(QNO) - Sức hấp dẫn của điểm đến không chỉ là sản phẩm du lịch mà còn phụ thuộc vào những dịch vụ bổ trợ, đặc biệt là các hoạt động về đêm nhằm lưu giữ khách ở lại lâu hơn.
Tháng 6/2022, lần thứ hai Lễ hội Âm nhạc và ẩm thực biển An Bàng được ông Lê Ngọc Thuận – chủ nhà hàng Deckhouse (Hội An) đứng ra tổ chức. Hiệu quả mang lại ngoài mong đợi khi hàng nghìn lượt khách đã đến tham gia, hưởng ứng, phần lớn người nước ngoài. Sự kiện lúc bấy giờ được giới lữ hành và du khách đánh giá là một trong số ít hoạt động giải trí nổi bật về đêm ở Hội An, Quảng Nam có sức hút và lan truyền mạnh mẽ.
Ông Lê Ngọc Thuận lúc đó cho rằng, ông không bất ngờ bởi nhu cầu vui chơi giải trí của du khách luôn có, chỉ cần một sân chơi phù hợp khách sẽ tự tìm đến. Từ thành công trên, ông Thuận ấp ủ kế hoạch tiếp tục tổ chức lễ hội theo định kỳ nhằm tạo ra sân chơi thường xuyên và lớn hơn, kể cả kết hợp nhiều chương trình âm nhạc trong nước và quốc tế.
“Hội An rất thiếu điểm giải trí về đêm nên khi có sân chơi phù hợp khách tức khắc tìm về” - ông Thuận phân tích.
Kinh tế đêm là điều không mới ở một số thành phố lớn Việt Nam cũng như trên thế giới. Thậm chí, tại các nước trong khu vực có du lịch phát triển hoạt động vui chơi, giải trí về đêm đã diễn ra từ rất lâu với những khu phố sáng đèn phục vụ mọi nhu cầu. Du khách có thể an toàn vui chơi thoải mái với sự bảo vệ, can thiệp kịp thời của lực lượng cảnh sát du lịch.
Nhưng với Quảng Nam, nhất là TP.Hội An – nơi tập trung lượng lớn khách du lịch hầu như vắng các hoạt động kinh tế đêm hoặc diễn ra manh mún. Từ vài năm trước, một số hoạt động về đêm cũng được địa phương và các doanh nghiệp đầu tư tổ chức như tuyến phố ẩm thực đường Công Nữ Ngọc Hoa, Nguyễn Phúc Chu, chợ đêm Nguyễn Hoàng, các chương trình nghệ thuật tại Công viên Đồng Hiệp, Đảo Ký ức Hội An… nhưng thời gian tổ chức hầu hết trong phạm vi hẹp và kết thúc trước 12 giờ khuya.
[VIDEO] - Các hoạt động diễn ra tại bãi biển An Bàng:
“Điểm yếu” của du lịch Quảng Nam hiện nay chính là thiếu sản phẩm về đêm, trong khi hơn 50% thị trường khách du lịch Quảng Nam đến từ châu Âu – Bắc Mỹ (nơi có múi giờ trái với Việt Nam) khiến ngành du lịch mới khai thác được 50% tiềm năng và khả năng chi tiêu, mua sắm của khách vào ban ngày, hoạt động về đêm của du khách hầu như bị bỏ ngỏ.
Ông Nguyễn Sơn Thủy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, nguyên nhân cơ bản do những hạn chế về cơ chế, chính sách liên quan tới trật tự, an ninh, an toàn… Điều này dễ hiểu vì kinh tế đêm diễn ra xuyên suốt đến sáng, đòi hỏi an ninh, an toàn phải đảm bảo.
Đến nay, tại một số địa phương dọc tuyến đường ven biển qua Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên… dù được đánh giá có tiềm năng phát triển kinh tế đêm vì nằm độc lập, xa khu dân cư không gây ồn ào ảnh hưởng đến người dân. Đặc biệt, tập trung nhiều dự án lớn với số lượng khách du lịch đông, nhu cầu vui chơi, giải trí cao, nhưng hiện vẫn chưa có điểm vui chơi giải trí về đêm đúng nghĩa.
Hội An là một trong những trung tâm du lịch được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau nhằm tận dụng tối đa thời gian, tạo thêm những cơ hội mới cho tăng trưởng, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, giúp phục vụ tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần người dân, người nước ngoài, nhất là khách du lịch.
Thực tế, sau khi Chính phủ có đề án phát triển kinh tế đêm, UBND tỉnh cũng đã giao Sở KH-ĐT xây dựng phương án để cùng các cơ quan liên quan triển khai thực hiện. Trong đó, một số khu vực tại Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên được xem là có tiềm năng và cơ hội tốt phát triển loại hình kinh tế này.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP.Hội An, thời điểm hiện tại Hội An đã quy hoạch xong một số khu vực kinh tế đêm tại An Bàng (Cẩm An), Casamia (Cẩm Thanh), khu đô thị Thanh Hà nhưng do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 nên tiến độ triển khai các khu kinh tế đêm bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, thành phố cũng quy hoạch xong các khu vui chơi, mua sắm tại một số vị trí trên địa bàn nhưng việc kêu gọi nhà đầu tư khó khăn do những thủ tục, quy định đầu tư phức tạp khiến doanh nghiệp không mặn mà.
“Thành phố đang rất thiếu điểm vui chơi về đêm do nhiều nhà hàng, điểm giải trí nằm trong khu dân cư không thể mở cửa quá 12 giờ khuya. Chưa kể, việc đầu tư sản phẩm dịch vụ ban đêm chủ yếu do doanh nghiệp, người dân chủ động, nhà nước chỉ hỗ trợ hạ tầng, cơ chế... nên không đơn giản” - ông Sơn chia sẻ.
Đặc biệt, thành phố sẽ không can thiệp vào sản phẩm đêm, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trong kinh doanh, cái nào địa phương cho hoạt động suốt đêm thì doanh nghiệp phải có cơ chế bảo vệ an ninh, tiếng ồn, không vi phạm các quy định của pháp luật, không ảnh hưởng thuần phong mỹ tục dân tộc cũng như văn hóa Hội An.
Thời gian qua, Hội An và một số địa phương khác của tỉnh cũng phát triển kinh tế đêm nhưng hầu hết manh mún, chưa được rõ nét do bị giới hạn về thời gian, chưa kể sản phẩm hoạt động ban đêm và ban ngày giống nhau, trong khi địa phương, doanh nghiệp chọn lựa loại hình kinh tế đêm phù hợp.
Ông Lê Tấn Thanh Tùng - Giám đốc Vitraco Tour (Đà Nẵng) cho rằng, phát triển kinh tế đêm là cần thiết, bởi hầu hết địa phương của Quảng Nam đã khai thác hết mức nhu cầu của khách vào ban ngày, các hoạt động kinh tế, giải trí đêm hầu như ít có mô hình nào sôi nổi, trừ một vài điểm tại vùng lõi của phố cổ Hội An nhưng cũng chủ yếu được tổ chức dưới các hình thức như ăn uống, dạo đêm, tụ điểm ca nhạc... quy mô rất nhỏ chưa trở thành sản phẩm độc đáo.
Đặc biệt, ít hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí tạo được thương hiệu, ấn tượng mạnh thu hút sự quan tâm của du khách, do đó cần xây dựng lại mô hình kinh tế đêm bài bản, có quy hoạch khu vực, có chính sách kêu gọi, thu hút đầu tư đồng bộ.
Cũng theo ông Lê Tấn Thanh Tùng, kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, khu vực kinh tế đêm thường được quy hoạch gần sông hoặc gần biển, không nằm quá xa trung tâm, thậm chí ở khu vực trung tâm nhưng hạn chế gần khu dân cư. Khi làm được điều này, hiệu quả đầu tiên của kinh tế đêm chính là doanh thu, tạo sinh kế tương xứng cho lao động địa phương.
[VIDEO] - Hội An đang phát triển các loại hình dịch vụ ban đêm để phục vụ khách du lịch:
Nhiều ý kiến doanh nghiệp phân tích, chỉ cần tạo cơ chế, quy định cụ thể và đồng nhất từ các cấp ngành liên quan hoạt động kinh tế đêm Quảng Nam sẽ phát triển, bởi không chỉ các mô hình vui chơi, giải trí về đêm bị ràng buộc, một số loại hình dịch vụ, buôn bán về đêm cũng khó triển khai thông suốt. Ví dụ điển hình mới đây, tại thị xã Điện Bàn, các doanh nghiệp không thể tổ chức hoạt động chợ đêm dân sinh và du lịch do chưa có văn bản pháp luật cho phép.
Theo ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Quảng Nam rất có dư địa để phát triển kinh tế đêm, vấn đề hiện nay là thúc đẩy hiện thức hóa các quy hoạch cũng như kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư.
Trong giai đoạn trước mắt, hoạt động kinh tế đêm có thể khởi nguồn từ việc xây dựng các khu phố kết nối Hội An, Điện Bàn và Đà Nẵng theo trục ven biển, trong đó lấy khu An Bàng làm trung tâm với các hoạt động văn hóa, ẩm thực có biểu diễn tạp kỹ.
Đồng thời, cần thiết sớm quy hoạch hoặc xây dựng những khu phố mới chạy dọc ven biển, phát triển thành khu phố đi bộ với các trung tâm mua sắm, cửa hàng bán đặc sản địa phương xem kẽ với các khu vui chơi giải trí.
Trong tương lai gần có thể phát triển từ khu vực phía nam cầu Cửa Đại, trong đó lấy khu Nam Hội An, mà trung tâm là khu nghỉ dưỡng Hoiana làm điểm nhấn, phát triển lan tỏa dọc theo trục đường về Hội An và về phía khu du lịch Vinpearland Nam Hội An.
Xa hơn là khu vực biển Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) và khu vực Tam Tiến, Tam Hải (Núi Thành) có thể phát triển thành những thiên đường nghỉ dưỡng kết hợp hoạt động du lịch biển, biến những nơi này thành “thiên đường của những tuần trăng mật”, nơi yếu tố thiên nhiên, riêng tư và tĩnh lặng được xem là ưu tiên hàng đầu cho loại hình nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa ý tưởng này sẽ cần nhiều yếu tố và thời gian, kể cả việc kêu gọi nhà đầu tư. Hiện tại, Quảng Nam cũng đang xây dựng các chiến lược liên kết, đồng bộ, hệ thống giữa các ngành và các vùng của tỉnh, tập trung khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng nhằm phát huy tiềm năng lợi thế địa phương.