà Hồ Thanh Tâm khiến bạn ngỡ ngàng vì hàng loạt công trình nghiên cứu, hàng chục bài báo và báo cáo khoa học được công bố liên tục suốt 8 năm qua trên các tạp chí khoa học thế giới.

Mảnh đất Bình Sa (Thăng Bình) nghèo khó, cát trắng phau phau ấy có là động lực để cánh diều ấy bay lên chinh phục bầu trời khoa học rộng mở? Hồ Thanh Tâm tâm sự: suốt thời học trò chỉ biết ruộng vườn trâu bò, tấm gương cho mình là việc mấy anh chị đi đại học xa gần đều do công lao cha mẹ chắc chiu công khó đồng sâu đồng cạn. Nghèo lắm. Bổn phận mình chỉ biết cày. Lên cấp 3 ở PTTH Tiểu La, thấy nhiều bạn bè học thêm học bớt, tiến bộ rầm rầm, anh chỉ là cậu học trò vùng cát bình thường. Môn nào cũng giỏi đều đều, thích nhất là môn Sinh học, nhưng không được vào đội tuyển, có khi vào đội chuyên Lý, có lúc thi tuyển vào đội học sinh giỏi Sử, Địa lại đạt…

 

Rồi Hồ Thanh Tâm thi vào Đại học Đà Lạt (ngành công nghệ sinh học) bởi có người anh trai đang lập nghiệp ở đó. Thanh niên sức dài vai rộng, dù anh trai chu cấp cho việc học, Hồ Thanh Tâm vẫn vừa đi học, vừa làm đủ thứ nghề vườn, trại, phụ hồ để sống và học hành. Xuất thân con nhà nông vùng cát, chuyện lang thang làm thêm qua các nhà vườn, trại rau ở đất Đà Lạt nuôi lớn dần ước mơ sẽ nghiên cứu về chuyên ngành nào đó để biến nông sản, cây dược liệu của nông dân mình thành mỹ phẩm, thực phẩm có giá trị kinh tế cao…

 
 34 công bố khoa học quốc tế và trong nước của TS.Hồ Thanh Tâm
Tốt nghiệp đại học, Hồ Thanh Tâm tiếp tục học lên cao học, cùng làm việc với GS-TS Dương Tấn Nhựt (Viện Nghiên cứu khoa học Tây nguyên). “Những ngày học tập, cùng nghiên cứu trong phòng thí nghiệm với giáo sư Nhựt, “cày” các dự án mà giáo sư giao đối với Hồ Thanh Tâm thực sự là những tháng ngày “cày cuốc” trên cánh đồng khoa học. Anh và một số đồng bạn bè làm việc không mệt mỏi, không biết sớm tối tại trụ sở viện nghiên cứu (tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) …”. Hồ Thanh Tâm được GS-TS Dương Tấn Nhựt hướng dẫn tham gia dự án về nhân giống vô tính và bảo tồn sâm Ngọc Linh – một loại dược liệu vô cùng liệu quý của Việt Nam.

Nhờ những ngày ở lò “luyện đan” gian khổ của giáo sư Nhựt mà khi được ông giới thiệu học bổng toàn phần và sang Hàn Quốc (năm 2013), trước bỡ ngỡ về văn hóa, lạ lẫm về cảnh và người, ngôn ngữ bất đồng, đề tài được giao không thuộc chuyên ngành, phải xin chuyển đổi… Hồ Thanh Tâm chỉ “sốc chút xíu” rồi mau lấy lại thế cân bằng.

 

Hồ Thanh Tâm đặt chân lên đất Hàn khi anh thực sự chưa hoàn thành cao học ở Đại học Đà lạt, mà chỉ với sự bảo lãnh của giáo sư hướng dẫn anh với Đại học Quốc gia Chungbuk, Hàn Quốc.

Rào cản đầu tiên mà anh vấp phải là tiếng Anh sử dụng ở trường gần như không thể nghe, nói được; với các bạn sinh viên tỉnh lẻ - ngoài Seoul lại càng tệ. Tám tiếng ở lớp, ở phòng thí nghiệm, Hồ Thanh Tâm đêm đêm phải về phòng riêng luyện nghe tiếng Anh theo kiểu của… người Hàn… Mất cả tháng trời thì anh làm quen dần và ổn với mọi thứ liên quan về giao tiếp.

Tiếp sau đó là những ngày vắt chân lên cổ với các dự án do giáo sư hướng dẫn giao về đề tài. Khó khăn lớn của anh là đề tài đầu tiên nghiên cứu, kiểm soát màu sắc và kích thước lan hồ điệp không thuộc chuyên ngành của anh và quá nhỏ hẹp. Hồ Thanh Tâm xin chuyển đổi đề tài và may mắn được giáo sư hướng dẫn đồng ý, vị giáo sư còn nói chọn ngành nào mà khi về nước có thể phát huy được thì nên chọn. Hồ Thanh Tâm chọn hướng nghiên cứu nhân giống và sinh khối cây dược liệu – vốn là thế mạnh của anh, đồng thời đây cũng là lĩnh vực mà mọi phương tiện nghiên cứu đều có đủ ở phòng thí nghiện, rất thuận lợi cho anh.

 
 Một mảnh vườn rau, trái của vợ chồng Hồ Thanh Tâm trong những ngày ở đất Hàn.

Miệt mài những ngày ở lab, vừa nghiên cứu, vừa viết, đến đầu năm 2017 thì Hồ Thanh Tâm được các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới chấp nhận đăng tải các bài báo, báo cáo khoa học. Anh được tham dự nhiều hội thảo chuyên ngành ở Mỹ, Australia, Hàn Quốc…

Anh tâm sự rất chịu khó giao tiếp với các nhà khoa học quốc tế cùng chuyên ngành. Sau mỗi chuyến đi, danh sách những người bạn nghiên cứu khoa học càng dài thêm và anh giữ mối quan hệ với họ khá tốt cho đến bây giờ. Anh lấy làm tiếc rằng một đất nước có nguồn dược liệu phóng phú và quý hiếm như Việt Nam là ít xuất hiện các nhà khoa học ở các diễn đàn quốc tế. 

Giải thưởng Quả cầu vàng

Giải thưởng Khoa học công nghệ Thanh niên Quả Cầu Vàng là Giải thưởng uy tín trong lĩnh vực khoa học công nghệ dành cho các cá nhân xuất sắc không quá 35 tuổi, do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Giải thưởng nhằm phát hiện, tôn vinh các tài năng trẻ xuất sắc ở 5 lĩnh vực: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ y - dược, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, công nghệ vật liệu mới.

Năm 2020 có tổng cộng 51 hồ sơ ứng viên, số lượng hồ sơ của các ứng viên đang học tập, công tác ở nước ngoài tăng hơn năm trước, chất lượng hồ sơ tốt, có nhiều thành tích xuất sắc. Với nhiều cống hiến cho lĩnh vực nghiên cứu công nghệ sinh học, Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm - nhà khoa học trẻ thuộc Viện Sáng kiến Sức khỏe toàn cầu, Đại học Duy Tân Đà Nẵng là một trong 10 gương mặt xuất sắc tại “Quả cầu vàng 2020”.

 

Điều kiện nghiên cứu đang rất thuận lợi, TS.Hồ Thanh Tâm đã đưa vợ từ Việt Nam sang và đã có một con nhỏ, đủ điều kiện trở thành công dân Hàn Quốc, nhưng Hồ Thanh Tâm trở về Việt Nam, “đầu quân” cho trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng. “Đi để về” – anh ngắn gọn vậy.

Anh chia sẻ, tại rất nhiều diễn đàn khoa học, nhiều công trình có dấu ấn của anh đối với giới khoa học quốc tế thường được biết đó là một Hồ Thanh Tâm của Hàn Quốc. "Tôi trở về nước mới suy nghĩ từ nay, những công trình của mình được mọi người biết đến là từ Việt Nam, của người Việt Nam. Chưa kể, hiện nay dù ở bất kỳ quốc gia nào cũng đều có thể hợp tác, chia sẻ kết quả nghiên cứu khoa học với nhau để đạt được mục đích cao nhất trong nghiên cứu khoa học. Bảy năm xa gia đình, cũng là lúc nên quay về". Chuyên ngành của anh theo đuổi đang có triển vọng ở nước nhà, nhất là khi Đại học Duy Tân Đà Nẵng đang đầu tư mạnh cho nghiên cứu khoa học. Quảng Nam, quê nhà của anh đang có nhiều chính sách phát triển dược liệu, chế biến sâu…

 

Đại học Duy Tân, “bệ phóng” trong tương lai của nhà khoa học trẻ.

“Bên cạnh nỗ lực nghiên cứu của bản thân và sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp, Đại học Duy Tân đã giúp tôi yên tâm cống hiến nhờ chính sách đãi ngộ tốt. Tôi đang cố gắng đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế, xây dựng nhóm nghiên cứu ngay tại trường để cùng chia sẻ ý tưởng và thực hiện các công trình nghiên cứu trong thời gian tới”. (Tiến sĩ Hồ Thanh Tâm)

Những ngày này, Đại học Duy Tân đang hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị phòng nghiên cứu; trong năm 2021, nếu điều kiện thuận lợi anh sẽ tiếp tục cho ra đời một số dự án đang ấp ủ, cùng một số công trình đang phát triển dang dở thời gian qua. Điều mong mỏi của nhà khoa học trẻ Hồ Thanh Tâm là ngoài công tác nghiên cứu tại Viện Sáng kiến sức khỏe toàn cầu, Đại học Duy Tân Đà Nẵng, anh mong có cơ hội được tiếp cận các chủ trương, dự án về phát triển cây dược liệu miền núi của Quảng Nam; đến tận vùng sâm Ngọc Linh để có cái nhìn tổng quan về cái nôi sinh trưởng, phát triển của cây sâm Ngọc Linh quý hiếm nhất thế giới. Trước đó, ở Hàn Quốc anh đã từng có thời gian tham gia nghiên cứu một số dự án về chế biến sâm Hàn Quốc.

Thủ lĩnh phong trào đoàn, hội:

- Phó Bí thư Đoàn khoa Sinh học, ĐH Đà Lạt (2009-2011);

- Chi Hội trưởng Hội Sinh viên Việt Nam tại ĐH Quốc gia Chungbuk - Hàn Quốc (2015-2017);

- Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông Hiệp hội bóng đá Việt Nam tại Hàn Quốc (2019-2020)...

Hồ Thanh Tâm được kết nạp Đảng tại Hàn Quốc và sinh hoạt tại Chi bộ Asan-Cheonan trước khi về nước.

 
 Hồ Thanh Tâm còn rất hăng hái tham gia các hoạt động thể thao..

Bài: DOÃN THÀNH TRÍ

Đồ họa: NGỌC MINH KHUÊ

Ảnh do TS Hồ Thanh Tâm cung cấp

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - HỒ THANH TÂM, chàng tiến sĩ vùng cát Bình Sa và giải thưởng Quả cầu vàng 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO