[Emagazine] - Quảng Nam: chủ động ứng phó cơn bão số 9

ĐĂNG KHOA 27/10/2020 10:43

(QNO) - Những ngày qua, đồng bào các tỉnh miền Trung phải oằn mình chống chọi với lũ lụt, thì nay lại phải tiếp tục chuẩn bị đương đầu với cơn bão lớn được phát cảnh báo với cường độ cấp 12 – 13 và vùng ảnh hưởng có thể kéo dài cả Bắc – Trung – Nam. Với cường độ bão số 9 mạnh tương đương cơn bão Damrey năm 2017, rủi ro thiên tai cấp độ 4 có thể sẽ xảy ra.

 
 
 

1. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, đến 13 giờ ngày 28.10, vị trí tâm bão Molave ngay trên vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 15.

Hồi 10 giờ ngày 26.10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 119,6 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 620km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 250km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,8 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 280km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (115-150km/giờ), giật cấp 15.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 11,0 đến 17,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 111,5 đến 120,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa và vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa) có mưa bão, gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão cấp 12-13, giật cấp 15; sóng biển cao từ 8-10m; biển động dữ dội.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 10 giờ ngày 28/10, vị trí tâm bão ở khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 109,4 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ven bờ các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 15.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 10 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc; 104,5 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão số 9: cấp 4.  

2. Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 1470/CĐ-TTg ngày 26.10.2020 yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai; Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN; UBND các tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và các Bộ, ngành về triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 9 (Bão Molave).

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, các Bộ, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động tổ chức theo dõi hặt chẽ diễn biến của bão, kịp thời chỉ đạo triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ", tập trung một số nhiệm vụ sau: (1) Tập trung bảo đảm an toàn cho người, phương tiện hoạt động trên biển, đảo, nhất là đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú. (2) Rà soát, chủ động triển khai công tác bảo đảm an toàn trên đất liền: Rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân: sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, không bảo đảm an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp; triển khai công tác bảo vệ nhà cửa, công trình, đê điều, hồ đập, bảo vệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sản xuất nông nghiệp; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tại các khu vực có nguy cơ bị chia cắt kéo dài do mưa lũ; chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư tại những nơi xung yếu để sẵn sàng xử lý các tình huống khẩn cấp và ứng cứu, khắc phục kịp thời các sự cố. (3) Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thường xuyên cập nhật vùng nguy hiểm, kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp cụ thể ứng phó với bão, lũ. (4) Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị đóng trên địa bàn có nguy cơ ảnh hưởng của bão, lũ rà soát phương án, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tại các khu vực trọng điểm để sẵn sàng hỗ trợ địa phương sơ tán nhân dân, cứu hộ cứu nạn. (5) Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân biết, chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ.

 

Trao đổi với phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam ở bản tin vào sáng ngày 26.10, Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định, bão Molave sẽ vào Biển Đông trong hôm nay và trở thành cơn bão số 9 trong năm 2020 trên Biển Đông. Rất nhiều khả năng đây là cơn bão mạnh nhất kể cả gió trên biển cũng như trên đất liền. Đáng chú ý, có rất nhiều rủi ro đến từ cơn bão số 9. Đầu tiên là về gió, bão số 9 có thể gây ra gió mạnh tới cấp 13-14, giật cấp 16-17 ở Biển Đông. Mức gió này có sức phá hoại cực kỳ lớn, có thể đánh đắm tàu biển. Khi vào đất liền Trung Bộ, cường độ bão vẫn có thể giữ cấp 11-12, giật cấp 14. Thứ hai, trên Biển Đông sóng biển có thể cao từ 8-10m, vùng biển gần bờ khu vực Đà Nẵng - Phú Yên từ 5-7m. Vùng ven biển từ Đà Nẵng tới Quảng Ngãi khả năng có nước dâng do bão khoảng 1m. Thứ ba, về mưa lớn, chúng tôi nhận định, từ tối 27 đến ngày 29/10, bão số 9 có thể gây mưa to đến rất to cho Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên. Thậm chí, mưa có thể kéo dài tới ngày 1/11 ở phía Bắc và Trung Trung Bộ do hoàn lưu sau bão kết hợp không khí lạnh. Trong đó, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có thể mưa đặc biệt to, trên 500mm cả đợt.

