(QNO) - Dịp Tết Tân Sửu này, chàng thanh niên Phan Văn Đức (SN 1992, thôn Châu Lâm, xã Bình Trị, Thăng Bình – Chủ nhiệm CLB Thiện nguyện Phan Đức) luôn tất bật để lo chu đáo hàng trăm phần quà cho người dân gặp khó khăn một cái Tết no ấm, đủ đầy. Năm 2020 của chàng thanh niên này khép lại với nhiều dấu ấn khó quên, từ “Phiên chợ không đồng” giữa đại dịch Covid-19 hay những hũ thịt heo muối, đậu rang hỗ trợ đồng bào vùng bão lũ… Với anh, những việc làm thiện nguyện của mình và các cộng sự là cuộc hành trình “cho đi" nhưng "còn mãi”.
Những ngày đầu tháng 8.2020, dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng, nhiều ca lây nhiễm được ghi nhận, huyện Thăng Bình bắt buộc phải thực hiện giãn cách xã hội lần 2. Việc hạn chế ra ngoài, không có việc làm trong thời gian dài đã khiến cuộc sống nhiều gia đình gặp khó khăn.
Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của người dân khi phải chấp hành lệnh giãn cách xã hội, CLB Thiện nguyện Phan Đức đã vận động các mạnh thường khắp nơi cùng chung tay hỗ trợ. Và chỉ trong thời gian ngắn, lượng rau củ quả, nhu yếu phẩm thiết yếu quyên góp được đã lên đến hàng chục tấn.
“Số lượng rau, cá và nhu yếu phẩm quá lớn nên chúng tôi không thể đến từng nhà hỗ trợ cũng như không đảm bảo quy định phòng chống dịch. Do đó, tôi mới có ý tưởng tổ chức một “phiên chợ không đồng” để toàn bộ lượng thực phẩm này đến tay người dân nhanh chóng, hiệu quả” - anh Phan Văn Đức, Chủ nhiệm CLB Thiện nguyện Phan Đức nói.
Để nhiều người dân gặp khó khăn đều được hỗ trợ và đảm bảo các quy định về an toàn phòng chống dịch Covid-19, anh Đức đã liên hệ với chính quyền địa phương - nơi sẽ diễn ra phiên chợ thống kê danh sách và phát phiếu đến người dân. Người dân tham gia sẽ chia thành từng đợt theo số thứ tự để tránh tập trung đông người; bắt buộc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn trước khi vào phiên chợ; tuân thủ việc giữ khoảng cách khi mua hàng…
Bà Nguyễn Thị Thu (ở thôn Ngũ Xã, xã Bình Chánh, Thăng Bình), một trong những “vị khách” từng tham gia phiên chợ đặc biệt này nhớ lại: “Dịch bệnh kéo dài, kinh tế khăn nên những món hàng trong phiên chợ đều rất giá trị, nhất là khẩu trang, nước rửa tay. Nhận phiếu đến chợ, mua mọi thứ với giá “không đồng”, tôi mừng lắm. Tham gia một phiên chợ không đồng giúp gia đình tôi đỡ tiền đi chợ trong 3-5 ngày liền”.
Anh Phan Văn Đức cho biết, trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, có đến 6 “phiên chợ không đồng” được tổ chức, hàng chục tấn rau, củ, quả, hàng trăm ki lô gam cá thịt cùng các nhu yếu phẩm thiết yếu đã đến tay người dân gặp khó khăn. Ngoài ra, CLB còn tổ chức “phiên chợ không đồng” di động để mang thực phẩm đến tận nhà, hỗ trợ cho một số trường hợp khó khăn không thể đi lại được.
“Phiên chợ không đồng” chỉ là 1 trong số 37 hoạt động mà CLB Thiện nguyện Phan Đức đã tổ chức trong năm 2020. Tổng số tiền huy động cho những hoạt động này là hơn 4 tỷ đồng, đều đến từ nguồn hỗ trợ của các mạnh thường quân thông qua mạng xã hội facebook. Chỉ riêng chương trình hỗ trợ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng do bão lũ vừa qua đã hơn 1 tỷ đồng.
Theo anh Phan Văn Đức, thành công của CLB đến từ sự uy tín, trách nhiệm trong hoạt động thiện nguyện. Bởi hiện tại, việc huy động hàng trăm triệu đồng cho các hoạt động thiện nguyện từ mạnh thường quân từ mạng xã hội thật không dễ dàng, nhất là những người chưa từng gặp mặt.
“Năm 2013, tôi thành lập CLB thiện nguyện Cầu Vòng, hoạt động chủ yếu là quyên góp trong xóm, làng hỗ trợ các trường hợp khó khăn. Đến năm 2018, tôi sử dụng tài khoảng facebook cá nhân để kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ một số hoàn cảnh đặc biệt tại địa phương, được dư luận quan tâm... Nhờ thông tin chính xác, cách làm trách nhiệm và rõ ràng trong hoạt động quyên góp đã giúp tài khoản facebook Phan Văn Đức trở thành địa chỉ tin cậy. Từ đó, tôi mới đổi tên CLB từ Cầu Vòng thành Phan Đức để mạnh thường quân biết và tin tưởng; thể hiện trách nhiệm của bản thân trong hoạt động từ thiện” - anh Đức cho biết.
Cũng theo anh Đức, trước khi đưa thông tin lên trang facebook cá nhân để kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ, anh Đức luôn đến tận nơi xác minh, đảm bảo tính chính xác và không thổi phồng sự việc. Sau đó, anh sẽ nắm bắt nguyện vọng, mong muốn của từng trường hợp để có phương án kêu gọi cộng đồng hỗ trợ một cách thiết thực, hiệu quả. Đó là lý do để chàng thanh niên này có ý tưởng “Phiên chợ không đồng” vô cùng hữu ích đối với cộng đồng giữa mùa dịch Covid-19, cho đến cách làm những hũ thịt muối, hộp đậu rang hỗ trợ người dân vùng bão lũ như vừa qua.
"Cho đi là còn mãi" - đây là thông điệp mà anh Đức luôn muốn truyền đi trong tất cả các hoạt động thiện nguyện của mình. Với anh, những hoạt động hỗ trợ đồng bào gặp khó do thiên tai hay dịch bệnh trong năm 2020 chỉ là hoạt động nhất thời, không thể “xóa” hoàn toàn cái đói, cái nghèo.
“Trên mạng xã hội và ngoài thực tế có hàng ngàn cá nhân, tổ chức làm từ thiện, thậm chí làm theo “phong trào”. Còn chúng tôi thì ngược lại, “cho cần câu, không cho con cá”. Không thể mãi hỗ trợ gạo, mắm, muối mà cần phải định hướng để người được hỗ trợ nỗ lực, vươn lên thông qua hoạt động thiện nguyện” – anh Đức chia sẻ.
Từ đầu tháng 1.2021, bên cạnh các hoạt động chăm lo cho đồng bào bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai, cùng với việc để người dân khó khăn có những suất quà vui xuân đón Tết, anh Đức còn tập trung các chương trình trao sinh kế, hỗ trợ đồng bào vùng cao Quảng Nam vựt dậy sau thiên tai. Các loại cây giống, con vật nuôi cũng như các phương tiện sinh kế khác phù hợp với từng người dân, từng địa phương đã được anh Đức và các thành viên trong CLB Thiện nguyện Phan Đức nghiên cứu, xem xét kĩ lưỡng trước khi trao tận tay.
“Trong năm 2021, tôi sẽ cho ra mắt một mô hình “dạy tiếng Anh không đồng” cho trẻ em vùng cao, vùng khó khăn. Mô hình này cần sự đồng hành của nhiều giáo viên và các trung tâm tiếng Anh, các trường học trên địa bàn tỉnh; góp phần giúp nhóm trẻ em này nâng cao kiến thức, hoàn thiện bản thân” – anh Đức chia sẻ.
Hành trình “cho đi” của Phan Văn Đức còn dài, còn nhiều dự định. Mong rằng chàng trai này chưa vội mỏi gối chồn chân, bởi bao cảnh đời nghèo khó cần đến sự tận tâm, nhiệt huyết của anh, để những tấm lòng vì cộng đồng tìm đến anh mà tin cậy gửi gắm yêu thương.