(QNO) - Nghị định 45 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25.8, theo lộ trình thực hiện, chế tài xử phạt hành vi vi phạm phân loại rác sẽ được áp dụng như quy định.Chế tài này một lần nữa thu hút sự quan tâm của cộng đồng khi thực tế, các điều kiện để đảm bảo thực hiện, xử lý vi phạm về phân loại rác vẫn chưa mấy cải thiện. Vậy trên địa bàn Quảng Nam các điều kiện này thực tế ra sao? Ngành chuyên môn và cả người dân phải chuẩn bị những gì để có thể khởi động lộ trình thực hiện quy định pháp luật về phân loại rác?
Quy trình phân loại, thu gom, tập kết đến nơi xử lý các loại rác thải khá gọn nhẹ, đồng bộ; tuy nhiên, trên thực tế lượng lớn rác phát thải là rác sinh hoạt và câu chuyện thu gom cũng vì thế phức tạp, gian nan hơn nhiều…
"Đường đi" của rác thải nguy hại
Không quá hai ngày, xe của Công ty TNHH Xử lý môi trường Quảng Nam lại có mặt ở khu chứa rác thải bệnh viện đa khoa tỉnh. Rác được tập kết trong các thùng nhựa, đóng nắp. Cửa phòng đóng kín, chỉ mở khi nhân viên của bệnh viện đưa rác đến tập kết và lúc xe của đơn vị đến đưa đi thu gom.
Anh Trần Ngọc Mẫn có 6 năm làm công nhân thu gom rác thải nguy hại của đơn vị này. Trước đó, Mẫn cũng làm công việc thu gom rác, nhưng là rác sinh hoạt ở một đơn vị khác. Cửa phòng tập kết rác được mở, Mẫn chỉ việc mở nắp thùng rác, dùng gậy dồn chặt rác xuống các thùng để tiết kiệm diện tích thùng chứa, sau đó đưa lên xe.
Ông Nguyễn Đình Ngữ - Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật (Công ty TNHH MTV Xử lý môi trường Quảng Nam) cho biết, rác thải y tế trong khuôn viên các bệnh viện, trung tâm y tế hiện nay là nguồn rác thải nguy hại phổ biến nhất. Kế đến là một số loại rác thải ở các nhà máy, xưởng sản xuất, nằm trong danh mục được quy định là rác thải nguy hại.
Từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, xe thu gom chở rác thẳng về bãi rác Tam Xuân (Núi Thành), nơi đặt lò đốt xử lý rác thải nguy hại của đơn vị. Ông Nguyễn Long Ái - Giám sát vận hành lò đốt chất thải nguy hại cho hay, quy trình xử lý rác được quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo chất lượng xử lý. Công ty buộc phải kiểm tra chung về thiết bị, kiểm tra phân loại rác trước khi đốt để đảm bảo không lẫn lộn rác thải công nghiệp và rác thải y tế.
"Thường thì thời điểm thu gom đã được sắp xếp cụ thể, chúng tôi sẽ xử lý rác thải y tế vào thời điểm riêng, rác thải công nghiệp riêng. Một số loại rác thải không được đốt cũng đã được quy định và có quy trình xử lý khác biệt như chất thải phóng xạ, dễ nổ, chất thải có nhựa PVC, có chứa thủy ngân, chì hay một số chất độc... Lò đốt chất thải nguy hại này có công suất 200kg/giờ, được giám sát chặt chẽ suốt quá trình hoạt động từ khi nạp rác đến lúc kết thúc hoàn toàn một chu trình đốt" - ông Ái nói.
[VIDEO] - Quy trình xử lý rác thải nguy hại từ công đoạn thu gom ở bệnh viện, vận chuyển rồi đưa vào lò đốt công nghiệp:
Áp lực phân loại rác tại nguồn
Nếu như thu gom rác thải nguy hại được đảm bảo bởi một quy trình nghiêm ngặt, phân loại và xử lý bằng cách đốt, thì "đường đi" của rác thải sinh hoạt gian nan hơn nhiều. Một số mô hình phân loại rác thải sinh tại nguồn được triển khai tại một vài địa phương hiện nay, nếu hiệu quả thì chủ yếu về mặt tuyên truyền. Xe thu gom trộn chung các loại rác hay đổ lộn xộn tại bãi xử lý..., là hình ảnh kết thúc những nỗ lực phân loại rác tại nguồn nhưng không thể khác hơn, bởi hạ tầng xử lý chưa được đầu tư để đáp ứng nỗ lực này.
