(QNO) - Đội khai thác tổ yến đảo Cù Lao Chàm vừa kết thúc 7 ngày lấy tổ yến sào tại 11 hang yến ở Cù Lao Chàm. Chúng tôi được phép theo chân đội khai thác yến, chứng kiến tận mắt những nhọc nhằn, gian nan và nguy hiểm của nghề khai thác tổ yến.
Mùa khai thác tổ yến ở Cù Lao Chàm thường diễn ra hai đợt, vào cuối mùa xuân và cuối mùa thu (tức vào khoảng tháng Tư và tháng Tám âm lịch) hằng năm. Chim yến làm tổ chủ yếu trong những khe núi nhỏ ở các hang Cả, hang Tò Vò, hang Tai, hang Khô, hang Trăng và hang Kỳ Châu.
Chiếc tàu công suất 300 CV khởi hành tại cảng Cửa Đại lúc 8 giờ sáng, mang theo nhiều lương thực, thực phẩm và thiết bị, dụng cụ phục vụ khai thác yến. Chiếc tàu gỗ mất hơn 1 tiếng 15 phút vượt hơn 12 hải lý chở 30 thành viên khai thác tổ yến đến hang Cả. Có tất cả 11 hang yến trên đảo Cù Lao Chàm. Hầu hết các hang yến phân bố tại các đảo nhỏ, cửa hang quay về phía đông hoặc phía bắc.
Từ Cửa Đại (Hội An) đến hang yến gần nhất 8 là hải lý, hang xa nhất hơn 12 hải lý, thời gian di chuyển từ cảng Cửa Đại đến các hang mất từ 45 đến 75 phút. Hang yến lớn nhất và gần nhất là hang Khô, nơi đây có nhiều yến trú ngụ và làm tổ, hang xa nhất là hang Tò Vò.
[VIDEO] – Hành trình của đội thợ đến hang yến:
Vụ khai thác yến năm nay thời tiết thuận lợi, trời nắng ấm và gió nhẹ. Tuy nhiên, ra biển và tiếp cận những hang yến mùa này rất khó khăn, những con sóng lớn liên tục đánh vào vách đá làm chiếc tàu gỗ chồm lên như muốn lao vào bờ đá thẳng đứng.
Đầu tiên, một người thợ tìm cách lên đảo, mang theo một đầu dây thừng lớn buộc vào mỏm đá, bên dưới tàu gỗ, một nhóm thợ vừa giữ dây thừng vừa tìm cách dìu con tàu theo mỗi đợt sóng để từng người lần lượt bước xuống, đây là thử thách đầu tiên đối với những người thợ trẻ và những ai lần đầu đi khai thác tổ yến. Mất nửa giờ đồng hồ đoàn người mới rời tàu lên đảo yến an toàn. Nhu yếu phẩm được chia nhỏ cùng dụng cụ cần thiết để mang vác lên đảo yến.
Trước khi lấy tổ yến, nghi thức không thể thiếu là lễ cúng tổ nghề ngay tại cửa hang. Nghi thức này được cha ông truyền lại từ bao đời nay, người thợ yến tin rằng ông tổ nghề yến sẽ phù hộ cho mọi người luôn an toàn trong suốt quá trình khai thác…
Vật liệu chính để làm giàn giáo là tre. Hàng trăm cây tre được vận chuyển ra đảo trước đó và chuyển đến từng hang yến để sẵn. Những cây tre già chắc chắn nhưng rất dẻo dai, dài ngắn khác nhau sẽ được chắp nối bằng hàng trăm sợi dây mây, dây thừng để làm thành giàn vững chắc. Vách hang, nóc hang trở thành điểm tựa cho giàn giáo. Phải mất khoảng 2 – 3 giờ để đội thợ hình thành hệ thống giàn giáo, họ tìm cách dựng giàn giáo luồng lách vô cùng khéo léo theo địa hình hang hốc hiểm trở của đảo yến.
Nhìn hệ thống giàn giáo được hoàn thiện nhanh chóng, chúng tôi không khỏi thán phục tài nghệ của những người thợ khai thác tổ yến, nó như một kỳ quan được tạo ra từ sự nhẫn nại, khéo léo để họ đu bám, chuyền từ vách đá này sang vách đá khác, leo lên tận đỉnh hang như những diễn viên xiếc để tiếp cận tổ yến, bên dưới là vực thẳm đại dương sóng dội.
Người thợ khai thác yến không quên giăng bên dưới những tấm lưới nhằm cứu chim yến non chẳng may rơi khỏi tổ, hạn chế thất thoát tổ yến rơi vào lòng biển và cũng là đề phòng sự cố xảy ra đối với những thợ đang vắt vẻo trên trần hang yến… Suốt thời gian còn lại trong ngày, họ làm việc trong không gian rộn ràng của tiếng chim kêu, tiếng sóng dội ầm ầm vào vách đá cùng tiếng đùa cười vui vẻ.
[VIDEO] – Dựng giàn giáo trong hang trước khi lấy tổ yến:
[VIDEO] - Ông Nguyễn Văn Liêm - Tổ trưởng Tổ Khoa học kỹ thuật nói về kỹ thuật dựng giàn giáo:
Sau 2 giờ làm việc liên tục, nghỉ giải lao, uống nước ngay trên giàn tre cheo leo, thì những người thợ tiếp tục gỡ tổ yến. Những tổ yến quá xa tầm tay, họ dùng một chiếc nĩa tự chế gắn vào cây sào dài 3-4 mét để gỡ tổ. Những tổ yến bám quá chặt hoặc quá khô, thợ yến tìm cách phun qua một lần nước rồi mới lấy tổ để tránh tổ yến bị vỡ vụn...
Chứng kiến cảnh những người thợ khai thác yến trườn mình trên những thanh tre mỏng manh, bên dưới là vực sâu, đá nhọn… chúng tôi không khỏi rùng mình. Mặc với những lo âu của người chưa từng một lần đặt chân đến hang yến như chúng tôi, họ vẫn vui vẻ làm việc, từng thao tác chính xác gọn gàng. Những chiếc tai yến quý giá trên trần hang lần lượt yên vị trong những chiếc túi mang theo bên mình.
Thời điểm này là giai đoạn khai thác muộn, hầu hết chim yến ở Cù Lao Chàm đã đẻ trứng, chim non và chim trưởng thành đã nhiều. Khi gỡ tổ, trứng và chim non được thu gom cẩn thận. Năm nay, đội kỹ thuật thu gom được 800 chim non và gần 1.000 trứng, tất cả chim non tiếp tục nuôi và tập bay trước khi trả lại môi trường tự nhiên, trứng thì ấm nở và nuôi dưỡng đến biết bay.
[VIDEO] – Cảnh khai thác yến trong một hang yến:
Ban quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm cho biết: Sản lượng tổ yến tại Cù Lao Chàm liên tục suy giảm trong những năm gần đây. Năm 2017, ban quản lý thu hoạch nhiều nhất gần 750kg/năm, riêng vụ 1 năm 2022, chỉ thu ước lượng 200kg. Vụ khai thác tổ yến này sản lượng không cao, song chất lượng yến Cù Lao Chàm vẫn luôn đứng hàng đầu yến đảo tại Việt Nam.
Nguyên nhân được cho là phong trào nuôi yến nhà phát triển mạnh, hiện tượng rơi tổ và rơi chim non khỏi tổ trong mùa sinh sản ngày càng nhiều. Cấu trúc hang có ảnh hưởng đến các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, gió... tác động đến việc rơi trứng, rơi tổ và rơi chim non trong mùa sinh sản.
Những hang có cửa rộng, nguồn ánh sáng và tốc độ gió mạnh thì có nhiệt độ trung bình cao và ẩm độ trung bình thấp thường xảy ra hiện tượng rơi tổ và kéo theo chim non rơi. Ngược lại những hang có độ ẩm quá cao (như hang Cả) cũng làm tổ bị ướt rã và rơi xuống kéo theo chim non.
[VIDEO] - Tiến sĩ Võ Tấn Phong - Phó Bộ phận KHKT, Ban quản lý Khai thác yến Cù Lao Chàm:
Ông Đinh Hùng - Chủ tịch Hội đồng khai thác yến Cù Lao Chàm cho biết, tổ yến khi thu hoạch về được sơ chế sạch sẽ, phân loại dựa vào kích thước và khối lượng tổ. Khoảng 90% tổ yến được xuất khẩu sang Hồng Kông và một số nước châu Á, 10% tiêu thụ trong nước. Hiện tại, 1kg yến đảo Cù Lao Chàm (loại 1) bán ra thị trường gần 200 triệu đồng.
Khi bóng những ngọn núi trải dài trên ngọn sóng, gió biển chuyển mạnh hơn, trời trở lạnh cũng là lúc đội thợ kết thúc một ngày khai thác yến. Ngày mai họ lại hành trình đến đảo khác, những người có nhiệm vụ bảo vệ hang yến thì ở lại trên đảo. Tổ yến được thu gom và kiểm đếm cẩn thận trước khi bàn giao cho đại diện Hội đồng khai thác yến Cù Lao Chàm quản lí, vận chuyển vào đất liền bảo quản tại kho theo quy định.
Ngồi trên chuyến tàu trở về đất liền trong ánh hoàng hôn sau một ngày mệt nhoài cùng những người thợ khai thác yến, chúng tôi hòa trong niềm vui thắng lợi của họ. Hành trang trở về không còn lích kích, bề bộn như lúc đi, song giá trị thì tăng gấp bội phần bởi yến đảo Cù Lao Chàm là quà tặng thiên nhiên vô cùng quý giá được kết tinh từ sự tận tụy của loài yến, từ vị mặn mòi của biển cả, của những cơn gió hun hút qua kẽ đá, của thứ âm thanh có lúc dữ dội, có lúc êm đềm của từng đợt sóng xô vào hang đá, và sự nhẫn nại, lao lực của bao người thợ...