(QNO) – Để lan tỏa một vở kịch dưới hình thức dân ca, bài chòi đến đông đảo công chúng là cả kỳ công chữ nghĩa và sự lao lực sắp xếp vần điệu, ý tứ. Người ham mê cái công việc nhiêu khê này là ông Lê Trung Thùy nay đã 71 tuổi, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên. Hơn 40 năm miệt mài với nghề biên soạn kịch nói, bài chòi, dân ca… đến nay ông Thùy đã sở hữu tài sản nghệ thuật đồ sộ là hàng ngàn tác phẩm gồm nhiều thể loại, phục vụ rất hiệu quả công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách cho nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh.
Chúng tôi biết ông Lê Trung Thùy sau một lần được xem đêm diễn tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 bằng bài chòi do chính ông Thùy biên dịch, đạo diễn. Từng quy định trong luật bầu cử khô khan khi chuyển tải thành câu hát bài chòi trở nên mềm mại, dễ nghe, dễ hiểu, lại khá thu hút công chúng bởi tiết tấu vui tươi hào hứng khi trình diễn.
Để có một đêm diễn hoàn chỉnh từ những lời thoại chào mừng mở đầu, sang từng phân đoạn cho đến kết thúc như vậy thì phải có một kịch bản chặt chẽ, đủ hấp dẫn, đảm bảo hiệu quả tuyên truyền. Và người đủ tài, đủ tâm để làm điều này tại Quảng Nam hiện nay - như lời của ông Bùi Minh Diệu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao và TT-TH Duy Xuyên thì chỉ có ông Lê Trung Thùy.
Tiếp chuyện với ông Lê Trung Thùy, cả một kho tàng nghệ thuật dân gian được mở ra. Có lẽ người đối diện chúng tôi đây khi đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” có dư “máu” nghề, nên đam mê vẫn sục sôi không thua trai trẻ.
Ông Thùy tâm sự, nghề viết ca kịch đến và theo ông như cái nghiệp cái nghiệp. Như bao người dân quê hương Duy Phước, ông lớn lên trong những lời ru, câu hò xứ Quảng. Nhưng thời điểm để dân ca, bài chòi, kịch nói xuất hiện ở vùng đất này thì phải kể đến khoảng sau 1975, khi Đoàn Dân ca liên khu 5 về biểu diễn. Ở cái thời còn thiếu thốn nhiều về tinh thần, những loại hình nghệ thuật ấy như cơn mưa rào giữa nắng hạ, tưới mát, khởi nguồn bao tâm hồn người yêu nghệ thuật. Và trong số đó có ông Lê Trung Thùy.
Khoảng năm 1977, ông Thùy được tham gia lớp sáng tác dân ca kịch đầu tiên của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Việc trở thành học trò của những nhạc sĩ nổi tiếng đương thời như Hoàng Châu Ký, Dũng Hiệp, cũng như được đào tạo bài bản về sáng tác, trang bị tương đối đầy đủ kiến thức về các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống là hành trang đưa ông đến với nghề biên soạn ca kịch. Sau đó, dù được nhiều nơi mời về làm việc, nhưng ông Thùy quyết gắn bó với quê hương, đảm nhận chức cán bộ văn hóa xã Duy Phước (từ 1978 -2009). Từ đây, những vở kịch nói, kịch ngắn, tấu, dân ca bài chòi, tuồng tại đất Duy Phước lần lượt ra đời…
Tuy là cán bộ văn hóa xã nhưng khả năng sáng tác của ông vươn tới nhiều nơi. Những vở kịch nói, dân ca, bài chòi phục vụ công tác tuyên truyền ở cấp xã, huyện cho đến tỉnh, có khi mang đi tham dự các cuộc thi quốc gia có giải cao dần đã định hình phong cách rất riêng của lão nghệ sĩ này.
Ngày nay, người viết kịch bản ca kịch ở xứ Quảng ngày càng ít đi. Để chọn một người đủ năng lực, đảm nhận viết kịch bản, nhất là những kịch bản liên quan đến tuyên truyền, phổ biến pháp luật, những hoạt động mang tính chính trị, xã hội quan trọng, rất nhiều địa phương, đơn vị chỉ tin tưởng ở mỗi ông Lê Trung Thùy.
[Clip] - Đêm diễn tuyên truyền về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 bằng bài chòi do ông Thùy biên kịch:
Ông Thùy không chỉ giỏi làm kịch bản mà còn có kinh nghiệm tư vấn cho “đối tác” những nội dung phù hợp với mục đích tuyên truyền, rồi kiêm cả đạo diễn, tập kịch, tập hát… Họ tin tưởng ở “tay nghề” và tâm huyết dường như không bao giờ vơi cạn ở con người ngày. Như cách ông Thùy giãi bày, nghề viết ca kịch cũng giống như nghề cầm bút khác, phải am hiểu và biết đặt câu chữ đúng chỗ, phải truyền đến người nghe, người xem những điều lẽ phải, tích cực, hướng thiện trong cuộc sống.
Theo ông Thùy, khi chấp bút kịch bản bài chòi để phổ biến chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước mà người viết không nắm vấn đề, đặt một chữ sai thì sẽ không đạt hiệu quả tuyên truyền. Cái gay go nằm ở chỗ từng điều khoản của văn bản pháp luật đã luật hóa, không thể thay đổi. Tuy nhiên nếu nắm bắt được cốt lõi của các quy định đó khi biên kịch khéo léo lồng ghép cùng những câu chuyện gần gũi, gắn liền với đời sống người dân vào từng lời hát, câu hò thì hiệu quả sẽ cao hơn.
Cạnh đó, mỗi nhân vật có tính cách, câu chuyện riêng nên ngôn ngữ, cử chỉ, thái độ cũng có sự khác nhau. Nếu trong kịch có hài - bi - chính thì trong mỗi nhân vật hình thành những tâm trạng yêu, thương, giận hờn… Thành công từng nhân vật sẽ quyết định sự thành công của vở kịch.
“Cái khó nhất khi viết lời là tìm chữ, xếp vần, nên ngày xưa hễ bắt tay viết kịch bản nào là bản thảo vương vãi khắp nhà. Viết tới, viết lui có khi suốt mấy ngày trời mới chốt được kịch bản ưng ý. Giờ có máy tính hỗ trợ nên viết lách, lưu trữ cũng thuận tiện hơn bội phần. Tính tôi cũng lạ, viết xong một kịch bản là sau đó quên hết. Nhờ vậy mà về sau, khi viết những kịch bản có nội dung tương tự không bị lặp ý tưởng, trùng câu chữ...” - ông Thùy tâm sự.
[CLIP] - Trích đoạn tuyên truyền bạo lực gia đình từng đạt giải quốc gia do ông Lê Trung Thùy bên kịch:
Tâm huyết với nghề viết kịch bản, ông Thùy luôn trăn trở chuyện tìm ca sĩ, diễn viên để chuyển tải tốt nội dung trong kịch bản của mình. Đó là thời điểm khi nhạc thị trường bắt đầu phát triển, các loại hình nghệ thuật dân gian bắt đầu phai nhạt dần trong đời sống văn nghệ, nhất là thế hệ trẻ… Giờ ông lại trăn trở với suy nghĩ: hát chưa hay có thể luyện, diễn chưa hay có thể tập nhưng để giữ cái hồn cốt, niềm đam mê với nghệ thuật dân gian truyền thống, đó mới là điều khó.
Như câu chuyện bài chòi, vốn là một trò chơi dân gian với các câu hô – thai, dần về sau phát triển thành các làn điệu, phục vụ công tác tuyên truyền. Đặc biệt khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới, bài chòi trở thành niềm tự hào của Quảng Nam, được các cấp, ngành tập trung bảo tồn, phát triển. Nhưng thực tế, nhiều lớp dân ca, sáng tác mở ra chưa phát huy hiệu quả. Từ đó dẫn đến việc người trẻ khó tiếp cận, còn người viết có tư tưởng “ăn xổi ở thì” chứ chưa có đam mê thực thụ. Theo ông Thùy để bảo tồn tốt nghệ thuật dân gian mang đặc trưng xứ Quảng thì nhất định phải bảo tồn từ chính trong dân gian. Tức là khi toàn người dân nghe, thuộc thì mới hình thành vài nhóm người đam mê. Rồi từ trong số vài người đam mê ấy mới tìm được vài người hiểu, có thể viết tốt.
“Tôi chỉ là cánh chim nhỏ giữa bầu trời nghệ thuật xứ Quảng, hàng ngày chỉ mong đem lại niềm vui, qua những kịch bản mình viết hướng mọi người tới những điều tốt đẹp trong đời. Mấy mươi năm viết lách, ít nhất cũng qua 4 thế hệ học trò nhưng tôi chưa tìm ra người viết tốt, theo đuổi đam mê. Cũng dễ hiểu thôi, khi muốn phát triển nghệ thuật dân gian hiện nay đòi hỏi người viết phải có vốn sống tốt, cách đặt câu từ hấp dẫn, lối viết mới và gần gũi mới lôi cuốn được số đông công chúng” - ông Thùy chia sẻ.
Ông Thùy theo đuổi một “dự án” bảo tồn nghệ thuật của riêng ông. Đó là bảo tồn nghệ thuật dân gian từ trong trường học. Chúng tôi có dịp được xem một buổi tập kịch của học sinh trường THCS Phan Thúc Duyện (xã Điện Thọ, Điện Bàn) do chính ông Thùy chăm chút. Các em hát dân ca, diễn những câu kịch đầy say mê, hồn nhiên trong tiểu phẩm tuyên truyền bạo lực học đường. Không biết rồi những lời ca, điệu hát này sẽ theo các em bao lâu trong cuộc đời, có làm nên điều ông Thùy mong mỏi hay không. Song niềm hi vọng “chất” dân ca, kịch nói, những câu hát dân dã mà ông Thùy truyền dạy không bị mau quên giữa biết bao thú vui tuổi trẻ bên ngoài.
Miệt mài, chân tình, hồn hậu, ông Lê Trung Thùy từng ngày vẫn gieo niềm đam mê với ca kịch, bài chòi cho lớp trẻ. Tin rằng "tre già măng mọc". Rồi lời ca, tiếng hát mang đậm phong vị dân gian sẽ mãi vang vọng trên những làng quê xứ Quảng…