Trên địa bàn tỉnh, lượng rác thải sinh hoạt ước tính mỗi ngày phát sinh hàng nghìn tấn nhưng hiện tại việc phân loại chỉ... "triển khai mẫu" và xử lý chủ yếu bằng cách chôn lấp ở các bãi rác. Theo ghi nhận của phóng viên tại một số địa bàn, việc thu gom rác được thực hiện định kỳ, trong đó có một số khu dân cư được thu gom với tần suất 3, 4 chuyến/tuần.
Nhiều người dân vẫn có thói quen tập kết rác không đúng nơi quy định, và hầu như chưa thực hiện việc phân loại rác. Tại nhiều tuyến phố, vẫn chỉ thấy bố trí một thùng rác dùng chung, chưa có thùng rác riêng biệt để đảm bảo cho việc phân loại, ngoại trừ một số cơ quan, đơn vị tự trang bị các thùng rác phục vụ việc phân loại từ nguồn.
Không chỉ “bất lực” trong câu chuyện phân loại rác tại nguồn, quy trình thu gom của đơn vị xử lý cũng ít nhiều gây bức xúc cho người dân. Theo quan sát, bên cạnh các xe chuyên dụng, công ty môi trường đô thị sử dụng một số xe thu gom loại nhỏ, nhân viên thu gom đi theo các xe này gần như không đủ thời gian để đặt để lại thùng rác của người dân về vị trí cũ mà thường xuyên phải “chạy đua” theo xe.
Anh B.Q.T, người dân ở phường Trường Xuân (TP.Tam Kỳ) cho hay, nhân viên thu gom thường xuyên ném thùng rác từ trên xe xuống vỉa hè, làm hư hỏng thùng rác, rơi vãi rác xuống đường. Không chỉ gây mất mỹ quan, chưa đảm bảo vệ sinh, “thái độ” của những nhân viên thu gom cũng khiến nhiều người dân không mấy hài lòng.
Nhiều người kỳ vọng, với lượng rác thải sinh hoạt khổng lồ thải ra môi trường hiện nay, nếu được “ứng xử” khoa học và bài bản như cách xử lý rác thải nguy hại, không chỉ giảm bớt áp lực cho đơn vị thu gom, xử lý, mà còn là cách hữu hiệu để tái sử dụng các nguồn tài nguyên từ tái chế rác.
Nghị định 45 có hiệu lực vào ngày 25.8 tới, hình thành một chế tài mới trong quản lý, nhưng so chiếu với những động thái từ thực tiễn, lộ trình thực hiện các quy định về thu gom, xử lý rác thải có thể sẽ dài thêm…
Nhiều bãi rác thải sinh hoạt trên địa bàn Quảng Nam quá tải, sử dụng công nghệ chôn lấp lạc hậu... khiến chính quyền lẫn người dân không mấy an tâm về đảm bảo môi trường. Trong khi đó, hình thức xử lý bằng lò đốt, hay tái chế rác mới ở giai đoạn “chạy thử”, đã đặt ra không ít băn khoăn về chuyện lựa chọn công nghệ xử lý rác hiện nay.
Lo tái diễn sự cố môi trường
Từ ngày 1.7.2022, khu xử lý rác thải Đại Hiệp (Đại Lộc) đã dừng hoạt động, nên hiện rác thải sinh hoạt của huyện Đại Lộc, Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn đang được xử lý tại Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam (công suất 300 tấn/ngày đêm, do liên danh Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland, Công ty CP Phát triển sản xuất và xuất nhập khẩu Huy Hoàng và Công ty CP Môi trường Huy Hoàng Eco làm chủ đầu tư).
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, nhà máy này nhận rác chuyển đến từ các địa phương nhưng đang ở giai đoạn chạy thử máy móc. Do chưa chính thức vận hành lò đốt, nên Sở TN-MT đề nghị, nhà đầu tư tiếp tục nhận xử lý rác thải nhưng giảm khối lượng tiếp nhận để xử lý bằng dây chuyền công nghệ khí hóa dự phòng công suất 100 tấn/ngày trong thời gian hoàn thiện dự án.
Nhằm đảm bảo an toàn cho khu chứa và xử lý rác thải Đại Hiệp đã quá tải, tỉnh thống nhất chủ trương dừng việc vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn các huyện Duy Xuyên và thị xã Điện Bàn về để xử lý chôn lấp tại đây kể từ giữa tháng 5.2022.
Nỗi lo của người dân hiện nay là sợ tái diễn sự cố môi trường tại khu xử lý rác Đại Hiệp. Trước đó, một đoạn thân đê bao tại khu xử lý rác thải Đại Hiệp bị quá tải và vỡ gây ra sự cố môi trường. Vì vậy, UBND tỉnh yêu cầu Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam khẩn trương hoàn thiện việc gia cố đoạn thân đê bao bị vỡ; khắc phục kịp thời, đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão năm 2022.
Tại khu xử lý rác Tam Xuân 2 (Núi Thành), từ năm 2019 cũng xảy ra sự cố rò rỉ nước thải ra môi trường và bốc mùi hôi ra khu dân cư. Bãi rác thải Tam Xuân 2 đưa vào hoạt động vào năm 2004, do Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam trực tiếp vận hành, đã xuống cấp, quá tải. Theo chính quyền huyện Núi Thành, vài năm gần đây không còn xảy ra sự cố môi trường, nhưng bãi rác trong tình trạng quá tải, lại bằng hình thức chôn lấp, nên không thể không lo lắng về hệ lụy ô nhiễm lâu dài.
Ưu tiên công nghệ đốt
Quảng Nam đầu tư dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt (xã Cẩm Hà, TP.Hội An) và dự án nhà máy phân loại, tái chế và xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Trà My (Bắc Trà My) nhưng tiến độ thực hiện 2 dự án này rất chậm. Thậm chí, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam nhận rác xử lý của 3 địa phương Đại Lộc, Duy Xuyên và Điện Bàn từ ngày 2.7.2022, nhưng đến nay vẫn chưa chính thức vận hành lò đốt.
Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam vận hành theo công nghệ tổ hợp (có thu hồi các thành phần có giá trị trong chất thải rắn sinh hoạt và sau xử lý để tái sử dụng, tái chế) nhưng chủ yếu vẫn là công nghệ đốt. Ưu điểm của công nghệ này là không phát tán nước rỉ rác, mùi ô nhiễm ra môi trường chung quanh.
Nghị quyết số 09 ngày 27.12.2016 của Tỉnh ủy về quản lý bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 xác định “hạn chế sử dụng xử lý chôn lấp và chuyển sang công nghệ đốt chất thải”.
Ông Nguyễn Thanh Dũng – Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam cho biết, hình thức lò đốt rác thải công nghiệp mới ở giai đoạn kêu gọi đầu tư, lâu nay các địa phương trong tỉnh chủ yếu dùng hình thức chôn lấp rác thải sinh hoạt.
“Công nghệ lò đốt rác thải sẽ xử lý môi trường tốt hơn hình thức chôn lấp như hiện nay, nhưng do chi phí đầu tư lớn, chi phí đốt thời điểm này là 400 nghìn đồng/tấn, trong khi chôn lấp chỉ tốn 100 nghìn/tấn rác” – ông Dũng so sánh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Thuận - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) cho hay, chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được xử lý bằng 3 hình thức là chôn lấp, đốt và chế biến phân hữu cơ, trong đó phương pháp chôn lấp là chủ yếu. Bãi rác Tam Xuân 2 và Đại Hiệp xử lý theo công nghệ chôn lấp, gần đây công tác xử lý rác thải cơ bản ổn định, nhân dân không có ý kiến.
“Đối với khu vực phía nam của tỉnh, sẽ đầu tư khu liên hợp xử lý rác thải kết hợp các công nghệ. Hiện nay, trong giai đoạn đầu đang xúc tiến đầu tư hợp phần xử lý rác thải bằng công nghệ chôn lấp và thu hút đầu tư hợp phần xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến” – ông Thuận nói.
Đầu tư xây dựng nhà máy xử lý sau khi phân loại rác tại nguồn là vấn đề cấp thiết để đáp ứng yêu cầu thực hiện các quy định về xử lý rác thải.
Thực hiện theo quy định mới
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân chia thành 3 loại, gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Bà Nguyễn Hoàng Yến – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) cho biết, ngành chức năng khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái chế, tái sử dụng. Chất thải thực phẩm không dùng làm phân bón phải được chuyển giao cho cơ quan chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý.
Chất thải sau khi phân loại phải được chứa, đựng trong bao bì để tiện thu gom, vận chuyển, xử lý. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, tổ chức xử lý rác có quyền từ chối thu gom, đồng thời thông báo cho ngành môi trường kiểm tra, xử phạt theo quy định.
Theo bà Yến, quy định tại điều 26, Nghị định 45 của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường” có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25.8, theo lộ trình thực hiện, chế tài phạt tiền đối với hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, tổ chức, cơ sở kinh doanh không phân loại chất thải rắn sinh hoạt sẽ được áp dụng trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thanh Dũng - Phó Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam cho rằng, Nghị định 45 ra đời, có hiệu lực là rất cấp thiết vì phân loại rác tại nguồn là cơ sở đầu tiên để xử lý rác hiệu quả hơn. Hiện nay, doanh nghiệp đảm nhiệm việc vận chuyển, xử lý rác thải ở các địa phương Phú Ninh, Tiên Phước, Hiệp Đức, Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ với lượng rác hơn 40.000 tấn/quý. Rác sau khi được thu gom, vận chuyển về chôn lấp ở bãi rác Tam Xuân 2.
“Hiện nay chúng tôi chỉ sử dụng một loại xe chuyên chở rác thải. Khi Nghị định 45 đi vào đời sống, chúng tôi sẽ thay đổi phương tiện vận chuyển rác cho phù hợp với từng loại sau khi đã phân loại rác tại nguồn” - ông Dũng nói.
Chuyển động trong thu hút đầu tư
Vấn đề “đau đầu” lâu nay là thiếu "nhà" cho rác đã từng bước được giải quyết khi nhiều dự án nhà máy xử lý rác thải được triển khai. Ở huyện Đại Lộc, sau khi UBND tỉnh có quyết định chủ trương đầu tư, năm 2020, liên danh Công ty CP Đầu tư & phát triển đô thị TDH Ecoland, Công ty CP Phát triển xản xuất & xuất nhập khẩu Huy Hoàng, Công ty CP Môi trường Huy Hoàng Eco đã đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) với diện tích hơn 37.000m2, vốn hơn 500 tỷ đồng; xử lý 300 tấn rác thải sinh hoạt/ngày đêm.Ở TP.Hội An, bãi rác duy nhất ở xã Cẩm Hà đã đóng cửa do quá tải. Nhà máy xử lý rác thải làm phân compost tại xã Cẩm Hà với công suất 55 tấn/ngày đêm, hoạt động cầm chừng.
Ông Vương Quốc Hòa - Trưởng phòng TN-MT TP.Hội An cho biết, lượng rác thải ra địa bàn khá lớn với 100 tấn mỗi ngày. Để giải quyết triệt để các vấn đề về rác thải, Hội An đang thu hút đầu tư dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 120 tấn/ngày đêm. Khi đi vào hoạt động, sẽ xử lý hoàn toàn lượng rác thải, trả lại cảnh quan cho bãi rác Cẩm Hà.
“Chuyển hóa rác thành năng lượng, tái chế rác thải hữu cơ kỳ vọng sẽ hiệu quả. Đó là các giải pháp lý tưởng cho vấn đề xử lý rác thải thành điện năng, giúp giảm thiểu diện tích chôn lấp và giảm phát thải khí nhà kính” - ông Hòa nói.
Nhìn nhận ở khoảng trống đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý rác, bà Lê Thị Ánh Nguyệt - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho rằng, trong điều kiện hạ tầng, cơ sở vật chất, phương tiện xử lý rác thải chưa đáp ứng thì việc tuyên truyền, vận động chưa phát huy hiệu quả mong đợi. Thực tế bây giờ, người dân muốn phân loại rác tại nguồn cũng rất khó vì không có nơi để xử lý.
Quảng Nam đang thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải ở phía nam của tỉnh. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được ưu đãi, hỗ trợ về thuê đất, thuê mặt nước, các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, xuất khẩu. Nếu dự án được đầu tư, kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng chôn lấp hoặc tái chế túi nylon sơ sài như thời gian qua,