[eMagazine] - Sức hút thương hiệu sản phẩm nông thôn

VĨNH LỘC 04/10/2022 19:36

(QNO) - Vài năm trở lại đây, nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề (gọi chung là sản phẩm nông thôn) dần được ưa chuộng trên thị trường. Điều này cho thấy công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng, mẫu mã các sản phẩm đáp ứng sự đòi hỏi khó tính của người tiêu dùng đã phát huy hiệu quả. 

 

Đầu tháng 10.2022, khu nhà xưởng rộng hơn 360m2 của Công ty TNHH Sâm trúc Nam Trà My tại xã Tam Phú (TP.Tam Kỳ) đi vào hoạt động, kỳ vọng sẽ tạo cú hích đánh dấu bước phát triển mới của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh với các sản phẩm được làm từ sâm Ngọc Linh.

Theo bà Nguyễn Thị Nga – Giám đốc Công ty TNHH Sâm trúc Nam Trà My, yếu tố để đơn vị mở cơ sở sản xuất vì nhu cầu ngày càng lớn của thị trường sản phẩm sâm Ngọc Linh hiện nay và thời gian tới. Ước tính khi đi vào hoạt động công suất nhà xưởng sẽ nâng lên khoảng 4 lần so với trước. Dù mới hoạt động hơn 2 năm, nhưng sản phẩm của Công ty TNHH Sâm trúc Nam Trà My được thị trường đón nhận tích cực, một số thành phố lớn trong nước như Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt, TP.Hồ Chí Minh… cũng đã có sản phẩm của doanh nghiệp.

Bà Nga chia sẻ, bên cạnh thương hiệu sâm Ngọc Linh đang được thị trường ưa chuộng thì yếu tố tạo nên thành công của đơn vị chính là biết nắm bắt tâm lý khách hàng, nhất là không ngừng đa dạng mẫu mã hàng hóa. Nhiều sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh của công ty như sâm củ, rượu ngâm củ sâm, rượu ngâm lá sâm, sâm mật… đã được khách hàng đặt mua.  

 

Tương tự, tại Cơ sở gốm Sơn Thúy (phường Thanh Hà, TP.Hội An), bình quân mỗi tháng xuất xưởng hàng chục sản phẩm, doanh thu khoảng 80 triệu đồng. Ông Nguyễn Viết Lâm – Cơ sở gốm Sơn Thúy chia sẻ, khác với phần lớn cơ sở gốm Thanh Hà chỉ làm gốm đỏ (đất nung), Cơ sở gốm Sơn Thúy đi theo dòng gốm tráng men và đây cũng là nơi duy nhất ở Thanh Hà hiện nay sản xuất dòng gốm này. 

 

Ông Lâm tiết lộ, gốm Sơn Thúy gần như luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Mới đây ông Lâm bán một bình gốm đôi (cao 52cm, bề ngang 47cm) giá 13 triệu đồng cho khách hàng. Hiện tại, trung bình nửa tháng cơ sở cho ra lò một mẻ với khoảng 23 sản phẩm. “Gốm này 100% làm thủ công, kể cả men tráng và độc bản không cái nào giống cái nào nên được người tiêu dùng ưa chuộng” - ông Lâm nói.  

 

Vài năm gần đây sản phẩm nông thôn, nhất là sản phẩm OCOP đã không còn xa lạ với người tiêu dùng bởi chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Đặc biệt, thông qua các hoạt động thương mại điện tử kết hợp truyền thống, không ít sản phẩm đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Tấn Luật – chủ Cửa hàng Đặc sản Quảng Nam Nhân Hồng Đức, Quảng Nam có những sản phẩm nông thôn đặc trưng không lẫn lộn với các địa phương khác nên rất được khách hàng quan tâm. Cửa hàng Nhân Hồng Đức hiện có 2 điểm bán tại Hội An với khoảng 30 mặt hàng OCOP và các sản phẩm làng nghề Quảng Nam như phở sắn Quế Sơn, măng Tây Giang, sâm Ngọc Linh… chủ yếu bán cho khách tham quan du lịch.

“Tôi muốn nhiều du khách biết đến sản phẩm nông thôn Quảng Nam khi du lịch đến Hội An bởi tính đặc trưng và khác biệt của những sản phẩm này” - ông Luật nói. Hiện ông Luật đang ấp ủ dự định về dòng sản phẩm được chế biến từ những đặc sản Quảng Nam như sâm Ngọc Linh, nấm lim xanh, trầm, quế... Qua đó, không chỉ giúp đưa sản vật địa phương đến gần hơn với khách hàng mà còn từng bước hướng đến xác lập thương hiệu cho thị trường hàng hóa này. 

 

Đến nay dù chưa có thống kê chính xác về doanh số sản phẩm nông thôn bán ra trên thị trường hàng năm, nhưng dễ dàng nhìn thấy tại các hội chợ hàng nông sản, hàng OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu... được người tiêu dùng quan tâm khá nhiều, nhất là với các sản phẩm “độc lạ” được chế biến từ thảo dược, trầm hương...

Ông Phạm Đức Hoàng – chủ Cơ sở kinh doanh Trầm hương Phượng Hoàng (xã Quế Trung, Nông Sơn) bộc bạch, nhiều khách hàng các tỉnh phía Bắc rất thích sản phầm trầm hương Quảng Nam. Hầu như kỳ hội chợ nào tổ chức tại miền Bắc ông tham gia đều bán hết hàng mang theo. Cơ sở kinh doanh Trầm hương Phượng Hoàng chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm liên quan đến trầm như vòng đeo tay, tượng, các loại hương, nụ…

[VIDEO] - Sản phẩm nông thôn luôn có sức hút với người tiêu dùng: 

 

Thương hiệu OCOP đã tạo cơ hội cho nhiều sản phẩm nông thôn tìm được chỗ đứng ổn định trên thị trường. Nhiều sản phẩm đẹp, chất lượng tốt, sản xuất đúng theo quy định của nhà nước về OCOP không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được phân phối rộng rãi ra các tỉnh, thành trong cả nước, kể cả nước ngoài thông qua chuỗi siêu thị và các kênh, sàn thương mại điện tử...

Tính đến năm 2022, toàn tỉnh có 268 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao. Bao gồm 222 sản phẩm 3 sao, 45 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao của 207 chủ thể (23 doanh nghiệp, 76 hợp tác xã, 6 tổ hợp tác, 102 hộ gia đình có đăng ký kinh doanh). Chủ yếu tập trung vào các ngành hàng như: thực phẩm (199 sản phẩm), đồ uống (18 sản phẩm), thảo dược (18 sản phẩm), thủ công mỹ nghệ (27 sản phẩm), vải, may mặc (4 sản phẩm), dịch vụ du lịch nông thôn, điểm du lịch (2 sản phẩm).  

Bà Phan Thị Hồng – Cơ sở sản xuất Nhuận Minh (xã Điện Trung, Điện Bàn) thông tin, bà đang làm hồ sơ đăng ký sản phẩm OCOP 3 sao cho các mặt hàng của mình nhằm khẳng định thương hiệu, tạo sự tin cậy cho khách hàng. Cơ sở Nhuận Minh chủ yếu chế biến các mặt hàng thực phẩm chay với trên 20 sản phẩm, thị trường tiêu thụ khắp cả nước. Từ khi Nhuận Minh ra đời số lượng hàng hóa tiêu thụ không ngừng tăng cao do sự tin cậy của khách hàng về nguồn nguyên liệu đầu vào an toàn và chất lượng đảm bảo.

 

Ông Nguyễn Viết Lâm - Cơ sở gốm Sơn Thúy cũng đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký chương trình OCOP cho các sản phẩm của mình. Ông Lâm kỳ vọng, sau khi được công nhận OCOP sản phẩm sẽ có cơ hội xâm nhập sâu hơn vào thị trường thông qua các chương trình hỗ trợ từ phía Nhà nước như đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng...

 

Theo ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, sở luôn tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho sản phẩm nông thôn tham gia Chương trình OCOP và được công nhận là sản phẩm OCOP vì đây là chương trình lớn của quốc gia. Tuy vậy, không vì thế mà có sự dễ dãi hoặc đi ngược chu trình OCOP nhằm tạo ra sản phẩm đúng nghĩa của chương trình.

Sản phẩm tham gia phải tuân thủ nghiêm túc chu trình OCOP thường niên với các bước quy định (tuyên truyền, hướng dẫn về OCOP; nhận đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận phương án, dự án sản xuất kinh doanh; đánh giá và xếp hạng sản phẩm; xúc tiến thương mại).

Đặc biệt, khuyến khích ưu tiên đầu tư, phát triển tạo ra những dòng sản phẩm đặc trưng, có kiểm soát chặt chẽ được quy trình sản xuất gắn với truy xuất nguồn gốc, có công bố tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, kiểm tra định kỳ các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm, có chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến như Viet Gap, hữu cơ, HACCP, ISO... sử dụng năng lượng, công nghệ thân thiện, bền vững, bảo vệ môi trường...  

Dự kiến, cuối năm 2022 toàn tỉnh có 120 hồ sơ của 111 chủ thể đăng  ký tham gia chương trình OCOP với nhiều ngành nghề. Bao gồm: thực phẩm (94 sản phẩm), đồ uống (10 sản phẩm), thủ công mỹ nghệ (10 sản phẩm), dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch (2 sản phẩm).

Thông qua việc đánh giá, phân hạng sản phẩm theo Bộ tiêu chí quy định của Chương trình OCOP chất lượng nhiều sản phẩm OCOP đã được nâng lên rõ rệt. Điều này không chỉ thể hiện ở nhãn mác, bao bì sản phẩm được cải tiến mà việc xây dựng bảo hộ thương hiệu, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, nhất là thương mại điện tử cũng đã được các chủ thể, doanh nghiệp quan tâm thực hiện, nhiều sản phẩm đã có mặt tại các siêu thị, điểm bán hàng, điểm du lịch…

 

Bà Trần Thị Như Lai – Giám đốc Siêu thị Co.opmart Tam Kỳ nhìn nhận, so với các sản phẩm thuộc lĩnh vực chứng nhận khác thì sản phẩm thuộc chương trình OCOP luôn có một “thương hiệu” nhất định, do đó tạo yên tâm cho người tiêu dùng, đây cũng là lý do khiến nhiều sản phẩm OCOP được thị trường đón nhận. Bình quân mỗi năm, doanh thu từ các mặt hàng sản phẩm nông thôn tại Siêu thị Co.opmart Tam Kỳ chiếm từ 20 – 30% tổng doanh số, trong đó các mặt hàng thực phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất.

 
 

Thời gian qua, rất nhiều cơ chế, chính sách dành cho phát triển, tiêu thụ sản phẩm nông thôn đã được tỉnh ban hành. Nổi bật, có thể kể đến Nghị quyết 07 HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 (mỗi năm ngân sách tỉnh sẽ bố trí tối thiểu 10 tỉ để thực hiện chương trình).

Theo đó, giai đoạn này, Chương trình OCOP Quảng Nam sẽ tập trung một nhiệm vụ có tính đột phá nhằm phát triển sản phẩm theo chuỗi liên kết để tạo ra các sản phẩm chủ lực cấp huyện, tỉnh và các sản phẩm thế mạnh khác, theo hướng đa dạng hóa, chế biến sâu. Đặc biệt, thông qua các hoạt động khuyến công, vay vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng, quảng bá xúc tiến thương mại, phát triển nguồn nhân lực… thời gian qua UBND tỉnh đã bố trí nguồn ngân sách khá lớn để hỗ trợ các sản phẩm nông thôn, sản phẩm làng nghề gắn với Chương trình OCOP.

Đồng thời, hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, giúp các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn xây dựng website giới thiệu quảng bá sản phẩm và đưa sản phẩm nông thôn lên trang thông tin sản phẩm tỉnh (https://sanpham.quangnam.gov.vn) và trên các sàn thương mại điện tử như Postmart.vn, Voso.vn... góp phần tiêu thụ sản phẩm, kết nối đối tác, khách hàng thuận tiện.

 

Theo ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương, việc hỗ trợ đưa sản phẩm nông thôn ra thị trường luôn được Sở Công Thương và các sở, ngành, địa phương triển khai thường xuyên với nhiều chương trình, sự kiện xúc tiến quảng bá thương mại, tham dự hội chợ... Riêng 2 tháng 8 và 9.2022 đã có 4 hội chợ sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được tổ chức tại các địa phương trong tỉnh.

 

Tại Hội chợ quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư Hành lang kinh tế Đông Tây diễn ra hồi đầu tháng 8.2022, Quảng Nam cũng đã tổ chức riêng một không gian bày bán, giới thiệu gần 300 sản phẩm nông thôn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh, qua đó giúp đưa sản phẩm nông thôn đến gần hơn với khách hàng cũng như kết nối được với nhiều đối tác, nhà phân phối, mở đường cho sản phẩm nông thôn tiếp cận thị trường thuận lợi.  

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Sức hút thương hiệu sản phẩm nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO