HĐND tỉnh vừa thông qua Nghị quyết số 13/2023 ngày 22/9/2023 về quy định mức hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Dự kiến hơn 15.700 nhà tạm của các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng sẽ có cơ hội được hỗ trợ xây mới đảm bảo đạt chuẩn theo quy định nhà ở. Tuy nhiên, ngoài nguồn lực hỗ trợ của ngân sách nhà nước, rất cần “cánh tay nối dài” của toàn xã hội để chính sách nhân văn được lan tỏa rộng rãi và xuyên suốt.
Nhiều năm qua, chính quyền, các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm đã vào cuộc, giúp đỡ hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa, nhà chống bão lũ, di dời nơi ở khẩn cấp trong tình huống sạt lở. Vậy nhưng hiện vẫn còn nhiều nhà xuống cấp, dột nát cần tiếp tục được hỗ trợ xây dựng.
Các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công (NCC) với cách mạng triển khai thời gian qua như Quyết định số 22 ngày 26/4/2013 của Chính phủ; Nghị quyết số 11 ngày 3/10/2019 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ đối với NCC với cách mạng về nhà ở và Nghị quyết số 15 ngày 19/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 11. Bên cạnh đó còn có nguồn lực xã hội hóa, với sự chung tay của cả xã hội, đã giúp cho 40.940 ngôi nhà của NCC được xây mới và sửa chữa với kinh phí hơn 1.122 tỷ đồng.
Đối với nhà ở cho người nghèo, cận nghèo, có các chính sách như Quyết định số 167 ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở; Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt theo Quyết định số 48 ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ và lồng ghép với Đề án do Quỹ Khí hậu xanh tài trợ không hoàn lại thông qua Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Quảng Nam; Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định số 33 ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ thực hiện cho hộ nghèo vay vốn xây dựng nhà ở.
Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định, nghị quyết hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng được HĐND tỉnh thông qua trong kỳ họp cuối tháng 9/2023 là một chính sách hết sức nhân văn. Trong số 15.700 nhà tạm, nhà dột nát cần hỗ trợ xây dựng, có 6.774 nhà của hộ gia đình chính sách, NCC cách mạng, thân nhân liệt sĩ; 782 nhà của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn 12 huyện, thị xã, thành phố và 8.179 nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn 6 huyện nghèo.
Từ số liệu trên cho thấy nhà ở cần sửa chữa, xây mới phần lớn tập trung ở các huyện miền núi. Trong khi đó, điều kiện miền núi mưa gió nhiều vào mùa đông, điều kiện mặt bằng để tái định cư cho người dân khó khăn, điều kiện đối ứng của người nghèo là vô cùng khó, nên thách thức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo ở miền núi rất lớn.
Từ đó đòi hỏi mỗi địa phương phải huy động nhiều nguồn lực xã hội hóa, vận động cộng đồng dân cư giúp đỡ về ngày công và các điều kiện khác... để hỗ trợ hộ nghèo có thể làm được nhà ở đảm bảo tiêu chuẩn "3 cứng" (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) theo quy định.
Tại huyện Nam Trà My, NCC, thân nhân liệt sĩ có nhà ở tạm, dột nát cần được hỗ trợ xây mới trong giai đoạn 2023 - 2025 là 12 nhà, nhà ở hộ nghèo, cận nghèo đến 2.281 nhà. Vì số lượng nhà cần hỗ trợ lớn, nhưng kinh phí hỗ trợ đối với huyện miền núi là 60 triệu đồng/nhà xây mới, 30 triệu đồng/nhà sửa chữa thì hộ nghèo sẽ không đủ nguồn lực để làm nhà ở được.
Lý do nguồn vật liệu vận chuyển lên đến nơi để làm nhà ở cho dân có giá rất cao, nhà có nhân lực thì có thể thêm nhân công, nhưng nhà neo người thì không cách nào làm được nhà ở. Vì thế huyện phải vận dụng mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, NCC. Các đơn vị được phân công giúp đỡ, đồng hành với hộ nghèo thì giúp thêm nguồn lực, vận động nhân công cùng giúp đỡ.
Huyện đoàn Nam Trà My sẽ triển khai chương trình vận động đoàn viên giúp vận chuyển nguyên vật liệu, hỗ trợ thêm nhân công giúp người dân các xã xây nhà. Chị Phạm Thị Mỹ Hạnh - Bí thư Huyện đoàn Nam Trà My cho biết, phần kinh phí hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo làm nhà theo chính sách chung không đủ để họ làm được căn nhà đảm bảo "3 cứng" ở huyện miền núi cao như Nam Trà My.
“Thế nên Huyện đoàn ngoài đồng hành cùng các hộ nghèo được phân công giúp đỡ thoát nghèo, còn có các đợt hỗ trợ hộ nghèo trong huyện có nhu cầu về nhân công làm nhà. Đoàn viên thanh niên sẽ giúp vận chuyển nguyên vật liệu, giúp công làm nhà, vận động người dân cùng giúp đỡ cho đồng bào mình có được căn nhà ổn định" – chị Hạnh nói.
Bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh:Chính sách nhân văn xuyên suốt
Việc HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 để hỗ trợ NCC, người nghèo có được căn nhà an toàn, không còn cảnh nhà dột nát thực sự là chính sách nhân văn, được người dân quan tâm, hưởng ứng. Chính sách hỗ trợ làm nhà ở cho các gia đình thuộc diện chính sách đã được thực hiện xuyên suốt, và tiếp tục được thực hiện thực sự đáp ứng được nhu cầu chính đáng ở miền núi.
Chính sách đã thể hiện được truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa. Chỉ khi có nhà ở an toàn, ổn định thì họ mới có điều kiện vươn lên trong cuộc sống. Số lượng nhà ở cần hỗ trợ rất lớn trong thời gian hơn 2 năm kể từ bây giờ, sẽ cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và xã hội thì mới có thể thực hiện thành công mục tiêu xóa 15.735 nhà ở như con số khảo sát của các địa phương trong toàn tỉnh.
Nguyên vật liệu có giá thành cao, nguồn lực hỗ trợ còn khiêm tốn cùng với những khó khăn trong công tác rà soát, thẩm định đối tượng, tránh chồng chéo đặt ra những thách thức nhất định đối với các địa phương trong thực hiện chủ trương xóa nhà tạm.
Ông Châu Văn Ngọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang thông tin, năm 2023, địa phương có 225 hộ cần xây mới và 13 hộ cần sửa chữa nhà ở với nhu cầu vốn hơn 10,6 tỷ đồng. Đến cuối tháng 9, Nam Giang hoàn thành 182 nhà ở (đạt tỷ lệ hơn 76%). Tuy nhiên, giai đoạn 2023 - 2025, địa phương này vẫn còn đến hơn 2.000 hộ có nhu cầu hỗ trợ nhà ở, với kinh phí ước tính hơn 90 tỷ đồng.
Việc thời tiết không thuận lợi, mùa mưa thường kéo dài, cộng thêm địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn gia tăng áp lực cho huyện Phước Sơn trong thực hiện hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho gia đình chính sách.
Ông Đỗ Hoài Xoan - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết thêm, đội ngũ cán bộ công chức phụ trách việc này còn bỡ ngỡ, chưa được tập huấn các văn bản, quy định nên khâu hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý để giải ngân cũng gặp khó. Một số hộ gia đình có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước nên chưa phát huy tinh thần tự lực để làm nhà cho chính mình.
Phước Sơn cũng đang đối mặt với nhiệm vụ nặng nề trong công tác xóa nhà tạm. Con số được thống kê trong báo cáo mới nhất của địa phương này là hơn 1.600 hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu hỗ trợ nhà ở. Nhiều áp lực đang ở phía trước.
Tương tự một số huyện miền núi trên địa bàn tỉnh, Tây Giang cũng có hơn 1.100 hộ gia đình có chất lượng nhà ở thấp, nhà ở tạm bợ hoặc chưa có nhà ở. Nan đề được đặt ra trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn chế cùng với những khó khăn mang tính đặc thù khác của miền núi.
Linh hoạt trong lồng ghép nguồn lực, tìm kiếm, kêu gọi sự hỗ trợ từ các tổ chức, nhà hảo tâm cùng với sự đóng góp công sức của cộng đồng là giải pháp hữu hiệu để hiện thực hóa chủ trương xóa nhà tạm cho người nghèo, người có công tại nhiều địa phương miền núi.
Nghĩa tình vùng cao
Thôn P’rao (thị trấn P’rao, Đông Giang) còn hàng chục hộ nghèo sống trong những ngôi nhà gỗ tậm bợ, cũ mục. Alăng Quốc Cường - Trưởng thôn P’rao nói, nguồn lực hỗ trợ xóa nhà tạm ở mức 40 triệu đồng/hộ sẽ chỉ đủ mua tôn, mua sắt thép, xi măng để làm nhà cho dân. Bằng tình nghĩa xóm giềng, người làng bàn nhau chung sức, giúp cho từng nhà. Ai khó khăn, vất vả hơn thì được ưu tiên trước.“Cả làng chọn những gia đình ở xa đường cái, rồi tự nguyện đến giúp chuyển gạch, cát, xi măng giúp cho họ. Nhờ trong thôn có nhiều tổ thợ nề, ngày nào rảnh tay bà con đến giúp, không lấy công. Nhà này chưa làm thì sang đổi công, giúp đỡ cho nhà người khác trước, sau đó lại xoay vòng.
Có người không đến giúp được thì góp bó củi, lon gạo, hoặc ít tiền. Đồng lòng, nên mới làm được nhà kiên cố cho dân, nhiều gia đình bớt lo lắng mỗi mùa mưa bão. Chúng tôi đã làm được 9 căn nhà như thế và vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo” - Alăng Quốc Cường chia sẻ.
Sau thời gian dài sống tạm nhà bố mẹ, vợ chồng Alăng Thị Poóc được chính quyền địa phương bố trí đất ở để làm nhà tại khu tái định cư mới Pơr’ning (xã Lăng, Tây Giang). Điều kiện còn khó khăn, thiếu đất sản xuất, xuất phát điểm là hộ nghèo, hộ cận nghèo là điểm chung của những vợ chồng trẻ như Poóc khi đến khu tái định cư.
Sự đoàn kết, đồng lòng luôn là một “nguồn lực” sẵn có trong nhân dân, giúp chủ trương xóa nhà tạm thành hiện thực, lan tỏa. Tính riêng từ năm 2019 đến 2022, toàn huyện Tây Giang đã có 363 nhà được hỗ trợ xây dựng bằng cách làm như thế. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Ban Cứu trợ huyện miền núi này cũng đã tìm cách kết nối với tỉnh, với các địa phương như huyện Như Xuân (Thanh Hóa), Thăng Bình, Đại Lộc, Hội An, lực lượng biên phòng và các nhà hảo tâm khác, vận động tiền của, gạch xây dựng, tôn lợp cho dân làm nhà...
Ông Briu Quân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang chia sẻ: “Bên cạnh nguồn hỗ trợ xóa nhà tạm cho gia đình chính sách, chúng tôi đã huy động, lồng ghép rất nhiều nguồn khác. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện chủ động phối hợp với UBND huyện tích cực tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, huy động từ cộng đồng, dòng họ, quỹ vì người nghèo. các nguồn đóng góp hỗ trợ tự nguyện khác... Các xã cũng vào cuộc vận động các tổ chức, cá nhân, ai có điều kiện thì góp của, những nhà ít điều kiện hơn thì góp công lao động”
Tôn trọng nguyện vọng của cư dân
Làng Tăk Tố (xã Trà Don, Nam Trà My) từng phải dời đi cả làng vì ám ảnh sạt lở. Giải quyết nhà ở cho cùng lúc hơn 50 hộ dân rời làng cũ không hề là câu chuyện đơn giản. Chính sách hỗ trợ xoá nhà tạm cùng các chính sách về hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi như một thứ “ánh sáng” cho câu chuyện làm nhà ở, đáp ứng đa mục tiêu cho người dân Tăk Tố.
Nguyện vọng về nhà ở của cư dân được tôn trọng. Người dân có thể chọn làm nhà xây kiên cố hoặc ưu tiên xây móng nhà, nhà vệ sinh, tận dụng gỗ từ nhà cũ dựng lại và lợp tôn mới. Chủ trương của UBND xã là tạo điều kiện tốt nhất cho bà con có căn nhà ưng ý nhất, phù hợp điều kiện kinh tế và phong tục, nếp sống truyền thống.
Tất nhiên, quá trình làm nhà có sự đồng hành, hỗ trợ và giám sát của cán bộ xã để đảm bảo sử dụng nguồn tiền hỗ trợ đúng mục đích, đảm bảo chất lượng. Cách làm này vừa tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, vừa giúp bà con biết trân quý, tiết kiệm và gìn giữ tài sản là căn nhà do Nhà nước và chính bà con cùng làm.
Ông Lê Trung Thực - Chủ tịch UBND xã Trà Don cho hay, địa phương liên tục tuyên truyền để người dân không vào rừng chặt cây lấy gỗ.
“Nguồn tiền hỗ trợ làm nhà, chúng tôi quán triệt Nhà nước hỗ trợ mỗi hộ 40 triệu đồng để mua sắm, sử dụng vật liệu thay thế và chỉ được tận dụng gỗ từ nhà cũ để dựng nhà mới. Chính quyền khuyến khích người dân tận dụng vật liệu gỗ từ nhà cũ để dựng lại nhà truyền thống, kho chứa. Bà con cũng chủ động làm đổi công, xoay vòng giúp giảm được chi phí lớn về nhân công” - ông Thực nói.
Từ chủ trương xóa nhà tạm, xã Trà Cang (Nam Trà My) cũng đang nỗ lực ổn định nhà ở, phòng chống thiên tai cho dân. Ông Ngô Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã Trà Cang nói, địa phương đang rà soát để làm dần từng bước, đối với hộ quá khó khăn sẽ huy động xã hội hóa để cải thiện nhà ở.
"Chúng tôi còn đến hơn 500 hộ có nhu cầu xóa nhà tạm. Hiện xã đang dần rà soát những điểm dân cư đảm bảo yêu cầu để thực hiện sắp xếp dân cư, hỗ trợ xây dựng nhà ở và đảm bảo tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, nhiều hộ chưa đủ điều kiện theo yêu cầu, hoặc không có mặt bằng thì rất khó khăn để cải thiện nhà ở với mức hỗ trợ như hiện nay. Sẽ còn nhiều việc phải làm, phía trước" - ông Lạc thông tin.
Để thực hiện đảm bảo mục tiêu nghị quyết, với số nhà cần hỗ trợ lớn, cần lồng ghép, huy động tổng lực các ngành, địa phương, toàn xã hội.
Với những kết quả, kinh nghiệm triển khai công tác hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà đại đoàn kết nhiều năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trương không hỗ trợ dàn trải mà tập trung nguồn lực hỗ trợ theo địa phương nhằm thực hiện hiệu quả chủ trương xóa nhà tạm.
Năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Duy Xuyên tổ chức lễ phát động ủng hộ Quỹ vì người nghèo với mục tiêu huy động tối đa nguồn lực để xóa nhà tạm cho 63 hộ có nhà tạm. Mức quy định là 40 triệu đồng/nhà nhưng Duy Xuyên chủ trương vận động cá nhân, đơn vị để đạt mức hỗ trợ mỗi hộ 100 triệu đồng xây dựng nhà mới đảm bảo theo quy định. Kết quả vận động, 151 tổ chức, cá nhân, đơn vị đã chung tay ủng hộ gần 9 tỷ đồng. Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hỗ trợ 2,52 tỷ đồng từ nguồn Quỹ vì người nghèo tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Xuân Ca cho rằng, cách làm xóa nhà tạm như lâu nay còn bộc lộ nhiều vấn đề. Trong đó, việc hỗ trợ mang tính dàn trải dẫn đến thiếu sự bền vững, chưa phát huy cộng động trách nhiệm. Ngoài ra, do thiếu dữ liệu trong việc hỗ trợ xóa nhà tạm nên có những trường hợp được hỗ trợ nhiều lần, tạo sự ỉ lại.
Theo quy định điều kiện hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát thì sau khi được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa, nhà ở phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2 (đối với hộ đơn thân, diện tích tối thiểu một căn nhà 18m2), đảm bảo “3 cứng” và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên.
Các bộ phận nền - móng, khung - tường, mái của căn nhà phải được làm từ các loại vật liệu có chất lượng tốt, không làm từ các loại vật liệu tạm, mau hỏng, dễ cháy. Muốn đảm bảo các điều kiện trên, ngoài mức 60 triệu đồng hỗ trợ/nhà xây mới, 30 triệu đồng/nhà sửa chữa thì gia đình hộ người có công, hộ nghèo cần thêm nhân vật lực, xã hội huy động thêm nguồn hỗ trợ mới có thể đảm bảo được.
Theo đề án của UBND tỉnh, bên cạnh nguồn lực ngân sách hỗ trợ theo quy định, sẽ huy động từ các quỹ an sinh, phúc lợi (Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo…) và nguồn vận động xã hội hóa (các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh; hội đồng hương Quảng Nam tại các địa phương trong cả nước).
Nguồn vận động đóng góp từ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước và lực lượng vũ trang... trên địa bàn tỉnh mỗi năm 1 ngày lương/người, tính trong 3 năm (2023, 2024, 2025). Bên cạnh còn thêm nguồn tiết kiệm chi ngân sách tỉnh, trong đó bao gồm tiết kiệm chi thường xuyên (1% - 3%/năm) từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho các cơ quan, đơn vị, địa phương (trừ các khoản tiền lương, tiền công…) và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác.
Theo bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, để giúp cho tiến trình hỗ trợ thuận lợi, nhanh chóng hơn, cần nâng cao năng lực, trách nhiệm thực hiện xóa nhà tạm từ chính hộ dân được hỗ trợ, đến địa phương thực hiện rà soát, hỗ trợ. Tuy có phân kỳ số lượng nhà cần hỗ trợ, tuy nhiên tùy thuộc vào quá trình thực hiện, căn cứ nguồn lực và tình hình thực tiễn mà các địa phương có thể linh hoạt triển khai phù hợp cho cả giai đoạn.
Trong quá trình thực hiện, khi có sự thay đổi về số lượng, kinh phí thực hiện thì UBND tỉnh tổng hợp, báo cáo kịp thời với Thường trực HĐND tỉnh để xem xét, quyết định phù hợp.