 

Kết luận cuộc họp khẩn ứng phó bão sáng 26.10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta đang trong tình trạng “bão chồng bão, lũ chồng lũ”, đặc biệt ở khu vực miền Trung. Các địa phương phải nghiêm túc triển khai công điện của về ứng phó bão số 9. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các cơ quan liên quan phải đôn đốc kiểm tra, bảo đảm thực hiện công điện này một cách tốt nhất.

Thủ tướng nêu rõ tinh thần chủ động phòng chống tốt nhất để giảm thiểu thiệt hại do cơn bão mạnh gây ra và sau bão là mưa lũ. Công tác cứu nạn, cứu hộ, hỗ trợ người dân 5 tỉnh miền Trung vẫn tiếp tục triển khai, nhất là tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các cơ quan đã có chủ trương, “các đồng chí bám vào các chủ trương này, đừng để nhân dân rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, đói rét, khó khăn”.

Đối với cơn bão số 9, dự báo có thể đổ bộ vào nước ta ngày 28.10, Thủ tướng chỉ rõ, phải bảo đảm an toàn cho người dân, cả trên tàu, trên lồng bè. “Cứu người là quan trọng nhất, cho nên, tất cả các giải pháp có thể được, kêu gọi tàu bè, di dời dân cũng như khi tàu vào rồi thì cương quyết đưa ngư dân lên bờ, ngư dân trên lồng bè phải lên bờ”, Thủ tướng nói. Đây là kinh nghiệm khi trước đây, đã vào trú tránh gần bờ những vẫn xảy ra sự cố mất an toàn, “vì những con tôm hùm, lồng bè cá mà người chủ giữ ngư dân lại, không cho lên bờ, trách nhiệm đó phải xử lý nghiêm”.

3. Quan tâm 5 đối tượng có nguy cơ cao

 

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, từ ngày 27 – 29/10, bão số 9 sẽ gây ra một đợt mưa to đến rất to ở các tỉnh Trung bộ, lượng mưa phổ biến từ 200 - 350 mm. Sau đó, hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh có thể gây ra mưa lớn kéo dài cho các tỉnh bắc và trung Trung bộ.

Đặc biệt, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có thể có mưa đặc biệt to, với tổng lượng mưa đạt trên 500 mm/đợt. Theo đó, vùng núi các tỉnh bắc Trung bộ có nguy cơ rất cao xảy ra tiếp tục lũ quét và sạt lở đất.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, cơn bão số 9 mạnh tương đương cơn bão Damrey năm 2017, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, cơ sở hạ tầng cho các tỉnh Bình Định-Ninh Thuận. Cơn bão này đã làm 123 người chết, mất tích và 134 nghìn nhà, hơn 73 nghìn lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị thiệt hại, cùng với đó là 1.809 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng, 8 tàu thuyền vận tải bị chìm tại Quy Nhơn, Bình Định.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, trong phạm vi 08 tỉnh bị ảnh hưởng của bão số 9 lần này, cần đặc biệt quan tâm đến 05 đối tượng có nguy cơ cao, bao gồm: (1) Tổng số dân phải sơ tán theo kịch bản ứng phó với bão cấp 12, 13: 1.279.163 người. (2) Tổng số tàu thuyền trong khu vực từ Thừa Thiên Huế - Khánh Hòa: 25.063; Tổng sức chứa tại 21 khu neo đậu tàu thuyền trong khu vực chỉ đáp ứng khoảng 61% nhu cầu thực tế. (3) Nuôi trồng thủy sản: 14.063 ha và 178.938 lồng, bè. (4) Hồ chứa thủy điện từ Hà Tĩnh – Phú Yên có 21 hồ đang xả đón lũ. Hồ chứa thủy lợi: khu vực Nam Trung Bộ có 571 hồ, đã tích 30-90% dung tích; hiện không có hồ xả tràn; hiện có 22 hồ chứa xung yếu và 31 hồ đang thi công. (5) Từ Thừa Thiên Huế - Ninh Thuận có 627km đê biển, đê cửa sông; có 25 vị trí đê biển xung yếu và 10 vị trí đang thi công.

 

4. Để chủ động ứng phó với bão Molave và tình hình mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công điện số 09 ngày 26.10 yêu cầu: Các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình mưa lũ để chủ động ứng phó kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường; chủ động chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

 

Chỉ đạo kiểm tra, rà soát ngay các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm, nhất là những khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn; kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu, nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các địa phương ven biển tiếp tục tổ chức nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi (bao gồm cả các ghe thuyền các xã bãi ngang ven biển, hoạt động gần bờ). Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất UBND tỉnh xem xét, cho phép tàu thuyền ra khơi theo quy định. Đình hoãn các cuộc họp không liên quan đến công tác chỉ đạo phòng, chống bão, lũ cho đến khi bão tan. Lãnh đạo các Sở, Ban, ngành, thành viên Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó theo địa bàn đã được phân công.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố:

Tổ chức triển khai ngay các biện pháp chỉ đạo Nhân dân và các cơ quan đóng trên địa bàn tổ chức chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, kho tàng, các trường học, cơ sở y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, chằng néo và có các biện pháp bảo vệ trụ ăng ten,… đảm bảo an toàn; cắt tỉa cành, chằng chống cây tránh ngã đổ; khai thông cống rãnh để hạn chế thiệt hại do mưa lũ. Hoàn thành trước 18 giờ ngày 27.10.2020.

Các địa phương ven biển, cửa sông sẵn sàng phương án sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm khi có tình huống xấu do ảnh hưởng của bão. Chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản của Nhân dân và khách du lịch ven biển, các đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy, hải sản. Hướng dẫn các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc vào khu neo đậu tránh bão trên địa bàn tổ chức sắp xếp neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão; hướng dẫn di chuyển, gia cố đảm bao an toàn các lồng bè nuôi trồng thủy sản, hải sản. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè. Hoàn thành trước 18 giờ ngày 27.10.2020. Tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các tuyến đường đi qua ngầm, tràn… để thực hiện các biện pháp cảnh báo (cắm biển báo, khoanh dây xác định khu vực nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn...) để Nhân dân biết, chủ động phòng tránh, hạn chế đi lại; chủ động phương án thực hiện sơ tán, di dời Nhân dân đến nơi an toàn đối với những khu vực ngập sâu, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét. Kiểm tra công tác dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu ở địa phương, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt do bão lũ; chỉ đạo Nhân dân tự dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 - 10 ngày.

Triển khai lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở địa phương giúp Nhân dân chằng chống nhà cửa, di chuyển dân đến tạm trú nơi an toàn; sẵn sàng thực hiện cứu nạn, cứu hộ Nhân dân nơi khó khăn. Nghiêm cấm tàu thuyền, các đò ngang, đò dọc hoạt động trên các sông, suối, hồ chứa nước và các nơi ngập lũ sâu để chuyên chở người, hàng hóa; nghiêm cấm việc vớt củi trong lũ. Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm; cương quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất. Tổ chức kiểm tra, rà soát phương án đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du hồ chứa; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước thực hiện kiểm tra, quan trắc đập để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra; trong đó đặc biệt lưu ý đến các hồ chứa thủy lợi đã tích đầy nước. Thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công công trình, nhất là các công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, các hồ chứa nước, chủ các phương tiện vận tải thủy, các đơn vị khai thác khoáng sản biết thông tin về tình hình bão và mưa lũ để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản và các phương tiện.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Tiếp tục thông báo cho tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển và vị trí của bão để chủ động di chuyển vào bờ, tìm nơi trú ẩn an toàn, không đi vào phạm vi ảnh hưởng hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm; Đối với các tàu, thuyền đã vào bờ hoặc khu neo đậu để trú ẩn, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức sắp xếp, hướng dẫn ngư dân neo đậu chắc chắn, an toàn nhằm tránh va đập do ảnh hưởng của gió bão. Kiên quyết không để người ở lại trên tàu, thuyền. Hoàn thành trước 18 giờ ngày 27/10/2020; Kiểm đếm tàu thuyền còn đang hoạt động ngoài khơi, thường xuyên báo cáo UBND tỉnh và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN tỉnh.

Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp khẩn trương tổ chức chằng chống trụ sở làm việc và các cơ sở vật chất do đơn vị quản lý, không để bị tốc mái do gió bão; có biện pháp bảo vệ trang thiết bị làm việc, tránh bị hư hỏng do mưa, bão; cắt tỉa cành, chằng chống cây trong khuôn viên trụ sở làm việc.

Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các địa phương ven biển hướng dẫn kỹ thuật neo đậu, sắp xếp tàu thuyền tại nơi tránh trú đảm bảo an toàn.

Sở Công Thương chỉ đạo, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ điện, công tác dự trữ lương thực.

Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải triển khai lực lượng tại các tuyến giao thông huyết mạch để hướng dẫn, phân luồng, phân tuyến các phương tiện giao thông cơ giới đi lại an toàn; nghiêm cấm các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt các phương tiện chở người qua lại khi có bão. Sở Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư kịp thời khắc phục ngay các điểm bị sạt lở đất đá, cây cối ngã đổ trên đường bảo đảm thông tuyến, đi lại an toàn. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn chủ động triển khai lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ Nhân dân kịp thời khi có bão, lũ; giúp các địa phương thực hiện công tác sơ tán dân khi có tình huống xấu xảy ra.

 

Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và các Trường Đại học, Cao đẳng, trung cấp chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học tùy tình hình thực tế diễn biến của bão và mưa lũ.

Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng các công trình thu, phát sóng viễn thông, truyền thanh, truyền hình, trụ BTS, pano, bảng quảng cáo rà soát, kiểm tra mức độ an toàn, tiến hành các biện pháp gia cố, giằng chống đảm bảo an toàn.

Các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành thông báo cho các đơn vị thi công công trình, nhất là các công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, các hồ chứa nước biết thông tin về tình hình bão, mưa lớn để chủ động các biện pháp ứng phó, có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư tại công trình.

Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên; thực hiện tốt việc thông báo, điều tiết xả lũ linh hoạt và theo đúng Quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Các doanh nghiệp phải thường xuyên theo dõi diễn biến bão, mưa lũ để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.Các đơn vị thi công có phương án đảm bảo an toàn về người, tài sản và các công trình xây dựng đang thi công.

Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, Đài Truyền thanh các địa phương tăng cường thời lượng, thường xuyên đưa tin về tình hình diễn biến thiên tai; phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, phòng tránh với bão, mưa lũ lớn và công tác chỉ huy ứng phó của các cấp chính quyền địa phương để Nhân dân biết, chủ động phòng tránh.

Đài Khí tượng Thủy văn Quảng Nam thực hiện các bản tin dự báo, cảnh báo tình hình, diễn biến của mưa, bão và thu thập, phân tích thông tin số liệu cung cấp cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan phục vụ kịp thời công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Các lực lượng cứu nạn, cứu hộ duy trì lực lượng và phương tiện, sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu. Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các Sở, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục; thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

 

5. Một số kinh nghiệm phòng, chống bão lụt cần quan tâm

Theo các chuyên gia, tình hình mưa lũ “chưa từng thấy” ở miền Trung có khả năng sẽ trở thành 'bình thường mới' trong tương lai và trong bối cảnh đó, việc tăng cường nhận thức và sự hiểu biết của chính quyền, doanh nghiệp, người dân, các tổ chức xã hội là chìa khóa then chốt trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh.

Trước những thách thức đó, Tổng cục Phòng, chống thiên tai xác định cần tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai để phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai, trong đó, cần tập trung tham mưu ưu tiên thực hiện tốt 5 nhóm giải pháp sau:

Một là, chủ động thực hiện tốt công tác phòng ngừa thiên tai, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Hai là, chủ động rà soát, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện kiểm soát an toàn thiên tai; điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng, xu thế diễn biến thiên tai và điều kiện của từng vùng, địa phương.

Ba là, nâng cao năng lực của toàn xã hội, nhất là của chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Người dân chủ động thực hiện phòng, chống thiên tai với sự hỗ trợ về thông tin cảnh báo, chỉ dẫn phòng, tránh của chính quyền các cấp.

Bốn là, chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai trên cơ sở chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với các kịch bản có thể xảy ra, trong đó có phương án ứng phó với lũ lớn đồng bằng sông Hồng, khu vực miền Trung, kiểm soát lũ đồng bằng sông Cửu Long, ứng phó với bão mạnh, siêu bão.

Năm là, thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai, bảo đảm tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật.

Chúng tôi muốn nhắc lại, cơn bão số 9 được dự báo là cơn bão cực kỳ mạnh; hơn lúc nào hết, ngay từ bây giờ các cấp, các ngành hãy vào cuộc một cách chủ động, tích cực vầ mỗi người dân Quảng Nam cùng chung tay để hạn chế đến mức thấp nhất do bão gây ra. Và phải thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Các địa phương quán triệt tinh thần “4 tại chỗ” từ tỉnh đến huyện, xã, không để bị động; dừng tổ chức các cuộc họp không cần thiết để tập trung phòng chống bão. “Phải đề cao cảnh giác, chủ quan thì hậu quả rất lớn”.

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[Emagazine] - Quảng Nam: chủ động ứng phó cơn bão số 9
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO