[eMagazine] - Khu kinh tế mở Chu Lai: 20 năm, hoa nở trên cát…

LÊ VĂN – HÀ QUANG – DIỄM LỆ 16/01/2023 15:43

Hai mươi năm, Quảng Nam đã hiện thực hóa giấc mơ về một khu kinh tế mở mang tên Chu Lai. Từ một vùng đất bời bời cát trắng, loang lổ đạn bom sau chiến tranh, Khu kinh tế mở Chu Lai bây giờ đã hồi sinh mãnh liệt. Vùng đất cằn cỗi một thời đã nở hoa, nổi danh bởi thương hiệu ô tô quốc gia trên đất Quảng và chuyển mình kỳ lạ từ lúc sáng suốt lựa chọn con đường công nghiệp làm bệ phóng phát triển.

 
 

Hàng nghìn hộ dân với hàng nghìn héc ta đất ở Tam Hiệp đã "đổi thay số phận" ngay từ buổi đầu hình thành Khu kinh tế mở Chu Lai, hẳn là chặng hành trình đáng nhắc nhớ với nhiều người.

Đời sống mới...

Xã Tam Hiệp (Núi Thành) được xem là trung tâm của Khu kinh tế mở Chu Lai với nhiều dự án động lực. Đặc biệt, tổ hợp dự án sản xuất và lắp ráp ô tô của Trường Hải đặt chân trên đất Tam Hiệp được ví như một trang trại khổng lồ trên cát; hàng nghìn người đang miệt mài với cánh đồng công nghiệp đang mùa.

Diện mạo của mảnh đất - con người Tam Hiệp sau 20 năm hòa cùng nhịp điệu phát triển của Khu kinh tế mở Chu Lai, đã đổi thay theo hướng "góc cạnh" hơn bởi môi trường sống và hạ tầng công nghiệp.

Ông Huỳnh Văn Giới, cư dân của khu tái định cư (TĐC) Chợ Trạm (thôn Sơn Nam, xã Tam Hiệp) kể về đời sống hiện tại với những cái được khi so sánh với nơi ở cũ cách đây hơn 20 năm, nhất là hạ tầng, giá trị đất đai, và một tiệm tạp hóa nhỏ ông lấy làm sinh kế nhàn nhã tuổi già.

Để xã Tam Hiệp có diện mạo mới về hạ tầng như ngày nay, trước đây nhiều người dân địa phương đồng thuận chủ trương, nhường đất để giải tỏa mặt bằng.
Để xã Tam Hiệp có diện mạo mới về hạ tầng như ngày nay, trước đây nhiều người dân địa phương đồng thuận chủ trương, nhường đất để giải tỏa mặt bằng.

Khu TĐC Chợ Trạm hình thành năm 2005, ông Giới vào đây xây nhà sau khi nhường 400m2 đất và nhà ở để xây dựng các dự án công nghiệp. Ông nói: "Tôi là thương binh nên được ưu tiên chọn đất, tiền mua đất cũng được giảm đến 90% nên khoản tiền bồi thường đất và nhà ở đủ để làm lại nhà. Hồi mới xuống xung quanh đây vắng tanh, giờ đường sá mở thêm ra, thuận lợi giao thông mà việc buôn bán cũng có nhiều cơ hội".

Khu TĐC Chợ Trạm có khoảng 300 hộ dân sinh sống. Giống như nhiều khu TĐC hình thành sau khi Khu kinh tế mở Chu Lai ra đời, đó chủ yếu là những hộ nông dân... bỗng dưng trở thành thị dân, mà cách đây đã gần 20 năm rồi, thì sự ngỡ ngàng và cả vướng víu, chật vật nữa, là khó tránh khỏi!

Vì lợi ích chung 

Thời điểm những khu TĐC như Chợ Trạm hình thành, ông Trương Văn Nguơn đang là Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, nhưng ông cho biết công tác giải phóng mặt bằng đã triển khai từ trước khi công bố quyết định thành lập khu kinh tế mở.

Cụ thể là tại Tam Hiệp lúc đó, đã giải phóng mặt bằng khoảng 5ha để đón đầu dự án. Và một đợt di dời lớn để tạo mặt bằng cho dự án sản xuất và lắp ráp ô tô là với khoảng 1 nghìn hộ dân - được xem là những hộ đi đầu với những thiệt thòi bởi cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ chưa thông thoáng như sau này.

Cảng Tam Hiệp.
Cảng Tam Hiệp.

Ông Nguơn điểm lại những thiệt thòi đó, với cách diễn tả tâm tư của người từng đứng đầu chính quyền cơ sở rằng, cảm thấy "cắn rứt" vì nhiều hộ dân đã lâm vào thế chật vật, bế tắc sau khi nhường đất cho dự án. Ông nói, thứ nhất là mức bồi thường đất sản xuất quá rẻ, khoảng 5 nghìn đồng/m2, mà nhiều người từng than thở với ông rằng chỉ bằng con cá chuồn, trong khi chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, thuê nhà ở... gần như bằng không.

"Lúc đó tôi ước lượng, mỗi gia đình bị giải tỏa 5 - 6 sào đất, sau khi vào tái định cư thì tiền bồi thường chỉ xây được một căn nhà cấp 4 có gác lửng rồi hết. Sinh kế bị ảnh hưởng. Khổ sở nhất là lúc họ di dời chưa có khu TĐC, hàng nghìn hộ phải ở tạm chen chúc trong các trụ sở hợp tác xã, trường học, xí nghiệp cũ chờ đến mấy năm trời. Nhất là vào dịp tết, chúng tôi xuống thăm thiệt tình không ai cầm lòng cho đặng" - ông Nguơn nói.

Ông Giới dạo bước trong khu tái định cư Chợ Trạm.
Ông Giới dạo bước trong khu tái định cư Chợ Trạm.

Theo khảo sát riêng của xã Tam Hiệp lúc đó, có 275 hộ dân cuộc sống lâm vào cảnh bế tắc sau khi vào TĐC, bởi không có sinh kế, tiền tích lũy không có, một số đau ốm... cần hỗ trợ khẩn cấp. Sau khi khảo sát, địa phương có kiến nghị với cấp trên, nhưng vì cơ chế chung nên việc giải quyết khó khăn cho người dân không căn cơ được.

Theo ông Nguơn, bây giờ nhìn nhận lại thì việc giải phóng mặt bằng thời điểm đó là rất cần thiết, đã tạo ra sự phát triển chung cho vùng đất, và tất nhiên cũng cần ghi nhận sự hy sinh của nhiều hộ dân.

 

Ông Nguơn chia sẻ: "Kinh nghiệm về tuyên truyền vận động người dân lúc đó chúng tôi thường nói với nhau là tập trung vào những hộ nòng cốt, chứ căn bản đa số người dân đã nhận thấy được sự cần thiết phải ra đi vì lợi ích chung, mà kết quả bây giờ là minh chứng rõ nét".

Chu Lai trải qua 20 năm phát triển từ khi có khu kinh tế mở, những điều mới mẻ, tươi vui đã dần thay thế những câu chuyện cũ của nhiều người dân Tam Hiệp!

 

Đã qua rồi những tháng ngày "trông trời, trông đất, trông mây" nơi làng Thạch Tân (xã Tam Thăng, Tam Kỳ). Bởi bây giờ, người của làng đã vào nhà máy xí nghiệp, ruộng vườn chỉ là việc phụ lúc ngơi nghỉ cuối tuần.

Biết tôi có ý định ghé thăm làng Thạch Tân (xã Tam Thăng), ông Huỳnh Kim Ta - Trưởng thôn Thạch Tân vồn vã mở lời: "Nếu ghé làng thì Chủ nhật hẳn ghé. Chứ ngày thường, trừ vài nhà có người già trẻ con, còn từ đầu làng đến cuối xóm cửa đóng then cài, dân đi làm trong khu công nghiệp hết rồi".

Làng Thạch Tân nằm sát Khu công nghiệp Tam Thăng.
Làng Thạch Tân nằm sát Khu công nghiệp Tam Thăng.

Làng Thạch Tân có hơn 1.100 nhân khẩu, quá nửa số đó trong độ tuổi lao động thì đi làm việc ở nhà máy, ngoài tuổi lao động thì bán buôn, làm các dịch vụ kèm theo của khu công nghiệp... Làng chỉ rộn ràng chút buổi sáng và chiều tối.

Đã 16 năm ở vị trí Trưởng thôn Thạch Tân, ông Ta chứng kiến bao sự đổi thay của làng. Trước, Thạch Tân chỉ có người lớn tuổi và trẻ con ở nhà, người trẻ thì ngược xuôi khắp nơi để đi học, đi làm. Nghề truyền thống của làng là làm chiếu cói, và nông nghiệp. Nhưng nay đã khác, người trẻ trở về quê bởi nhiều nhà máy mọc lên.

 

[VIDEO] -Ông Huỳnh Kim Ta - Trưởng thôn Thạch Tân nói về sự thay đổi cuộc sông người dân từ khi Khu công nghiệp Tam Thăng đi vào hoạt động:

VIDEO: HỒ QUÂN

Chúng tôi ghé thăm nhà bà Võ Thị Hải và ông Trần Đình Luật gặp lúc bà Hải đang nhổ cỏ cho mấy luống hoa tết. Bà nói: "Tranh thủ ngày nghỉ, tôi làm thử mấy luống hoa, vài chục chậu cúc bán tết. Chứ ngày thường, ở suốt trong công ty, không có thời gian".

Cả gia đình bà Hải đều làm ở Panko Tam Thăng. Bà Hải nấu ăn, ông Luật làm bảo trì cơ khí, con gái làm ở bộ phận may, con rể làm nghề bảo trì điện. Mỗi người mỗi công việc, cứ 6 giờ sáng là cùng nhau ra khỏi nhà, nếu không tăng ca thì hơn 17 giờ rời công xưởng, về nhà.

Khu công nghiệp Tam Thăng.
Khu công nghiệp Tam Thăng.

Bà Hải bảo: "Hàng tháng mỗi người thu nhập 7 triệu đồng, không nhiều nhưng ổn định. Nếu không có khu công nghiệp về, thì tôi với ổng cũng chỉ làm nông đầu tắt mặt tối, con cái cũng tha hương tìm việc".

Cách nhà bà Hải vài trăm mét, căn nhà của gia đình bà Phạm Thị Hường và ông Huỳnh Kim Phụng mới xây dựng khang trang. Căn nhà cũ kế bên vẫn được giữ lại.

Bà Hường cùng gia đình đều có công việc ổn định ở khu công nghiệp.
Bà Hường cùng gia đình đều có công việc ổn định ở khu công nghiệp.

Trong Công ty Panko Tam Thăng, bà Hường nấu ăn ở nhà ăn chuyên gia Hàn Quốc, ông Phụng làm nghề bảo trì cơ khí, con trai thì làm ở bộ phận thiết kế mẫu, con dâu làm ở xưởng may. Cả nhà 4 người, cũng đóng cửa im ỉm cả tuần như nhà bà Hải và nhiều gia đình khác ở làng Thạch Tân.

Bà Hường chỉ tay sang nhiều căn nhà lân cận, mỗi nhà đều có từ 2 người trở lên làm việc ở các nhà máy trong Khu công nghiệp Tam Thăng. Và nhiều căn nhà mới đã mọc lên trong 3 năm gần đây, đều 2 tầng có khả năng phòng tránh thiên tai.

 
Căn nhà mới xây khang trang của gia đình bà Phạm Thị Hường. 

Bà Hường tỏ bày: "Vợ chồng tôi làm căn nhà này, cũng vay mượn thêm mới đủ. Nhưng vay mượn thì có cơ sở để trả, khi cả nhà đều có việc làm ổn định, có thu nhập hàng tháng để trả nợ vay. Chứ trước kia làm nông, làm chiếu, rồi làm thêm đủ thứ nghề, con cái đi học, nên có liều cũng không dám làm nhà".

 
 

Qua 25 năm phát triển (1997 - 2022), đến nay THACO đã trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành hoạt động trong 6 lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế đất nước, gồm ô tô; nông nghiệp; cơ khí - công nghiệp hỗ trợ; đầu tư - xây dựng; thương mại - dịch vụ và logistics có tính bổ trợ và tích hợp cao.

Đối với lĩnh vực ô tô, THACO tiếp tục giữ vững sản xuất kinh doanh đầy đủ các chủng loại xe với các phân khúc sản phẩm từ trung đến cao cấp mang thương hiệu quốc tế và thương hiệu THACO, đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của khách hàng với thị phần và tỷ lệ nội địa hóa cao nhất tại Việt Nam và gia tăng xuất khẩu.

 

Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nhắc đến câu chuyện "Tại sao là ô tô?" và "Tại sao là Quảng Nam?".

Những dòng ô tô du lịch, ô tô tải, ô tô bus xuất phát từ Chu Lai - Trường Hải đã lan tỏa khắp nước và ra cả nước ngoài nhiều năm qua đã góp phần quan trọng tạo dựng hình ảnh, vị thế kinh tế Quảng Nam cũng như xác lập một thương hiệu quốc gia trên đất Quảng.

Ô tô của THACO Trường Hải làm nên thương hiệu quốc gia trên đất Quảng Nam.
Ô tô của THACO Trường Hải làm nên thương hiệu quốc gia trên đất Quảng Nam.

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch THACO, cũng thẳng thắn thừa nhận, từ Chu Lai (chủ yếu sản xuất ô tô) mà ông vinh dự trở thành một trong những doanh nhân lớn của đất nước. Như vậy đã thấy ô tô có một vị thế rất “đặc biệt” với Quảng Nam và cả con “sếu đầu đàn” THACO.

Năm 2022 vừa qua, chỉ riêng ô tô du lịch, THACO xấp xỉ cán đích 100 nghìn chiếc bán ra thị trường theo kế hoạch. Một con số rất ý nghĩa với THACO nhân kỷ niệm tròn 25 năm thành lập doanh nghiệp. Nhưng vì sao là ô tô - một ngành công nghiệp đòi hỏi công nghệ rất cao lại xuất hiện trên vùng đất nghèo xứ Quảng?

 

Tái lập tỉnh năm 1997, Quảng Nam cơ bản không có công nghiệp, không doanh nghiệp, doanh nhân. Không thể thoát nghèo và làm giàu bằng nông nghiệp, mà con đường sáng nhất phải là công nghiệp. Vậy là những bàn thảo, ban hành cơ chế thu hút đầu tư thoáng mở; những cuộc vận động, săn lùng, mời gọi doanh nghiệp về Quảng Nam được chính những người đứng đầu tỉnh bấy giờ ráo riết thực hiện. Ông Trần Bá Dương về Quảng Nam trong bối cảnh đó.

Ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy kể lại: “Lần đầu tiên tôi gặp Trần Bá Dương là ở UBND tỉnh. Lúc đó, ông Dương cũng đi “dò xét” về “kinh tế mở”. Tiếp ông Dương, tôi chỉ ngồi quan sát. Đến cuối buổi, trước khi kết thúc thì Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Phúc mời tôi có ý kiến. Lúc đó, tôi nói tôi có linh cảm và cơ sở khẳng định ông Dương sẽ thành công. Nhìn cách ông Dương trình bày, tôi có niềm tin. Đó chính là yếu tố con người, về một con người tâm huyết ở ông Dương”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm 1 tổ hợp nhà máy sản xuất của THACO đang hoạt động.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm 1 tổ hợp nhà máy sản xuất của THACO đang hoạt động.

Tuy nhiên, câu chuyện về sự ra đời của ô tô trên đất Quảng không chỉ vậy. Khu vực đặt bản doanh sản xuất của ô tô Trường Hải - Chu Lai  là vùng cát trắng hoang hóa rất “nhiều không”, dĩ nhiên rất khó đáp ứng với một ngành công nghiệp công nghệ cao, quy mô đầu tư lớn.

Vì sao từ Đồng Nai, ông Trần Bá Dương lại dám lặn lội ra Quảng Nam đặt cược sự nghiệp vào vùng đất này, với số vốn bỏ ra để làm ôtô không hề nhỏ?. Một chi tiết khá thú vị bên lề nhiều sự kiện lớn tại Chu Lai, ông Dương nhiều lần tâm sự, tôi tìm hiểu về Quảng Nam, biết được người dân đất Quảng khéo tay, cần cù, chăm chỉ, rất phù hợp với nghề cơ khí. Và nữa, lãnh đạo tỉnh rất tâm huyết với sự phát triển của quê hương, luôn nhiệt tình, đồng hành với doanh nghiệp.

 

Gần đây, Vinfast quyết định khởi sự sản xuất ô tô, cũng từ chính vùng đầm lầy hoang vu, mặt bằng diện tích thấp hơn so với mực nước biển. Một sự trùng hợp thú vị.

Từ lịch sử của một vùng đất nghèo với nền nông nghiệp lạc hậu hàng trăm năm, ô tô xuất hiện và góp phần định danh thương hiệu, hình ảnh, vị thế mới của đất Quảng là một bất ngờ thú vị. Khởi đi từ ô tô, và chính ô tô đã đưa con sếu đầu đàn của tỉnh giờ tiếp tục sản sinh ra nhiều con sếu đầu đàn khác gồm nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, như: cơ khí và công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp hữu cơ, đầu tư - xây dựng, thương mại, logistics,.. đều thuộc hệ sinh thái THACO, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững của cả tập đoàn và Quảng Nam.

“Hoa có thể nở trên cát” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đúc kết như  vậy tại lễ kỷ niệm 25 năm thành lập THACO cuối năm 2022. Và với nhiều không gian phát triển mới mở ra từ quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ có thêm những sản phẩm, dịch vụ bất ngờ và thú vị khác, như ô tô trên đất Quảng?

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Khu kinh tế mở Chu Lai: 20 năm, hoa nở trên cát…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO