[eMagazine] - Rừng xanh, góc núi ân tình…

ALĂNG NGƯỚC 07/05/2023 09:56

Bước qua hàng rào tre kiên cố, ngay trước mặt chúng tôi là rừng cây rậm rạp, phủ một màu xanh ngút ngát. Những hàng cây thẳng tắp, được trồng dọc theo chân núi mang vẻ đẹp hoang sơ, kỳ thú, trở thành điểm tham quan lý tưởng cho người dân và du khách trên hành trình khám phá non cao.

 

Ông Bríu Đham, một cựu binh người Cơ Tu ở thôn K8 (xã Sông Kôn, Đông Giang) - chủ nhân của cánh rừng này nói, tất cả là tâm huyết mà ông muốn dành tặng cho con cháu và cộng đồng, xem đó như món quà ý nghĩa cuối cùng sau hàng chục năm miệt mài trồng, chăm sóc, tái tạo nên vùng đồi hoang hóa lên xanh.

“Còn sống là còn giữ. Từ đời mình, cho đến nhiều đời con cháu sau này nữa, cũng phải giữ cho tốt. Nếu vì lợi ích trước mắt mà bán đi, làm mất cánh rừng này thì công sức của mình coi như bỏ uổng, thật đáng tiếc” - ông Bríu Đham đưa ánh nhìn về phía núi, phía rừng cây xanh ngát sau nhà vẻ đầy trăn trở.

Rừng cây kết hợp được ông Đham trồng nhiều năm cho màu xanh ngút.
Rừng cây kết hợp được ông Đham trồng nhiều năm cho màu xanh ngút.
 

Trưa hôm ấy, chúng tôi theo ông Bríu Đham vào sâu cánh rừng kiền kiền - một trong những giống gỗ đặc hữu quý hiếm ở miền núi. Thật lạ, mọi thứ dưới tán rừng kiền kiền này đều sạch bóng. Dưới những luống đất được cải tạo, từng nhánh dây leo nhô khỏi mắt cá chân người, bám theo cọc tre cắm dọc chân núi, sát hệ thống nước suối được dẫn về từ nguồn.

Ông Bríu Đham nói, đó là những cây sâm ba kích tím, được ông mang về trồng thử nghiệm dưới tán rừng, gần chục năm nay. Qua bàn tay chăm sóc của ông, vườn ba kích tím phát triển nhanh chóng, cho các đợt thu hoạch thời vụ phục vụ nhu cầu của du khách.

“Phía bên kia là khu vực trồng mây. Phía dưới nữa là vườn ươm giống cây kiền kiền. Cũng mới ươm đây thôi, nhưng tỷ lệ sống rất tốt” - ông Đham giới thiệu, tiện tay dùng rựa phát dọn những bụi cỏ xung quanh giống cây non vừa được ươm cách đây ít tháng. Bất ngờ, ông chọn vài cây giống đẹp nhất để “làm quà”, giục khách nhận mang về trồng.

 

Trong trí nhớ của ông Đham, cánh rừng kiền kiền này được ông nhận về trồng hơn 25 năm trước, từ một dự án của ngành lâm nghiệp. Lúc đó, chỉ hơn 1.000 cây được trồng dọc con suối sau lưng nhà. Sau này, ông mở rộng trồng thêm giổi và một số loài cây rừng đặc hữu khác trên diện tích 3,6ha. Miệt mài chăm sóc và vun trồng, ông Đham nói, chỉ trong chớp mắt, rừng kiền kiền đã cao hơn 50m với đường kính mỗi cây 20 - 30cm.

Kể từ khi quyết tâm trồng rừng, gần như ngày nào ông Đham cũng có mặt để chăm sóc và giữ rừng cây trước tâm địa của kẻ trộm. Vài năm trước, lợi dụng trời mưa vào ban đêm, có người lén chặt hạ gỗ cây kiền kiền khiến ông đau xót.

“Lúc đó, mất 5 cây nên buồn lắm. Không phải mình tiếc của, mà vì lo nghĩ sẽ không giữ được rừng nguyên vẹn được nữa” - ông Đham quay người sang cội cây kiền kiền trước mặt, dùng tay vuốt ve, hiện rõ niềm ấm ức trong lòng.

Ông Đham luôn xem rừng gỗ này như “báu vật” dành riêng con cháu và cộng đồng.
Ông Đham luôn xem rừng gỗ này như “báu vật” dành riêng con cháu và cộng đồng.

Sau vụ ấy, ông không yên tâm ở nhà. Căn chòi được dựng ngay bìa rừng, gần như ngày nào ông cũng “làm bạn” cùng rừng cây kiền kiền. Sự có mặt của ông Đham khiến kẻ lạ không dám bén mảng đến, nhiều năm nay, rừng gỗ quý hiếm này được bảo tồn nghiêm ngặt, cả cộng đồng làng Cơ Tu cùng chung tay gìn giữ.

Trong tâm nguyện của ông, rừng cây kiền kiền như một “báu vật” mang giá trị không chỉ về kinh tế và tinh thần, mà còn là nơi để ông hàn gắn vết thương của mẹ thiên nhiên sau thời gian bị tàn phá.

 

Ông Đham không nói nhiều về rừng cây này, mà chỉ dẫn chúng tôi đến để cảm nhận vẻ đẹp theo cách riêng mỗi người. Những bụi tre khổng lồ được trồng hai bên đường, ngay sát hàng rào vào cánh rừng, hệt cánh cổng dẫn đường vào… kho báu. Đó là cách tôi quan sát, còn với ông Đham, suốt cuộc nói chuyện đều bộc bạch rằng, ông trồng rừng này là để cho con cháu chứ không phải cho mình.

Gần như ngày nào ông Đham cũng có mặt tại cánh rừng để chăm sóc, canh giữ.
Gần như ngày nào ông Đham cũng có mặt tại cánh rừng để chăm sóc, canh giữ.

Mà thật. Chu kỳ sinh trưởng của loài cây kiền kiền là từ 50 - 100 năm, thời điểm chín muồi để khai thác. “Hồi đó trồng, cũng đâu nghĩ gì. Nghe cán bộ xuống họp, thông tin về dự án lâm nghiệp nên đăng ký một suất. Nhiều hộ chọn quế, bời lời…, còn mình chọn kiền kiền vì nghĩ sau này nó sẽ mang lại giá trị lớn, con cháu có gỗ để làm nhà, dựng gươl” - ông Đham bộc bạch.

 

Thời điểm dự án trồng rừng được đưa về, ở địa phương cũng có một vài hộ nhận trồng kiền kiền. Tuy nhiên, sau thời gian chăm sóc, vì lợi ích trước mắt nên đã lần lượt đốn hạ để nhường chỗ trồng… keo.

“Đúng là trồng keo có tiền thật, nhưng tôi thấy keo không có giá trị lâu dài. Ngay cả con tôi cũng không muốn tôi giữ rừng kiền kiền này đâu. Nhưng tôi lại nghĩ khác, có thể bây giờ chưa hưởng được gì từ rừng kiền kiền này nhưng đời con, đời cháu sẽ thấy đó là cả một gia tài mà ông đã để lại, nên động viên các con cố gắng gìn giữ” - ông Đham nói.

Ẩn sâu trong lời nói của ông, là những trăn trở cho hành trình gìn giữ mai sau. “Còn sống là còn giữ rừng”, lời động viên của ông với con cháu hẳn như bài học đầy triết lý của một già làng Cơ Tu.

Những năm gần đây, ông dành phần lớn thời gian cắt tỉa, chăm sóc “người bạn” rừng xanh.
Những năm gần đây, ông dành phần lớn thời gian cắt tỉa, chăm sóc “người bạn” rừng xanh.

Những năm gần đây, đất không còn đủ diện tích để trồng rừng, ông Đham không phát triển thêm mô hình vườn cây nào nữa. Thay vào đó, là dành thời gian chăm sóc và ươm giống cây kiền kiền phục vụ nhu cầu trồng rừng của cộng đồng địa phương. Những luống cây vừa được gieo ươm cách đây ít tháng đã cao gần 1m, ông Đham nói đó là món quà dành tặng cho những ai có đam mê với việc trồng rừng.

Từ tấm lòng của ông, nhiều người dân ở tận xã biên giới Tây Giang và các vùng lân cận của Đông Giang đã nhân giống phát triển thành công mô hình trồng cây kiền kiền đặc hữu, góp sức vào mục tiêu trồng rừng gỗ lớn ở miền núi.

 

Thỉnh thoảng, ông Bríu Đham đón vài đoàn du khách đến tham quan, trải nghiệm rừng cây sinh thái. Có người đặt vấn đề hỏi mua, ông đều tìm cách từ chối. Dành hơn nửa đời người để trồng cây, ông Đham nói, ông chưa bao giờ có ý định bán đất, bán rừng mà ngược lại, ông muốn trồng nhiều hơn để bảo vệ môi trường và phát triển du lịch.

Những năm gần đây, cánh rừng gỗ quý hiếm của ông Đham trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách.
Những năm gần đây, cánh rừng gỗ quý hiếm của ông Đham trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách.

Trong câu chuyện của già làng người Cơ Tu này, tôi mường tượng ra rằng, chừng vài chục năm nữa, phía cánh rừng già nua sau làng, có khi sẽ ngút ngàn một màu xanh cây lá. Nhưng đó đâu là chuyện xa xôi, bởi ngay ở thời điểm bây giờ, những bìa rừng đang dần lên xanh, trở thành điểm tham quan lý tưởng cho du khách.

“Vài tháng trước, qua lời giới thiệu của người quen, có một đoàn khách đến thăm rừng cây này. Khi vào sâu bên trong khu kiền kiền, họ thích lắm. Bởi ở đây rất mát mẻ, gỗ cây lại to đẹp, rất quý hiếm” - già Đham kể.

Từng chứng kiến cảnh tượng nhiều cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá bởi lâm tặc những năm trước, ông Đham nói điều đó càng thôi thúc ông và con cháu mở rộng hơn việc trồng rừng thay thế, xem đó như hành động “chữa lành vết thương” cho rừng. Vì thế, ông góp công rất lớn cho địa phương trong việc giữ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sống đầy chất lượng sinh thái.

 
Những luống cây giống đang lên xanh, được ông nghiên cứu ươm trồng.
Những luống cây giống đang lên xanh, được ông nghiên cứu ươm trồng.

Từ mô hình trồng rừng, mới đây, chính quyền địa phương kết nối, hỗ trợ già Đham liên kết với Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang xây dựng ý tưởng đưa khu rừng kiền kiền này phát triển thành rừng giống để nhân rộng mô hình.

Trên cơ sở nâng cao giá trị rừng tự nhiên, đặc hữu quý hiếm, các bên cam kết phát triển cánh rừng thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn đón chân du khách. Ngoài ra, xem nơi này như một “địa chỉ đỏ”, tạo môi trường giáo dục đồng bào vùng cao hiểu hơn giá trị về rừng, cùng các hành động bảo vệ môi trường tự nhiên sinh thái trong cộng đồng.

Ông Arất Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Sông Kôn cho hay, địa phương đang xây dựng ý tưởng đưa rừng cây kiền kiền của ông Đham thành sản phẩm du lịch sinh thái độc đáo, tạo điểm đến lý tưởng cho du khách khám phá, trải nghiệm. Đồng thời kết nối mở rộng, khai thác chuỗi giá trị dược liệu dưới tán rừng một cách hiệu quả, tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích người dân giữ rừng.

 

“Bước đầu là hộ gia đình, sau này sẽ nhân rộng mô hình trồng rừng cho toàn cộng động để giá trị rừng ngày được nâng cao, giúp người dân hưởng lợi từ rừng một cách bền vững. Hy vọng với tấm gương trồng rừng, cũng như tinh thần vượt qua cám dỗ của ông Đham sẽ cổ vũ cộng đồng trong việc giữ rừng, tạo nguồn động viên khuyến khích người dân cùng tham gia trồng rừng và bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên” - ông Trung nói.

[VIDEO] - Rừng cây kiền kiền 25 năm tuổi quý hiếm của ông Bríu Đham:

 
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Rừng xanh, góc núi ân tình…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO