(QNO) - Xây dựng “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh” là hành trình lâu dài và khó khăn, đòi hỏi sự chung tay không chỉ của doanh nghiệp du lịch - dịch vụ.
Du lịch xanh dù là mô hình lý tưởng, nhưng việc triển khai không hề dễ dàng. Ví dụ dễ thấy nhất là theo tiêu chuẩn xanh, việc cung cấp thực phẩm phải đảm bảo 2 yếu tố gồm nguồn gốc thực phẩm xanh và phương tiện vận chuyển xanh, nhưng thực tế điều này khó làm. Bởi, không phải chủ doanh nghiệp nào cũng đồng thuận tham gia, khi nhà cung cấp có quá nhiều khách hàng để lựa chọn. Doanh nghiệp này yêu cầu khắt khe thì họ chọn đối tác khác.
Cung ứng rau xanh chỉ là câu chuyện nhỏ trong chuỗi liên kết cung ứng dịch vụ du lịch. Để hiện thực mục tiêu du lịch xanh đòi hỏi rất nhiều ngành cùng tham gia. Đơn cử, hiện nay phương tiện vận chuyển khách tham quan theo tour tuyến hay vận chuyển khách ra Cù Lao Chàm… hầu hết chưa đảm bảo các tiêu chuẩn quy định về phát thải khí ô nhiễm ra môi trường, mà điều này thì chỉ ngành du lịch không thể quản được.
Theo ông Trần Thái Do - chủ Khách sạn Silk Sense Hội An, chỉ riêng chuyện đưa khách ngoại tỉnh vào Hội An, doanh nghiệp không thể yêu cầu phương tiện vận chuyển của đối tác phải đảm bảo yếu tố xanh, trừ khi mọi người cùng ý thức đi theo xu hướng này hoặc nếu không thực hiện sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp đối tác.
Theo ông Trần Thái Do, doanh nghiệp vận tải nếu muốn tồn tại phải thích ứng chuyển sang phương tiện vận chuyển xanh. Thực hiện được điều này, vai trò của nhà nước rất quan trọng trong việc tác động, điều phối các dịch vụ cung cấp, để doanh nghiệp có nhiều lựa chọn và những đơn vị đối tác sẽ phải tự động chuyển đổi phù hợp.
Quảng Nam trở thành địa phương tiên phong trong cả nước theo đuổi mục tiêu “du lịch xanh”. Dù vậy, khái niệm “xanh” dường như còn bó hẹp trong những thứ dễ nhìn thấy như không gian xanh, vật liệu thân thiện môi trường…
Ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Quảng Nam nhìn nhận, phát triển du lịch xanh liên quan đến nhiều ngành nghề xã hội, trong đó ngành giao thông vận tải là một mắt xích. “Xanh” không phải chỉ ở phương tiện vận chuyển mà còn ở con người, hạ tầng, chất lượng dịch vụ… Đơn cử, khách xuống sân bay, ngoài phương tiện đưa đón đảm bảo tiêu chí khí phát thải, trên hành trình vận chuyển việc ứng xử, giao tiếp của tài xế có văn minh; hạ tầng giao thông có đảm bảo sự thỏa mái cho du khách...
Trong khi ngành du lịch hiện mới tập trung vào nội bộ ngành với các tiêu chí về điểm đến, lữ hành, lưu trú…, nên cần có sự đồng bộ cho mục tiêu này. Bởi du lịch là sự kết nối mọi lĩnh vực đời sống xã hội, do đó cần có sự liên kết, kết nối xung quanh.
Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, xây dựng điểm đến du lịch xanh hiện mới chỉ là khởi đầu, dù vậy nếu “xanh” không đồng bộ sẽ dẫn tới khập khiễng. Phát triển xanh còn liên quan đến lợi ích kinh tế, vì vậy chuyển đổi nhận thức, dung hòa lợi ích doanh nghiệp cũng sẽ là thách thức lớn, do đó doanh nghiệp luôn phải là thành phần, nhân tố tiên phong.
[VIDEO] - Bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa Văn phòng UNESCO tại Hà Nội:
Bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng ban Văn hóa Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nói, cùng hướng tới mục tiêu chung là điểm đến xanh, vai trò của nhà nước trong điều hành quản lý, điều tiết các ngành liên quan rất quan. Ngành du lịch chủ đạo nhưng các ngành khác phải rà soát lại chính sách của mình có đi theo đúng hướng, và cũng cần hiểu rằng, phát triển xanh đem lại lợi ích cho tất cả các bên chứ không phải câu chuyện của riêng ngành du lịch hay du khách.
Phát triển du lịch xanh không phải ngẫu nhiên mà cần được xác định ngay từ đầu. Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, với nghĩa rộng, du lịch xanh mang hàm ý vĩ mô, gắn với tư tưởng phát triển của cả ngành du lịch, hướng tới thúc đẩy hình thành nền kinh tế xanh.
Để làm được điều này, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm yêu cầu cả về kinh tế, xã hội, môi trường, trong đó đặc biệt chú trọng tới các giải pháp về hoàn thiện thế chế, cơ chế, chính sách, quy định quản lý về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh ở cả cấp trung ương và địa phương.
Đặc biệt, nghiên cứu, xây dựng và ban hành các mô hình, quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh áp dụng trên phạm vi cấp ngành, vùng, địa phương và cho từng khu, điểm du lịch cụ thể. Có cơ chế, chính sách thích hợp giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường bền vững trong quá trình phát triển du lịch.
Du lịch xanh bao gồm 2 nghĩa hẹp và rộng. Theo nghĩa hẹp, du lịch xanh gắn với hoạt động của các doanh nghiệp và tổ chức du lịch trong nỗ lực xây dựng sản phẩm du lịch xanh như hình thành các tour xanh, khách sạn xanh, nghỉ dưỡng xanh, vận tải xanh và điểm đến du lịch xanh…
Theo nghĩa rộng, du lịch xanh phải đáp ứng được đồng thời 3 mục tiêu gồm, tăng trưởng du lịch nhanh, ổn định, bảo đảm chất lượng, hiệu quả; bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch.
Nhiều chuyên gia khẳng định, với du lịch xanh, câu chuyện mới chỉ bắt đầu. Điều này không chỉ đúng với Quảng Nam mà rộng ra cả nước. Phát triển du lịch xanh không phải sự ngẫu nhiên mà cần được xác định ngay từ ý tưởng.
Ông Trần Thái Do - chủ khách sạn Silk Sense Hội An kể, để xây dựng Silk Sense, ngay từ khâu thiết kế ông đã xác lập mô hình sinh thái.
Năm 2016 Silk Sense được xây dựng theo tiêu chí thân thiện môi trường (lúc đó chưa dùng chữ “xanh”) như bố trí mật độ xây dựng thấp (30%), còn lại là không gian cây xanh thoáng mát. Vật liệu xây dựng chỉ sử dụng gạch không nung khí chưng áp AAC (thay vì gạch đỏ truyền thống phải dùng đất sét, than, nhiệt ảnh hưởng môi trường).
Silk Sense dùng hệ thống điều hòa trung tâm Inverter VRV4 Hot Water với giàn nóng không thải nhiệt ra không khí mà quay lại hệ thống nước, giúp đun nóng phục vụ sinh hoạt cho khách, tái sử dụng khí thải tuần hoàn. Riêng hồ bơi được xử lý lọc bằng muối khoáng thay vì clo, được khử trùng bằng ozone thay cho hóa chất…
“Chi phí cho vật liệu, trang thiết bị đáp ứng tiêu chí thân thiện môi trường luôn cao giá, tốn kém hơn các thiết bị thông thường, nhưng chúng tôi xác định phân khúc riêng cho sản phẩm lưu trú của mình, hướng tới những đối tượng khách cao cấp” - ông Do chia sẻ.
[VIDEO] - Bà Vũ Thị Mỹ Hạnh – Tổ chức Green Youth Collective:
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định, du lịch xanh hàm chứa nhiều vấn đề, từ bảo tồn phát huy tối đa các giá trị văn hóa, thiên nhiên, danh lam thắng cảnh đến an ninh an toàn, phát triển bền vững, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng… Vì vậy, phát triển du lịch xanh phải có lộ trình thời gian, không phải là câu chuyện sớm chiều; gắn với đó là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của du khách, doanh nghiệp và người dân.
Du lịch xanh bao trùm nhiều yếu tố chứ không chỉ là màu xanhcủa cảnh quan. Đó là an ninh, an toàn, môi trường thân thiện, giá cả phải chăng, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên cũng phải bền vững, các di sản văn hóa phải được bảo tồn đi đôi với phát huy, trùng tu tôn tạo… tất cả phải đồng bộ.
Ngày 26.3.2022, Sở VH-TT&DL phối hợp Hiệp hội Du lịch Quảng Nam công bố Bộ tiêu chí du lịch xanh với 6 bộ tiêu chí dành cho các loại hình: khách sạn (9 chủ đề), homestay (10 chủ đề), khu nghỉ dưỡng (10 chủ đề), doanh nghiệp lữ hành (5 chủ đề), điểm du lịch dựa vào cộng đồng (9 chủ đề) và điểm tham quan (11 chủ đề).
Tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam được chia thành các chủ đề bền vững chính, mỗi chủ đề bao gồm một số tiêu chí được chỉ định, đi cùng với các chỉ số để đo lường, định lượng.