(QNO) - Trải qua những dâu bể thời cuộc, hẻm có một đời sống riêng, tạo nên hồn cốt phố thị. Là khoảnh khắc xao động khi dạo qua con hẻm của phố cổ Hội An rêu phong, chút hoài niệm với tà áo dài thướt tha dáng phố. Những con hẻm của thị xã Tam Kỳ xưa dù nay đã khoác lên dáng phố, vẫn mang đến cảm giác hoài niệm cho người đi xa. Hẻm ở lưng chừng đồi khiến lòng người vấn vương...
Nhìn vào hệ thống hẻm chằng chịt nhưng rất quy củ của phố cổ Hội An, mới thấy hết ở đó không chỉ là tư duy quy hoạch, mà cả nhưng khát vọng, triết lý sống dựa vào nhiên của vùng đất mở...
Theo nghiên cứu, khảo sát của bà Trần Thị Lệ Xuân - cán bộ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, hẻm ở khu phố cổ Hội An rất hẹp và có kích thước không đồng nhất. Thông thường hẻm rộng từ 1-2m, có hẻm chỉ chừng 0,7m.
Mật độ hẻm khá dày, chỉ riêng ở đường Trần Phú và Nguyễn Thái Học đã có 20 đường hẻm thông xuôi hai con đường. Độ mươi nhà thì có một hẻm, vừa tạo điều kiện cho việc thông thương vừa thuận lợi cho người dân trong phố đi lại qua một lối tắt.
Đa số các hẻm ở Hội An gắn luôn với những định danh lắng lại trong tâm thức của cư dân lớn lên cùng phố. Là hẻm SICA, hẻm giếng Bá Lễ, hẻm Nhị Trưng hay hẻm miếu Âm Hồn… Từng định danh của hẻm vốn đã chứa đựng những câu chuyện đong đầy miền ký ức của phố. Ở đó, nét chấm phá của phố nối tiếp nhau từ thủa vùng đất này còn mang tên Lâm Ấp Phố với giếng Chăm cổ nghìn năm đến kho rượu của người Pháp xây dựng từ trăm năm trước vẫn còn vương vấn đâu đây…
Hẻm ở Hội An thường thẳng, ít ngõ cụt. Có hẻm đứng ở tít đường Trần Phú vẫn thấu tận ra bờ sông. Dẫu cho chỉ là một khoảng sông nhỏ cùng lượng trời hẹp, hẻm phố Hội An gợi lên khát khao về một con đường luôn mở chờ ở phía cuối. Hẻm như chính cuộc sống này.
Lạc bước vào hẻm, điều đầu tiên mọi người cảm nhận được có lẽ là sự nhỏ nhắn của hẻm. Nhỏ nhắn đến mức có hẻm chỉ vừa đủ cho người đi bộ từ hai phía lách qua nhau. Lãng đãng trong hẻm một sáng giao mùa, ai nấy đều cố nhịp bước nhẹ tênh khi đâu đó trên gác lâu có bản nhạc không lời du dương vọng lại, phía trong cửa sổ có cụ ông lim dim ngả lưng bên ghế đầy trầm tư.
Ngang qua hẻm, là lúc lữ khách cảm nhận rõ nét được dư vị của “làng trong phố”. Ở đó, có khung cửa sổ nhà ai mở toang lơ đễnh. Có lối đi lát đá rêu phong bao bọc giếng nước cổ trầm mặc soi bóng mây trời. Trong xế chiều, thấp thoáng bóng bà cụ quảy gánh hàng rong rảo bước lầm lũi. Một phút thảng thốt, có ai trông như dáng bà, dáng mẹ và ký ức làng đã im lìm theo tháng năm bỗng dưng ùa về ngay lòng phố thị…
Một sáng nọ vòng qua hẻm, may quá ở đó vẫn có bóng bà cụ đi chợ về, vẫn thi thoảng khẽ khàng một xe hàng rong cặm cụi lân la từng ngóc ngách. Là khi đó, ta biết rằng không nơi nào thích hợp hơn để nương náu, lần dò những gam màu ký ức cũ kỹ của thành phố này bằng... hẻm.Tiếng rao của thời gian chừng như vẫn còn vẳng trong ký ức tôi, những con hẻm cứ chạy dài nỗi nhớ. Tôi về phố cổ sau chuỗi ngày dịch dã, những im lặng vừa đủ để hình dung một cuộc hiền từ, bình yên cho phố...
Tiếng rao của thời gian
Người ta đã không còn được thấy cái dáng tất tả với đôi quanh gánh của cụ Nguyễn Đường - người gánh nước thuê lâu năm nhất Việt Nam - từ năm 2019, sau khi ông qua đời vì bạo bệnh. Nhưng sẽ hằn in trong lòng người phố cổ rất nhiều câu chuyện về ông, chứng nhân của phố qua bao thăng trầm. Mọi con hẻm nơi phố cổ hình như đều in dấu chân qua của ông già có nụ cười móm mém hiền từ, người đã sống và góp phần vào ký ức trăm năm của phố.
Tiếng kẽo kẹt của đôi gióng nước cụ Đường như một “lời rao” âm thầm dội vào hẻm phố. Hai mươi năm trước, khi lần đầu tiên đặt chân đến trọ học ở phố cổ Hội An, tôi vẫn còn nhớ những tiếng rao dung dị như thế loang đi giữa thâm u của hẻm.
Là tiếng rao của những bà, những mẹ chở hến từ bên kia cầu Cẩm Nam về phố. Tiếng rao vọng vào hun hút sâu của hẻm, nhẫn nại và hiền từ. Là những gánh mắm từ phía Duy Hải, Duy Nghĩa theo đò ngược sông Thu về bên phố, thức dậy mùi biển theo bước chân kẽo kẹt quang gánh đi khắp các ngả đường. Là hàng quà bánh đêm khuya lanh lảnh giọng rao khi phố phường chưa kịp ồn ã trong cơn lốc của du lịch. Những tiếng rao của thời gian...
Hội An trong ký ức của chính tôi, thời đó, là một phố cổ quá đỗi yên bình. Du lịch chỉ mới vừa chạm đến nơi này, nên những gót chân đặt lên lòng đường nơi phố cổ nhẹ và thưa, như một chốn để có thể “sống chậm” cùng bao trầm tích thời gian nơi phố. Bước chân vào hẻm, cảm giác một khung trời khác mở ra còn yên bình hơn gấp bội, nơi ồn ào mới chỉ chạm rất nhẹ, rất khẽ vào hàng quán ở mặt tiền đường. Ở hẻm chỉ có thanh âm nhẹ nhàng như cái cách phần đông cư dân đã sống thời đó.Sâu trong miền nhớ…
Tôi vẫn tin rằng phố cổ là chốn bao dung cho không chỉ cư dân sinh ra và lớn lên nơi phố. Ngày trước, tôi trọ học ở con hẻm đầu đường Phan Chu Trinh, trong một gia đình làm nghề bán nước mắm. Ở đó, người ta sống với nhau bằng sự thân tình, đúng nghĩa “nhân tình thuần hậu” như đề án mà Hội An đã xây dựng và theo đuổi từ nhiều năm nay.
Một lần trò chuyện với ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, ông Sự nói, ý thức về vốn quý văn hóa của Hội An đã được hình thành ngay từ trước khi nơi này được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
“Không gian trong lòng phố, trong từng nóc nhà, từng kiệt hẻm chính là không gian đậm đặc truyền thống, nơi giữ lấy hồn của phố. Bảo tồn, không phải và không chỉ riêng vai trò của Nhà nước, nhà quản lý, mà nằm ở ý thức tự thân của người dân trong việc giữ lấy nếp nhà, văn hóa, ứng xử đặc trưng của miền đất.” – ông Sự nói.
Thị xã Tam Kỳ nay đã thành phố thị, nhiều đường mới, hẻm mới được mở ra. Nhưng, dù có thay đổi đến đâu, dấu tích của hẻm phố xưa Tam Kỳ vẫn còn lưu dấu.
Tam Kỳ xưa có đường Phan Châu Trinh từ cầu Tam Kỳ ở phía nam ra đến bến xe đò (nay là siêu thị Coop.Mart Tam Kỳ) ở phía bắc. Giáp đường Phan Châu Trinh hướng về phía tây có đường Trần Cao Vân (nối với tỉnh lộ lên Tiên Phước - Trà My) và đường Huỳnh Thúc Kháng (lên đến ga Tam Kỳ). Ven ba đường chính đó có thể kể tên mấy con hẻm lớn mang một số nét đặc trưng của phố thị Tam Kỳ một thời.
Gần cầu Tam Kỳ (cũ) có hẻm chợ bà Hòa. Ngôi chợ sát hiệu tạp hóa của bà Hòa là điểm giao thương của dân cư các xã Kỳ Hưng, Kỳ Bích (sau đổi là xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành - phía nam sông Tam Kỳ) và các ấp Tam Dưỡng, Hương Sơn, Hương Trà (nay là các phường An Sơn, An Xuân và Hòa Hương - phía bắc sông Tam Kỳ).
Dần ra phía bắc, qua hẻm Hạnh Nhuộm (đầu hẻm có bà Hạnh làm nghề nhuộm vải) dẫn lên làng Dưỡng An sum suê cây trái, tiếp đến là hẻm Thu Hương sát chùa Tịnh Độ. Ngôi biệt thự Thu Hương ở đầu hẻm này có cây mai cổ thụ năm nào cũng sum sê hoa vàng đón tết trở thành nét đặc trưng cho cảnh xuân ở Tam Kỳ một thời.
Hẻm Nhà Đèn - cuối hẻm có nhà máy điện diesel đầu tiên thắp sáng cho toàn thị xã được dựng hồi giữa thập niên 1960. Từ đây, có đường nhỏ nối hẻm nhà đèn với hệ thống hẻm của Chợ Vạn - Tứ Bàn - một khu vực buôn bán và sản xuất thủ công đông đúc nhất ở vùng Tam Kỳ xưa.
Các hẻm trong khu phía nam Chợ Vạn - Tứ Bàn gồm nhiều đoạn nối với các đường lớn; trong đó có hẻm bà Lan Bình Định từ đường Phan Châu Trinh dẫn xuống giếng Bốn Trụ - một giếng Chăm cổ rất nổi tiếng.
Hẻm Bà Quế từ đường Duy Tân dẫn vào các địa điểm sản xuất thủ công như lò vôi, lò rèn, lò rượu, lò làm mắm, lò mổ heo, lò sản xuất đầu lân trung thu… Ở đây còn có “lò luyện võ” kết hợp “điều trị chấn thương theo phương pháp gia truyền” nổi tiếng của con cháu ông Hồ Lan Đình (còn gọi là Chánh Lơn) từng là lý trưởng Tứ Bàn rồi làm chánh tổng Chiên Đàn (phủ Tam Kỳ) hồi đầu thế kỷ 20.
Khu hẻm Bà Quế từng là nơi trú chân của gánh cải lương Túy Nguyệt - Trường Thành. Về sau, còn có gánh hát bộ của vợ chồng ông Huệ - bà Thông. Ở đây còn có con hẻm nhỏ ngang qua nhà ông Năm Phở - chủ một “xe phở bắc bán dạo” nổi tiếng khắp Tam Kỳ hồi thập niên 1960, 1970.
Khu bắc Tứ Bàn có hẻm Tứ Bàn dẫn đến ngôi đình thờ các vị tiền hiền của bảy phái tộc người Việt có công xây dựng Chợ Vạn, lập làng/thôn Tứ chánh Bàn Thạch. Hẻm này có nhiều đoạn thông đến “Khu giải trí” là một sân khấu công cộng được thành lập từ sau năm 1955.
