Quảng Nam đã và đang mở nhiều trung tâm dạy học tiếng Anh. Sự cạnh tranh để thu hút người học sẽ giúp nâng cao chất lượng dạy học, nhưng cũng đặt ra bài toán quản lý chặt chẽ hơn.
Thời gian qua ở các địa phương, đặc biệt tại TP.Tam Kỳ đã nở rộ trung tâm Anh ngữ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Ghi nhận ở hai trung tâm lớn
Trung tâm Anh ngữ Misa (số 64 Lê Lợi, TP.Tam Kỳ) được thành lập năm 2008, là một trong những trung tâm ngoại ngữ có tuổi đời nhiều nhất tỉnh. Trải qua chặng đường dài, đến nay trung tâm phần nào khẳng định là nơi đào tạo có chất lượng, uy tín, thu hút nhiều học viên trên địa bàn TP.Tam Kỳ và các địa phương lân cận theo học.
Ông Đoàn Đình Chiến - người sáng lập Trung tâm Anh ngữ Misa cho biết, những năm đầu mới hoạt động, trung tâm thu hút khá đông người học với khoảng 800 học sinh. Gần đây, trên địa bàn Tam Kỳ có khá nhiều trung tâm ra đời khiến thị phần bị chia nhỏ, quy mô của trung tâm thu hẹp lại, hiện trung bình có từ 250 - 270 học viên.
Trong khi đó, Trung tâm Anh ngữ Galaxy vừa kỷ niệm 11 năm thành lập. Dù đã vài lần đổi chủ song trung tâm vẫn duy trì được sự phát triển, hiện nay ngoài cơ sở chính tại 226 Huỳnh Thúc Kháng còn có cơ sở 2 tại xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ). Theo bà Nguyễn Minh Tâm - Giám đốc trung tâm, đối tượng mà trung tâm hướng đến là các cháu mầm non và học sinh tiểu học, THCS. Hiện trung tâm đào tạo khoảng 250 học viên, trong đó có 3 lớp mầm non với 30 cháu.
Cũng như Trung tâm Anh ngữ Misa, Trung tâm Anh ngữ Galaxy còn được Tam Kỳ lựa chọn tham gia giảng dạy tiếng Anh tại các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn theo kế hoạch của UBND thành phố; đồng thời thường xuyên đồng hành với ngành GD-ĐT Tam Kỳ trong việc tổ chức các hoạt động phục vụ dạy và học như sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh của học sinh.
Nhộn nhịp
TP.Tam Kỳ hiện nay được xem là địa phương có “thị trường” trung tâm Anh ngữ nhộn nhịp nhất tỉnh. Bên cạnh hai trung tâm Anh ngữ Misa và Galaxy, trên địa bàn trung tâm tỉnh lỵ này còn có 19 trung tâm ra đời trong nhiều thời điểm khác nhau, trong đó một số trung tâm có quy mô khá lớn và đang được nhiều phụ huynh, học sinh quan tâm như Ama (thành lập năm 2014), Popodoo (2016), Jena (tiền thân là AEC, năm 2017), Amy, Ely (2019)…
Việc ra đời nhiều trung tâm Anh ngữ sẽ mang lại lợi ích cho người học do các trung tâm buộc phải cạnh tranh để thu hút học viên, từ đầu tư cơ sở vật chất khang trang, nâng cao chất lượng dạy và hạ thấp mức học phí.
Tuy nhiên, một số người cho rằng, đang có sự cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí xuất hiện tình trạng quảng cáo không đúng sự thật nhằm lôi kéo người học, chạy đua số lượng mà bỏ qua chất lượng.
“Nhiều trung tâm ra đời sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, góp phần nâng cao chất lượng. Dẫu vậy, cũng có một số trung tâm dùng chiêu trò câu khách, nói xấu trung tâm khác nhằm lôi kéo phụ huynh, học sinh. Cũng có một vài trung tâm do thuê hoặc cải tạo nhà ở cũ nên điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo. Điều này rất cần sự quản lý, kiểm tra, giám sát từ cơ quan quản lý” - đại diện một trung tâm Anh ngữ chia sẻ.
Các trung tâm Anh ngữ giảng dạy theo chương trình, giáo trình nào, đội ngũ giáo viên ra sao, học phí bao nhiêu, mục tiêu đào tạo tại trung tâm có gì khác với trường phổ thông… là những vấn đề được các bậc phụ huynh, học sinh quan tâm trước khi quyết định cho con em mình theo học.
Giáo trình, giáo viên nước ngoài
Qua khảo sát, hầu hết các trung tâm Anh ngữ hiện nay đều lựa chọn sử dụng giáo trình giảng dạy và nhất là xây dựng đội ngũ giáo viên (GV) có yếu tố “nước ngoài”. Cũng dễ hiểu bởi trước tâm lý của phần lớn phụ huynh, học sinh (HS) chuộng học tiếng Anh với người bản xứ nên đây được xem là một trong những tiêu chí quan trọng để thu hút người học, thậm chí là yếu tố sống còn của mỗi trung tâm.
Theo bà Nguyễn Minh Tâm - Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Galaxy, trung tâm rất quan tâm đến đội ngũ GV người nước ngoài và hiện hợp đồng 1 GV người Mỹ, 1 người Pháp bên cạnh 12 GV người Việt. Trung tâm cũng sử dụng giáo trình Cambridge và Macmillan để giảng dạy.
Trong khi đó, giải thích lý do chọn giáo trình Cambridge, lãnh đạo Trung tâm Anh ngữ Misa cho rằng đây là giáo trình quốc tế theo chuẩn châu Âu, được nhiều trung tâm Anh ngữ sử dụng. Từ giáo trình này, GV sẽ xây dựng kế hoạch bài giảng, phân phối chương trình dạy học phù hợp, báo cáo Sở GD-ĐT thẩm định để cấp phép và kiểm tra, giám sát hàng năm.
“Mục tiêu của chúng tôi là đào tạo cho HS nghe và nói được tiếng Anh, với các em ở độ tuổi từ THCS trở lên có thể hướng đến mục tiêu xa hơn là chuẩn bị để thi chứng chỉ IELTS hoặc TOEIC. Vì vậy, ngoài giáo trình quốc tế, trung tâm còn mời 4 GV người nước ngoài giảng dạy.
Tiêu chí lựa chọn rất kỹ lưỡng, đáp ứng đầy đủ về chất lượng giảng dạy và tâm huyết với nghề. Misa nói không với Tây ba lô” - ông Đoàn Đình Chiến (người sáng lập Trung tâm Anh ngữ Misa) nói.
Cạnh tranh bằng chất lượng
Theo một số lãnh đạo trung tâm Anh ngữ, muốn khẳng định thương hiệu, thu hút người học, vấn đề mấu chốt là phải nâng cao chất lượng dạy và học, còn mức học phí cạnh tranh chỉ là thứ yếu. Bởi khác với trước đây, hiện nay phụ huynh có rất nhiều địa chỉ để lựa chọn cho con em mình theo học tiếng Anh; nếu trung tâm nào giảng dạy không đạt chất lượng sẽ sớm bị thải loại.
Từ thực tế của trung tâm, bà Nguyễn Minh Tâm cho rằng, GV nước ngoài muốn làm việc tại Việt Nam phải đáp ứng đủ thủ tục theo quy định; trong đó quan trọng nhất ngoài đủ bằng cấp chuyên môn còn thể hiện được trình độ, năng lực giảng dạy trên lớp.
“Tiền lương GV nước ngoài mỗi tháng 35 triệu đồng nên trung tâm phải kiểm tra thật kỹ lưỡng để tuyển chọn những người thật sự có năng lực giảng dạy. Bên cạnh đánh giá của trung tâm, trình độ năng lực của GV còn được kiểm chứng qua kết quả học tập được gửi về cho từng phụ huynh và đánh giá của người học” - bà Tâm chia sẻ thêm.
Không chỉ giáo trình, đội ngũ GV, việc tổ chức lớp học và hoạt động tại các trung tâm cũng có nhiều khác biệt so với trường học. Theo lãnh đạo một trung tâm Anh ngữ tại Hội An, trong khi sĩ số HS/lớp của trường học khá đông, trung bình từ 35 - 40 thì ở các trung tâm, mỗi lớp tầm 10 - 15 em, thậm chí có lớp 5 - 6 em. Điều này giúp nâng cao hiệu quả dạy - học, đặc biệt là tăng khả năng tương tác giữa thầy và trò - điều quan trọng nhất trong việc học tiếng Anh.
Ngoài ra, trung tâm còn tích hợp nhiều hoạt động trong học tập, tăng cường ngoại khóa, tạo niềm vui và động lực học tập cho các em. Đây cũng là điều mà nhiều phụ huynh lựa chọn cho con em mình học tại trung tâm Anh ngữ.
Phụ huynh Nguyễn Thị Tường Vi (trú xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) cho biết trong 5 năm qua, đều đặn vào mỗi cuối tuần chị chở con đi học ở trung tâm Anh ngữ tại phường An Xuân, từ một cô bé lớp 2 đến nay cháu đã lên lớp 7.
“Trường học nặng phần từ vựng, ngữ pháp trong khi ở trung tâm được học và giao tiếp với GV nước ngoài giúp cháu từ chỗ không biết gì đến nay đã có được khả năng nói tiếng Anh tương đối tốt. Dù có phần vất vả đưa đón nhưng bù lại gia đình có được niềm vui với kết quả học tập ngày càng tiến bộ của con” - chị Vi nói.
Trong khi đó, nói về lý do cho con theo học tại Trung tâm Anh ngữ Galaxy, ông Lê Quang Lưu (trú phường An Xuân, TP.Tam Kỳ) cho biết nơi đây cháu được học với GV nước ngoài theo tỷ lệ 50 - 50 thời lượng học tập, giúp kỹ năng phát âm tiếng Anh khá chuẩn.
“Không so sánh với trường học nhưng với điều kiện học tập thuận lợi như học với GV nước ngoài, số lượng HS ít, chương trình học tăng phần nghe - nói nên khả năng và sự tự tin khi giao tiếp tiếng Anh của các cháu nâng cao thấy rõ. Đây là lý do để tôi đưa con mình đi học từ lúc mới 4 tuổi đến nay đã lên lớp 5” - anh Lưu chia sẻ.
Mức học phí tại các trung tâm Anh ngữ do mỗi trung tâm quy định và theo khảo sát, mức thu dao động trên dưới 2 triệu đồng tùy theo mỗi khóa (trung bình 3 tháng/khóa). Tại Trung tâm Anh ngữ Misa, mức học phí từ 500 - 900 nghìn đồng/tháng tùy theo các cấp độ; còn Trung tâm Anh ngữ Galaxy quy định học phí theo quý, từ 1,9 - 2,7 triệu đồng. Theo phụ huynh Lê Quang Lưu, học với GV nước ngoài, sĩ số HS/lớp ít, điều kiện học tập tốt nên mức học phí như vậy cũng dễ dàng chấp nhận.
Tam Kỳ là địa phương đầu tiên của Quảng Nam triển khai chương trình "Làm quen tiếng Anh cho trẻ 5 tuổi" hoàn toàn miễn phí. Sau 2 năm tổ chức ở tất cả hệ thống trường mầm non công lập, số trẻ em được tiếp cận tiếng Anh đã lên đến hàng nghìn.
Kết thúc năm học 2022 - 2023, số trẻ em 5 tuổi được tiếp cận chương trình "Làm quen tiếng Anh cho trẻ 5 tuổi" của TP.Tam Kỳ lên đến 1.272 em. Năm học trước, số trẻ 5 tuổi tham gia chương trình là hơn 1.200 em. Ở năm thứ 2 triển khai, chương trình nhận được nhiều hơn sự quan tâm của phụ huynh.
Chị Trịnh Thị Kim Hoàng có con đang học tại Trường Mẫu giáo Sơn Ca (phường Tân Thạnh) cho biết, buổi chiều đón con về sau mỗi ngày học ở trường, bé líu lo chỉ những đồ vật trong nhà và nói bằng tiếng Anh. "Con tôi rất hào hứng sau mỗi giờ học tiếng Anh trên lớp. Bé cũng tự tin hơn khi tham gia một số hoạt động nhóm ở trường học" - chị Hoàng nói.
"Trước đây các trường tự triển khai tổ chức việc dạy và học tiếng Anh trên tinh thần xã hội hóa, do vậy sẽ có nhiều em tùy vào điều kiện gia đình mà không tham gia. Năm học 2021 - 2022, khi chương trình bắt đầu, chúng tôi yêu cầu các trường mẫu giáo, mầm non công lập phải cho toàn bộ các em nhóm lớp 5 tuổi tham gia các tiết học tiếng Anh được tổ chức.
Qua 2 năm thực hiện, đến thời điểm này, chương trình đã đạt kết quả nhất định, từ việc triển khai tổ chức bài bản hơn, giáo án, phương pháp dạy cho trẻ được thống nhất một khung chương trình" - bà Nguyễn Thị Tâm Hiền - Phó phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ chia sẻ.
Trẻ em 5 tuổi ở các trường công lập tại TP.Tam Kỳ vào mỗi tuần có 2 tiết học tiếng Anh với thời lượng từ 25 đến 35 phút. Chương trình bố trí 50% tiết học có giáo viên nước ngoài để hỗ trợ hoạt động nghe, nói. Kinh phí chi cho mỗi tiết học từ 160 nghìn đồng (tiết học có 2 giáo viên người Việt) và 300 nghìn đồng (tiết học có giáo viên nước ngoài), do ngân sách thành phố chi trả.
Trước đây, khi chương trình dạy tiếng Anh có thu phí được triển khai ở các trường vùng đông của thành phố, tỷ lệ trẻ đăng ký tham gia chỉ đạt từ 50 đến 60%. Nhưng khi Tam Kỳ triển khai chương trình dạy tiếng Anh miễn phí, hầu hết đều nhận được sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh cũng như giáo viên tại các trường.
[VIDEO] - Một giờ học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài:
Theo bà Nguyễn Thị Nô Ên - Giám đốc Trung tâm Anh ngữ AMY, đơn vị đang phụ trách chương trình "Làm quen tiếng Anh cho trẻ 5 tuổi" tại 11 trường mẫu giáo, mầm non của TP.Tam Kỳ, trung tâm đã kết hợp nhiều phương pháp dạy học đồng thời luôn linh hoạt, đổi mới kịp thời để trẻ dễ tiếp thu và khơi dậy niềm yêu thích bộ môn tiếng Anh. Bằng phương pháp tiếp xúc trực tiếp với giáo viên nước ngoài, trẻ hứng thú và tiếp thu nhanh, dễ dàng nhớ bài học.
Trung tâm áp dụng phương pháp học mà chơi, chơi mà học bằng tiếng Anh. Các thầy cô sử dụng các từ vựng có hình ảnh thực tế để các con có thể ghi nhớ dễ dàng, qua đó lồng ghép các mẫu câu bằng các trò chơi giúp các con luyện và áp dụng vào thực tế.
Ngoài ra trung tâm dạy qua các bài hát tiếng Anh, sử dụng ngôn ngữ hình thể sinh động để tạo không khí sôi nổi. Kết thúc mỗi kỳ học, trung tâm kiểm tra, đánh giá chất lượng mỗi học sinh bằng hình thức quay video kiểm tra những từ vựng, mẫu câu về những chủ đề đã học và những mẫu câu giao tiếp đơn giản.
"Mỗi kỳ học, trung tâm phối hợp với nhà trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa tiếng Anh và các cuộc thi như "Rung chuông vàng" nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để học sinh thể hiện tài năng tiếng Anh" - bà Nguyễn Thị Nô Ên cho biết.
Việc cấp phép, quản lý các trung tâm Anh ngữ trên địa bàn tỉnh được thực hiện như thế nào; giải pháp nào để tăng cường công tác quản lý, nhất là về chất lượng? PV Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Phùng Văn Huy - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT xung quanh vấn đề này.
SỞ GD-ĐT QUẢN LÝ CHẶT CHẼ
-Thưa ông, theo quy định, Sở GD-ĐT là cơ quan quản lý tại địa phương ban hành quyết định thành lập và cấp giấy phép hoạt động các trung tâm Anh ngữ. Vậy quy trình thẩm định, cấp phép được thực hiện như thế nào?
- Ông Phùng Văn Huy:
Quy chế tổ chức hoạt động, quản lý trung tâm ngoại ngữ được thực hiện theo Nghị định 46 của Chính phủ và Thông tư 21 của Bộ GD-ĐT. Cụ thể, giám đốc sở GD-ĐT là người ban hành quyết định thành lập trung tâm, công nhận giám đốc, phó giám đốc trung tâm và cấp quyết định cho phép trung tâm hoạt động.
Trước khi có các quyết định này, theo quy trình trên cơ sở hồ sơ báo cáo của các trung tâm, sở sẽ thành lập đoàn kiểm tra, thẩm định các điều kiện đảm bảo, bao gồm đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên (cơ hữu và thỉnh giảng), cơ sở vật chất (số lượng và diện tích phòng học, điều kiện ánh sáng, vệ sinh), giáo trình, tài liệu giảng dạy, trang thiết bị…
Trung tâm hoặc sử dụng tài liệu theo danh mục Bộ GD-ĐT ban hành hoặc tự biên soạn trên cơ sở giáo trình sẵn có như Cambridge. Giáo trình giảng dạy có phù hợp theo đúng quy định hay không như mầm non dạy cái gì, tiểu học, THCS dạy cái gì.
Sau khi cấp phép hoạt động, Sở GD-ĐT hàng năm sẽ ban hành kế hoạch kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của các trung tâm; đồng thời định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, tập huấn để đánh giá tình hình hoạt động, kịp thời tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc. Trong năm học 2022 - 2023, kế hoạch của sở là kiểm tra 50% số trung tâm đang hoạt động trên địa bàn tỉnh để nắm tình hình, qua đó chấn chỉnh sai sót nếu có.
-Có ý kiến cho rằng, không chỉ Quảng Nam mà cả nước đang thiếu sự quản lý chặt chẽ đối với loại hình trung tâm Anh ngữ do chưa có những quy định cụ thể. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Ông Phùng Văn Huy:
Phải khẳng định rằng tất cả trung tâm Anh ngữ tại Quảng Nam, Sở GD-ĐT đang quản lý chặt chẽ theo đúng quy định, thể hiện qua việc thẩm định hồ sơ, cấp phép hoạt động; kế hoạch kiểm tra, thanh tra, giám sát định kỳ nhằm phát hiện những trường hợp chưa đáp ứng quy định sẽ yêu cầu bổ sung, hoặc quyết định tạm dừng, đình chỉ hoạt động. Thực tế thời gian qua cả tỉnh có 21 trung tâm giải thể, chấm dứt hoạt động, 2 trung tâm chưa được cấp phép và 13 trung tâm tạm dừng hoạt động cho thấy sự quyết liệt của sở trong công tác quản lý.
Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra vẫn còn một số trung tâm điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo, quy mô chưa xứng tầm, chất lượng chưa tốt; có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Sở cũng kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu khắc phục.
CẦN TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG
- Hiện nay, đối tượng học tại trung tâm Anh ngữ trên địa bàn tỉnh chủ yếu là học sinh mầm non, tiểu học, THCS nên gần như chỉ dạy và học suông chứ không tham gia kỳ thi nào nên rất khó đánh giá chất lượng dạy - học (qua điểm số hay chứng chỉ). Vậy cơ sở nào để cơ quan quản lý đánh giá chất lượng?
- Ông Phùng Văn Huy:
Trước đây, Sở GD-ĐT tổ chức thi, cấp chứng chỉ tiếng Anh nên có cơ sở đánh giá chất lượng dạy - học của từng trung tâm. Còn hiện nay, trung tâm chủ yếu dạy tăng cường, nâng cao giao tiếp tiếng Anh cho học sinh; ngoài ra tổ chức ôn luyện để học viên dự thi IELTS hay TOEIC.
Do không có kỳ thi hay kiểm tra nào như ở trường học để đánh giá chất lượng nên trong quản lý, sở yêu cầu các trung tâm phải ký cam kết với từng phụ huynh về chất lượng đầu ra theo độ tuổi, nhóm lớp. Tất nhiên, đây chỉ là những bài kiểm tra, đánh giá của từng trung tâm và cấp giấy xác nhận hoàn thành; không có quy định, tiêu chí cụ thể về chất lượng. Dù vậy, trung tâm nào cũng phải cố gắng xây dựng thương hiệu, tạo uy tín trong phụ huynh, học sinh; nếu không, ai cho con em đi học nữa?
Theo quy định, trung tâm không thể dạy như trường học, chủ yếu là luyện giao tiếp tiếng Anh cho học sinh và luyện thi theo nhu cầu của người học để lấy điểm tuyển thẳng hoặc miễn thi. Chương trình giáo dục phổ thông mới trong đó có tiếng Anh được đánh giá rất ưu việt. Dù vậy, chương trình ở trường học đáp ứng yêu cầu căn bản theo khung chương trình của Bộ GD-ĐT còn học trung tâm theo nhu cầu nâng cao hơn của người học.
-Từ thực tế đó, theo ông, cần thiết phải có một bộ tiêu chí cụ thể nào đó để đánh giá chất lượng cũng như quy định mức trần học phí đối với loại hình trung tâm Anh ngữ để công tác quản lý chặt chẽ hơn?
- Ông Phùng Văn Huy:
Chính phủ đang xây dựng dự thảo nghị định mới về quản lý trung tâm ngoại ngữ và sở sẽ tham gia ý kiến đóng góp. Đúng là qua thực tế còn có một số vấn đề trong quản lý loại hình trung tâm ngoại ngữ. Theo tôi, để đánh giá chất lượng dạy và học nên chăng phải có một bộ khung tiêu chí hoặc một hình thức nào đó về đầu ra chứ không thể qua cam kết hoặc niềm tin của người học, xã hội. Không thi, nhưng có thể qua khảo sát đầu ra ở một cái ngưỡng nào đó để xác định.
Tương tự, học phí hiện nay cũng do mỗi trung tâm tự xây dựng mức thu và thỏa thuận với phụ huynh nên có nơi cao, nơi thấp. Vì vậy, cần có quy định mức trần để các trung tâm đưa ra mức học phí phù hợp với yêu cầu của xã hội, tránh tình trạng lạm dụng thu quá cao, nhất là khi nhu cầu học tiếng Anh của người dân ở đô thị ngày càng lớn.
- Xin cám ơn ông!