(QNO) - Ở Bảo tàng Điện Bàn hiện lưu giữ bộ sưu tập 500 chiếc đèn cổ có giá trị không đo đếm được bằng tiền. Đây là những hiện vật do anh Lê Công Anh Đức (sinh năm 1970), sưu tầm suốt nhiều năm trời, và khi anh qua đời vì tai nạn giao thông, gia đình anh đã tặng lại cho quê hương. Ngoài bộ đèn cổ, gia đình anh còn xây tặng cho xã Điện Hồng, Điện Bàn một ngôi trường mẫu giáo. Tấm lòng vì quê hương cố xứ như “ngọn đèn không tắt” (đăng huy bất tức) khơi lên và trao truyền ánh sáng tình yêu thương vô bờ...
“Xin chào chủ nhân. Hãy cho tôi biết điều ước của chủ nhân, tôi sẽ biến nó thành sự thực. Mong ước của chủ nhân là mệnh lệnh đối với tôi”.
Tuổi thơ bé, ai đã từng đọc chuyện thần thoại Aladin và cây đèn thần trong “Nghìn lẻ một đêm”, sẽ khó quên câu nói đó của vị thần đèn. Anh Đức từng đắm mình trong thế giới cổ tích ấy khi còn tuổi hoa niên. Rồi lớn lên chàng trai trẻ ấp ủ ước mơ sưu tập những chiếc đèn cổ.
Như một sự trùng ngộ kỳ diệu sau cái tết năm 1993, gia đình ông Lê Công Chiêm (ba của Đức, cán bộ lão thành cách mạng) trở về thăm quê nhà trong dịp lễ Thanh minh. Đi cùng bố mẹ, Đức về thắp hương cho tổ tiên và ấn tượng đầu tiên là nhìn thấy những cây đèn dầu ở nhà thờ họ Lê quê cha ở Đa Hòa (Điện Hồng). Sang sông về quê mẹ Bảo An (Điện Quang), Đức lại thấy những cây đèn dầu cũ kỹ được lau chùi cẩn thận để thắp sáng trên bàn thờ ông bà, trang nghiêm với hồn quê lung linh. Từ đó Anh Đức đắm mình trong suy tưởng và bước từ thú vui sưu tập tem, tiền cổ, đồ gỗ, đồ sứ sang sưu tập đèn dầu cổ. Vào lại TP.Hồ Chí Minh, Đức bắt đầu lân la đến phố Lê Công Kiều xem các bộ đèn xưa.
Mới đầu mua hú họa, nhưng sau tìm hiểu kiến thức về đèn cổ, Đức biết chọn lọc để sưu tầm những bộ đèn độc đáo và độc bản, mang trong mình câu chuyện văn hóa về việc truyền giữ ngọn lửa, ánh sáng văn minh của nhiều tộc người, nhiều quốc gia. Một lần nhìn thấy một bộ đèn độc lạ tại phố Lê Công Kiều, Đức mê mẩn, rúng động tâm can, thốt lên “Đèn ơi! Em có phải là đèn không? Không! Em là tuyệt tác của người xưa để lại”. Thế là dốc hết tiền dành dụm và cả tháng lương vẫn không đủ để mua chiếc đèn, Đức phải mượn thêm của chị mình để mua cho bằng được.
Trải qua thời gian hơn 10 năm sưu tập, từ phố đồ cổ Lê Công Kiều, bước chân của Anh Đức đã đặt đến nhiều miền đất nước, hễ nghe có đèn cổ là anh đến xem, chiếc nào thích là tìm cách mua cho bằng được. Tài sản đầy dần đến hơn 500 chiếc đèn cổ, trong đó có cả chiếc đèn bằng đất nung thời Sa Huỳnh (niên đại khoảng 3.000 năm); có những chiếc đèn thời Đông Sơn (niên đại 2.000 năm), đèn Chăm pa (niên đại 1.000 năm). Nhiều bộ đèn cổ có chạm khắc hình linh vật rắn thần, voi, sư tử, chim thần Garuda… Chất liệu đèn khá đa dạng với đất nung, gốm, đồng, sứ, nhôm, gỗ, thủy tinh… Nhiều bộ đèn mang dấu ấn văn hóa Ấn Độ, Hy Lạp,... từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 17. Có những chiếc đèn mang dáng dấp nghệ thuật thời Phục Hưng với chân đèn khắc tượng thần Vệ nữ, tượng những vị thần Hy Lạp. Nhiều bộ đèn cổ của Đức đã được sưu tập từ nước ngoài như Pháp, Bỉ, Anh, Trung Quốc… Đặc biệt, Đức đã tìm thấy hai chiếc đèn đồng Aladin xuất xứ tại Israel, nơi xuất hiện câu chuyện cổ tích “Nghìn lẻ một đêm”.
Clip bộ đèn cổ của Lê Công Anh Đức tại Bảo tàng Điện Bàn (Thực hiện: VĨNH LỘC)
Sinh thời, Lê Công Anh Đức khát vọng xây dựng một bảo tàng tư nhân hoặc một hội quán cà phê bảo tàng Aladin để trưng bày, quảng bá giá trị bộ sưu tập đèn cổ. Nhưng không may, năm 2002, bất ngờ anh qua đời vì tai nạn giao thông, để lại cả ước mơ dang dở.
Ông Lê Công Chiêm, bố của Anh Đức, kể lại trong cuốn sách “Lá vàng ngày ở lại” như lời tự sự với Đức, rằng: “Sau khi con đi, rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp đặt vấn đề muốn hợp tác với bố mẹ để khai thác bộ đèn, mang lại thu nhập của cả hai bên. Nhưng bố mẹ đã từ chối. Bố mẹ muốn lưu giữ di sản văn hóa của con trọn vẹn, ở một nơi chốn trang nghiêm và nếu được sẽ hoán đổi bằng nội dung xây dựng một trường học, giúp trẻ em ở quê có một nơi chốn học hành tử tế. Quê hương tình sâu nghĩa nặng đã đưa linh hồn con về quê”.
Dường như linh hồn của ngọn lửa được giữ trong những chiếc đèn cổ, khiến cho những giấc mơ trở đi trở lại với người thân trong gia đình Lê Công Anh Đức. Và sau bao nhiêu trắc trở cuối cùng bộ sưu tập đèn cổ đã được về cố xứ của ông bà Lê Công Chiêm – Phan Thị Nhã (bà Nhã là con gái của nhà cách mạng Phan Bôi). Bộ sưu tập đèn được trưng bày trang trọng ở Bảo tàng Điện Bàn, mở cửa cho khách tham quan vào dịp Festival di sản Quảng Nam lần thứ 5 (22-26.6.2013) và từ đó đến nay luôn thu hút nhiều bước chân du khách tìm đến. Tài sản vô giá này sẽ được phát huy như thế nào phụ thuộc vào chính sự trân quý bảo tồn và quảng bá của ngành văn hóa Điện Bàn.
Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn:
Tặng bộ sưu tập đèn cổ kèm theo ước nguyện được nhà nước hoán đổi giá trị bằng 6,2 tỷ đồng, gia đình ông bà Lê Công Chiêm tiếp tục thực hiện lời hứa với hương linh con mình là dùng số tiền đó, đồng thời vận động thêm để xây tặng một ngôi trường mẫu giáo cho xã Điện Hồng (Điện Bàn).
Đến tháng 5.2012, Trường mẫu giáo Lê Công Anh Đức được khánh thành và đưa vào hoạt động. Đó là ngôi trường khá khang trang, bề thế, ghi dấu tâm huyết khơi dậy ngọn lửa văn hóa giáo dục cho con em miền quê bên bờ sông Thu. Giờ đây, đến Điện Hồng, bạn sẽ thấy hồng lên ngọn lửa của những người con đi xa vẫn hướng về quê nhà, chăm lo sự nghiệp trồng người. Và hình ảnh khối đá bia tưởng niệm như hình chiếc đèn dầu nhắc các em học sinh nhớ mãi về chàng kỹ sư viễn thông, cử nhân luật Lê Công Anh Đức.
Từ việc hiến tặng bộ sưu tập đèn cổ có quy mô số lượng và giá trị vào hàng bậc nhất Việt Nam đến một ngôi trường như ngọn đèn sáng khai tâm cho trẻ em quê nhà, gia đình Lê Công Anh Đức đã khơi dậy và trao truyền một tình yêu xứ sở thật đẹp đẽ.
Mùa xuân này, về quê hương Điện Bàn, nhìn những “ngọn đèn không tắt” mà luôn hội tụ các giá trị văn hóa của mảnh đất và con người nơi đây, càng thêm yêu miền quê có Dinh trấn Thanh Chiêm, thành tỉnh La Qua… vang danh sử sách. Và khách du xuân hãy dừng chân chiêm ngưỡng bộ sưu tập đèn cổ để thấy ánh sáng lung linh với những sắc màu trao truyền ngọn lửa văn hóa.