Khu giải trí (đường Phan Đình Phùng) nối với đường Phan Châu Trinh qua hẻm bà Cào. Chồng bà Cào là Hoa kiều có tên Cao Vinh Sanh - là một trong nhiều thương nhân người Hoa và Minh Hương đã đến Tam Kỳ định cư, buôn bán; họ góp phần đưa lâm thổ sản quý của vùng núi nam Quảng Nam ra bán ở Hội An - Đà Nẵng - Huế, có khi đến tận Hồng Kông.
Qua khỏi ngã ba (nay là ngã tư) Nam Ngãi khoảng 200m là hẻm Mai Hạc; đầu hẻm có cửa hàng trà Mai Hạc nổi tiếng. Xưa, hẻm này dẫn xuống trường tiểu học dạy chương trình Pháp Việt đầu tiên ở Tam Kỳ.
Cùng phía với hẻm Mai Hạc, gần ngã ba (nay là ngã tư) Phan Châu Trinh - Huỳnh Thúc Kháng có “hẻm Xóm Mắm” là nơi tập trung trao đổi hải sản chế biến - chủ yếu là mắm, nước mắm và cá khô - cho cả vùng Tam Kỳ. Từ đây trở ra, hai bên đường Phan Châu Trinh còn có hẻm Xóm Bò, hẻm Xóm Dừa (dẫn vào hai xóm cùng tên) và hẻm Ba-toa (có Abattoir - một lò mổ gia súc do người Pháp lập).
Trục đường Trần Cao Vân và Huỳnh Thúc Kháng có mấy hẻm nhỏ - thường có lối thông với nhau như: hẻm Bưu điện (sát Bưu điện Tam Kỳ), con đường hẻm nối đồn Đại lý Pháp với phủ lỵ Tam Kỳ thời Pháp về sau đổi thành đường Trần Dư.
Sẽ không hun hút như hẻm phố, nhưng những kiệt - hẻm ở các vùng thị trấn thị tứ, hay chỉ là vùng đông dân cư của một chốn núi non đất Quảng, vẫn có nét đặc trưng đủ khiến lòng người vấn vương...
Trăm năm hẻm ở đầu nguồn
Ngày tôi đưa nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, cũng là thầy dạy về thăm quê mình, chân đặt lên những bậc cấp của con dốc dẫn về ngôi nhà nhỏ trên ngọn đồi ngay chợ Trung Phước, người nhạc sĩ già khi ấy tay vân vê từng bụi chè tàu được cắt tỉa thẳng thớm, ở ngay đầu con hẻm. Ông nói lòng mình vẫn thường hằng nhớ về ngôi nhà của ấu thơ, những bụi cỏ khóm hoa trên mỗi nơi chốn ở quê nhà đều trở thành thứ cảm xúc thiêng liêng.
Nắng xiên qua từng đót lá nhỏ, nhảy nhót trên mái đầu bạc của người già 70, ngày đi thăm quê nhà học trò. Để trong "Quê nhà yêu dấu" - hình như là cuốn sách cuối cùng trước khi thầy Biển của chúng tôi về miền mây trắng, tôi đọc thấy những ký ức mộc mạc về làng quê xứ Quảng nghèo mà đẫm tình, tha thiết.
Không chắc có những cảm xúc của bữa đưa thầy ngược núi hay không, chỉ biết ông đã rưng rức khi thấy "một ngọn khói lam chiều bên mái tranh", nó đủ gợi bữa cơm đoàn tụ mà sau này khi trở thành một trung niên mồ côi, ông không còn tìm lại được. Hay cái lạnh thấu xương mùa gió bấc cũng đem về nỗi nhớ những đêm cả nhà quây quần bên ngọn đèn dầu lạc, dầu mù u với nồi khoai sắn, với mùi củi dương đốn từ nổng cát cháy tí tách bổ sung nhiệt lượng vì cái chăn quá mỏng (Mùa đông)...
Vũ Đức Sao Biển nói, ông muốn tới Trung Phước một lần. Và chuyến ấy, tôi dẫn ông đi những con dốc không ngoằn ngoèo nhưng có độ gấp bởi đồi cao, những con hẻm không dài và sâu nhưng bờ bụi rêu bám. Những con hẻm hay cũng là những con dốc, thoai thoải có khúc khuỷu có, nhà dựng lưng chừng đồi men theo lối đi.
Ông nói Trung Phước nhà cửa san sát, lại địa thế núi đồi, nên sinh ra những kiệt, hẻm lạ lùng. Chuyến đi ấy, giờ mơ hồ trong ký ức tôi. Nhưng những con dốc của vùng thị tứ đầu nguồn này thì như một ví von - là "tiểu không gian văn hóa", nơi chất chứa nhỏ to của hoài niệm, đã luôn đằm sâu trong lòng nó câu chuyện của dân cư vùng thượng nguồn.
Khuất sau con chợ tuổi đời trăm năm đất ấy, không chỉ là những con hẻm dẫn lên những ngôi nhà trên đồi, còn đó kiệt nhỏ rẽ nhánh ngang dọc để dẫn lối xuống bến sông. Nhà cửa nằm thoai thoải ven dốc. Ở đó, người ta nhìn thấy gánh gánh gồng gồng từ phía làng bên kia sông...
Hẻm lưng chừng đồi
Khác với hẻm ở đô thị lớn, hẻm của vùng thị trấn xứ Quảng thường chỉ là một đoạn đường ngắn, chừng trong đó độ 4, 5 căn nhà nằm kề nhau. Có đoạn, nhà nằm kề sau cao hơn nhà phía trước. Và hẻm phố núi thì thường không thể dụng sinh kế. Nó đơn thuần là không gian nhà ở với các cuộc đời hiền lành, với những đứa trẻ thèm nhiều hơn khoảng sân, góc vườn hay cả một cánh đồng của lũ bạn mình.
Còn với các thị trấn, thị tứ vùng cao, hẻm hay dốc, thật ra còn là nơi cư trú của những người ở lâu năm, nhưng không là cư dân gốc. Họ đã ở đó, mấy chục năm chẳng hạn, nhưng là những người đến sau. Vì đến sau nên phải ban bừa đồi núi để dựng thành nhà. Càng dày theo thời gian, thêm những lớp người sau tìm đến. Và cứ vậy, vùng đất lúp xúp đồi bát úp này có những con hẻm nằm lưng chừng...
Khi tôi hỏi bạn mình ở đoạn Trung Mang (xã Ba, Đông Giang), nơi tề tựu của dân tứ xứ về làm nông trường chè nơi đây, hình như không có nhiều ký ức về vùng đất đầu tiên. Thứ làm nên nỗi nhớ của những đứa con ở vùng đông đúc của một chốn núi non, nơi phố không hẳn nhưng gọi làng thì quá chật chội, chính là những con dốc, đoạn kiệt - hẻm ngắn ngủn nhưng đủ bao dung để giữ cả quãng đời thơ trẻ. Bọn nhóc ở đó, lớn lên, nghe tiếng người xứ Thanh, xứ Nghệ, người Phú Khánh người tít tận Yên Bái... nên từ giọng nói cũng khang khác.
Tôi vẫn thầm nghĩ ở các vùng có tài nguyên của xứ Quảng, là mỏ than Nông Sơn hay xứ vàng Phước Sơn, đồi chè Quyết Thắng, dân ở nơi đó sẽ có cho riêng mình một lối sống gần như khác biệt so với vùng quê gần đó. Bởi chính cư dân tứ xứ mang đến một sinh khí mới cho người ở đất cũ. Để lâu dần, một vùng quê thượng nguồn trở nên thị thành hơn bởi cái bán mua rộn ràng, nói cười rổn ràng, kiểu cách làm ăn dung hòa của nhiều vùng miền.
Cố nhiên, hẻm là không gian sinh ra để dành cho người tứ xứ về vùng đất nọ làm dân góp. Hay ít ra, điều này đúng với dân cư miền núi chúng tôi.