(QNO) - Nghị quyết 116 của Chính phủ với mục đích hỗ trợ chủ sử dụng lao động (LĐ) cũng như người LĐ có thêm nguồn lực khắc phục khó khăn do Covid-19. Ngay khi nghị quyết được ban hành, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Quảng Nam gấp rút triển khai bằng nhiều hình thức nhằm sớm đưa chính sách vào cuộc sống.
Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường và tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống, thu nhập của hàng nghìn người LĐ. Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp kịp thời hỗ trợ người LĐ, người sử dụng LĐ vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh và ổn định đời sống.
Trong đó, Nghị quyết 116 (ngày 24.9.2021) của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người LĐ và người sử dụng LĐ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thể hiện rõ tính nhân văn của Đảng, Nhà nước, của chính sách BHTN, đảm bảo hài hòa nguyên tắc chia sẻ, nguyên tắc đóng - hưởng được kết hợp với nguyên tắc công bằng.
Ngành BHXH đã thống kê, hướng dẫn cụ thể về đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ người LĐ, người sử dụng LĐ. Tại Quảng Nam, BHXH tỉnh giao trách nhiệm cho từng đơn vị trực thuộc nhằm huy động cả hệ thống cùng vào cuộc, triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ đến người thụ hưởng một cách nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Với nhiều người LĐ cũng như chủ sử dụng LĐ, Nghị quyết 116 thật sự cần thiết trong thời điểm dịch bệnh bủa vây. Từ người LĐ đang tham gia BHTN đến người đang trong thời gian bảo lưu đều được hưởng nguồn hỗ trợ từ nghị quyết này.
Bà Trần Thị Định - công nhân Công ty TNHH Dệt may Thái Liên (Đại Lộc) vui mừng khi nhận được khoản hỗ trợ 3,3 triệu đồng từ Quỹ BHTN vào cuối tháng 10 vừa qua. Dịch bệnh khiến công việc tại công ty không được xuyên suốt, bản thân bà bị giảm nhiều giờ làm, khoản hỗ trợ này có thể giúp bà đi chợ, chi phí sinh hoạt cho cả gia đình trong vài tuần.
BHXH Quảng Nam khẩn trương hỗ trợ người lao động:
Khoản tiền giảm đóng vào Quỹ BHTN trong vòng 1 năm cũng đã giúp rất nhiều chủ sử dụng LĐ trên địa bàn tỉnh duy trì sản xuất, đảm bảo công việc cho người LĐ. Đáng chú ý, rất nhiều chủ sử dụng LĐ đã ưu tiên dùng nguồn kinh phí này cho việc phòng chống dịch bệnh, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ kép.
Ông Han Chul Joon - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng (Khu công nghiệp Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) cho rằng, việc giảm mức đóng BHTN từ 1% xuống 0% theo Nghị quyết 116 thực sự rất ý nghĩa đối với công ty ông. Bởi hiện tại, tổng số LĐ của công ty 7.280 người thì giảm đóng BHTN là 3,6 tỷ đồng. Đây là một khoản tài chính lớn để công ty có điều kiện ổn định hoạt động, chống đứt gãy chuỗi sản xuất và tạo nguồn quỹ để phòng chống Covid-19.
Nguồn tiền giảm đóng BHTN giúp doanh nghiệp có thêm kinh phí duy trì sản xuất, tạo môi trường làm việc an toàn:
Dù Nghị quyết 116 quy định thời gian thực hiện chi trả là 3 tháng (tính từ 1.10.2021) nhưng BHXH tỉnh quyết tâm triển khai công tác này trong vòng 1,5 tháng. Theo đó, đến ngày 15.11, BHXH tỉnh sẽ hoàn thành hỗ trợ cho người LĐ đang tham gia BHTN và giảm đóng đối với người sử dụng LĐ trong toàn tỉnh, với quy trình đơn giản nhất.
Đối với người LĐ đang tham gia BHTN tại thời điểm 30.9.2021, cơ quan BHXH đã gửi danh sách đến doanh nghiệp để người LĐ đối chiếu và cung cấp thông tin số tài khoản ngân hàng cá nhân nhận chi trả.
Đối với người LĐ đã dừng tham gia BHTN do chấm dứt hợp đồng LĐ hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2020 đến hết 30.9.2021 có thời gian đóng BHTN được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, thì người LĐ khai báo thông tin, đề nghị nhận hỗ trợ theo mẫu, gửi đến cơ quan BHXH cấp tỉnh hoặc cấp huyện (nơi người LĐ có nhu cầu nhận hỗ trợ) để được chi trả tiền hỗ trợ.
Trong khi đó, với đơn vị sử dụng LĐ, từ ngày 1.10.2021 đến hết 30.9.2022, cơ quan BHXH thực hiện giảm mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương tháng của người LĐ thuộc đối tượng đang tham gia BHTN theo quy định. Riêng đối với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc đối tượng giảm đóng, cơ quan BHXH sẽ hướng dẫn đơn vị gửi cơ quan BHXH - nơi đang tham gia BHTN 1 bản sao văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc đơn vị được phân loại tự chủ tài chính theo quy định.
BHXH Quảng Nam làm việc ngày thứ Bảy để kịp thời hỗ trợ người lao động:
Chỉ trong 1 tháng triển khai (từ ngày 1 - 30.10), BHXH huyện Đại Lộc đã hoàn thành việc hỗ trợ người sử dụng LĐ và người LĐ đang tham gia BHTN theo Nghị quyết 116. Ông Nguyễn Quang Thân - Giám đốc BHXH huyện Đại Lộc cho biết, cán bộ, viên chức của đơn vị đã làm việc cả ngày lẫn đêm, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật cũng đến cơ quan để hỗ trợ người LĐ.
Cụ thể, BHXH huyện Đại Lộc đã hoàn thành hỗ trợ cho khoảng 6.000 người LĐ với số tiền gần 14 tỷ đồng; giảm mức đóng BHTN từ 1% xuống 0% cho 157 đơn vị sử dụng LĐ, tương ứng gần 3,4 tỷ đồng. Thời điểm này, đơn vị tiếp tục hỗ trợ người LĐ đang trong thời gian bảo lưu, thông tin tuyên truyền rộng rãi để người LĐ nắm bắt, sớm đến cơ quan BHXH thực hiện hồ sơ hoặc gửi hồ sơ qua internet.
Giám đốc BHXH huyện Đại Lộc - Nguyễn Quang Thân chia sẻ về nỗ lực của đơn vị:
Tương tự, tại BHXH thị xã Điện Bàn, toàn bộ nhân viên, cán bộ chưa ngơi nghỉ một ngày nào kể từ khi vào cuộc triển khai Nghị quyết 116. Bởi đây là địa bàn rộng, tập trung nhiều khu công nghiệp và lượng công nhân rất lớn.
Để chính sách kịp thời đến với người LĐ, BHXH thị xã Điện Bàn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phối hợp với phòng ban, đơn vị sử dụng LĐ triển khai thực hiện; phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận giải quyết các thủ tục, vướng mắc của người LĐ một cách nhanh chóng. Đến nay, đơn vị đã hỗ trợ cho hơn 90% người LĐ đang tham gia BHTN với số tiền hơn 40 tỷ đồng; hỗ trợ cho hơn 1.700 người LĐ đang trong thời gian bảo lưu BHTN.
Hàng nghìn người LĐ trên địa bàn tỉnh đã nhận được nguồn hỗ trợ theo Nghị quyết 116; hàng trăm người sử dụng LĐ cũng sớm hoàn thành thủ tục để được giảm mức đóng BHTN từ 1% xuống 0%. Thành quả này khẳng định quyết tâm của tập thể cán bộ, nhân viên ngành BHXH tỉnh trong việc lan tỏa nghị quyết an sinh vào đời sống, xua đi bao nỗi toan lo khi dịch bệnh vẫn đang bủa vây từng ngày. Và hơn hết, khẳng định sự quan tâm sâu sát của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp an sinh xã hội; nâng lên tính nhân văn của chính sách BHTN đối với người LĐ.