[eMagazine] - Lặng lẽ gieo chữ trong mây...

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 10/09/2023 11:37

Ở núi, có những buồn vui giấu kín vào đêm, có những cơn nhớ thương thi thoảng lại trỗi lên, day dứt đến nao lòng. Thanh xuân gửi lại nơi lưng chừng mây trắng, nhiều thầy cô giáo vẫn lặng lẽ chọn đi về phía của những gian lao, để cõng chữ ngược dốc núi, về làng...

 
 

Tròn 4 năm kể từ khi tốt nghiệp đại học, Alăng Thị Ngứp trúng tuyển viên chức giáo dục và đến nhận công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Nam (Nam Trà My). Hai đứa con ở lại quê nhà cùng với bố, Ngứp khăn gói lên đường, từ quê núi phía bắc vòng vào nhiệm sở ở núi phía nam. Nơi này, còn xa xôi và gian khó hơn cả quê nhà Đông Giang của cô.

Ngôi trường cô Ngứp giảng dạy, cùng học trò trong veo trong ngày khai giảng năm học mới.
Ngôi trường cô Ngứp giảng dạy, cùng học trò trong veo trong ngày khai giảng năm học mới.

Ngứp có mặt ở trường nhiều ngày trước khai giảng. Nơi này, trước mỗi năm học, giáo viên đều phải lặn lội về từng nóc kêu gọi học sinh ra lớp. Đi bộ. Người Xê Đăng đa phần sống bám vào lưng chừng núi, những mái nhà chen chúc, dốc đứng. Tìm lũ trẻ đã khó, tìm gặp được phụ huynh của chúng còn khó hơn. Nhiều lúc phải chờ đến đêm, khi bà con đã đi rẫy về, thầy cô giáo mới gặp được phụ huynh, thuyết phục họ đưa lũ trẻ con ra lớp.

 

Một quãng ngừng chen giữa câu chuyện. “Em nhớ con quá!”, đáy mắt của cô giáo trẻ hình như đã đầy nước. Hơn một tháng ròng, Ngứp chỉ mới gặp được chồng con một lần. Cô giáo băng quãng đường hơn một trăm cây số về tới Tam Kỳ. Từ Đông Giang, chồng Ngứp chở hai đứa con, cũng bằng xe máy xuống phố. Cả gia đình đoàn tụ ở một nơi hoàn toàn xa lạ.

“Có cách nào khác đâu anh. Chỉ có được hai ngày nghỉ cuối tuần, nếu về thẳng Đông Giang sẽ không kịp trở lại trường. Chồng em cũng thương, nên anh lấy xe chở hai đứa nhỏ về chơi với mẹ. Cả nhà đi loanh quanh, ăn uống, thuê trọ ở một đêm rồi lại về. Hai cháu còn nhỏ quá, đứa lớn mới 5 tuổi, đứa nhỏ vừa vào mẫu giáo” - câu chuyện lại bỏ lửng bằng một khoảng lặng. Có gì thăm thẳm bằng nỗi nhớ, khi chỉ được nhìn, được nghe tiếng bi bô của con trẻ qua màn hình điện thoại. “Bao giờ mẹ về?”, câu hỏi của những đứa trẻ cứ cứa vào lòng đêm, dậy lên bao nỗi niềm chỉ biết gửi vào lặng im gió núi...

Có năm, để duy trì sĩ số học sinh đến lớp, các giáo viên phải lặn lội đường rừng động viên phụ huynh đưa con em đi học.
Để duy trì sĩ số học sinh đến lớp, các giáo viên phải lặn lội đường rừng động viên phụ huynh đưa con em đi học.

Sẽ khó có thể kể hết những gian khó ở những “lớp học trong mây”, giữa trập trùng dãy Ngọc Linh của Nam Trà My. Nơi đó, có những buổi sáng mây giăng trắng núi đồi, mây ùa vào trong lớp học. Rời điểm trường ở nóc Tăk Pổ, năm học này, cô giáo Trà Thị Thu đến với điểm trường ở nóc Lăng Lương (xã Trà Tập). Vẫn là một ngôi trường vách gỗ lợp tôn. Lớp học của cô giáo trẻ vỏn vẹn có 6 học sinh lớp 1 và 8 học sinh lớp 2. Nơi này không có điện. Sóng điện thoại rất chập chờn.

Năm học 2019 - 2020, những bức ảnh ngày khai giảng của cô giáo Trà Thị Thu đã “gây sốt” trên mạng xã hội. Một lễ khai giảng đơn sơ với lũ trẻ con trong veo màu mắt núi giữa điểm trường nơi lưng chừng mây Tăk Pổ gây ấn tượng mạnh với cộng đồng. Năm học này, cô Thu gặp lại ký ức của chính mình trong điểm trường mới Lăng Lương. Điểm trường Tăk Pổ đã được nhà hảo tâm tài trợ xây mới, khang trang. Trong khi nơi này, mọi thứ không khác gì điểm trường Tăk Pổ ngày xưa cũ.

 
 
Nắng mới trong ngày khai giảng năm học mới ở một ngôi trường vùng cao xứ Quảng
Nắng mới trong ngày khai giảng năm học mới ở một ngôi trường vùng cao xứ Quảng

Năm 2020, chúng tôi đặt chân đến Phước Thành (Phước Sơn) sau cơn lũ quét kinh hoàng đổ qua góc núi. Khu nhà tập thể giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Phước Thành tan hoang. Dòng Đăk Mét hung dữ ngoạm một mảng lớn vào sát bờ, tạo thành vực dựng đứng cách cổng trường chưa đầy mười mét.

Cô giáo Hiền Klai đã trải qua những ngày khóc cạn nước mắt vì lo lắng sau đợt mưa lũ kinh hoàng năm đó. Đó cũng là năm đầu tiên Klai rời quê nhà Nam Giang để đến Phước Sơn, sau một năm dạy hợp đồng tại xã Chà Vàl. Lũ chồng lũ. Phước Thành bị xé nát bởi dòng nước hung dữ tràn từ đồi xuống, cuốn trôi mọi thứ. Một mảng đất lớn từ sau đồi ập xuống, tràn vào căn phòng tập thể, bùn non ngập tới nửa phòng. Nhiều đêm trắng, có lúc cô giáo trẻ tưởng chừng không thể tiếp tục gắn bó với nghiệp gieo chữ của mình…

Niềm vui của cô giáo Trà Thị Thu và buổi khai giảng xúc động của học trò vùng cao.
Niềm vui của cô giáo Trà Thị Thu và buổi khai giảng xúc động của học trò vùng cao.

Nhưng rồi lũ học trò như một con suối mát lành, gột đi những lắng lo sau mùa bão, để cô giáo tiếp tục bước chân đến bục giảng, mỗi ngày. Hiền Klai cùng nhiều thầy cô khác tiếp tục bám trụ với Phước Thành, đi qua những ngày sống tạm.

“Cũng chẳng biết điều gì là vất vả nhất, là khổ nhất. Đã chọn nghiệp gieo chữ, chọn lấy miền núi cao này để gắn bó, thầy cô nào cũng biết là chọn lấy vất vả về phần mình. Ai rồi cũng sẽ quen, sẽ thấy mọi thứ bình thường lắm. Nhiều khi trượt ngã trên đường về thôn vận động học trò ra lớp, lấm lem, ướt sũng đứng giữa trời, nhưng tụi em vẫn cười, vẫn vui.

Đi qua rồi, nhìn lại sẽ thấy con dốc từng làm mình trượt ngã cũng... bình thường, thấy những gian khó cũng chỉ là trải nghiệm. Mọi thứ giúp em trưởng thành hơn, vững vàng hơn và càng tin tưởng vào lựa chọn của mình, khi đến với nghề giáo” - Klai tâm sự.

Những bữa ăn của học trò vùng cao.
Những bữa ăn của học trò vùng cao.

Ở lưng chừng dốc núi. Có gì đâu ngoài tình cảm của những người Ca Dong, Bh’noong, Xê Đăng hay Cơ Tu hồn hậu chân tình, và lũ trẻ con với những đôi mắt đen láy sáng trong như những sớm mai miền cao mây trắng. Nhiều điểm trường chỉ có duy nhất một chiếc xích đu. Lũ trẻ và cả cô giáo của chúng bày trò chơi đùa ở khoảng sân, hay ríu rít trên con đường mòn dẫn đến lớp.

Dưới xa kia là thảm mây trắng vắt ngang sườn núi. Không có tiền đóng góp xây dựng như dưới xuôi, bà con tự san đất, đốn tre làm hàng rào, trồng hoa quanh trường cho lũ trẻ. Gắn bó với núi và mây, các thầy cô giáo vùng cao quen luôn với đời “cắm bản”, quen những tập tục của người vùng cao, như một con dân thứ thiệt của đồng bào...

 

Có những hạt mầm được lặng lẽ gieo xuống, ở những lớp học vùng cao. Không chỉ là con chữ, thầy cô giáo còn ươm lấy tình yêu, lòng tự hào về truyền thống của dân tộc mình. Lặng lẽ và bền bỉ, thầy cô tìm cách giữ lấy văn hóa cho các em như giữ ngọn lửa trong bếp gươl làng, ngày sang ngày, năm đến năm...

Buổi khai giảng ở Trường Tiểu học Sông Kôn (xã Sông Kôn, Đông Giang), nhiều em bé Cơ Tu xúng xính trong màu áo thổ cẩm. Từ nhiều năm nay, Trường Tiểu học Sông Kôn khuyến khích các em nhỏ mặc sắc phục truyền thống trong những buổi chào cờ. Những tiết ngoại khóa cũng được khéo léo lồng ghép bằng các buổi sinh hoạt hát múa tâng tung da dắ, dạy các em điệu trống chiêng.

Nắng mới trong ngày khai giảng năm học mới ở một ngôi trường vùng cao.
Nắng mới trong ngày khai giảng năm học mới ở một ngôi trường vùng cao.

Thầy giáo Trần Tấn Viên – Hiệu trưởng nhà trường nói: "Văn hóa truyền thống là cái gốc, là cội nguồn của một dân tộc. Chúng tôi luôn muốn các em tự hào về đồng bào Cơ Tu, về cha ông mình, biết yêu lấy những gì thuộc về cộng đồng của mình. Mai này dù có đi đâu, làm gì, các em sẽ nhớ chảy trong huyết quản của mình là dòng máu Cơ Tu, có thể khoác bộ thổ cẩm tự tin giới thiệu về đồng bào Cơ Tu, cộng đồng làng của mình với mọi người"

 

Đã một thời, những xô lệch về văn hóa xuất hiện trong lớp trẻ. Những đứa trẻ háo hức với bao điều mới lạ tràn về theo internet, theo nhịp sống hiện đại mà quên mất đi những nét đẹp của dân tộc mình. Rụt rè trong lễ hội cồng chiêng, không dám mặc thổ cẩm, thậm chí còn e ngại khi giới thiệu mình là người Cơ Tu khi xuống dưới xuôi theo học. Lo ngại về mất mát, thầy cô giáo đã lặng lẽ tìm cách khôi phục giá trị văn hóa bản địa.

Học sinh vùng cao được truyền dạy và khuyến khích bảo tồn văn hóa truyền thống trong trường học.
Học sinh vùng cao được truyền dạy và khuyến khích bảo tồn văn hóa truyền thống trong trường học.
Học sinh vùng cao được truyền dạy và khuyến khích bảo tồn văn hóa truyền thống trong trường học.

Trường Tiểu học Sông Kôn là một trong những đơn vị tiên phong mời đoàn nghệ nhân thôn Bhơ Hôồng về biểu diễn trống chiêng cho các em trong một ngày hội dành cho học sinh toàn trường. Là ông bà, là cha mẹ, họ hàng của các em, đến không chỉ để trình diễn, mà còn cho các em được đắm mình trong không khí ngày hội của buôn làng, để cuốn các em hòa vào theo từng điệu múa.

Một đội “cồng chiêng nhí” cũng được Đoàn Thanh niên xã và các giáo viên trong trường dày công tập luyện, tham gia múa hát dưới sự hỗ trợ truyền dạy của những người già. Trường học còn tổ chức cho các em chơi trò chơi dân gian, cho các em nghe già làng kể chuyện về văn hóa...

 

Một ngọn lửa được thắp lên trong lòng con trẻ, bằng sự tận tụy, bằng niềm thao thiết của biết bao người ngày đêm gắn bó với học trò vùng cao, sống cùng những đứa trẻ. Bài học đầu đời, là bài học về tình yêu lấy bản làng, lấy cộng đồng mình.

“Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”, thứ tình yêu ấy được nhen nhóm ngay từ những ngày đầu cấp, khi các em vẫn còn là một đứa trẻ tinh khôi của núi. Rất nhiều những mái trường ở Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang..., các thầy cô giáo như một đại sứ, bắc nhịp cầu để các em tìm về lại với cội nguồn, với ông cha. Để neo lại đó một tình yêu bản quán, để đi đâu các em cũng có thể mang theo trong trái tim mình niềm tự hào với núi rừng, với nơi mà các em đã lớn lên và bay xa...

 

Ngày khai giảng, ngang qua dốc Rùa trên tuyến quốc lộ 14G (Đông Giang), ai đó đã lặng lẽ để lại một bó hoa cúc trắng bên ngầm. Hơn mười năm về trước, một cô giáo trẻ dưới xuôi đã lặng lẽ ngược rừng, đi xe máy một mình về điểm trường ở xã A Vương (Tây Giang) từ tờ mờ sáng để kịp giờ chào cờ đầu tuần. Con lũ đổ về đột ngột, cô giáo trẻ bị cuốn trôi, mất tích khi đang cố băng qua ngầm. Đã phai bớt những đau thương, nhưng bó hoa cúc trắng thì vẫn đều đặn được mang đến đặt bên ngầm mỗi mùa khai trường, thảo thơm như tấm lòng của cô giáo trẻ vắn số...

Tương lai của trẻ em vùng cao có sự góp phần rất lớn của những thầy cô giáo dám dấn thân, ở lại gieo chữ trong mây.
Tương lai của trẻ em vùng cao có sự góp phần rất lớn của những thầy cô giáo dám dấn thân, ở lại gieo chữ trong mây.

Rồi sẽ qua những đêm dài. Ngày mai có nắng. Mái trường lại ríu rít tiếng nói cười con trẻ. Được đến lớp, vẫn luôn là một thứ hạnh phúc diệu kỳ. Tám năm trước, cô giáo Trà Thị Thu vẫn còn mặc bộ đồng phục công nhân trong nhà máy. Cũng như Alăng Thị Ngứp, bốn năm đằng đẵng úp mặt vào nương rẫy nuôi con, cũng trầy trật gian lao và chấp nhận đánh đổi để được mặc bộ áo dài đứng trên bục giảng.

Khao khát và ước mơ là điều rất cần, nhưng chưa đủ. Cầu mong tình yêu nghề của các thầy cô sẽ được chắp cánh bằng chính sách, bằng đồng lương bớt còm cõi, bằng sự quan tâm cho lớp, cho trường... để níu chân những người gieo chữ, ở lại với lớp học trong mây...

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Lặng lẽ gieo chữ trong mây...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO