Emagazine

[eMagazine] - Mùa xuân phía đảo Tây Nam

PHAN HOÀNG 25/01/2024 09:02

(QNO) - Nắng gió của đảo có thể làm họ già hơn so với tuổi, nhưng cũng làm giọng họ rổn rảng hơn, nghe như có nhạc. Khi kể về mình họ kiệm lời, nhưng khi nói về công việc ở đảo, dẫu đôi lúc giọng chùng xuống, nhưng chuyện nào cũng như một lời reo…

bqn.1cdn.vn-2024-01-25-_images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2024-1-25-155219-_tit-chinh_lot-trong-.png

Nắng gió của đảo có thể làm họ già hơn so với tuổi, nhưng cũng làm giọng họ rổn rảng hơn, nghe như có nhạc. Khi kể về mình họ kiệm lời, nhưng khi nói về công việc ở đảo, dẫu đôi lúc giọng chùng xuống, nhưng chuyện nào cũng như một lời reo…

Họ là những người làm nhiệm vụ ở các cụm đảo Tây Nam của Tổ quốc và cả những lính trẻ mắt còn trong veo như trời xanh ở Thổ Chu, ở Hòn Khoai, Hòn Chuối, Nam Du, Hòn Đốc.

Một góc đảo Thổ Chu.
Một góc đảo Thổ Chu.
Dâng hương tưởng niệm tại đền Thổ Châu.
Dâng hương tưởng niệm tại đền Thổ Châu.

Anh Phí Văn Mạnh (quê Thái Bình) có 15 năm công tác tại Trạm Hải đăng Thổ Chu (ấp Bãi Ngự, Thổ Châu, Phú Quốc, Kiên Giang). Trước đó, anh có 4 năm công tác tại Trạm Hải đăng Nam Du. Mạnh nói một hơi: “Trạm có nhiệm vụ chỉ dẫn tàu thuyền hoạt động trong khu vực nhằm biết được vị trí của mình và phương hướng hành hải trong vùng biển thuộc tỉnh Kiên Giang. Tầm nhìn ban ngày 29 hải lý, ban đêm 12 hải lý. Tháp đèn cao 18m. Tâm sáng 140m, đặc tính ánh sáng…”. Những thông số Mạnh không cần nghĩ vẫn đọc chính xác.

Trạm hải đăng Thổ Chu.
Trạm hải đăng Thổ Chu.

Trạm có 6 người, luân phiên chia nhau thực nhiệm nhiệm vụ. Anh nói, trạm là nơi để từ phía biển nhìn vào, nên không bao giờ cho phép mình lơ là. Chỉ cần sơ sểnh một chút, những người đi tàu ở phía biển sẽ đối mặt nguy cơ mất an toàn. Vợ con anh Mạnh hiện ở tỉnh Bình Dương. Cha và chị em ở tỉnh Thái Bình.

Anh Mạnh nói, cuộc sống ở đảo bây giờ không còn vất vả như cách đây mươi năm, khi điện, nước thiếu thốn. Xa nhà quanh năm suốt tháng, nhớ vợ con rồi cũng thành quen, giờ thuận tiện hơn là gọi điện cũng có thể thấy mặt nhau. Nên nỗi thắc thỏm trong lòng bây giờ, là chuyện cha già như chuối chín cây. Đường về nhà xa quá, đi lại tàu xe để về đến Thái Bình khi hữu sự, lúc cấp kỳ sẽ chẳng thể nào kịp.

Anh Phí Văn Mạnh tại trạm hải đăng Thổ Chu.
Anh Phí Văn Mạnh tại Trạm hải đăng Thổ Chu.

Gác niềm riêng, anh tạm biệt chúng tôi bằng một câu như thơ “mình làm đốm sáng, cho ngoài kia màu xanh”.

Lời của Mạnh, cũng giống lời anh Nguyễn Mạnh Tuấn, người lau đèn ở Trạm Hải đăng Hòn Khoai. Tuấn bảo: “Phải chăm chỉ chị ạ, mỗi ngày lau một lần, để giữ mắt sáng cho ngoài kia”.

Nguyễn Mạnh Tuấn lau đèn.
Nguyễn Mạnh Tuấn lau đèn.

Quanh quẩn với công việc trong khuôn viên nhỏ hẹp ở đảo, những người ở đất liền như chúng tôi tưởng họ sẽ buồn. Nhưng không hề. Như ông Huỳnh Văn Hà ở Trạm Hải đăng Hòn Khoai nói, họ không có thời gian để buồn. Khi hỏi nếu có ba điều ước ngay bây giờ, ông Hà gọn lỏn: luôn vui vẻ, khỏe mạnh và đầy niềm tin với cuộc đời. Những thứ đó sẽ giúp ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ cho đến khi về hưu.

Vào nghề từ cuối năm 1990 từ trạm Hải đăng Hòn Khoai này, ông Hà đi một vòng 7 đảo, bây giờ quay lại trạm lần thứ 2. Một vòng của ông đã là 33 năm làm nhiệm vụ. Ông bảo, cực thì nghề nào chẳng có cái cực riêng, nhưng nếu chọn lại, ông vẫn chọn làm nghề canh gác và thắp đèn cho hải đăng. Đó không phải là niềm vui đâu, mà đó là sự tự hào được làm cái nghề là chỗ dựa cho người khác. Biển giã khôn cùng, chỉ cần mất phương hướng, mọi thứ sẽ lạc lối.

Bầu bạn với ông, là con Ki con Vàng. Chỉ thoáng nghe tiếng bước chân của ông, hai con chó lon ton theo ngay. Ở ngọn hải đăng hơn 100 tuổi được xây dựng từ thời Pháp thuộc này, đó dường như là hình ảnh khiến chúng tôi thấy gần đất liền nhất.

Cùng trò chuyện ở trạm hải đăng Hòn Khoai.
Cùng trò chuyện ở Trạm hải đăng Hòn Khoai.

Trên đảo Thổ Chu, tôi nhớ Đại úy Hoàng Văn Hiếu - Trạm trưởng Trạm ra đa 610 ví von, nhiệm vụ của các anh, là suốt ngày suốt đêm phải nhìn biển. Cách ví von của anh khiến tôi nhớ ai đó nói khi vừa đặt chân lên đảo Thổ Chu, rằng nhà văn nhà báo ngắm biển ra thơ, còn lính như các anh, nhìn biển để ra mùa xuân cho đất liền.

Đoàn Bộ Tư lệnh vùng 5 đi thăm và chúc tết.
Đoàn Bộ Tư lệnh vùng 5 đi thăm và chúc tết.

Ở Trạm ra đa 595 trên đảo Hòn Khoai, khi đứng yên nghe hô vang 10 lời thề của quân nhân tại buổi lễ chào cờ hôm ấy, tôi đã nôn nao nỗi nhớ Trường Sa. Mười chín năm trước, khi được chào cờ ở đảo Trường Sa lớn, lời thề giữ gìn danh dự của người lính đã theo tôi đến bây giờ.

Chào cờ trên đảo Hòn Khoai và thắp hương tại địa điểm tưởng niệm khởi nghĩa Hòn Khoai.
Chào cờ trên đảo Hòn Khoai và thắp hương tại địa điểm tưởng niệm khởi nghĩa Hòn Khoai.

Hòn Khoai là điểm kế tiếp của hải trình sau 14 tiếng đồng hồ trên biển. Hòn Khoai là 1 trong 5 đảo thuộc cụm đảo Hòn Khoai, ở phía Đông Nam mũi Cà Mau thuộc địa bàn xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Đảo có diện tích khoảng 4km2, nằm cách đất liền khoảng 14km, điểm cao nhất so với mực nước biển khoảng 318m.

Trong hải trình quanh các đảo, thì Hòn Khoai là đảo không có dân cư sinh sống, nên với lính, sự có mặt của người từ đất liền luôn ấm áp. Dương Phúc Huy (Tân Lập, huyện Thốt Nốt, Cần Thơ) mới nhập ngũ hồi tháng 2/2023 và năm này ăn tết ở đảo. Ở Trạm ra đa 595, những lính mới như Huy khá nhiều. Khách đến đông, mỗi bạn lăng xăng mỗi việc nhưng có lẽ Huy khiến tôi chú ý nhất bởi khá nhỏ con, hay bẽn lẽn khi trò chuyện và đôi mắt lanh lợi.

“Có mình ên à” là câu nói tôi được nghe nhiều nhất. Ba mẹ có mỗi mình Huy. Mẹ mất cách đây mấy năm vì bệnh. Năm trước cha Huy bị tai nạn giao thông nên Huy được hoãn nghĩa vụ quân sự. “Giờ cha cũng hay bịnh lắm, ở nhà có mình ên à, nên em cũng lo. Mỗi tuần được gọi điện về cho cha một lần, nghe cha khỏe là mừng ghê luôn. Em nói với cha đừng lo, con ở đây có đồng đội vui lắm, cười cả ngày mà. Nhiệm vụ nào thủ trưởng giao con cũng hoàn thành hết” – Huy kể.

Với Trần Đức Tùng – Phó trạm trưởng Trạm ra đa 595, xuân Giáp Thìn này là năm thứ 2 anh ăn Tết ở đảo. “Cũng không khác mấy ở đất liền. Chỉ hơi nôn nao những ngày trước Tết, khi có thủ trưởng và chính quyền đến thăm thôi. Đây thường là dịp để đơn vị tổ chức cho anh em đón Tết sớm. Trong Tết tập trung toàn lực làm nhiệm vụ” – Tùng nói.

Trong âm giọng của Tùng, chúng tôi hiểu, ở nơi nào có bình yên, thì nơi đó mùa xuân sẽ theo về.

Lính ở đảo Hòn Đốc tăng gia sản xuất và lính ở đảo Hòn Khoai chuẩn bị cơm đón khách.
Lính ở đảo Hòn Đốc tăng gia sản xuất và lính ở đảo Hòn Khoai chuẩn bị cơm đón khách.

Cuối chặng hải trình, khi chúng tôi rời đảo Hòn Đốc, có 4 lính trẻ của Trạm ra đa 625 được cho phép theo tàu cùng về. Có bạn được về phép, có bạn được xuất ngũ. Mùa xuân như tràn trong ánh mắt. Lúc trên đảo Hòn Chuối, tôi gặp niềm hân hoan tương tự. Trương Minh Thuận ở Trạm ra đa 615 nói mình nhập ngũ ngày 16/2/2022 và ngày 28/1/2024 xuất ngũ. Hôm chúng tôi đến, bạn bảo, em đếm từng ngày, vì sắp được ăn tết với gia đình.

Ngoài lực lượng các trạm ra đa thuộc Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân; trên các cụm đảo Tây Nam còn có các lực lượng khác đang làm nhiệm vụ tại các trạm hải đăng thuộc Bộ Giao thông vận tải, đài khí tượng thủy văn thuộc Bộ Tài nguyên môi trường; đồn biên phòng và trạm kiểm lâm các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau; các các đơn vị của Quân khu 9...

Theo Chuẩn đô đốc Nguyễn Hữu Thoan – Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng luôn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng nắm chắc tình hình vùng biển, đảo Tây Nam, duy trì chặt chẽ lực lượng, phương tiện tuần tiễu, trinh sát, quan sát, chốt trực; chủ động phối hợp với các lực lượng nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất với Quân chủng và trực tiếp xử trí các tình huống, quản lý bảo vệ vững chắc chủ quyền; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên vùng biển, đảo được phân công.

Bộ Tư lệnh xây dựng Vùng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Luôn luôn rèn luyện cho bộ đội có bản lĩnh kiên định, vững vàng; ý chí chiến đấu cao, yên tâm gắn bó xây dựng đơn vị với phương châm: Đảo là nhà, biển cả là quê hương.

Di chuyển bằng xuồng vào đảo Hòn Chuối và di chuyển từ đảo Hòn Chuối ra tàu để tiếp tục hải trình.
Di chuyển bằng xuồng vào đảo Hòn Chuối và di chuyển từ đảo Hòn Chuối ra tàu để tiếp tục hải trình.

“Thời điểm Tết chúng tôi quán triệt công tác trực tết, trực sẵn sàng chiến đấu trên biển càng quan trọng hơn ngày thường. Thời điểm này càng tăng cường lực lượng để luôn đảm bảo ổn định trên biển, trên đảo, để nhân dân được đón Tết bình yên. Đặc biệt là ở các trạm ra đa phải đảm bảo quan sát và phát hiện từ sớm, từ xa, nhanh chóng, dự lường những tình huống phá hoại của các thế lực thù địch.

Với cán bộ chiến sĩ trực sẵn sàng chiến đấu, không có điều kiện về ăn Tết cùng gia đình thì chúng tôi cũng có kế hoạch cụ thể, bảo đảm không khí Tết cổ truyền cho lực lượng này” – Chuẩn đô đốc Nguyễn Hữu Thoan nói.

Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan.
Chuẩn Đô đốc Nguyễn Hữu Thoan.

Ngoài chính sách chung, thì Vùng 5 Hải quân cũng tổ chức nhiều hoạt động như gói bánh chưng, trang trí hoa mai, hoa đào...; đồng thời tranh thủ từ các nguồn tiết kiệm để bộ đội mua sắm tươm tất cho một cái tết đủ đầy. Chính quyền địa phương cũng phối hợp động viên bộ đội trước trong và sau Tết, để cho hậu phương của quân nhân ấm lòng.

Cùng bộ đội gói bánh chưng đón tết sớm.
Cùng bộ đội gói bánh chưng đón tết sớm.

Trước khi rời đảo, tôi dừng chụp hình ở cột mốc ghi “Quần đảo Hải Tặc. Hải đồ số 3686”, đã nghe rộn ràng giai điệu từ nhà bên vang ra “Tết! Tết! Tết! Tết đến rồi...”

Chuyển quà tết lên đảo Nam Du.
Chuyển quà tết lên đảo Nam Du.
Một góc đảo Nam Du.
Một góc đảo Nam Du.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Mùa xuân phía đảo Tây Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO