[eMagazine] - Nghĩa cử nói lời tri ân

THÀNH CÔNG – XUÂN HIỀN 23/07/2023 09:01

Tháng 7 là dịp mà cả nước cùng nhắc nhớ đến những hy sinh lặng thầm cho quê hương, ngày hòa bình của lớp lớp người đi qua các cuộc chiến. Và không chỉ là tháng 7, trên mảnh đất Quảng Nam trung dũng kiên cường, vun đầy hơn sự tri ân là những nghĩa cử vẫn luôn hướng về người có công, bằng trách nhiệm và cả tấm lòng đối với bao cống hiến máu xương của người đi trước.

 
 

"Đồng cảm để sẻ chia, lắng nghe để có thể chăm lo tốt nhất" là điều thế hệ hôm nay đã, đang và tiếp tục thực hiện không chỉ vì trách nhiệm mà còn hàm chứa lòng biết ơn, một thứ “thuốc tinh thần” để hàn gắn những nỗi đau trong cơ thể và cả tâm hồn của bao người dành tuổi xuân, dành một phần thân thể của mình đổi lấy hòa bình cho dân tộc...

Là tình cảm, là nghĩa cử

Trên những gương mặt đã in hằn tuổi tác và “di chứng” của chiến trường, vẫn luôn có nụ cười. Các bác, các cụ cùng ở trong “ngôi nhà chung” là Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công (NCC) Quảng Nam, chia sẻ những niềm vui giản dị của tuổi già bên đồng chí, đồng đội.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh viếng hương Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn năm 2022. Ảnh: T.C
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh viếng hương Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn năm 2022. Ảnh: T.C

Mỗi người là mỗi câu chuyện, mỗi số phận, nhưng họ có cùng “mẫu số chung”: đều được đón tiếp và chăm sóc bằng sự tận tụy, kính trọng của những cán bộ, nhân viên ở trung tâm. Tuổi già, neo lại bằng hạnh phúc giản đơn khi được sống cùng những người đồng chí, đồng đội, chia nhau ký ức về chiến trường, san sẻ vui buồn ấm lạnh khi được đón về, nương tựa dưới mái nhà chung.

Ông Phạm Đình Ca - Phó Giám đốc Trung tâm chia sẻ, bên cạnh nhiệm vụ tổ chức, quản lý, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng thường xuyên đối với thương binh, bệnh binh nặng và NCC, trung tâm còn có chức năng thực hiện chương trình điều dưỡng, nghỉ dưỡng, cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho NCC. Không chỉ gói gọn là các cô, các bác, các chú trong địa bàn tỉnh, mà đến với trung tâm còn có đông đảo NCC ở các tỉnh thành khác theo chương trình điều dưỡng giao lưu giữa các tỉnh, thành trong và ngoài khu vực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm hỏi người có công tiêu biểu của tỉnh. Ảnh: T.C
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm hỏi người có công tiêu biểu của tỉnh. Ảnh: T.C

“Ngoài việc đưa các bác, các cô chú là NCC đi tắm biển, thăm thú các địa điểm tham quan, di tích lịch sử, chúng tôi cũng chú trọng lồng ghép các bài tập nâng cao sử dụng thiết bị vật lý trị liệu, phục hồi chức năng hiện đại, để phục hồi, cải thiện sức khỏe cho người đến điều dưỡng” - ông Ca chia sẻ.

 

Tháng 7 cũng khởi đầu bằng những chuyến đi. Bao địa chỉ đỏ trở thành nơi tìm về của người xứ Quảng hôm nay, để thành kính dành phút mặc niệm, để thắp nén nhang lòng tưởng nhớ đến người đi trước. Nhiều năm nay, lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành đều dành thời gian đến viếng hương các nghĩa trang liệt sĩ ở Quảng Trị, Thanh Hóa... Những nơi đi qua, là những khoảnh khắc đầy xúc động trước anh linh anh hùng liệt sĩ.

Trên quê hương xứ Quảng, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng hay Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, cùng bao nghĩa trang liệt sĩ khác ở từng xã, từng huyện... vẫn đón hàng nghìn lượt người đến viếng. Không đơn thuần là trách nhiệm, mà đó cũng là tình cảm, là sự biết ơn từ thẳm sâu của những thế hệ được sống trong hòa bình, luôn dặn mình không được phép quên hạnh phúc của hôm nay đã được đánh đổi bằng rất nhiều máu xương, rất nhiều hy sinh ngày trước...

Ấm lòng người có công

Quảng Nam với hơn 15.000 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, chiếm hơn 1/7 của toàn quốc, không phải là thứ hào quang quá khứ, mà thực sự là những mất mát khó có thể đo đếm qua bao khói lửa chiến tranh.

Hiện, toàn tỉnh còn 351 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, đều được các cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng. Tỉnh cũng đã thẩm định, hoàn chỉnh hồ sơ và trình Chính phủ truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng đối với 11 trường hợp khác. Những nghĩa cử tri ân vẫn đang được tiếp nối.

NCC được chăm sóc chu đáo tại Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC Quảng Nam. Ảnh: T.C
NCC được chăm sóc chu đáo tại Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC Quảng Nam. Ảnh: T.C

Ông Trần Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chia sẻ, đối với NCC, cán bộ viên chức của ngành luôn xác định phải tận tụy, trách nhiệm, giải quyết bằng tất cả tình cảm và sự trân trọng. Hàng năm, bên cạnh tham mưu thực hiện tốt các hoạt động thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, ngành đã tập trung đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, duy trì hiệu quả công tác chăm sóc NCC, góp phần ổn định đời sống NCC.

“Tất cả hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả qua Trung tâm phục vụ Hành chính công Quảng Nam liên quan đến NCC được giải quyết đúng và trước hạn. Nhiều hồ sơ, thủ tục đủ điều kiện chúng tôi đã quán triệt phải giải quyết trong ngày. Chính sách càng kịp thời, đầy đủ, càng thể hiện được nghĩa cử của thế hệ hôm nay đối với những đóng góp của NCC đối với đất nước, với quê hương” - ông Chiến khẳng định.

 

Để sâu sát hơn với thực tiễn, ngành LĐ-TB&XH cũng đã tổ chức nhiều buổi đối thoại ở cơ sở, kịp thời đưa chính sách dần đi vào cuộc sống, lắng nghe và tìm cách giải quyết cho từng trường hợp còn vướng mắc.

Ông Trần Văn Chiến cho hay, Nghị định 75/2021 quy định, từ ngày 1/7/2023 chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công tăng so với trước. Ngành cũng đã xem xét giải quyết đồng thời nhiều chế độ đối với hơn 1.000 trường hợp và vẫn đang rà soát, tiếp tục thực hiện. Nhờ sự chung tay của xã hội, của cả cộng đồng, đời sống NCC được chăm lo tốt hơn, số lượng đơn thư liên quan chế độ chính sách NCC giảm đi nhiều so với trước.

Quảng Nam cũng quan tâm thực hiện đầu tư, chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ, phấn đấu đến năm 2024 hoàn thành nâng cấp, sửa chữa mộ liệt sĩ và mộ Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ngành LĐ-TB&XH cũng đang xây dựng đề án nâng cấp, sửa chữa đối với mộ liệt sĩ và Bà mẹ Việt Nam anh hùng ngoài nghĩa trang với số lượng khoảng 22.000 mộ. Những cơ chế, chính sách về việc hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho NCC cũng đang được gấp rút đề xuất, hiện thực hóa quyết tâm chăm lo toàn diện, chu đáo cho NCC trên địa bàn.

Theo ông Chiến, chính sách mở rộng về điều kiện, tuy nhiên trên thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn về việc xác lập hồ sơ. Vướng thủ tục đang là trở ngại cho nhiều trường hợp NCC, ngành LĐ-TB&XH đã nhiều lần làm việc, có kiến nghị với Bộ để có những điều chỉnh phù hợp thực tiễn, tháo gỡ để giải quyết đầy đủ, chính xác và kịp thời đối với một số cơ chế chính sách cho NCC.

Ngành LĐ-TB&XH cũng đang đẩy nhanh đề án “xây dựng hệ thống công nghệ thông tin quản lý, lưu trữ và khai thác hồ sơ NCC với cách mạng trên địa bàn tỉnh”, đôn đốc, hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị tuyên dương danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tặng thưởng Huân chương Độc lập và tập trung thẩm định, giải quyết các chế độ chính sách đối với NCC và thân nhân kịp thời; giải quyết hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ còn tồn sót... 

 
 

Một mạng lưới phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, được phát triển ở tất cả tuyến trong và ngoài ngành y tế là yêu cầu đặt ra để thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc y tế cộng đồng nói chung, thương bệnh binh, người có công nói riêng...

Mạng lưới rộng khắp Trong quy định về chính sách chăm sóc sức khỏe cho người có công (NCC), ngoài các chế độ về BHYT; điều dưỡng phục hồi sức khỏe thì còn có các phương pháp liên quan đến phục hồi chức năng (PHCN). Từ cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, thiết bị PHCN cần thiết theo chỉ định của cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng thuộc ngành LĐ-TB&XH hoặc của bệnh viện tuyến tỉnh trở lên đều là những tiêu chí cần được quan tâm để thực hiện chăm sóc y tế tốt nhất cho NCC.

 

Đối với hơn 9.000 trường hợp NCC điều dưỡng tại nhà, việc chăm sóc y tế được thực hiện tại các trung tâm y tế hoặc trạm y tế. Đặc biệt, đối với NCC gặp các khuyết tật cơ thể phải thực hiện PHCN, y tế cơ sở trở thành nơi chăm sóc đặc biệt cho họ.

Ông Nguyễn Văn C. (xã Bình Trị, huyện Thăng Bình) thương binh nặng, hằng tháng ông đều tới Trung tâm Y tế Thăng Bình để thăm khám và tập PHCN để tránh những cơn đau theo thời tiết. Được các kỹ thuật viên PHCN hướng dẫn tận tình, ông Nguyễn Văn C. cũng như rất nhiều những trường hợp khác có thể vừa tập luyện tại bệnh viện nhưng vẫn được chăm sóc theo dõi tại nhà.

Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, PHCN là một trong 3 cấu phần quan trọng của hệ thống chăm sóc sức khỏe hoàn chỉnh, bao gồm y tế dự phòng, khám bệnh - chữa bệnh và PHCN. Tại Quảng Nam hiện nay đã phát triển được mạng lưới PHCN ở tất cả bệnh viện các tuyến, bao gồm cả trung tâm y tế.

"Một mạng lưới PHCN dựa vào cộng đồng, đồng thời chú trọng xây dựng và phát triển các kỹ thuật chuyên sâu tại tuyến y tế trung ương, tuyến tỉnh và các tuyến, các đơn vị có đủ điều kiện. Đến nay, một số lĩnh vực chuyên sâu đã bắt đầu được triển khai ứng dụng và phát huy hiệu quả tốt, như vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, dụng cụ chỉnh hình...

Đặc biệt, tại một bệnh viện tuyến tỉnh đã phát triển và ứng dụng được các kỹ thuật điều trị chuyên sâu thuộc hạng kỹ thuật cao, kỹ thuật tiên tiến của chuyên ngành PHCN" - ông Mai Văn Mười cho hay.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - bỏng và PHCN thành lập hồi tháng 5 này với 4 khoa gồm: Khoa Chi dưới, Khoa Chi trên, Khoa Bỏng - vi phẫu tạo hình và Khoa PHCN là bước tiến để thực hiện chăm sóc PHCN toàn diện.

 

Vận hành "Nhà trung chuyển"

Liên tục các hoạt động khám sàng lọc, chăm sóc tại cộng đồng được thực hiện bởi nhiều tổ chức, cũng là cách để thực hiện tốt công tác chăm sóc y tế cho thương bệnh binh, NCC gặp các khuyết tật cơ thể.

Mới đây nhất, giữa tháng 6, Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) phối hợp cùng các ngành chức năng của Quảng Nam tổ chức khám sàng lọc cho 890 người tại 4 huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Tiên Phước và Quế Sơn.

ACDC tổ chức khám sàng lọc tại 4 huyện của Quảng Nam hồi tháng 6 vừa qua. Ảnh: ACDC
ACDC tổ chức khám sàng lọc tại 4 huyện của Quảng Nam hồi tháng 6 vừa qua. Ảnh: ACDC

Đại diện ACDC cho biết, đây là hoạt động nhằm đánh giá nhu cầu PHCN, chăm sóc và sống độc lập cho người khuyết tật nói chung, NCC khuyết tật cơ thể nói riêng, để đưa ra các kế hoạch can thiệp phù hợp với mỗi người. Theo đó, kế hoạch can thiệp có thể là PHCN, hỗ trợ dụng cụ trợ giúp, chân tay giả, hỗ trợ chăm sóc tại nhà và tư vấn sống độc lập và hòa nhập xã hội.

ACDC cũng là tổ chức hỗ trợ khá đắc lực trong công tác chăm sóc PHCN ở cộng đồng tại Quảng Nam. Cùng với trợ giúp về các phương tiện, thiết bị PHCN, ACDC đã phối hợp với nhiều tổ chức để thiết lập và vận hành mô hình "Nhà trung chuyển" đặt tại các trung tâm y tế.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Viện trưởng Viện ACDC cho biết, "Nhà trung chuyển" còn được gọi là mô hình PHCN trước khi về cộng đồng, là mảnh ghép còn thiếu giúp kết nối và phát huy hiệu quả giữa PHCN tại bệnh viện với PHCN dựa vào cộng đồng.

Nhà trung chuyển cùng các thiết bị hỗ trợ được vận hành tại Quảng Nam. Ảnh: G.B
Nhà trung chuyển cùng các thiết bị hỗ trợ được vận hành tại Quảng Nam. Ảnh: G.B

"Kết hợp giữa hai lĩnh vực là tiếp cận vật lý và chăm sóc sức khỏe, "Nhà trung chuyển" mô phỏng một căn nhà thông thường với đầy đủ phòng chức năng và đồ dùng, phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Luyện tập trong môi trường giống như ở nhà thực sự, "Nhà trung chuyển" là nơi giúp người bệnh, NCC khuyết tật làm quen, thích nghi và sống độc lập trước khi trở về ngôi nhà thật của mình" - bà Nguyễn Thị Lan Anh nói.

Tại Quảng Nam, hiện đã có 2 "Nhà trung chuyển" được xây dựng trong khuôn viên Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước và Thăng Bình, ngay cạnh khu vực tập và điều trị PHCN của bệnh viện. Hoạt động này tạo thuận tiện cho bệnh nhân và NCC khuyết tật tập luyện và phục hồi.

Cùng với mô hình "Nhà trung chuyển", phát triển PHCN chuyên sâu với các kỹ thuật tiên tiến, thiết bị hiện đại là mục tiêu của Quảng Nam nhằm tổ chức chăm sóc y tế tốt nhất cho NCC và mọi người dân có nhu cầu.

Tháng 5/2023, Chương trình phát triển hệ thống PHCN giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Chính phủ phê duyệt. Theo đó, yêu cầu trên 90% cơ sở PHCN (gồm: bệnh viện PHCN; trung tâm PHCN, khoa PHCN thuộc các cơ sở y tế) được duy trì, củng cố, kiện toàn và đầu tư phát triển trong giai đoạn này. Đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật PHCN, phấn đấu hơn 90% bệnh viện PHCN đạt mức chất lượng từ khá trở lên theo tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế; tất cả bệnh viện, trung tâm Chỉnh hình - PHCN, đơn vị cung cấp dịch vụ PHCN thuộc các bộ, ngành đạt chỉ tiêu phát triển chuyên môn kỹ thuật, dụng cụ chỉnh hình, PHCN theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật và các kỹ thuật PHCN thiết yếu, phù hợp theo nhu cầu.
 

Hầu hết cơ sở y tế đều thiếu nhân lực, đặc biệt đối với công tác phục hồi chức năng. Chưa kể, ở các trạm y tế, nhân lực dành cho việc điều dưỡng, chăm sóc người có công tại gia vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Thấu hiểu sự vất vả khi đi lại khó khăn của NCC, các cơ sở y tế thường xuyên cử đội ngũ y bác sĩ đến tận nhà NCC, thương bệnh binh cao tuổi để động viên, thăm khám, theo dõi sức khỏe. Để hoạt động này diễn ra thường xuyên, đòi hỏi nhân lực tại các trạm y tế cũng như trung tâm y tế phải đáp ứng được. Đây cũng là một trong các tiêu chí khi xây dựng trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình.

Hoạt động theo mô hình trên nhằm theo dõi, quản lý, chăm sóc sức khỏe cho cá nhân và hộ gia đình; lồng ghép, bổ sung nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình vào trạm y tế để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe liên tục, toàn diện; gắn kết giữa chăm sóc sức khỏe tại nhà, cộng đồng với chăm sóc sức khỏe tại trạm y tế và tại bệnh viện. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi đối với hơn 9.000 NCC thực hiện điều dưỡng tại nhà mà Quảng Nam đang có.

Chăm sóc sức khỏe cho NCC là nhiệm vụ cần phải được quan tâm hàng đầu. Ảnh: H.Q
Chăm sóc sức khỏe cho NCC là nhiệm vụ cần phải được quan tâm hàng đầu. Ảnh: H.Q

Tuy nhiên, bà Lê Thị Quyết - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Giang cho biết, hiện tại các trạm y tế của Đông Giang vẫn chưa đủ điều kiện để thực hiện theo nguyên lý y học gia đình. Đối với công tác phục hồi chức năng (PHCN), nếu từ năm 2020 trở về trước, Trung tâm Y tế huyện Đông Giang vẫn chưa có bác sĩ làm công tác PHCN thì hiện nay đơn vị này đã xoay xở để có bác sĩ và kỹ thuật viên thực hiện.

Tuy nhiên, hiện ở Đông Giang, số NCC hoặc thương bệnh binh đến chăm sóc PHCN rất ít, chủ yếu khi bị đau ốm nhập viện mới "tiện thể" thực hiện thêm các kỹ thuật PHCN.

"Khó khăn về nhân lực hiện vẫn là vấn đề với Đông Giang, bên cạnh cơ sở hạ tầng chưa theo kịp nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Trang thiết bị nhỏ lẻ, chưa đầy đủ. Do đó, dù chúng tôi nỗ lực để cố gắng chăm sóc tại nhà cho NCC hoặc các trường hợp đặc biệt nhưng vẫn rất khó" - bà Lê Thị Quyết nói.

 

Dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, động viên nhân viên y tế tuyến cơ sở, tuy nhiên, so với nhiệm vụ phải làm, lực lượng y tế cơ sở vẫn phải chịu rất nhiều áp lực. Nhận định từ Hội PHCN Việt Nam cho rằng, trên bình diện cả nước, nhân lực PHCN chưa đảm bảo cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị chậm được cải thiện. Khả năng cung cấp dụng cụ PHCN cũng như triển khai thực hiện dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng tại các tuyến còn hạn hẹp, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở và ở vùng sâu, vùng xa.

Chính sách thanh toán BHYT cho các dịch vụ kỹ thuật PHCN còn nhiều vướng mắc, nhiều dịch vụ kỹ thuật PHCN trong đó có dụng cụ thực hiện chưa thuộc phạm vi chi trả của bảo hiểm.

Hiện các cơ sở khám chữa bệnh mới chỉ đáp ứng 15 - 20% nhu cầu PHCN của người bệnh, 80% còn lại phải dựa vào cộng đồng, nhưng hiện nay hoạt động này chưa được quan tâm và phát triển để đáp ứng nhu cầu.

Tại Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC Quảng Nam, khá nhiều khó khăn được đề cập. Từ số NCC nuôi dưỡng tại chỗ sức khỏe suy yếu ngày càng nhiều, số người cần chăm sóc đặc biệt tăng trong khi chế độ tiền lương thấp, chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức, người lao động chưa phù hợp nên trung tâm thường xuyên thiếu hụt lao động.

Đưa chương trình khám bệnh diện chính sách về cơ sở giúp nhiều NCC có cơ hội được thăm khám, hiểu đúng về tình trạng sức khỏe của bản thân, biết cách luyện tập, chăm sóc phù hợp. Tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngay tại cộng đồng là điều nên chăng để thực hiện tốt công tác tri ân. Để chương trình thật sự hiệu quả, cần phải có một sự quan tâm xác đáng với đội ngũ y tế tuyến cơ sở đang đảm đương rất nhiều nhiệm vụ...

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Nghĩa cử nói lời tri ân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO