Khai thác đúng ngư trường, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, đầu tư đồng bộ phương tiện đánh bắt xa bờ, hạ tầng hậu cần nghề cá… là mục tiêu mà ngành thủy sản Quảng Nam đang hướng tới. Tuy nhiên để tháo gỡ những rào cản của nghề cá, việc cấp bách bây giờ là nâng cao trách nhiệm của cộng đồng ngư dân và cả cơ quan quản lý trong việc giữ gìn nguồn lợi...
Để phát triển nghề khai thác hải sản bền vững, ngư dân trên địa bàn tỉnh được khuyến khích dịch chuyển ngư trường từ tuyến ven bờ, vùng lộng sang ngư trường xa bờ. Trong khi nhiều ngư dân đầu tư phương tiện hiên đại để “chiếm lĩnh” ngư trường thì công tác hỗ trợ gặp không ít khó khăn.
Ngư dân Quảng Nam có 3 nghề khai thác hải sản xa bờ chủ lực là lưới vây, lưới chụp (chủ yếu sản xuất ở ngư trường Hoàng Sa) và câu mực khơi ở ngư trường Trường Sa. Đến thời điểm này, 663 tàu cá sản xuất xa bờ trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh.
Ngư dân Đặng Thanh Tùng (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) cho biết, ông lắp đặt thiết bị định vị trên tàu cá gần 4 năm nay, cho thấy hiệu quả thiết thực.
"Nhờ lắp định vị mà ngư dân chúng tôi có thể ghi chép lại nhật ký khai thác vào ứng dụng trên điện thoại để cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước thay vì viết tay trên giấy. Nhờ có máy định vị, chúng tôi có thể theo dõi sản lượng hải sản ở những nơi tàu đã đi qua, từ đó đưa ra lộ trình phù hợp hơn, tiết kiệm chi phí cho các chuyến biển tiếp theo” - ông Tùng nói.
Ngư dân Trần Công Hải (một chủ tàu câu mực khơi ở thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, Thăng Bình) cho biết, đã nhiều lần tàu mấp mé khu vực biển của nước ngoài thì nhờ máy định vị đã kịp thời đưa tàu trở về vùng biển Việt Nam, tránh bị cơ quan nước ngoài bắt giữ.
“Có lần điều tàu đến sát âu thuyền Song Tử Tây thì không may tàu bị hỏng chân vịt, nhờ có máy định vị, tôi đã phát tín hiệu và được cơ quan chức năng lai dắt vào âu thuyền an toàn” - ông Hải cho biết.
Dầu diesel liên tiếp tăng giá thời gian qua khiến đội tàu sản xuất xa bờ của ngư dân Quảng Nam gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, dù đã cuối năm nhưng ngư dân chưa được nhận hỗ trợ giá dầu quý I. Nhiều tàu cá phải nằm bờ vì thiếu tiền nạp nhiên liệu.
“Tiền hỗ trợ dầu chúng tôi chia phần cho bạn, dành cho chi phí đầu vào nên rất cần. Mong ngành chức năng của tỉnh nhanh chóng chi trả để chúng tôi có điều kiện bám giữ ngư trường”
(Ngư dân Võ Văn Phục, thôn Hòa An, xã Tam Giang, Núi Thành)
Trước đây, mỗi tháng 2 lần, Chi cục Thủy sản Quảng Nam trên cơ sở có các mẫu thống kê nguồn lợi hải sản được trợ giúp bởi cán bộ phụ trách thủy sản ở các xã ven biển; kết hợp với bản tin dự báo ngư trường, nguồn lợi của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) để thực hiện dự báo ngư trường riêng cho ngư dân trên địa bàn tỉnh. Nhưng trong năm nay, bản tin dự báo ngư trường không còn được thực hiện do thiếu kinh phí và cán bộ phụ trách.
Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho biết, ngư dân trên địa bàn tỉnh sắp sửa được nhận hỗ trợ dầu quý I/2022. Sở NN&PTNT đã xét duyệt, gửi danh sách các chủ tàu cá được nhận hỗ trợ về các xã ven biển để chính quyền xác nhận cư trú, qua đó UBND tỉnh sẽ có quyết định hỗ trợ và giải ngân sớm.
“Chúng tôi sẽ khẩn trương bắt tay xét duyệt hỗ trợ dầu cho ngư dân ở các quý tiếp theo. Do thiếu cán bộ và đề phòng thất thoát ngân sách nên công việc đòi hỏi phải cẩn trọng” - ông Long nói.
Sản phẩm của nghề giã cào mùa này thường mang lại giá trị cao hơn bởi ngư dân dễ khai thác được những loại đặc sản với kích cỡ lớn. Nhiều loại tôm, cá, ốc, mực loại "thế hệ cha mẹ" vốn sống ở tầng đáy, nấp kỹ trong những rạn san hô, hờm đá cũng dễ bị tóm vào lưới bởi môi trường biển biến động. Mặt khác, giã cào vốn là nghề "càn quét", khi vàn lưới được máy kéo qua thì những loại hải sản "thế hệ con cái, cháu chít" cũng bị kéo rê vào đãy.
Lén lút khai thác
Tại phiên chợ đêm ở xã Tam Tiến (chỉ tổ chức vào mùa này và chủ yếu tiêu thụ sản phẩm của nghề giã cào), hàng tấn hải sản được bày bán hằng đêm, lẫn lộn những loại lớn nhỏ. Hàng loạt ki cá mực, tôm, ốc loại lớn được lựa ra chuẩn bị đưa đi tiêu thụ; và cũng có hàng đống hải sản tạp nham loại nhỏ, có con chỉ như cọng tăm... đang chờ đưa vào những nhà máy chế biến thức ăn gia súc.
Nhiều ngư dân tiết lộ, để tăng hiệu quả đánh bắt, gần đây vàn giã còn được gắn thêm nhiều loại dụng cụ "đặc chủng". Ví như gắn bộ kích điện vào xây xích trước miệng giã, khi kéo rê dưới đáy biển, dây xích phóng điện, "lùa" cá vào lưới...
Xung điện là hình thức khai thác tận diệt bị "lên án" lâu nay nhưng nhiều ngư dân vẫn lén lút sử dụng. Đặc biệt tại ngư trường ven bờ Tam Hải (Núi Thành), gần đây nhiều ngư dân làm nghề lặn sử dụng súng điện có xuất xứ từ Trung Quốc để tận duyệt nguồn lợi.
Ông N.V.M., một ngư dân ở thôn Thuận An (Tam Hải) cho biết: "Trước đây dân lặn chủ yếu sử dụng súng bắn tên, lặn xuống gặp cá lớn là bắn thủng bụng, còn bây giờ nhiều người dùng súng điện. Súng này khi bóp cò, tia điện 250V bắn thẳng về phía trước, con chi cũng chết. Nhiều loại hải sản ở trong hang khi bắn điện cũng trồi đầu ra. Tôi mong ngành chức năng làm ráo riết, xử lý triệt để tình trạng này, vì đây là kiểu khai thác tận diệt. Nguồn lợi ở Tam Hải bây giờ cạn kiệt quá rồi!".Sau những đợt ra quân tuần tra, kiểm soát ở các vùng biển trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng (gồm ngành thủy sản và bộ đội biên phòng) đã xử phạt gần 700 triệu đồng về các hành vi tàn phá nguồn lợi hải sản.
Nhiều kiểu vi phạm
Quảng Nam hiện có 185 tàu lưới kéo (giã cào đơn và giã cào đôi) có chiều dài từ 15m trở lên bắt buộc phải đánh bắt hải sản xa bờ nhưng phạm vi hoạt động chủ yếu là… tuyến lộng và ven bờ. Đặc trưng của nghề này là ngư dân sử dụng những vàn lưới có mắt rất nhỏ, giăng hàng ngang kéo lưới nên hầu hết hải sản trong phạm vi hoạt động của nó đều "trôi" vào giã. Với cách thức đánh bắt như vậy nên nghề lưới kéo thường không có “đất diễn” ở tuyến xa bờ, tuyến lộng và dạt vào vùng ven bờ tàn phá nguồn lợi.
Theo ông Lê Vĩnh Thuận - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Hội An), dù tuần tra, kiểm soát nghiêm ngặt nhưng nhiều khi vẫn phát hiện, truy đuổi, bắt giữ, xử lý các tàu lưới kéo của ngư dân trong và ngoài tỉnh. Ngư dân hành nghề lưới kéo ban ngày neo đậu ở khu vực ngoài khơi, đêm xuống mới tiến vào vùng biển gần bờ để hành nghề. Khi bị phát hiện, các tàu lập tức cắt dây thả lưới giã xuống biển rồi tăng tốc bỏ chạy. Không ít trường hợp ngư dân chống đối lực lượng chức năng.
Cách đây chưa lâu, cán bộ Chi cục Thủy sản Quảng Nam phối hợp với lực lượng biên phòng tuần tra, bắt giữ một số tàu cá đánh bắt hải sản bằng kích điện. Do mức xử phạt còn thấp, chỉ vài triệu đồng nên xảy ra tình trạng “nhờn luật”.
Sát cánh cùng các phương tiện trong suốt quá trình đánh bắt trên biển, lực lượng cảnh sát biển đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao trách nhiệm chấp hành pháp luật của ngư dân.
Tuyên truyền trên biển
Là lực lượng thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn trên biển, Vùng Cảnh sát biển 2 (đóng tại xã Tam Quang, Núi Thành) quản lý khu vực biển rộng từ Quảng Trị đến Bình Định, với ngư trường đánh bắt truyền thống của chủ yếu ở Hoàng Sa và Vịnh Bắc Bộ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các tàu của lực lượng cảnh sát biển thường xuyên tiếp xúc, hỗ trợ, bảo vệ ngư dân yên tâm bám biển.
Theo Đại tá Trần Quang Tuấn - Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, một số tàu cá gần đây vi phạm quy định IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định). Cụ thể, các tàu lợi dụng đêm tối tắt đèn hành trình, tắt thiết bị giám sát hành trình (VMS) để trốn tránh lực lượng tuần tra, đưa tàu sang vùng biển nước ngoài.
Cá biệt, có một số ngư dân tháo, gửi hoặc gỡ thiết bị VMS, xóa dữ liệu hành trình hoặc phá hủy VMS, can thiệp làm sai lệch thông tin để tránh hoặc đánh lừa sự theo dõi của cơ quan chức năng.
“Tinh vi hơn, một số đối tượng đưa tàu ra vùng biển giáp ranh, tắt, gỡ thiết bị, sơn lại màu nhận biết của tàu cá, thay số đăng ký, thay quốc kỳ, ngụy trang thành tàu nước ngoài để khai thác trái phép. Một số tàu tổ chức thành đội, có kênh liên lạc riêng bằng máy thông tin nghề cá, máy sóng ngắn, điện thoại vệ tinh, thông báo cho nhau khi phát hiện vị trí tàu cảnh sát biển để trốn tránh...” - Đại tá Trần Quang Tuấn cho biết.
Để chủ động nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn, giảm thiểu, tiến đến chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm IUU, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã tăng cường nhiều giải pháp, tập trung mạnh công tác tuyên truyền. Theo thống kê, đơn vị đã tổ chức 46 đợt tuyên truyền ngay trên biển cho 111 tàu cá với hơn 800 lượt người, phát hàng trăm tờ rơi giáo dục pháp luật và các quy định chống khai thác IUU.
Tăng cường phối hợp
Đại tá Lê Huy Sinh - Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 thông tin, vào cuối tháng 10 vừa qua, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 đã phối hợp với UBND các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định tổ chức ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thủy sản. Tùy theo đặc thù tình hình, lực lượng cảnh sát biển xây dựng quy chế phối hợp cụ thể với mỗi tỉnh.
Tại Quảng Nam, nội dung phối hợp tập trung vào việc trao đổi, thông báo tình hình, phối hợp giải quyết các vụ việc như: phát hiện, bắt giữ, xử lý tàu cá nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam; tuần tra kiểm soát, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, an ninh trật tự trên biển.
Đồng thời, phối hợp triển khai thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống khai thác IUU, góp phần chấm dứt tình trạng tàu cá ngư dân Việt Nam đưa tàu vào vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho ngư dân và sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân ổn định đời sống, cứu hộ cứu nạn trên biển…
Cần chính sách hỗ trợ thiết thực cho ngư dân
Ngư dân Hồ Văn Bộ (thôn An Lương, xã Duy Hải, Duy Xuyên): “Phần lớn ngư dân thiếu vốn để có thể chuyển đổi nghề. Hiện nay để cải hoán tàu cá rồi thay ngư lưới cụ tốn không dưới 500 triệu đồng. Điều ngư dân cần nhất là hỗ trợ vốn để chuyển đổi sang nghề cá có trách nhiệm”.
Ông Võ Văn Long - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam: “Ngành thủy sản đang phối hợp với các địa phương ven biển tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ các quy định, khai thác hải sản có trách nhiệm. Phối hợp với lực lượng biên phòng tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm soát đột xuất, xử lý mạnh. Hằng năm, ngành thủy sản đều phối hợp với các tổ chức, cá nhân thả các loại giống thủy hải sản xuống vùng ven biển để tái tạo, phát triển nguồn lợi”.
Bà Lương Thị Thủy - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam: “Trước tiên, cần giảm số lượng tàu đánh bắt ven bờ. Trong năm, cần có quãng thời gian nhất định cấm không cho khai thác ven bờ để tái tạo nguồn lợi hải sản. Muốn thực hiện điều này, cần có chính sách hỗ trợ chuyển nghề cho ngư dân. Thế nhưng khó có thể triển khai sâu rộng trên toàn tỉnh do nguồn lực không cho phép, còn phải trông chờ chính sách chuyển nghề của Trung ương...”.
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT: "Quảng Nam đã có quy hoạch phát triển nghề khai thác hải sản theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường như lưới vây khơi, lưới rê, nghề câu khơi, chụp mực; đồng thời không cho phát sinh thêm tàu cá hành nghề lưới kéo bằng cách không cấp giấy phép. Nếu phát hiện tàu cá đăng ký nghề khác nhưng sản xuất bằng nghề lưới ké.