Vùng đất Đông Nam Bộ nổi tiếng bởi miệt vườn cây trái sum suê, những cánh rừng cao su bất tận, hay còn sót lại khu dự trữ sinh quyển lớn của thế giới… Trên cung đường từ Đông Nam Bộ về Sài Gòn ghi dấu nhiều nét văn hóa đặc sắc, với nhiều món ẩm thực độc đáo. Những nơi được người viết trải nghiệm và giới thiệu dưới đây là điểm đến yên tĩnh để thư giãn hoặc còn đôi chút hoang sơ, đủ để giúp du khách đắm mình trong thiên nhiên tươi mát.
Băng qua những cánh rừng...
Đầu tiên, phải kể đến Bình Phước. Ấn tượng với tôi có lẽ là rừng cao su Bù Đăng, Vườn quốc gia Bù Gia Mập - một khu di tích lịch sử, một cánh rừng nguyên sinh còn sót lại của tỉnh Bình Phước. Nơi đây lưu trữ và bảo tồn các nguồn gen quý hiếm của hệ động vật, thực vật trong danh sách đặc biệt của Việt Nam.
Một điểm đến nổi tiếng khác - Vườn quốc gia Cát Tiên cũng được mệnh danh là khu dự trữ sinh quyển lớn nhất thế giới, đồng thời là một khu bảo tồn thiên nhiên, nơi trú ngụ của hàng trăm loài động vật hoang dã, quý hiếm nằm trong Sách đỏ của Việt Nam.
Tọa lạc tại xã Đồng Nai, trảng cỏ Bù Lạch rộng đến 500ha. Đúng với tên gọi, đây là một cánh đồng cỏ xanh mướt, thay đổi màu sắc theo mùa, lọt thỏm giữa núi, rừng, thác và suối đèo. Với dòng nước phía trước, nơi này thật sự phù hợp cho những buổi cắm trại ngắn ngày.
Tạm biệt không gian thênh thang của trảng cỏ, khách có thể ghé chùa Sóc Lớn - thăm ngôi chùa biểu tượng của người Khmer tại xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh. Ngôi chùa xây dựng vào năm 1931, không chỉ đặc sắc bởi kiến trúc nổi bật, không gian tổng thể của ngôi chùa cũng mang lại cảm giác thư thái, tĩnh tại. Đây là trung tâm văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng người Khmer tại xã Lộc Khánh.
Còn núi Bà Rá là ngọn núi cao nhất của tỉnh Bình Phước và đứng thứ ba ở khu vực Nam Bộ. Nơi đây được mệnh danh là chốn bồng lai tiên cảnh, từ trên đỉnh núi có thể nhìn thấy toàn cảnh tỉnh Bình Phước. Với mây lơ lửng bồng bềnh mờ ảo ở một số khoảng thời gian trong ngày, phù hợp cho hoạt động trekking cuối tuần.
Tây Ninh - tỉnh vùng biên, tiếp giáp với Campuchia và cách TP.Hồ Chí Minh 40km về phía Tây Bắc được biết đến với nhiều điểm du lịch hấp dẫn như núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng, đặc biệt là Vườn quốc gia Lò Gò và rừng Ma Thiên Lãnh.
Nói đến Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát là khu vực đánh dấu nơi chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, cách TP.Tây Ninh khoảng 30km về phía Tây Bắc. Tại đây, thảm thực vật phong phú và dòng sông Vàm Cỏ Đông hoang sơ giữa tán rừng xanh mát, thu hút người đến và khó quên khi rời đi.
Một ấn tượng khác về rừng ở xứ Tây là một cái tên khá lạ - Ma Thiên Lãnh - với hàng trăm hecta rừng nguyên sinh. Đường đến Ma Thiên Lãnh khá cheo leo và cũng là nơi có cảnh quan thơ mộng, được hình thành bởi núi Bà Đen, núi Heo và núi Phụng. Lên Ma Thiên Lãnh, dễ dàng cảm nhận sự hoang dã và kỳ bí với những con suối chảy róc rách, trong trẻo.
Hoang sơ và huyền bí
Trong khi đó Bình Dương - một trong những tỉnh thành sầm uất và hiện đại của khu vực miền Đông Nam Bộ thì sở hữu hai địa điểm hoang sơ và huyền bí.
Thứ nhất là bãi Đá Trứng, được nhiều người trẻ tìm đến cắm trại và check-in. Nơi này sở hữu phong cảnh đặc sắc với bãi cỏ xanh ngát và hồ nước trong mát, tạo nên tổng thể không gian không khác gì trời Âu.
Thứ hai là Cầu Gãy - nơi ít người biết đến vì đã không còn được sử dụng kể từ khi mất đi nhịp giữa cầu từ thời chiến tranh. Đây nơi chứa nhiều ý nghĩa lịch sử với người dân Bình Dương. Băng qua cánh rừng cao su, du khách sẽ đến được Cầu Gãy. Bởi nét độc đáo khi mất đi nhịp giữa cầu, nơi này trở nên đậm chất vintage và cổ xưa. Phim điện ảnh “Tèo Em” đã có những phân cảnh quay tại cây cầu này, khiến nơi đây lên “cơn sốt” check-in trong thời gian dài.
Cách TP.Hồ Chí Minh 30km về hướng Đông Bắc, Đồng Nai là tỉnh thành có nhiều di tích lịch sử, văn hóa và nhiều điểm du lịch hấp dẫn. Chẳng hạn thác Đá Hàn với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ cùng thác nước hữu tình và vườn trái cây trĩu quả. Đây là điểm đến lý tưởng để du khách tham gia các hoạt động dã ngoại, cắm trại, chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên xinh đẹp.
Trong khi đó, khu du lịch Thác Mai - Bàu nước sôi thuộc huyện Định Quán cũng rất khó bỏ qua. Sở dĩ nơi đây được gọi tên thác Mai là bởi xung quanh mọc lên rất nhiều cây mai. Không chỉ mang vẻ đẹp của núi rừng, của những con suối ẩn hiện nên thơ, thác nước thoai thoải như mặt hồ gợn nhẹ sóng. Bàu nước sôi rộng hơn 7ha, với những dòng nước khoáng nóng tự nhiên lên đến 36 độ C. Nếu muốn trải nghiệm một đêm cắm trại trong rừng thì đây quả thực đây là địa điểm lý tưởng.
Đến Bà Rịa - Vũng Tàu chắc chắn du khách sẽ tìm đến khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu. Đối diện với biển Hồ Cốc là con đường rợp bóng cây xanh, dẫn vào Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu. Đây là “lá phổi xanh” của Vũng Tàu khi tập trung nhiều cây xanh nhất Hồ Tràm, thuộc huyện Xuyên Mộc. Đồng thời, đây là khu rừng nguyên sinh ven biển duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn của nước ta.
Cuối cùng, bãi biển Vọng Nguyệt nằm dưới chân Núi Nhỏ, có thể giúp ta nhìn thấy toàn cảnh từ vị trí của tượng Đức Chúa giang tay nổi tiếng TP.Vũng Tàu. Đây là bãi biển hoang sơ, cát trắng, nước trong xanh có cảnh mũi đá Nghinh Phong nhô ra biển ngoạn mục. Bãi biển này nằm cô lập về đường bộ, chỉ dành cho những người thích khám phá, không phải bãi tắm phổ biến do hạn chế con đường đi vào bãi phải qua dốc núi. Đây là nơi lý tưởng để ngắm trăng nên có tên gọi là Vọng Nguyệt.
Những ngày sống ở Sài Gòn, tôi có một chị đồng nghiệp thích xê dịch, thỉnh thoảng cuối tuần chị lại rủ: “Đi đâu đó đi!”. Cứ vậy, hai chị em bon bon bằng xe máy, rời thành phố tấp nập một vài ngày, lang thang trong một vườn cây trái nào đó.
Đất Bình Phước đãi vị điều
Nhớ một sáng cuối tuần, chị gọi, bảo: “Đi Bình Phước không? Lên nhà ông anh con bà bác, cháu bà dì của chị, nhanh!”. Não tôi tải một lúc vẫn không hiểu mối quan hệ “dây mơ rễ má”, nhưng tóm lại là đi theo chị. Bình Phước không xa Sài Gòn, đi xe máy một buổi là tới nhưng cái nắng nóng oi nồng tháng Tư làm con đường như xa vời vợi. Tuy vậy, nơi này được bù lại nhờ những vườn điều trải dài xanh mướt. Lúc ấy, những vườn điều đang rộ trái.
Chị quê ở miền Bắc, chưa thấy trái điều bao giờ, không kìm được mà tấp xe vào lề đường, cạnh một vườn đang thu hoạch. Tính chị quảng giao nên chưa gì đã được các bà các cô ở đấy rủ làm “con dâu” và mời ăn thử trái điều chấm muối. Trái điều mọng nước là sự cộng hưởng của đủ loại vị, ngòn ngọt, chua chua và dư vị chan chát nơi cuống họng.
Chị xắn tay áo, ngồi vặt hạt điều hàng giờ cùng các “mẹ chồng”, rồi quay sang tôi, cười hì hì: “Hay mình ở đây chơi nhé”. Hóa ra, chẳng có “ông anh con bà bác, cháu bà dì” nào cả, chỉ là chị kiếm một cái cớ để đi lang thang. Nhờ được “mẹ chồng” chỉ, chúng tôi tìm thấy một vài xưởng hạt điều rang muối thủ công nhỏ. Người chủ đon đả mời nếm ngay tại chỗ. Hạt điều Bình Phước chắc và thơm ngon có tiếng. Vị béo bùi, ngầy ngậy, ngọt thơm lan tỏa trong vòm miệng khiến chúng tôi nhớ mãi, như nhớ nụ cười tỏa nắng của các bà các cô ở đấy.
Nhớ những mùa cây trái
Một lần, có mỗi một ngày nghỉ, chị lại rủ đi Bình Dương chơi, đến một vườn măng cụt của người bà con xa nằm ven sông Sài Gòn ở Lái Thiêu (Thuận An, Bình Dương). Ông chú niềm nở dẫn hai chị em ra thăm vườn trái cây đủ cả sầu riêng, mít tố nữ và nhiều nhất là măng cụt. Tán măng cụt rất rậm rạp, lá xanh đậm óng ánh, trái sắp chín màu hồng nhạt, trái chín ngả màu đỏ tía.
Chú nắn nắn một trái, vỏ bóng loáng và mềm mại: “Con nhớ nè, mai mốt về Sài Gòn, có đi mua măng cụt con phải lựa trái mềm như vầy nè, trái vỏ cứng là bệnh rồi”. Chú ân cần dặn dò, lấy ngón tay nhẹ nhàng tách vỏ, để lộ ra những múi trắng muốt: “Thử đi!”, chú mời. Múi măng cụt ngọt mát pha chút vị chua thanh lan tỏa trong miệng, lỡ ăn một trái thì khó lòng dừng lại. Măng cụt đầu mùa là ngon nhất mà măng cụt đầu mùa Lái Thiêu lại nức tiếng đậm đà, có lẽ do được nuôi dưỡng bởi một phần phù sa sông Sài Gòn màu mỡ.
Mà đâu riêng gì Lái Thiêu, dường như, cả vùng đất Đông Nam Bộ vốn được thiên nhiên ưu đãi những vườn cây trái nhiệt đới sum suê, tươi tốt. Nhớ những ngày chúng tôi la cà trong các vườn chôm chôm chín ở Long Khánh (Đồng Nai). Vườn trái đỏ rực một góc trời. Đã vào vườn chôm chôm thì không thể đứng mãi dưới một gốc cây mà ăn, phải đi khắp các gốc, nếm mỗi cây một vài trái. Vì mỗi loại, mỗi giống lại ra một hương vị khác nhau. Chôm chôm Thái trái to, cùi dày và giòn ngọt đậm đà. Chôm chôm nhãn trái tròn, vỏ mỏng, cùi ngọt thanh. Chôm chôm thường cùi mỏng, hương vị chua chua ngọt ngọt đặc trưng, cực kỳ hợp để chấm với muối ớt rang. Đôi khi, chúng tôi chỉ muốn trốn nắng cả ngày dưới những gốc cây, chẳng còn nhớ gì đến những áp lực cơm áo gạo tiền đời thường.
“Lạc lối” trong những vườn cây trái là một loại cảm giác rất dễ “gây nghiện”. Chính vì vậy, thỉnh thoảng điện thoại chúng tôi ở trạng thái “không liên lạc được” vì muốn dành một ngày trọn vẹn ở địa điểm quen thuộc - làng bưởi Tân Triều (Vĩnh Cửu, Đồng Nai). Nằm không xa phố phường, nhưng làng như bỏ lại ồn ã, khói bụi, vẫn còn những con đường nhỏ trồng hoa. Những ngôi nhà có hàng cau, khóm chuối và vườn bưởi sai trĩu quả đến nỗi phải có sào chống đỡ. Đi dưới tán cây, hít hà mùi hương dìu dịu trong không khí vốn cộng hưởng của vỏ bưởi, hoa bưởi, lá bưởi… đủ thấy sự tươi mát, dễ chịu, không một loại nước hoa nào sánh được.
Chị đồng nghiệp của tôi là một người ăn chay trường nên những chuyến đi thường tha thẩn bên các vườn cây trái từ miền Tây về miền Đông. Thỉnh thoảng, đang dạo bước, tôi quay sang thấy chị đang ôm một thân cây, như cách chị ôm những người mới quen biết trên những chuyến đi. Đó là chị tỏ lòng biết ơn, với con người và cả cây trái ngọt ngào.
Trên cung đường từ Đông Nam Bộ về Sài Gòn, có nhiều điểm nổi bật để tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc và thưởng thức hương vị ẩm thực độc đáo.
Lên rừng xuống biển rồi về thị thành
Phía Đông và Đông Nam của Sài Gòn giáp với hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là hai cung đường độc đáo khi muốn đi vào Sài Gòn bởi vẻ đẹp của rừng và biển hài hòa suốt các con đường chúng ta đi qua.
Đồng Nai chính là cửa ngõ quan trọng nối liền miền Nam với các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung. Nếu chọn con đường này để đi vào Sài Gòn, khi ngang qua Đồng Nai, chắc chắn bạn phải thẫn thờ trước những cánh rừng cao su bạt ngàn. Ở Đồng Nai còn có Văn Miếu Trấn Biên hơn 300 năm tuổi là văn miếu đầu tiên xây dựng ở Đàng Trong (1775), được xem như biểu trưng cho truyền thống học tập, hào khí và văn hóa của người Việt phương Nam.
Đến Đồng Nai chắc chắn phải ăn gỏi cá Tân Mai, món trứ danh của vùng đất này. Gỏi cá Tân Mai được làm từ cá diêu hồng, cá chép hoặc cá tai tượng. Cá tươi sau khi làm sạch được các đầu bếp lấy xương và xắt thành từng miếng cá mỏng, vừa ăn và trộn chung với gia vị. Món gỏi cá Tân Mai khi ăn không thể thiếu nước sốt để chấm được làm từ thịt, gan và mỡ của con cá đun sôi chung với hành, sả, riềng, hạt mè rang. Đặc biệt ngay TP.Biên Hòa có bánh canh gà ác rất độc đáo của tiệm Xuân Hòa với hương vị tẩm ướp ngọt thanh lạ miệng và bổ dưỡng nổi tiếng mấy chục năm qua.
Nếu chọn đi bằng cung đường biển để đến Sài Gòn thì Bà Rịa - Vũng Tàu đảm bảo là trải nghiệm đẹp và nhiều dấu ấn. Ghé đến Vũng Tàu tin chắc sẽ thấy một thành phố biển nhộn nhịp và sầm uất. Ở đây có thể lên Núi Lớn để ngắm nhìn hoàng hôn dát vàng cả vùng biển rộng.
Hay có thể tham quan tòa nhà Bạch Dinh có từ thời Pháp được xây dựng làm nơi nghỉ mát cho Toàn quyền Đông Dương. Sau này nơi đây có thời gian 10 năm giam giữ vua Thành Thái. Nếu đến Vũng Tàu vào những ngày 14, 15 âm lịch, men theo con đường đá lộ ra khi thủy triều xuống, khách phương xa sẽ đi bộ từ đất liền ra đảo Hòn Bà. Đây là một trải nghiệm cực kỳ lý thú.
Thành phố biển này có 2 món ăn mà bất cứ ai cũng nên thử qua là bánh khọt miền đông, gọi vậy cho phân biệt với bánh khọt miền Tây. Bánh khọt làm bằng bột gạo trắng, đổ khuôn nhỏ, mỏng giòn, thêm tôm hay mực, ăn với nước mắm và đu đủ sống ngâm chua. Bánh khọt Gốc Vú Sữa là nơi mà bất kể ngày thường hay cuối tuần lễ tết đều đông nườm nượp khách. Món kế tiếp phải thử là lẩu cá đuối nấu măng chua. Cả con phố Trương Công Định dài bán món này với khách ra vào dập dìu.
Lòng ngất ngây với miền Tây chín nhánh
Nằm ở phía Tây - Tây Nam của Sài Gòn, có thể nói các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long là nơi giao thương nổi trội với Sài Gòn từ những năm tháng xưa xa. Trên cung đường phía Tây Nam để đến với Sài Gòn, trứ danh nhất vẫn là Mỹ Tho của tỉnh Tiền Giang. Làng cổ Đồng Hòa Hiệp có 200 năm lịch sử được xem như một trong các làng cổ đẹp nhất Việt Nam. Ở Tiền Giang vẫn còn chợ nổi Cái Bè theo phong cách thương hồ ghe bẹo xưa cũ.
Nói đến Tiền Giang, chắc chắn mọi người đều nhắc đến hủ tiếu Mỹ Tho đã làm nên thương hiệu cho xứ này. Hủ tiếu Mỹ Tho xuất hiện vào thập niên 60 của thế kỷ 20. Đặc trưng dễ nhận biết nhất của hủ tiếu Mỹ Tho là sợi hủ tiếu thường khá nhỏ, khô, dai và có dư vị chua nhẹ. Nước dùng của hủ tiếu Mỹ Tho cơ bản vẫn ninh từ xương ống và củ cải trắng để tạo độ ngọt thanh. Sau cùng cho thêm mực khô, tôm chấy mỡ để dậy mùi. Tô hủ tiếu đúng thương hiệu Mỹ Tho thường rất nhiều thịt băm. Quán hủ tiếu 43 nằm trên đường Ấp Bắc, TP.Mỹ Tho là một địa chỉ cần ghé đến cho những ai muốn ăn hủ tiếu Mỹ Tho chính gốc 100%.
Qua Tiền Giang thì phải đến Long An, cửa ngõ tiếp giáp Sài Gòn. Nếu đặt chân đến Long An nên dành chút thời gian ghé Làng nổi Tân Lập. Tản bộ trên con đường xuyên rừng tràm, hoặc ngồi thuyền xuôi theo con rạch băng qua rừng và len lỏi vào trong. Không gian trong lành và bình yên như thế cũng đủ để tâm hồn mình lạc trôi và tận hưởng sự thư thái trong veo của thiên nhiên hoang sơ. Đặc biệt, ở đây còn có cây cầu chữ X nằm giữa cánh đồng súng mênh mông, khu vực này đẹp nhất là vào buổi sáng, khi những bông hoa súng bắt đầu nở rộ, chim muông bay về ríu rít, cá lội tung tăng dưới làn nước mát lành.
Nhà cổ trăm cột cũng là nơi mà du khách tìm về để tận mắt chứng kiến một kỹ thuật xây dựng kiểu thức thời Nguyễn với 180 cây cột tròn và vuông, được làm bằng gỗ quý như cẩm lai, gỗ đỏ, gỗ mật. Ngoài ra, khu bảo tồn đất ngập nước thế giới Láng Sen với địa hình vùng trũng của Đồng Tháp Mười, nơi đây sở hữu hệ sinh thái vô cùng phong phú như: rừng tràm, cù lao, đầm lầy, sông ngòi, đồng cỏ, gần 150 loài chim, trong đó có cả những loài nằm trong sách đỏ.