Thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn buộc doanh nghiệp cơ cấu lại kế hoạch sản xuất, đồng thời giảm giờ làm hoặc cắt giảm giảm lao động để giảm bớt chi phí đầu vào, dẫn đến chỉ số sử dụng lao động giảm 9,2% so với cùng thời điểm tháng 6/2022. Dù có nhiều nỗ lực để giải quyết việc làm cho người lao động nhưng dự báo câu chuyện việc làm - thu nhập vẫn còn lắm gian truân.
Việc làm ít, thu nhập giảm sút hơn 50% khiến cuộc sống của gia đình ông Nguyễn Văn Thái (Tam Phú, Tam Kỳ) khó khăn hơn gấp bội. Ngoài làm việc ở công ty giày da, khi về nhà ông Thái phải tăng gia sản xuất, để có thể tiết giảm tối đa chi phí cho lương thực, dành dụm tiền cho những việc cần kíp như con cái đi học, thuốc thang lúc ốm đau, điện nước. Đến nay, không thể cầm cự với công việc ở công ty nữa, ông Thái xin nghỉ việc để đi làm phụ hồ.
Dịch COVID-19 đã khiến nhiều LĐ có công việc gắn với ngành du lịch buộc phải rẽ hướng, trong đó nhiều nhất là các nhóm LĐ phục vụ tại nhà hàng, dịch vụ vận chuyển… vốn chưa qua đào tạo chuyên sâu ở ngành du lịch.
Đã gần 2 năm từ thời điểm Hà Văn Duy Khang (26 tuổi, quê Hội An) chuyển hướng từ LĐ ngành du lịch sang làm nhân viên giao hàng. Anh Khang chia sẻ, bản thân gắn bó với công việc ở một khách sạn tại Hội An từ lúc ra trường. Khi mất việc, anh Khang đã xoay sở và quyết định gắn bó với nghề nhân viên giao hàng với mức thu nhập thấp hơn một chút so với trước và hiện không có ý định trở lại làm việc trong ngành du lịch.
“Mức sống ở TP.Hội An khá cao nên khi thất nghiệp do dịch bệnh, hầu hết LĐ trong ngành buộc phải xoay sở công việc khác để lo cho đời sống, con cái chứ không thể chờ đợi hàng năm trời để du lịch phục hồi và trở lại công việc cũ” - anh Khang chia sẻ.
Ông Nguyễn Quang - Chủ tịch Câu lạc bộ Quản lý buồng Việt Nam (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) cho rằng, việc nhiều người LĐ chưa mặn mà với một số nhóm ngành của lĩnh vực du lịch, đơn cử như buồng phòng khách sạn là bởi trong ngành hiện vẫn có tư duy việc này “ai làm cũng được” và mức thu nhập khá thấp, không tương xứng với công sức và giá trị mang lại nếu phát huy đúng tính chất công việc. Do đó, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo... cần có chính sách liên kết, đào tạo phù hợp, hiệu quả hơn với LĐ ngành du lịch để phát huy năng lực cũng như tạo ra mức thu nhập tốt hơn để người LĐ yên tâm gắn bó với nghề.
Sau khi bố mất vì tai nạn giao thông đột ngột, cuộc sống của gia đình anh Dương Văn Quyền (xã Quế Lưu, Hiệp Đức) đã khó càng khó hơn. Việc làm tại một công ty may ở Hiệp Đức giảm sút, thu nhập có tháng không đủ đổ xăng, ăn uống khi đi làm, buộc anh Quyền phải nghĩ đến một hướng đi khác. Từ lâu anh đã ấp ủ mong muốn được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Quyền nói: “Bố mất, tôi trở thành lao động (LĐ) chính của gia đình nên đã có lúc tôi đã phải cân nhắc việc đi làm ở nước ngoài. Mẹ tôi động viên nếu ở nhà không có thu nhập thì gia đình cũng sẽ vất vả nên quyết định vay tiền cho tôi đi xuất khẩu LĐ. Tôi được nhận đi làm nghề gia công kim loại ở Nhật, tháng 9 tới sẽ sang. Thôi thì cố gắng để phụ giúp mẹ lo cho em gái đi học nữa”.
Khi việc làm không còn nhiều, thu nhập ít đi, anh Lê Tiên Đạo (thị trấn Núi Thành, Núi Thành) đã nghỉ việc ở một công ty gần nhà và đăng ký đi học nghề, học tiếng Nhật để đi làm việc ở Nhật. Ở thời điểm trước, làm việc có tăng ca, thu nhập bình quân hằng tháng của anh Đạo đạt khoảng 10 triệu đồng và có thể sống ổn. Nhưng thời gian gần đây, việc làm ít dần thu nhập giảm sút hơn 1/3 so với khi trước thì cuộc sống trở nên khó khăn hơn nhiều.
Anh Đạo nói vì bản thân đã từng được rèn luyện trong môi trường quân ngũ, lại làm việc trong doanh nghiệp công nghiệp rồi nên anh không ngại việc đi xuất khẩu LĐ. Hiện anh chỉ cần trau dồi thêm ngoại ngữ, để tháng 11 bay sang Nhật làm việc.
Đã tròn nửa năm từ thời điểm ông Lê Minh Cảnh (trú xã Cẩm Thanh, Hội An) ra mắt cơ sở mỳ Quảng niêu phục vụ thực khách. Đến bây giờ, ông Cảnh cảm thấy khá tâm đắc với quyết định rẽ hướng từ việc chỉ thuần kinh doanh tour hướng dẫn trải nghiệm rừng dừa Bảy Mẫu suốt mấy năm sang mảng ẩm thực du lịch.
“Lượng khách giảm sâu do đại dịch COVID-19 cộng với việc bão hòa trong khai thác tour trải nghiệm rừng dừa khiến tôi phải tìm cách chuyển đổi và cụ thể hóa ấp ủ việc nâng tầm ẩm thực mỳ Quảng với thương hiệu mỳ Quảng niêu.
Giờ đây cơ sở thường xuyên đón các đoàn từ vài chục đến hàng trăm khách ở nhiều nơi kể cả ngoại tỉnh đến thưởng thức, đây là tiền đề tốt để cơ sở tính hướng mở rộng hơn nữa việc thiết kế các trải nghiệm gắn với du lịch bản địa trong tương lai gần” - ông Cảnh chia sẻ.
Chuyển đổi để thích ứng là xu thế tất yếu để LĐ ngành du lịch tồn tại. Dù vậy, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, địa phương rất cần cơ chế để giữ chân văn nghệ sĩ - lực lượng LĐ có tính chuyên biệt. Trong ba năm qua, hàng chục LĐ ở Trung tâm VH-TT & TT-TH Hội An đời sống vô cùng khó khăn, trong đó có nhiều anh em đã rời đi, có những nghệ sĩ có thể chơi được 4 - 5 loại đàn nhưng đã chuyển sang đầu quân cho đơn vị tư nhân vì chế độ đãi ngộ tốt hơn nhiều, từ đó mới có thể chăm lo được đời sống cho gia đình họ. Đây là nguồn LĐ phải mất thời gian rất lâu mới có thể đào tạo, tìm kiếm trở lại.
Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hàng tiêu dùng, thực phẩm đông lạnh, y tế hiện vẫn hoạt động bình thường giữa thời buổi khó khăn. Công ty CP Y tế Dameco (Cụm công nghiệp Trảng Nhật 2, Điện Hòa, Điện Bàn) vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, số lượng công nhân đảm bảo, không xảy ra tình trạng cắt giảm lao động (LĐ).
Danameco là DN chuyên sản xuất các mặt hàng trang phục y tế, bên cạnh thị trường nội địa còn xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bàn, bình quân mỗi tháng DN xuất khoảng 30 container sản phẩm cho đối tác khách hàng.
Ông Văn Đức Minh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Danameco cho biết, mặc dù quý II tốc độ tăng trưởng giảm khoảng 10%, nhưng qua quý III các đơn hàng bắt đầu nhiều hơn. Do công ty chuyển sang các sản phẩm phù hợp nên hoạt động kinh doanh đã ổn định, phát triển tốt, đến nay đơn vị vẫn duy trì 100% LĐ làm việc với mức lương bình quân 7 triệu đồng/tháng.
Ông Tuấn cho biết: “Thời điểm dịch chúng tôi tập trung sản xuất các đơn hàng như khẩu trang và đồ bảo hộ y tế cho khách hàng nước ngoài. Nhưng khi chính phủ các nước này thay đổi quan điểm về phòng chống dịch COVID-19 dẫn đến hàng tồn nhiều thì công ty tập trung vào các mặt hàng phù hợp như trang phục phẫu thuật, găng tay y tế, đồng thời mở rộng tìm kiếm thị trường sang các nước châu Âu, Úc, Hàn Quốc… do đó công nhân luôn có việc làm”.
Trong bối cảnh nhiều lĩnh vực, ngành sản xuất đang gặp khó khăn trong việc giữ quy mô vận hành thì du lịch bắt đầu khởi sắc là điểm sáng hiếm hoi còn dư địa lớn cho việc tuyển dụng nhân sự mới.
Đại diện quản lý Hoiana thông tin, đến hiện tại lượng nhân viên hoạt động tại khu nghỉ dưỡng là hơn 2.500 người (trong số này có 80% là người địa phương), tức là tăng thêm khoảng 1.200 người so với thời điểm cuối năm 2022. Nguyên nhân là bởi gần đây Hoiana đã chính thức đưa vào vận hành thêm 1 khối khách sạn 5 sao, 2 nhà hàng mới và khu vui chơi trẻ em.
Thời gian tới, Hoiana có kế hoạch mở rộng thêm nhiều hạng mục khác do đó nhu cầu về nguồn nhân lực của đơn vị vẫn còn rất lớn. Hiện Hoiana liên tục mở tuyển dụng nhiều vị trí, người LĐ quan tâm có thể tham gia ứng tuyển và phỏng vấn trực tiếp tại cơ sở vào thứ 6 hàng tuần.
Dù trong năm 2023, số lượng LĐ được tuyển dụng hàng tháng không nhiều, nhưng vẫn có nhiều DN cần người làm việc. Công ty TNHH Fashion Garments (KCN Tam Thăng, Tam Kỳ) đang có nhu cầu tuyển dụng thêm 1.000 công nhân may và học may, 50 vị trí dành cho quản lý và nhân viên các bộ phận khác. Giữa thời điểm khó khăn chung của ngành may mặc và giày da, nhưng DN này vẫn duy trì việc làm cho hơn 2.000 LĐ, nay cần tuyển dụng thêm vì có nhiều đơn hàng từ phía đối tác.
Theo ông Lê Văn Châu - Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Fashion Garments, thời điểm hiện nay dù có nhiều khó khăn hơn trong tìm kiếm đơn hàng để duy trì việc làm cho người LĐ, nhưng lãnh đạo công ty đã cố gắng để đàm phán, thỏa thuận với đối tác giữ được đơn hàng giá tốt, giúp người LĐ có việc làm, yên tâm lao động sản xuất.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam, trong tháng 7/2023 có 21 DN thông báo tuyển dụng LĐ, với nhu cầu tuyển dụng 5.139 vị trí làm việc ở nhiều trình độ, ngành nghề khác nhau. Các ngành có số lượng tuyển dụng cao như sản xuất thép, may mặc, nhà hàng khách sạn, sản xuất nước giải khát.
Tại thị xã Điện Bàn, từ đầu năm đến nay có khoảng 840 lao động (LĐ) tạm mất việc làm được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn khẳng định, giải quyết việc làm cho người LĐ được địa phương xác định là một nhiệm vụ quan trọng trong thời điểm hiện nay, để góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, cải thiện thu nhập cho người dân. Bên cạnh thường xuyên rà soát số lượng công nhân mất việc làm thì thị xã cũng tổ chức đào tạo nghề cho người LĐ có nhu cầu, tư vấn giới thiệu việc làm, đặc biệt kết nối doanh nghiệp (DN) tổ chức ngày hội tư vấn việc làm… giúp người LĐ tiếp cận DN, việc làm ổn định bền vững.
Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH thị xã, 6 tháng đầu năm đã giải quyết việc làm cho 3.200 LĐ, trong đó giải quyết việc làm trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng là 1.200 LĐ.
Liên tục từ đầu năm ngành du lịch đã tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn, lớp kỹ năng quảng bá xúc tiến, giao tiếp cho người LĐ tại các cơ sở dịch vụ du lịch; khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế.
Bà Huỳnh Thị Minh Tâm - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Nam cho hay, để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch xanh, có trách nhiệm, vừa qua đơn vị phối hợp tổ chức khóa tập huấn nghiệp vụ du lịch cho 97 lái xe, lái tàu và nhân viên phục vụ trên xe ô tô vận chuyển khách du lịch, nhân viên phục vụ trên phương tiện thủy nội địa cũng như các lớp tập huấn hướng dẫn thực hành áp dụng Bộ tiêu chí du lịch xanh dành cho điểm tham quan.
Câu lạc bộ Quản lý nhân sự du lịch Quảng Nam cũng định kỳ tổ chức các buổi gặp theo quý. Các buổi gặp mặt không đơn thuần là để giao lưu mà được tổ chức theo chuỗi chủ đề sát với thực tiễn của ngành để nâng cao năng lực của nhân sự du lịch tại địa phương và được nhiều LĐ trong ngành đánh giá cao về tính thực tế và hiệu quả.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam trong 6 tháng đầu năm đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 27.915 lượt người thông qua các sàn giao dịch việc làm định kỳ và các điểm giao dịch việc làm được đưa về địa phương, điểm giao dịch việc làm chuyên đề. Ngoài tư vấn, giới thiệu việc làm thi trung tâm còn tư vấn hỗ trợ người LĐ học nghề, bồi dưỡng ngoại ngữ, kỹ năng, giới thiệu đơn hàng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Sở LĐ-TB&XH cho rằng, những tháng cuối năm 2023 dự báo còn nhiều khó khăn nên cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để có thể khớp nối thị trường LĐ - việc làm.
Theo ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, sự phối hợp giữa nhiều sở, ngành liên quan sẽ hỗ trợ LĐ hiệu quả hơn. Các giải pháp cần được thực hiện đồng thời có thể nhắc đến như hỗ trợ DN đẩy mạnh thương mại điện tử, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng và phát huy các hiệp định thương mại đã ký kết. Qua đó tạo cơ hội cho hàng hóa được xuất khẩu đến các thị trường, tạo công ăn việc làm cho người LĐ trong nước.
Các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ DN đẩy mạnh việc quảng bá thương hiệu, dịch vụ, không ngừng tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước cũng cần được đẩy mạnh. Riêng ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục bám sát thị trường LĐ trong và ngoài nước, kết nối, đưa thông tin đến người LĐ trong toàn tỉnh, hỗ trợ các DN thực hiện tốt chính sách pháp luật về LĐ, xây dựng mối quan hệ LĐ hài hòa để người LĐ và DN cùng chia sẻ, đồng hành vượt qua giai đoạn khó khăn này.