Emagazine

[Emagazine] - Nâng chất lượng giáo dục nghề nghiệp

D.LỆ - H.ĐẠO 19/12/2023 04:24

(QNO) - Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, giúp nhiều người lao động tự tạo việc làm hoặc tìm được việc làm phù hợp với thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Giáo dục nghề nghiệp đã góp phần tích cực trong công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong toàn tỉnh.

tit-chinh_lot-trong-noi-dung_nghe.png

Giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, giúp nhiều người lao động tự tạo việc làm hoặc tìm được việc làm phù hợp với thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Giáo dục nghề nghiệp đã góp phần tích cực trong công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong toàn tỉnh.

Nâng tay nghề cho lao động nông thôn miền núi. Ảnh: L.Đ
Nâng tay nghề cho lao động nông thôn miền núi. Ảnh: L.Đ

Tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh đào tạo nghề cho lao động nữ ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi phải bám sát vào thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, đi từng bản làng để vận động chị em học nghề phù hợp là câu chuyện mà hơn 10 năm qua Hội LHPN huyện Nam Trà My phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH, cùng các địa phương kiên trì thực hiện.

Vì vậy, các năm qua, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của huyện, các chương trình mục tiêu triển khai trên địa bàn, Hội LHPN huyện đã cố gắng vận động chị em đi học nghề để có công ăn việc làm, tạo thu nhập, tự tin hơn trong cuộc sống. Việc tuyên truyền không thể là ngày một ngày hai, mà theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”.

Nam Trà My đang chú trọng đào tạo nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Ảnh: L.Đ
Nam Trà My đang chú trọng đào tạo nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Ảnh: L.Đ

Đối với một số chị em vì điều kiện gia đình con cái không thể đi xa, Hội LHPN huyện chọn cho họ học các nghề truyền thống ở địa phương, học xong có thể làm nghề tại chỗ như nghề làm chổi đốt, nghề pha chế thức uống để phục vụ cho các quán hoặc tự mở quán nước nhỏ, nghề thú y để chăm vật nuôi của gia đình và có thể đi chữa bệnh, phòng bệnh cho vật nuôi ở thôn bản, nghề đan lát...

Gần 400 chị em phụ nữ đã được học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp trong năm 2022 là một con số ấn tượng đối với chị em phụ nữ miền núi.

“Mỗi chị em phụ nữ ở chi hội cơ sở là cánh tay nối dài, thường xuyên bu bám, vận động chị em đi học nghề, trong đó chọn chị em có tư tưởng tiến bộ hơn để vận động trước. Sau khi thành công thì lấy đó làm điển hình để vận động chị em khác. Chị em đã biết đi học nghề may công nghiệp để vào làm ở các công ty, xí nghiệp, đi xuất khẩu lao động làm việc phụ giúp gia đình, hoặc đi làm nghề nông nghiệp ở Hàn Quốc” - bà Vũ Thị Như Thuyên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Nam Trà My cho biết.

Phụ nữ có việc làm ổn định là cách góp phần giảm nghèo bền vững. Ảnh: L.Đ
Phụ nữ có việc làm ổn định là cách góp phần giảm nghèo bền vững. Ảnh: L.Đ

Giai đoạn 2012 - 2022, Hội Phụ nữ các cấp đã phối hợp với các ngành liên quan cùng cấp tổ chức 1.004 lớp cho 41.846 chị em tham gia học nghề như may công nghiệp, giày da, lễ tân, nấu ăn, thủ công mỹ nghệ... Gần 65 nghìn lượt chị em đã được tư vấn, giới thiệu việc làm, giải quyết lao động tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài địa phương, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập cho lao động nữ trên địa bàn tỉnh.

Cùng với công tác đào tạo nghề, 10 năm qua đã có hàng chục HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết được duy trì và thành lập mới với 818 hộ phụ nữ tham gia, giúp lao động sau đào tạo có việc làm, phát triển kinh tế. Qua kiểm tra của các cấp Hội Phụ nữ cho thấy các mô hình, HTX, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ hoạt động tương đối hiệu quả, duy trì việc làm ổn định cho lao động nữ với mức thu nhập trung bình 3 triệu đồng/người/tháng.

[VIDEO] - Phụ nữ học nghề và làm việc để làm chủ cuộc sống, tự tin hơn:

Đào tạo gắn với giải quyết việc làm. Ảnh: L.Đ
Đào tạo gắn với giải quyết việc làm. Ảnh: L.Đ

Sau gần một năm ra trường và làm việc tại Công ty CP GreenFeed Việt Nam (trụ sở tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), chị Lê Thị Sen đã quen việc và dần khẳng định năng lực chuyên môn. Chị Sen chia sẻ, lúc theo học ngành chăn nuôi thú y tại Trường Cao đẳng Quảng Nam, chị đã được nhà trường kết nối thực tập tại trại chăn nuôi của Công ty CP GreenFeed Việt Nam và được nhận vào làm chính thức sau khi ra trường.

"Quá trình đào tạo của nhà trường rất sát với thực tế nên tôi không gặp khó khăn khi thực tập và được nhận vào làm việc ngay khi ra trường với mức lương ổn định. Công ty có trang trại chăn nuôi ở Quảng Nam nhưng do tôi đã quen với môi trường làm việc trong này nên sẽ ổn định công việc ở đây lâu dài" - chị Lê Thị Sen cho biết.

Trường Cao đẳng Quảng Nam. Ảnh: L.Đ
Trường Cao đẳng Quảng Nam. Ảnh: L.Đ

Theo lãnh đạo Trường Cao đẳng Quảng Nam, trong quá trình đào tạo, ngoài việc thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho học sinh, sinh viên, phối hợp với các địa phương, ngành giáo dục và các trường tuyển sinh thì vấn đề kết nối tuyển dụng sau khi ra trường luôn được chú trọng. Hằng năm, nhà trường tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo trường với học sinh, sinh viên để lắng nghe nhu cầu về học tập, việc làm.

Đồng thời, phối hợp với các nhà tuyển dụng tổ chức ngày hội việc làm thường niên tại trường, ký kết hợp tác đào tạo và tuyển dụng học sinh, sinh viên với các doanh nghiệp. Qua đó, nhiều vị trí việc làm đã được các công ty tuyển dụng tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên nhà trường sau khi tốt nghiệp.

Gần đây, Trường Cao đẳng Quảng Nam liên tục đón tiếp các đoàn doanh nghiệp từ các nghiệp đoàn, hiệp hội phía Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, ký kết hợp tác, tuyển dụng sinh viên sang Nhật thực tập kỹ năng, hướng đến làm việc lâu dài. Ban lãnh đạo nhà trường cũng đã nhận lời mời của đối tác, đến thăm sinh viên của trường đang làm việc tại Nhật và tìm hiểu thêm môi trường làm việc, hướng đến hợp tác lâu dài trong đào tạo nhân lực.

Năm học 2023 - 2024, Trường Cao đẳng Quảng Nam tuyển sinh được 1.417 học sinh, sinh viên, nâng số lượng học sinh sinh viên toàn trường đến thời điểm hiện tại là 2.183 người (trong đó, cao đẳng là 304 sinh viên, trung cấp là 1.879 học sinh).

Đào tạo học sinh, sinh viên ra trường có việc làm và làm được việc là phương châm mà Trường Cao đẳng THACO đã hiện thực hóa xuyên suốt chặng đường 14 năm qua. Hiện tổng số HSSV đang được đào tạo là 1.084 người ở các trình độ cao đẳng, trung cấp.

Ngoài tuyển sinh đào tạo tại nhà trường để cung ứng nhân lực cho các nhà máy của THACO, nhà trường còn phối hợp với nhân sự các khu liên hợp của THACO Agri ở Lào, Campuchia tuyển sinh được hơn 400 học viên đào tạo sơ cấp trồng trọt, chăn nuôi để bố trí việc làm sau đào tạo. Sau 2 tháng đào tạo, học viên được đưa sang nông trường thực tập và bố trí việc làm ngay sau khi hoàn thành khóa học cho những lao động có nhu cầu, tâm huyết và muốn gắn bó cùng THACO.

[VIDEO] - Trường Cao đẳng THACO đào tạo nghề gắn với việc làm hiệu quả:

Cao đẳng THACO còn đào tạo, bồi dưỡng chuyên đề, nghiệp vụ quản trị, kỹ năng đáp ứng được khoảng 90% yêu cầu của tập đoàn, nhất là tham gia thực hiện “Đề án đào tạo của THACO Agri năm 2024”.

Để thực hiện tốt phương châm “Nhà trường trong doanh nghiệp và doanh nghiệp trong nhà trường”, hình thức đào tạo gắn với các quy trình, mô hình thiết bị thực hành cho HSSV như nhà máy đã đem lại hiệu quả thiết thực, qua đó thực hiện mục tiêu “HSSV ra trường có việc làm và làm được việc”.

Trường Cao đẳng THACO đang trở thành điểm sáng về đào tạo nghề và giải quyết việc làm ngay sau đào tạo. Ảnh: L.Đ
Trường Cao đẳng THACO đang trở thành điểm sáng về đào tạo nghề và giải quyết việc làm ngay sau đào tạo. Ảnh: L.Đ

[VIDEO] - Ông Phan Tiềm - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thaco:

Theo Sở LĐ-TBXH Quảng Nam, tổng nguồn kinh phí trong năm 2023 quá lớn, bao gồm nguồn kinh phí năm 2022 chuyển sang và nguồn kinh phí phân bổ trong năm 2023, đặc biệt là nguồn kinh phí sự nghiệp phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố nên hầu hết địa phương không có khả năng giải ngân hết nguồn kinh phí này trong năm 2023.

Hiện nay, các huyện, thị xã, thành phố không còn trung tâm GDNN và trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên cấp huyện nên nhiều nội dung hỗ trợ theo chương trình không thực hiện được. Phần lớn nguồn kinh phí này chỉ thực hiện nội dung hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng.

“Chưa có số liệu cụ thể về giải ngân bởi phải còn tổng hợp từ các địa phương, chúng tôi tiếp tục đôn đốc để thúc đẩy tỷ lệ giản ngân nguồn vốn về GDNN” – Phó Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Quý Quý nói.

Liên kết để người lao động có việc làm ở các tập đoàn, xuất khẩu lao động sang các thị trường lớn. Ảnh: L.Đ
Liên kết để người lao động có việc làm ở các tập đoàn, xuất khẩu lao động sang các thị trường lớn. Ảnh: L.Đ

Ngoài ra, người lao động khi tham gia các lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng đều mong muốn học tại địa phương, trong khi các cơ sở GDNN khi thực hiện đào tạo trình độ sơ cấp phải thực hiện đúng các quy định về đăng ký, đăng ký bổ sung hoạt động GDNN theo quy định.

Các lớp đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng có sử dụng ngân sách Nhà nước cũng phải đảm bảo các điều kiện được quy định về đào tạo thường xuyên nên việc tổ chức tuyển sinh, đào tạo gặp nhiều khó khăn.

“Tiêu chí xác định lao động thu nhập thấp vẫn chưa được hướng dẫn, trong khi 3 nhóm đối tượng còn lại là “người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo” số lượng hạn chế và không phải tất cả đều có nhu cầu đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng. Trong khi đó, mức hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng không còn phù hợp với chi phí thực tế nên khó đảm bảo chất lượng đào tạo và khuyến khích các cơ sở GDNN tham gia thực hiện chính sách” - ông Nguyễn Quí Quý nói.

[VIDEO] - Công tác đào tạo nghề góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:

Trong năm 2024, theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh, toàn tỉnh cần tiếp tục tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển GDNN nêu tại Nghị quyết số 50 của HĐND tỉnh về phát triển GDNN tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025.

Nguồn lực từ các chương trình MTQG sẽ được tận dụng cho sự phát triển, đổi mới GDNN sau khi vướng mắc được tháo gỡ trong năm 2024. Và việc đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của GDNN được chú trọng hơn.

Tiếp tục đầu tư các cơ sở GDNN trọng điểm, đẩy mạnh xã hội hóa GDNN, khuyến khích phát triển các cơ sở GDNN ngoài công lập, nhất là đối với các ngành nghề trong quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tích cực huy động các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, trong đó chú trọng phát triển loại hình đào tạo nghề tại doanh nghiệp và đào tạo nghề lưu động nhằm tạo điều kiện giải quyết việc làm tại chỗ.

Nguồn nhân lực dồi dào nhưng tỷ lệ chưa được qua đào tạo nhiều vẫn là điểm khó. Ảnh: L.Đ
Nguồn nhân lực dồi dào nhưng tỷ lệ chưa được qua đào tạo nhiều vẫn là điểm khó. Ảnh: L.Đ

Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp đối với các đối tượng người học, nhất là học sinh tốt nghiệp THCS học lên trình độ trung cấp, cao đẳng (chương trình 9+); thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; lao động nông thôn, lao động nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số.

Hướng dẫn các các sở GDNN trên địa bàn tỉnh thực hiện đồng bộ và hiệu quả các điều kiện đảm bảo chất lượng GDNN gồm phát triển chương trình, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo đảm chất lượng GDNN, đổi mới phương thức quản trị cơ sở GDNN…

[VIDEO] - Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH:

Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[Emagazine] - Nâng chất lượng giáo dục nghề nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO