(QNO) - Giữa lúc gian nan do dịch bệnh Covid-19 hay gặp tình huống ngặt nghèo, những người dân xứ Quảng đã mở rộng vòng tay và tấm lòng sẻ chia. Từ miền quê đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi, nơi đâu cũng gặp những tấm lòng thơm thảo tỏa hương thơm ngát với những câu chuyện thầm lặng sống có ích cho đời, cho xã hội.
Nhớ lại những ngày rời quê hương vào TP.Hồ Chí Minh tăng cường chống dịch Covid-19, bác sĩ Dương Chí Lực – Trưởng khoa Ngoại lồng ngực (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam) không khỏi bồi hồi: “Khi tôi quyết định tình nguyện vào TP.Hồ Chí Minh chống dịch, nói thật là gia đình tôi chẳng ai đồng ý. Họ lo lắng nhiều, nghĩ nhiều nỗi đau trong quá khứ bởi cha chú tôi trong chiến dịch Mùa xuân 1975 đã nằm hết lại nơi đó. Còn thời điểm tôi quyết định đi tăng cường cho TP.Hồ Chí Minh lại quá khốc liệt, số ca tử vong do Covid-19 tăng lên từng ngày nên gia đình sợ tôi không trở về”.
Nhưng lương tri người bác sĩ thôi thúc ông phải đi. Đầu tháng 8, mảnh đất ông đặt đến không còn xa hoa, lộng lẫy mà dịch bệnh làm điêu tàn, hoang vắng lạnh người. Và Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 tại quận Tân Phú (TP.Hồ Chí Minh) là nơi họ đóng quân. “Trung tâm đang trong giai đoạn thiết lập, xây dựng nên anh em phải lao ngay vào việc, từ xây dựng phác đồ điều trị riêng đến thiết lập hệ thống quản lý, phân chia nhiệm vụ, công việc… Khi vừa xong thì đón bệnh nhân Covid-19 luôn” – bác sĩ Lực kể chuyện.Khi số ca bệnh tiếp nhận điều trị nhiều hơn cũng là lúc họ đứng trước nguy cơ nhiễm bệnh khá cao khi phải tiếp xúc cả ngày với các ca dương tính và thiếu thốn đồ bảo hộ đạt chuẩn. “May mắn là những đồng hương, đồng nghiệp từ Núi Thành đã ủng hộ cho đoàn đủ cơ số đồ bảo hộ phòng chống lây nhiễm trong lúc làm nhiệm vụ” – bác sĩ Lực cho hay.
Trong đoàn tiếp viện miền Nam do bác sĩ Dương Chí Lực làm trưởng đoàn, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Tiến mãi xem chuyến đi đó là kỷ niệm để chị càng thêm yêu thương gia đình vì những người ở lại đã hi sinh tình cảm riêng giúp Tiến hoàn thành nhiệm vụ cao cả được Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam giao phó.
Ngày chị đi, con gái chỉ mới 29 tháng tuổi. Nước mắt người mẹ tuôn rơi vì thương con gái nhỏ. Người chồng dù biết trước nhưng vẫn ngỡ ngàng vì không tin vợ mình can đảm vào “chiến trường” TP.Hồ Chí Minh – lúc đó đang tang thương vì dịch bệnh hoành hành.
Trong mùa nắng nóng, sự ám ảnh cho những điều dưỡng là mỗi khi mặc vào mình bộ đồ bảo hộ kín bưng. Ròng rã 12 tiếng đồng hồ quần quật mang thuốc cho bệnh nhân uống, giúp bệnh nhân vệ sinh cá nhân, ăn uống… khiến toàn thân các điều dưỡng như Tiến rã rời. Khi bộ đồ bảo hộ tháo ra, mồ hôi chảy ròng ròng như ai đó tạt cả thùng nước vào người.
“Hôm đầu tiên xong ca trực, về đến phòng nghỉ thì không lê nỗi vào giường. Lúc đó, lòng phụ nữ cũng yếu đuối những tưởng sẽ bỏ về. Nhưng chị em chung phòng động viên nhau, rồi trưởng đoàn động viên… nên mình xốc lại tinh thần chiến đấu tiếp”.
Bác sĩ Dương Chí Lực kể tiếp: “Không có đoàn tiếp viện nên đợt đó đoàn Quảng Nam phải kéo dài thêm thời gian tình nguyện. Anh em cũng đã kiệt sức nhưng mình không làm thì tính mạng bệnh nhân chẳng lẽ giao phó cho tử thần? Nên anh em vỗ vai động viên nhau tiếp tục. Và may mắn đến đầu tháng 10 thì đoàn tình nguyện của tỉnh Lâm Đồng xuống tiếp quản nên chúng tôi có được ngày về”.
Sinh ra từ gia đình nghèo khó, ông Đặng Thành Tâm (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) tự bươn chải đủ nghề để kiếm sống đến khi lập gia đình. Tuy là vậy nhưng tâm thiện nguyện luôn thôi thúc ông làm điều có ích. Từ những năm 1990, ông tìm đến những nhà hảo tâm ở Đà Nẵng để gùi giúp họ những phần quà lên giúp đỡ người dân ở vùng cao, nơi mà phương tiện cơ giới không thể tới được.
May mắn mỉm cười và nghị lực đã giúp ông Tâm thay đổi cuộc đời khi ông bỏ hết tâm huyết làm mô hình tham quan trải nghiệm cuộc sống của cư dân vùng sông nước với gọi tên Eco Tour Tâm. Cơ sở kinh doanh dịch vụ của ông phát triển ổn định, tạo công ăn việc làm cho 20 nhân viên phục vụ nhà hàng, giải quyết hàng trăm lao động khác. Và tiền kinh doanh dịch vụ du lịch ông trích hơn 30% để đi làm từ thiện. “Những lúc khó khăn cơ cực có người ra tay giúp, vợ chồng tôi không quên ân nghĩa đó nên làm thiện nguyện giúp lại những hoàn cảnh khác” – ông Tâm chia sẻ.
Và hiện nay, để có thêm nguồn kinh phí làm từ thiện, ông Tâm còn tham gia mô hình “Tổ thuyền thúng Chữ thập đỏ”; “Bữa chay tùy tâm” ở xã Cẩm Thanh để giúp người mắc bệnh nan y. Ông còn tham gia Đội xe thiện nguyện của Hội chữ thập đỏ ở xã chuyên chở những người già neo đơn, nghèo khó, bệnh tật đến bệnh viện và những nơi cần đến.
Khi dịch bệnh hoành hoành, ông Đặng Thành Tâm đôn đáo lo giúp các gia đình khó khăn trong thôn xóm, gia đình có người mắc bệnh qua đời hoặc khách bị mắc kẹt lại Hội An. Năm rồi, ông trữ trong nhà gần 5 tấn gạo để cấp phát cho những người dân khó khăn ở địa phương.
Mùa hè năm 2018, Huỳnh Văn Quốc đề nghị anh Châu Phước (TP.Tam Kỳ) để được cùng tham gia chương trình thiện nguyện giải cứu dưa hấu cho người dân Phú Ninh. Từ đây, trong anh dấy lên nhiệt huyết thiện nguyện, anh khát khao được cống hiến sức trẻ.
Sau đó, anh vừa đi làm vừa tranh thủ kêu gọi bạn bè góp sức, góp tiền để hằng tháng tổ chức những chuyến thiện nguyện đến thăm những hoàn cảnh khó khăn trên khắp tỉnh Quảng Nam trong các dịp trung thu, Ngày Quốc tế thiếu nhi, áo ấm mùa đông, tết… Sau mỗi chuyến đi, anh đều đăng tải lên các trang mạng xã hội nhóm Facebook thiện nguyện “Kết nối yêu thương”, vì vậy hoạt động thiện nguyện của anh nhận được sự quan tâm, động viên và ủng hộ nhiều hơn từ mọi người. Nhiều nhà hảo tâm ở TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang… đã trở thành những người cộng sự cùng đi những chuyến thiện nguyện ý nghĩa này cùng với anh Quốc.
Huỳnh Văn Quốc còn là người kết nối nhiều nhà hảo tâm đỡ đầu cho nhiều hoàn cảnh người già neo đơn trên địa bàn tỉnh với số tiền hỗ trợ hằng tháng từ 500 – 700 nghìn đồng/trường hợp. Tổ chức chương trình “Nồi cháo yêu thương” tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam; CLB SOS Tam Kỳ giúp đỡ người dân hư xe máy dọc đường tại TP.Tam Kỳ...
Năm 2021, chàng trai này đã lập ra nhóm hỗ trợ những người chạy xe máy từ các tỉnh miền Nam có dịch bệnh Covid-19 về quê phía Bắc trong khoảng 20 ngày (tháng 10.2021). Nhóm đã hỗ trợ mỗi ngày hơn 400 lượt người với tổng kinh phí ước tính lên đến 200 triệu đồng, từ hỗ trợ chỗ ăn ở, tìm chỗ ngủ tạm, đồ ăn, thức uống và tiền mặt…
Sau mỗi chuyến thiện nguyện, Huỳnh Văn Quốc thấy mình trưởng thành hơn, có thêm động lực và ý tưởng để theo đuổi hành trình “sống là cho đi”.
Nguyễn Bá Hiển – người con đất Hà Tĩnh bén duyên với vùng biên giới Tây Giang năm 2009 khi đang là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng thực hiện đề tài nghiên cứu về cây ba kích Tây Giang. Tốt nghiệp, Hiển quay về Tây Giang học tiếng Cơ Tu, tìm hiểu văn hóa nơi đất này. Thời gian còn lại, Hiển nghiên cứu vè các loại cây dược liệu, dạy chữ dành cho trẻ em vùng cao. Điều anh Hiển cảm thấy may mắn nhất là được gần, được học già làng Bríu Pố (xã Lăng, Tây Giang) về câu chuyện gần, hiểu dân và làm gương đi đầu.Nhờ kiên trì, bền bỉ, không tiếc chi phí đầu tư ban đầu… anh Hiển đang phát triển 46ha ba kích bản địa, 20ha chè dây; sở hữu trong tay chuỗi các sản phẩm chế biến sâu về ba kích, chè dây, đảng sâm. Anh đã bước đầu cho ra đời sổ tay thổ cẩm, khăn choàng thổ cẩm Cơ Tu và các loại hình du lịch trải nghiệm.
[CLIP] - Anh Nguyễn Bá Hiển phát triển 46ha ba kích bản địa dưới tán rừng tại Tây Giang:
Trên chặn đường khởi nghiệp của mình, điều anh Hiển luôn đau đáu là tìm cách tạo việc làm, bao tiêu đầu ra dược liệu, thay đổi được tư duy làm ăn và vươn lên từ điều kiện thổ nhưỡng, nguồn lực sẵn có của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm 2020, anh Hiển phát triển hợp tác xã lên thành Công ty CP Ranvi để sản phẩm dễ dàng tiếp cận thị trường, đầu ra dược liệu bà con ổn định. Và điều đáng quý ở chàng thanh niên này là 50% lợi nhuận từ việc kinh doanh, anh dành đầu tư chuỗi thư viện trải nghiệm, giúp trẻ em vùng cao có thêm những tiết học thú vị về tiếng anh, máy tính, đọc sách, trồng rau, dược liệu…
“Hiện nay, ngành thuế rất chú trọng hiện đại hóa, vì thế phải thường xuyên tự nâng cao trình độ chuyên môn, trang bị kiến thức, kỹ năng để hỗ trợ tốt nhất cho công việc. Cũng từ đây, tôi phát hiện ra nhiều kẽ hở trong chính sách và đưa những sáng kiến để khắc phục hạn chế, vướng mắc” – chị Nguyễn Thị Minh Phượng (Cục thuế tỉnh Quảng Nam) chia sẻ.
Năm 2018, với sáng kiến “Tăng cường quản lý kê khai, chống thất thu thuế đối với chi nhánh hoạt động sản xuất trực thuộc doanh nghiệp có trụ sở chính ngoài tỉnh và doanh nghiệp ngoài tỉnh hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất thủy điện, kinh doanh bất động sản, khai thác khoáng sản tại Quảng Nam” của Minh Phượng và đồng nghiệp đã giúp công tác quản lý kê khai, nộp thuế của các đơn vị trên từng bước đi vào nền nếp, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước hơn 47,6 tỷ đồng.
Tương tự sáng kiến “Tăng cường quản lý kê khai, chống thất thu thuế, tạo cơ sở thu bền vững đối với các chi nhánh, địa điểm kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp có trụ sở chính ngoài tỉnh” đã góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ quan thuế, công chức thuế, ý thức tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, khai thác tăng thu cho ngân sách tỉnh trong năm 2020 hơn 30 tỷ đồng, tạo cơ sở thu lâu dài, bền vững trong những năm tiếp theo... Và năm 2021, sáng kiến “Giải pháp tăng cường quản lý nghĩa vụ kê khai, chống thất thu thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn” cũng phát huy hiệu quả.“Những sáng kiến này đều xuất phát từ việc vận dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, nâng cao tinh thần phục vụ. Tôi nghĩ học theo Bác từ chính những công việc hàng ngày như thế, không phải là những việc gì quá to lớn. Phục vụ người nộp thuế với tinh thần phục vụ chứ không phải là một cán bộ đi hạch sách người dân. Vì thế tôi luôn nỗ lực hết sức, mong muốn góp một phần nhỏ nâng cao sự hài lòng của người nộp thuế” – Minh Phượng nói.
Không chỉ làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, Minh Phượng còn là một Phó Bí thư Đoàn xung kích trong công tác cải cách hành chính. Chị tham mưu Đoàn cơ sở Cục Thuế Quảng Nam tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như duy trì và đổi mới phương thức tổ chức “Tháng hỗ trợ doanh nghiệp kê khai quyết toán thuế” nhằm giảm tải thời gian, tiết kiệm tối đa chi phí cho người nộp thuế; “Ngày thứ Bảy xanh” hỗ trợ người nộp thuế thực hiện kê khai và quyết toán các tờ khai thuế trong tất cả các ngày thứ Bảy của tháng Ba hằng năm,… qua đó nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với dịch vụ công tại đơn vị.“Năm 2021, có thể nói là năm của dịch bệnh, thiên tai và tỉnh Quảng Nam đã đi qua những thử thách cam go chưa từng có; vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát kinh tế xã hội. Nhưng nhờ sự nỗ lực, đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tỉnh Quảng Nam đã từng bước vượt qua khó khăn.
Từ trong khó khăn chúng ta thấy được khí chất; tinh thần dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương. Và tinh thần, khí chất ấy của người Quảng có sự tương đồng trong những nội dung về học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ. Nhờ đó, dưới sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy mà việc học tập và làm theo Bác trên địa bàn tỉnh đã trở thành một phong trào, một sự đồng lòng, chung sức, để việc học và làm theo Bác trở thành tình cảm, là trách nhiệm.
Có thể khẳng định, những kết quả đạt được trong việc thực hiện Chỉ thị 05, nhất là những điển hình tiên tiến học Bác đang lan tỏa trong đời sống chính trị và xã hội, góp phần tạo khối đoàn kết vững bền và phát huy sức mạnh tổng lực để phòng chống đại dịch Covid-19, khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Thực sự là nguồn lực cổ vũ, động viên cho công cuộc xây dựng, phát triển quê hương; cũng chính nhờ sự thương yêu, cưu mang, giúp đỡ lẫn nhau giữa người với người, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp, đáng sống cho mỗi chúng ta”.