[eMagazine] - Những người canh giữ rừng lim

HỒ QUÂN 05/02/2022 16:08

(QNO) - Nhân lực của Trạm quản lý bảo vệ rừng số 4 (thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Tây Giang) khá mỏng nhưng được giao trọng trách bảo vệ cánh rừng giáp ranh với huyện Nam Giang, trong đó có hàng nghìn héc ta là rừng lim cổ thụ. Dù trong tình huống lễ, tết, hay gặp mưa gió… những đôi chân của lực lượng bảo vệ rừng vẫn miệt mài tuần tra, giữ bình yên cánh rừng quý báu này. 

 
 

Trạm Quản lý bảo vệ số 4 có 8 thành viên, gồm một trưởng trạm và 7 nhân viên bảo vệ rừng chuyên trách được phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng tổ, cá nhân. Anh Bùi Ngọc Thạch – Trưởng trạm Quản lý bảo vệ rừng số 4 cho hay, những cuộc tuần tra xa, đến chục cây số đường rừng thì tổ tuần tra thường là 4-5 người, mang theo dụng cụ nấu nướng, lương thực, thực phẩm để bám rừng dài ngày. Còn tuần tra ở gần, thường sẽ là nhóm 3 người, đi về trong ngày. Tùy tình huống mà lịch làm việc sẽ linh hoạt điều chỉnh, phân công lực lượng phù hợp, đảm bảo an toàn và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tuần tra, bảo vệ rừng là công việc thường xuyên của trạm. Ảnh: H.Q
Tuần tra, bảo vệ rừng là công việc thường xuyên của trạm. Ảnh: H.Q

Chúng tôi ghé trạm dịp cận Tết Nguyên đán Nhâm Dần, thời điểm mà Trưởng trạm Bùi Ngọc Thạch cho rằng công tác tuần tra, bảo vệ rừng càng nghiêm ngặt hơn và không được phép sơ hở đề phòng các đối tượng lợi dụng xâm hại rừng. Một tổ gồm 5 thành viên vừa lên đường tuần tra, kiểm đếm ở khu vực cách trạm khoảng 5 tiếng đồng hồ đi bộ, dự kiến thực hiện nhiệm vụ trong 3-5 ngày. Ba thành viên còn lại, gồm anh Bùi Ngọc Thạch, ZơRâm Ngoàn và Bling A Boóc cũng đang sửa soạn ba lô đi tuần tra cánh rừng ven lòng hồ Thủy điện Sông Bung.

Trên bến sông Bung, anh ZơRâm Ngoàn quay máy nổ, anh Thạch cẩn thận lái chiếc thuyền máy rời trạm, tiến về cánh rừng lim thuộc Tiểu khu 122, địa phận xã Lăng do trạm quản lý, bảo vệ. Con thuyền máy rẽ dòng nước xanh biếc, từng mảng rừng nguyên sinh lần lượt hiện ra, không gian yên ả, thanh bình. Dưới nắng sớm nhẹ dịu, lộc non đâm chồi, chim rừng ríu ríu báo hiệu mùa xuân đang về với đại ngàn. Như một “hướng dẫn viên”, Bling A Boóc ngồi bên, vừa “thuyết minh” vừa hướng dẫn chúng tôi nhận biết cây nào là lim giữa mảng rừng xanh bao la. “Nhìn lên cao, cứ cây nào cao nhất, lá xanh sẫm là lim”.

Công tác tuần tra rừng dọc theo lòng hồ Sông Bung. Ảnh: H.Q
Ttuần tra rừng dọc theo lòng hồ Sông Bung. Ảnh: H.Q

Thuyền dừng lại gần một bãi đá cạn, rừng lim mà anh A Boóc chỉ cách đó tầm vài trăm mét theo đường chim bay. Tưởng gần, nhưng đi bộ đường rừng theo cách người đồng bằng như chúng tôi thì anh A Boóc ước tính phải mất hơn 1 giờ đồng hồ mới đến nơi, chưa kể phải vượt mấy suối khe, sườn dốc. Luồn rừng nhanh như sóc, ZơRâm Ngoàn chặt mấy chiếc gậy tre để giúp chúng tôi dễ đi hơn, còn anh thoăn thoắt đi trước dẫn đường. Nói là đường, nhưng thực ra đó là lối đi quen thuộc của mọi người, họ đi mãi mà hình thành lối mòn vừa một người đi, mặt đá trơ trọi, trơn trượt. Đoạn cắt qua rừng, đoạn lại men theo mép đá dọc khe, đoạn phải vượt suối… Những bước chân của họ thực sự bền bỉ như thiết lim.

 

[CLIP] - Công tác tuần tra rừng lim của Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 4:

Giữa rừng, nhìn tầng lá, nghe tiếng nước róc rách hay quan sát vết mòn trên bề mặt đất cũng có thể xác định được hướng di chuyển. Nhưng anh Thạch luôn cẩn trọng, mở bản đồ chuyên dụng trong điện thoại, lướt xung quanh vị trí đang đứng, kiểm tra có khe, thác hay đồi dốc nào có thể bất ngờ gây nguy hiểm không. Anh lại dõi mắt quan sát thực tế một lượt mới xác định hướng đi. Càng tiến sâu vào rừng, lim dày đặc hơn, có gốc cổ thụ 4-5 người ôm, còn cây từ cổ tay trở lên thì vô số kể. Ở những gốc cây tầm một người ôm trở lên đã được trạm kiểm đếm, định danh bằng con số cụ thể.

Một cây lim con vừa nảy mầm. Ảnh: H.Q
Một cây lim con vừa nảy mầm. Ảnh: H.Q

Đứng dưới gốc lim có đường kính tầm 1,5m ngước nhìn lên ước cây lim cao đến 30 mét và hàng trăm lim con vây quanh như đàn con xúm xít dưới chân mẹ. Mùa này, hạt lim thường bén rễ, nẩy mầm, anh Thạch nhắc chúng tôi di chuyển chậm hơn, chú ý bước chân để không dẫm phải lim con. Anh phát hiện và khoe chúng tôi những cây lim vừa tách hạt, còn nguyên 2 lá mầm màu xanh non. Vài năm nữa thôi, cây lim con này sẽ nép mình dưới bóng lim mẹ, hấp thụ linh khí đại ngàn rồi chẳng mấy chốc vươn cao, phủ xanh thêm cánh rừng.

 
Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 4 thực hiện công tác kiểm đếm lim. Ảnh: H.Q
Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 4 kiểm đếm lim. Ảnh: H.Q

Suốt chặng tuần tra từ trạm đến rừng lim không hề thấy dấu vết người lạ. Thi thoảng cũng gặp vài người dân địa phương quen mặt đi tìm nấm lim xanh, bẻ chuối rừng hoặc đánh cá. Từ khi thành lập năm 2014 đến nay, chưa có bất kì vụ việc xâm hại đến lâm phận mà trạm quản lý. Những cánh rừng bình yên sinh trưởng, vạn vật cùng nhau lớn lên trong sự bảo vệ thầm lặng của những người gác rừng.

 

Sau nhiều giờ tuần tra, kiểm đếm, chúng tôi theo chân 3 thành viên Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 4 rời rừng về lại trạm. Men theo bờ suối dưới bóng chiều tà, mọi người tranh thủ hái ít rau dớn, lá chua xanh non về nấu cơm tối. Bùi Ngọc Thạch nói rau rừng mùa này dưới xuôi là đặc sản, chứ trạm ăn quanh năm. Có thời điểm, rau rừng là bữa chính.

 
Trạm đóng chân trên một “ốc đảo” giữa lòng hồ sông Bung. Ảnh: H.Q
Trạm đóng chân trên một “ốc đảo” giữa lòng hồ sông Bung. Ảnh: H.Q

Gần 8 năm công tác tại trạm, chưa năm nào anh Thạch được đón Tết cùng gia đình trước ngày Mùng 2 tết. Năm nay cũng vậy. Nhưng chắc chắn không khí tết ở trạm sẽ ấm cúng, đủ đầy hơn. Bởi cách đây 7 tháng, UBND huyện Tây Giang hỗ trợ hơn 200 triệu đồng để dựng nhà tạm bằng cột sắt, tôn chắc chắn, có vật liệu giữ ấm mùa đông; trang bị cho trạm hệ thống điện năng lượng mặt trời, tủ lạnh, ti vi, bếp ga, loa…

 

Là trạm trưởng, có nhiều kinh nghiệm bám rừng nhất nên đến tết, bất kể có lịch phân công trực hay không, anh Thạch vẫn ở lại trạm. Giao thừa, anh cùng anh em trong trạm sửa soạn mâm lễ cúng tạ trời đất, rừng thiêng, cầu mong sức khỏe cho tất cả thành viên của trạm và cầu bình yên cho những cánh rừng. Anh em biên chế trạm đều trẻ, nhiều ngày sống xa vợ con, gia đình, tết cổ truyền lại là dịp đoàn viên nên bám rừng thời gian này chắc chắn sẽ buồn, sẽ mong nhớ. Nhưng tạm gác lại tình riêng, mọi người luôn ý thức về trọng trách đang gánh vác.

Những cánh rừng lim được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: H.Q
Những cánh rừng lim được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: H.Q

[CLIP] - Anh Bùi Ngọc Thạch, Trưởng trạm Quản lý bảo vệ rừng số 4 chia sẻ về nhiệm vụ của đơn vị:

“Lệ thường vào dịp tết, khoảng 50% quân số của trạm được về thăm gia đình, quân số còn lại thì trực chốt, làm nhiệm vụ. Công tác tuần tra, canh rừng vẫn diễn ra như thường ngày. Khi có thời gian, mọi người lại tìm vị trí bắt sóng tốt để gọi về gia đình, vợ con. Thời gian còn lại, chúng tôi thường quay quần bên nhau, chia sẻ buồn vui thường ngày. Tính tôi hay pha trò, kể chuyện tiếu lâm giúp anh em vui hơn, vơi đi nỗi nhớ nhà và bền chí với công việc” – anh Thạch tâm sự.

Bữa ăn đạm bạc giữa rừng. Ảnh: H.Q
Bữa cơm đạm bạc giữa rừng. Ảnh: H.Q
 

***

[CLIP] - Rừng lim cổ thụ xanh tốt được bảo vệ nghiêm ngặt:

Bảo vệ cánh rừng giáp ranh rộng lớn, ngoài tuần tra, kiểm đếm lim thì trạm còn bao việc quan trọng khác, các anh cung phải tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng cho người dân, tạo cơ sở, nắm bắt thông tin, trồng rừng, phối hợp tuần tra với Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Giang giữ gìn địa bàn… Nghề giữ rừng với họ giờ là máu thịt, là niềm vui mỗi ngày…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Những người canh giữ rừng lim
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO