(QNO) - Tháng 5/2023 vừa rồi, để khảo sát cho chương trình truyền hình trực tiếp liên quan một điểm cầu ở nơi cực Bắc, chúng tôi làm một lèo từ thị trấn Đồng Văn băng qua Cổng Trời – Quản Bạ, ngược lên Lũng Cú. Rồi lại từ đó, vượt con đèo Mã Pì Lèng mò qua Mèo Vạc...
Dọc đường đi, choáng vì núi non kỳ vĩ, những người và ngựa đổ đứng ở những chân trời, dòng sông Nho Quế sâu thẳm và ngát xanh... lòng lại dấy lên một niềm tự hào về dãy biên cương kiêu hãnh và tươi đẹp của thiên nhiên nước Việt.
Lại nhớ, những ngày lang thang Tây Bắc làm phim cùng bộ đội biên phòng những năm 2015 - 2016. Từ đồn biên phòng Ma Lù Thàng, giữa đường mù sương lên biên giới, chúng tôi đã nổi gai người khi dừng lại bất chợt đứng xem thầy giáo già Lý Thào Quang ngồi bên vệ đường nắn nót từng dòng chữ Dao cổ của đồng bào mình.
Bên căn nhà nhỏ, thầy giáo Quang ngồi thu mình giữa những lọ mực và xấp giấy cũ nhàu. Cái chữ của người trí thức già thuộc lớp những người muôn năm cũ như ông vẫn luôn cần để giúp cho những đồng bào người Dao không biết chữ có cái để nhờ người đọc trong các lễ cúng hàng năm hoặc đọc bên nấm mồ trước khi đưa người thân của mình về cõi vĩnh hằng. Tây Bắc đã bắt đầu từ những ấn tượng như thế khi chúng tôi có những ngày lang thang ở những nơi giữa lưng chừng trời chỉ có mưa và gió rét…
Lần theo cái chữ của thầy giáo Lý Thào Quang, chúng tôi gặp trên đường cảnh rước hồn người chết, một phong tục lâu đời của đồng bào người Dao trên mạn sát biên giới của bản Hùng Pèng xa xăm nơi địa đầu Tổ quốc. Theo phong tục người Dao, xác người chết được chôn ngay sau khi chết nhưng hồn người chết thì không. Hồn người chết được đựng trong một ống tre buộc giữa cây đòn dài gồm hai người khiêng và sẽ được rước lên mộ sau đó vào ngày tốt để chính thức làm mộ.
Người khiêng hồn vừa đi vừa chỉ tay vào ống tre đang lúc lắc giữa đòn khiêng vừa nói: "Gọi hồn chú tôi vào trong ống tre này đấy. Giờ mang lên mộ để làm. Ông chết có khi nửa tháng rồi, xác chôn trước, hôm nay đưa hồn ông lên trời và lập mộ…". Chỉ vào xấp giấy đầy chữ Dao cổ, ông nói tiếp: "Đem sổ này lên đọc, báo cho Trời biết. Người chết trẻ không sao nhưng người già phải báo đàng hoàng để không ảnh hưởng xấu đến con cháu…".
Ngày làm mộ là ngày quan trọng chính thức báo người chết về với ông bà. Nghi lễ thông báo người chết về với đất trời và ông bà được báo hiệu bằng những tiếng súng. Lý Thào Sừ vừa lắp đạn vào súng vừa nói: "Chết phải báo trời, nổ để thông báo mà, báo hồn về...”.
Tôi chưa kịp hỏi tiếp, anh đã giương súng lên trời. Pằng! Pằng! Pằng! Ngước mặt nhìn trời như đang dõi theo ai, Sừ im lặng rất lung sau khi bắn rồi chống súng xuống đất, châm thuốc và kéo một hơi rõ dài…
Tây Bắc còn mời gọi những ai là con dân Việt từ những mốc biên giới đi vào lịch sử. Lũng Pô là một địa danh như thế. Từ trụ sở Bộ đội Biên phòng Lào Cai, chúng tôi ngược lên ngọn nguồn sông Hồng.
Ngồi trên chiếc U oát chinh chiến, ngoài Tùng - cậu lái xe rất trẻ, là Trung úy Bùi Trung Dũng của Phòng Chính trị. Xe vừa ra khỏi trung tâm thành phố, Dũng đã chỉ ngay dòng sông trước mặt: “Đây là sông Hồng. Ngã ba Việt Nam – Trung Quốc là đây, giữa là sông Nậm Thi. Mình sẽ đi dọc Nậm Thi theo đường biên giới… Bên kia là Trung Quốc rồi, cửa khẩu Trung Quốc đấy…”.
Hì hục hơn cả tiếng đồng hồ, xe bắt đầu lên A Mú Sung. Sau khi chào hỏi ở đồn biên giới, Thượng tá Trần Văn Hải – lúc ấy là Chính trị viên đồn A Mú Sung đưa chúng tôi đi dọc đường tuần tra biên giới để đến ngã ba suối Lũng Pô. Đây là nơi đã đi vào tâm thức bao người dân Việt từ bài hát nổi tiếng “Gửi em ở cuối sông Hồng” của nhạc sĩ Thuận Yến.
Trước mắt tôi là những đồi dứa, đồi chuối xanh ngút ngàn, nhấp nhô soi bóng xuống nguồn sông Hồng. Dừng ven đường để chọn vị trí phù hợp, chỉ tay về phía ngã ba sông, Thượng tá Hải hướng dẫn: "Đây là địa đầu Tổ quốc, "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt". Biên giới Việt Nam – Trung Quốc ở ngã ba suối, đường biên giới giữa suối. Đồi kia của họ, cầu kia của họ, bên trái là huyện Kim Bình tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)".
Chúng tôi lội bộ lên cụm cột mốc số 92. Cột mốc thiêng liêng đánh dấu biên giới được dựng ở ngã ba sông, đánh dấu điểm bắt đầu của con sông nổi tiếng này khi chảy vào Việt Nam. Vẫn lời Thượng tá Hải: "Khu vực ngã ba sông, theo luật quốc tế, Trung Quốc và Việt Nam cùng cắm 3 mốc. Suối này chia đôi hai nước, khi mức nước thấp nhất chia đôi là đường biên giới. Mốc 92-1, 92-2, 92-3 cùng cắm năm 2001, 2008 hoàn tất sớm hơn so với dự định”.
Dòng nước chính từ phía bắc đổ thẳng về phía TP.Lào Cai. Một dòng nước nhỏ rẽ ngang sang phải tạo thành suối Lũng Pô bao quanh thôn. Năm 2007, có 19 hộ dân từ Ngãi Thầu – Mường Khương bắt đầu hành trình về đây để xây vùng đất mới. Họ được nhà nước hỗ trợ, chỉ trong vòng 1 tháng, 19 ngôi nhà đã dựng lên lập thành thôn mới với tên gọi Lũng Pô 2. Từ một vùng biên giới không có người ở, thôn Lũng Pô 2 nhanh chóng ổn định và phát triển. Nhìn vẻ trù phú trước mắt, khó ai có thể hình dung, vùng này trước đây hoang vu, chỉ có cây dại và cỏ tranh.
Từ Lũng Lô đi ngược tiếp lên, đặc biệt mùa mưa trở ngại lớn nhất là giao thông. Chuyện kẹt đường xảy ra như cơm bữa. Nhiều khi hàng hóa lên đến trung tâm thì nằm đó, từ tỉnh lỵ đến các đồn biên phòng đã khó khăn, từ các đồn đến các bản làng vùng sâu còn gian nan gấp bội.
Khi qua Lai Châu, cùng Đại tá Vũ Quang Mạo, lúc đó là Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ đội Biên phòng Lai Châu băng lên biên giới, chúng tôi mới thấm thía hết câu chuyện giao thông mùa mưa của vùng Tây Bắc. Theo lời Đại tá Mạo, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5, từ lúc ấy đi lại là khâu lo nhất trong giải quyết công việc. Có khi công tác lên các đồn xa, đi thì được nhưng không làm sao trở ra. Người lục tục tìm cách về xuôi, xe cứ để đấy, hết mùa mưa lại lọ mọ lên mà mang về sửa chữa…
Muốn biết văn hóa từng vùng miền hãy đến xem các chợ phiên. Đường qua Tây Bắc đi qua không biết bao nhiêu chợ. Chợ nào cũng mộc mạc quê kiểng với bao thức quà từ người nhà nông hồn hậu. Chợ ở đây là chỗ tâm tình, gặp gỡ hơn là kiếm lợi. Ra chợ mua bán để lòng thêm vui, cứ như là hoạt động cần có để đổi thay nhịp sống bền bỉ cần lao hàng ngày trên nương trên rẫy.
Người ta đi chợ hồn nhiên như đi hội, có người chỉ cần bán đủ tiền mua cái đèn pin, chiếc áo là đã thuận lòng. Nhờ những buổi chợ phiên, bao nhiêu người quen nhau mà thành vợ thành chồng… Trôi giữa những phiên chợ, trưa, qua những khúc hai bên vách núi dựng đứng, nắng chờn vờn trên mỏm đá. Bỗng vẳng lên một tiếng gà trưa, chợt thấy nao lòng thèm một mái hiên, bát nước chè xanh cái thưở thanh bình xưa cũ.
Ngày ấy, trước khi rời Lào Cai, Lai Châu để tiếp tục hành trình rẽ về Mường Lay, Điện Biên, Sơn La - một miền kỳ lạ khác của Tây Bắc, chúng tôi đã cùng các anh em đồn biên phòng Bát Xát đến nghĩa trang thắp hương trên mộ các liệt sĩ đã hy sinh trên mặt trận bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Và lần này là Vị Xuyên. Tây Bắc, Hà Giang vẫn đấy, trong trùng điệp màu xanh trù phú của đất trời, có máu xương của bao thế hệ người Việt đã đi qua những khúc quanh lịch sử nhuốm màu bi tráng…
Ôi, biên cương nước Việt. Nơi ấy, phía sau những nhà sàn chênh vênh trên các ngọn đồi, phía sau những bước chân vội vàng và kín đáo của người dân miền sơn cước, những thửa ruộng bậc thang và những cánh rừng… là một lịch sử bi tráng của địa đầu Tổ quốc.
Rong ruổi đường xa, choáng ngợp, kinh ngạc và tê dại về miền trời kỳ lạ Hà Giang những ngày như không có thực, đầu óc cứ lan man nhớ một người đàn bà đôi mắt xanh nâu có tên là Thào Mỹ ngồi uống rượu suốt đêm và hát những bài dân ca H'Mông buồn tê tái như trong "Trở lại Mèo Vạc", "Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng" của nhà văn Nguyên Ngọc...
Ở đó mùa này, giữa những ngọn đồi đầy đá tai mèo, vẫn cặm cụi những người phụ nữ Dao, H'Mông… cần mẫn giữ nhịp sống bao đời cho một dải đất xa xăm của miền biên ải…