(QNO) - Hội tụ được nhiều điều kiện thuận lợi, đã đến lúc Núi Thành tận dụng tiềm năng, thế mạnh bước sang giai đoạn phát triển mới với quyết tâm cao hơn, phấn đấu trở thành thị xã năng động hiện đại, là động lực kinh tế phía Nam Quảng Nam và của vùng.
Sau gần 40 năm thành lập kể từ khi tách ra khỏi huyện Tam Kỳ (cũ), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Núi Thành từng ngày vượt qua khó khăn, tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế để xây dựng quê hương. Bên cạnh việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh, Đảng bộ và chính quyền huyện Núi Thành đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung thực hiện ba nhiệm vụ đột phá chiến lược, huy động mọi nguồn lực để phát triển đồng bộ.
“Nhờ nỗ lực thực hiện định hướng đó, kinh tế tăng trưởng với quy mô ngày càng lớn và phát triển toàn diện. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, theo đó tỷ trọng các ngành kinh tế phi nông nghiệp chiếm gần 95% tổng giá trị của nền kinh tế…” – Bí thư Huyện ủy Núi Thành Nguyễn Tri Ấn cho biết.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Núi Thành giai đoạn 2016 - 2020 đạt 49.196 tỷ đồng, tăng bình quân 14,17%/năm, chiếm tỷ trọng 43,79% toàn tỉnh. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá với 9,54%/năm và đóng vai trò chủ đạo, tạo động lực để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội tại địa phương.
Hiện nay, bên cạnh Khu kinh tế mở Chu Lai thì các cụm công nghiệp của huyện như Trảng Tôn, Nam Chu Lai với nhiều dự án sản xuất công nghiệp đã tạo ra những sản phẩm công nghiệp có thương hiệu ở các lĩnh vực như may mặc, thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng...
Thời gian qua, thu hút dự án đầu tư vào huyện tiếp tục có chuyển biến khá tốt. Toàn huyện hiện có 114 dự án sản xuất công nghiệp đầu tư vào địa bàn, với tổng mức đầu tư đạt 39.101 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 17.285 lao động. Riêng các cụm công nghiệp của huyện đã có 16 dự án đi vào hoạt động với tổng số vốn thực hiện là 281,83 tỷ đồng, giải quyết việc làm hơn 1.315 lao động.
Hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, nhất là giao thông vận tải, viễn thông, ngân hàng; mạng lưới bán lẻ phát triển rộng khắp, quy mô mạng lưới kinh doanh buôn bán được mở rộng từ khu vực thành thị đến nông thôn, đồng bằng lên miền núi. Lưu thông hàng hóa tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Giá trị sản xuất ngành này ước đạt 6.280 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân đạt 13,98%/năm; tỷ trọng chiếm gần 10% trong tổng quy mô của nền kinh tế.
Núi Thành hôm nay:
Đi đôi là công tác đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp và hạ tầng công trình công cộng thiết yếu được chú trọng đầu tư hoàn thiện theo hướng hiện đại. Hạ tầng kỹ thuật có bước thay đổi căn bản, hệ thống hạ tầng hành chính, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, công viên, nghĩa trang, đường giao thông... được đầu tư khang trang. Nhiều công trình lớn được Trung ương, tỉnh, các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng trên địa bàn như đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Võ Chí Công, nút giao vòng xuyến 2 tầng, Cảng biển Chu Lai, Cảng Hàng không sân bay Chu Lai... đã góp phần đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Núi Thành hôm nay không chỉ phát triển về kinh tế mà an sinh xã hội cũng đổi thay giúp đời sống nhân dân ngày càng sung túc. Chương trình giảm nghèo được tập trung triển khai và đạt nhiều kết quả tích cực, đến nay huyện Núi Thành không còn hộ nghèo nằm trong diện có khả năng thoát nghèo. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị được tập trung đầu tư đạt chuẩn, nhiều trạm y tế xã đã được đầu tư xây mới, nâng cấp với tổng kinh phí trên 25 tỷ đồng. Các chương trình y tế quốc gia, vệ sinh phòng bệnh, an toàn thực phẩm thực hiện có hiệu quả; kịp thời khống chế dịch bệnh, đặc biệt là làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, không để bùng phát, lây lan trên diện rộng.
Tỷ lệ dân số tham gia BHYT toàn huyện đạt 95%; 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng định kỳ; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn 3,98% đối với thể nhẹ cân và giảm còn 7,13% đối với thể thấp còi. Mạng lưới trường lớp được bố trí đều khắp, 100% trường học đạt chuẩn quốc gia.
Những thành quả to lớn đạt được trong những năm qua đã đưa huyện Núi Thành trở thành một địa phương phát triển năng động, là điểm sáng về phát triển đô thị, quy hoạch, công nghiệp, thương mại, dịch vụ... của Quảng Nam.
“Xây dựng huyện Núi Thành thành thị xã và phát triển đô thị theo hướng hiện đại là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025. Xây dựng, phát triển và quản lý đô thị phải đảm bảo tính bền vững, hiện đại, kiểm soát quá trình phát triển của đô thị theo quy hoạch và pháp luật. Khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái. Đô thị Núi Thành xây dựng theo hướng hiện đại, thành thị xã vào năm 2023 và đạt chuẩn đô thị loại III trước năm 2030.” – ông Nguyễn Tri Ấn nói.
Theo quy hoạch của UBND tỉnh, đô thị Núi Thành mở rộng là trung tâm tổng hợp cấp vùng, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Núi Thành, Khu Kinh tế mở Chu Lai và vùng Đông tỉnh Quảng Nam. Tập trung công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, hàng không; trung tâm khí điện và sản phẩm hóa dầu; trung tâm sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và là trung tâm du lịch dịch vụ gắn với việc khai thác sân bay Chu Lai và hệ thống cảng Chu Lai - Kỳ Hà...
“Trước hết là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng huyện Núi Thành thành thị xã và phát triển đô thị theo hướng hiện đại. Vì Đảng bộ, chính quyền có cố gắng mấy mà nhân dân thờ ơ, ngoài cuộc thì công cuộc xây dựng sẽ ì ạch, không đạt được ý nguyện” – ông Ấn chia sẻ.
Đô thị Núi Thành hội tụ nhiều tiềm năng để phát triển theo hướng xanh - hiện đại:
Ưu tiên của Núi Thành là quy hoạch phải mang tính chiến lược, lâu dài, trước mắt phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành 100% quy hoạch phân khu để làm cơ sở quản lý tốt đô thị theo quy hoạch được duyệt. Địa phương này sẽ chú trọng quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị theo mô hình đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị sinh thái theo hướng bền vững, bảo vệ cảnh quan tự nhiên, chú ý quy hoạch sử dụng không gian khoa học, hiện đại, phát triển không chỉ theo mặt bằng mà còn cả tầng cao, tầng ngầm...
Bí thư Huyện ủy Núi Thành Nguyễn Tri Ấn xác định: “Quan trọng nhất là gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Từng khu phố, khu dân cư đô thị phải là những điển hình về nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, trọng tâm là xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, giữa cá nhân với cộng đồng phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam, văn hóa xứ Quảng, truyền thống quê hương”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành Ngô Đức An cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), kinh tế khu vực nông thôn Núi Thành đã chuyển biến tích cực, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn được tăng lên đạt hơn 43,3 triệu đồng/người/năm. Đến nay, toàn huyện có 12/15 xã đạt chuẩn xã NTM, 12 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Vùng nông thôn mới Núi Thành:
Để đạt được mục tiêu trở thành huyện NTM, chính quyền địa phương này phải thực hiện tốt công tác quy hoạch cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, gắn mục tiêu xây dựng NTM và phát triển đô thị. Rà soát, điều chỉnh, xây dựng mới các quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng xã NTM gắn với quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị Núi Thành và quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai để phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021 - 2025.
Cùng với đó là phát triển nhanh các chương trình kinh tế nông thôn, như: tái cơ cấu sản xuất; mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đồng thời kiên trì tiếp tục thực hiện các dự án liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
“Nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất và hợp tác xã, trong đó ưu tiên các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết với các doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản, thích ứng với cơ chế thị trường; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng liên kết chuỗi giá trị; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp để cùng tham gia phát triển kinh tế hàng hóa ở nông thôn...” – ông An nói.
Núi Thành chú trọng khuyến khích phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm:
Từ 2021 đến 2025, Núi Thành xem là "giai đoạn vàng" để đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư nghiên cứu và đầu tư vào địa bàn huyện Núi Thành.
Ông Nguyễn Tri Ấn khẳng định: “Quan điểm của huyện là thu hút đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm vào một số ngành nghề, lĩnh vực và địa bàn có tiềm năng. Dự án đầu tư phải thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển lâu dài và bền vững; ưu tiên tuyển dụng lao động là người địa phương. Giai đoạn 2021 – 2025 tập trung thu hút đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng xã hội, nhất là hạ tầng đô thị theo tiêu chí đô thị loại III và hướng đến đô thị loại II”.
Hiện thực hóa định hướng này, Núi Thành nỗ lực thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề sử dụng nhiều lao động lao động địa phương. Vận dụng các cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ sản xuất cá thể có điều kiện phát triển mạnh về công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, kiên quyết từ chối thu hút các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, khai thác lãng phí nguồn tài nguyên, công nghệ lạc hậu.
Đến năm 2025, quy hoạch và nghiên cứu đầu tư khoảng 5 khu thương mại dịch vụ tại địa bàn khu vực phát triển đô thị (ở 9 xã dự kiến khu vực nội thị), quy mô từ 5 - 7 ha/khu; khoảng 3 khu thương mại dịch vụ tại địa bàn khu vực nông thôn, quy mô từ 2 - 4ha/khu để thu hút các nhà đầu tư. Đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, hệ thống chợ, siêu thị, nhà hàng, khách sạn, phát triển các ngành dịch vụ y tế, giáo dục… để tạo nền tảng cơ bản cho thương mại - dịch vụ của huyện phát triển nhanh, bền vững.
Ngoài ra, tôn tạo cảnh quan ven sông, ven biển, khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch tại các địa phương ven biển của huyện; phát triển không gian thương mại - dịch vụ tại các xã Tam Tiến, Tam Hòa. Phấn đấu giai đoạn 2021- 2025 thu hút đầu tư hoàn thành một số dự án như khu chăm sóc người cao tuổi, khu bể bơi huyện, khu xử lý rác thải, trường học quốc tế, bến xe huyện…
Cạnh đó là ưu tiên thu hút đầu tư vào các sản phẩm có thế mạnh của huyện như thủy sản, lâm nghiệp. Khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến, tiêu thụ nông, lâm, thủy sản. Khuyến khích tập trung, tích tụ đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây tròng vật nuôi để hình thành các trang trại sản xuất, chế biến nông sản liên kết với Khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp Thagrico. Phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch thưởng ngoạn…
Cụ thể, chính quyền chủ động trong công tác quy hoạch phân khu, phân chia phạm vi mời gọi nhà đầu tư, phân vùng phạm vi quy hoạch phân khu. Ưu tiên quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng các khu thương mại dịch vụ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước để tạo nguồn lực ban đầu và quay vòng tiếp tục đầu tư phát triển. Phối hợp giải phóng mặt bằng để các nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp như Cụm công nghiệp Nam Chu Lai, Tam Mỹ Tây, Tam Anh, An An Hòa, Việt Hàn... Núi Thành đồng thời đề xuất UBND tỉnh quan tâm đầu tư, phát triển, khớp nối hạ tầng giao thông, kết nối các tuyến giao thông chính giữa cao tốc với quốc lộ và đường tỉnh, giữa các tuyến đường huyện với đường tỉnh, liên kết các tuyến ven biển.