(QNO) – Có những thầy cô tóc đã điểm bạc, nhưng vẫn miệt mài trau dồi nghiệp vụ để bắt kịp xu hướng giảng dạy hiện đại. Và cũng có những thầy cô đã rời xa bục giảng hàng chục năm, song những bài học quý mà họ truyền dạy vẫn luôn là hành trang của nhiều thế hệ học trò. Tâm huyết, tận tụy một đời với nghề, niềm vui lớn nhất của nhà giáo là nhìn thấy đứa học trò khôn lớn, trưởng thành.
Kỉ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Tâm (SN 1944, phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ) có dịp thăm lại trường Trường Tiểu học Kim Đồng (TP.Tam Kỳ) – nơi cô từng gắn bó hơn 30 năm. Theo năm tháng, ngôi trường đã đổi thay rất nhiều, những phòng học ọp ẹp, cũ kĩ ngày nào đã được thay bằng những dãy nhà kiên cố, khang trang. Với cô, chỉ duy nhất hình ảnh mà mấy mươi năm qua vẫn vẹn nguyên là những gương mặt thơ ngây, trong trẻo của học trò.
Những xúc cảm bồi hồi cứ lớn dần theo bước chân cô giáo Tâm, từ cánh cổng vào tận hội trường. Từ những đứa trẻ, đến phụ huynh, cán bộ giáo viên đều kính cẩn dạ thưa. Có thể cô không nhớ hết những gương mặt từng là những cô, cậu học trò cấp 1 của mình, nhưng chỉ nhắc nhớ một vài kỉ niệm, họ lại vỡ òa trong niềm vui gặp gỡ.
Anh Nguyễn Ngọc Kỳ (45 tuổi, nhân viên bảo vệ của Trường Tiểu học Kim Đồng) xúc động: “Cô Tâm là người cầm tay, hướng dẫn cho tôi những nét chữ đầu tiên. Bao năm qua, cô vẫn như người mẹ, luôn quan tâm, lo lắng cho đứa học trò nhỏ. Tôi nhớ mãi kỉ niệm về chiếc áo trắng cũ đã đổi màu liên tục sứt nút và đôi lần chơi đùa bị rách, cô dành thời gian nghỉ giải lao để khâu lại. Vui như có áo mới, tôi như có thêm động lực để đến lớp mỗi ngày”.
Đến lúc nghỉ hưu, cô Tâm có gần 40 thế hệ học trò. Thời gian dù biến đổi nhiều thứ, song tình cảm cô – trò vẫn đong đầy. Có những học trò của cô giờ đã về hưu vẫn quan tâm, dành thời gian đến thăm nhà vào mỗi dịp Tết đến hay những ngày Hiến chương nhà giáo. Với cô, tình cảm đó không gì quý giá hơn.
“Tôi và chồng (thầy giáo Nguyễn Ngọc Phong – SN 1940) đều là giáo viên từ Huế vào Quảng Nam dạy chữ. Dự định ban đầy là vào dạy ít năm rồi về, nhưng rồi bén duyên với xứ Quảng này hơn 50 năm. Từng câu chuyện nghề trên miền đất ân tình này, chúng tôi đều là lưu dấu cẩn thận bằng chiếc album nhỏ. Bên trong chất chứa muôn vàn kỉ niệm cô – trò về những ngày khai trường, bế giảng hay những chuyến dã ngoại. Mỗi dịp hội ngộ, lần giở từng trang ảnh, chúng tôi nhắc về nhau như một phần không thể thiếu trong ký ức” – cô Tâm nói.
* * *
Cách đây vài ngày, khi tôi theo dõi những trang facebook chia sẻ video thầy giáo Nguyễn Tấn Sĩ gãy đàn guitar, hát ca khúc “Hoa học trò” do chính thầy sáng tác từ năm 1977, những kỉ niệm cũ như ùa về. Dẫu hôm nay, tóc thầy đã điểm bạc, nhưng thần thái và giọng hát vẫn trầm ấm, cuốn hút như cách đây chừng vài chục năm.
Thầy từng dạy tiểu học hơn 20 năm, nhưng có lẽ tôi và nhiều thế hệ học sinh Trường Tiểu học Đoàn Bường (trước đây là Trường Tiểu học số 1 Bình Triều, Thăng Bình) vẫn ấn tượng sâu sắc với hình ảnh người thầy dạy âm nhạc đặc biệt này. Thầy kể, ngày xưa điều kiện khó khăn, thầy chỉ học lóm những lớp học guitar rồi tự mày mò tập tành. Bắt đầu đi dạy từ 1975, mãi đến 1984 được lãnh đạo nhà trường tạo điều kiện tham gia lớp dạy nhạc phổ thông. Năm 1996, thầy chính chức được phân công dạy chuyên môn âm nhạc tiểu học.
Thầy phụ trách 5 khối lớp. Buổi học của thầy khác với bao môn học khác, không phấn, không vở, chỉ có tầm lòng nhiệt huyết cùng cây đàn guitar cũ. Với mỗi bài mới, thầy đàn, hát một lượt rồi hướng dẫn học sinh hát theo từng câu, chỉnh sửa từng đoạn luyến láy. Khi phần lớn học sinh đã thuộc và hát tốt, thầy kèm thêm những điệu múa đơn giản khiến không khí buổi học thêm sôi nổi, hào hứng. Các em từ chỗ còn rụt rè, âm nhạc và điệu múa trở thành sợ dây gắn kết để học sinh tự tin hơn. Và cũng từ đây, rất nhiều nhân tài về âm nhạc đã được thầy phát hiện, rèn luyện và gặt hái nhiều giải cao trong các cuộc thi âm nhạc.
[VIDEO] - Ca khúc "Hoa học trò" do thầy Nguyễn Tấn Sĩ sáng tác, thể hiện. Thực hiện: HỒ QUÂN
Với thầy, âm nhạc là môn học hướng học sinh đến những giá trị tốt đẹp, phát triển toàn diện về trí tuệ lẫn nhân cách. Và để làm được điều ấy, từ ngày dấn thân vào nghề, thầy luôn giữ tâm giáo dục chuẩn mực, gần gũi, thương yêu học trò. Học trò từ việc dành tình cảm với thầy, trở nên hứng thú hơn với môn học và chăm ngoan, lễ phép hệt như những lời ca đầy tình yêu thương. Năm 2017, thầy về hưu, cùng người vợ (cũng là giáo viên trường Tiểu học Đoàn Bường đã về hưu) sống những ngày an nhàn trong căn nhà trong xóm nhỏ thuộc xã Bình Phục (Thăng Bình). Nơi đây cũng chính là điểm hẹn ký ức của nhiều thế hệ học trò trong những ngày tri ân nhà giáo. Và mỗi dịp như vậy, đám học trò lại quây quần xung quanh để được nghe thầy đàn hát những ca khúc về tuổi học trò.
Những năm qua, Trường Mầm non Sơn Ca là trường duy nhất ở Tam Kỳ có mô hình đặc biệt giúp trẻ cải thiện tình trạng biếng ăn, thích vận động nhờ sự kết hợp của bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng và tăng cường hoạt động thể lực. Mô hình này có sự đóng góp rất lớn từ những sáng kiến của cô Văn Thị Thanh Vân - Hiệu phó nhà trường.
Cô Vân từ một người không chuyên, rồi trở thành giáo viên mầm non theo một cách rất... tình cờ. Khi làm bí thư đoàn thanh niên thôn, rồi tham gia ban chấp hành phụ nữ xã Tiên Phong (Tiên Phước), cô Vân được địa phương tuyển chọn vào dạy trẻ ở xã. Đồng lương vô cùng ít ỏi nhưng sự ngây thơ, hồn nhiên, đáng yêu của trẻ níu giữ cô bám nghề. Sau này cô Vân nỗ lực học lên đại học mầm non, trau dồi chuyên môn và được chuyển về công tác Trường Mầm non Sơn Ca.
Năm nay tuổi đã gần 50 nhưng cô Vân vẫn miệt mài nghiên cứu, sáng tạo để tạo ra môi trường giáo dục an toàn giúp trẻ phát triển tốt nhất. Theo cô Vân, giúp trẻ cải thiện tình trạng biếng ăn, thích vận động chỉ là một trong những mô hình lấy trẻ làm trung tâm được Trường Mầm non Sơn Ca triển khai. Hoạt động giáo dục nơi đây luôn dựa trên nhu cầu, sở thích của trẻ, trẻ phải được yêu thương và tôn trọng để có khả năng phát huy mọi sở trường của mình.
Không chỉ là một cô giáo luôn yêu thương trẻ, cô Vân khi trở thành người quản lý cũng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Cô thường dành thời gian tâm sự với đồng nghiệp trẻ: Khi giáo viên thực sự là người mẹ thứ hai của trẻ thì mới chăm sóc, giáo dục trẻ chu đáo. Có khi chỉ bằng ánh mắt khích lệ khi trẻ tiến bộ hoặc khi làm được điều hay, có khi chỉ bằng nụ cười trìu mến hay cái nắm tay ấm áp… trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu thương của cô giáo dành cho mình và cảm nhận được sự an toàn khi đến trường…
* * *
Dù năm nay đã có hơn 38 năm công tác, tích lũy nhiều kinh nghiệm giảng dạy nhưng thầy Ngô Minh Hải (SN 1963, giáo viên Trường THCS Chu Văn An, TP.Tam Kỳ) luôn tích cực học hỏi, nâng cao nghiệp vụ để bắt nhịp với xu hướng giảng dạy 4.0. Thầy Hải tâm sự, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, việc học từ trực tiếp chuyển sang trực tuyến buộc thầy cô giáo phải liên tục thích ứng. Ở cái tuổi không còn đủ nhanh nhạy khi tiếp cận với nền tảng công nghệ, nhưng thầy nghiên cứu phương pháp mới trên mạng và không ngần ngại học hỏi ở những đồng nghiệp trẻ.
Thầy Ngô Minh Hải - giáo viên Trường THCS Chu Văn An, TP.Tam Kỳ: “So với nhiều mô hình học khác, dạy môn Toán theo hình thức trực tuyến để học sinh tiếp thu hiệu quả thì không dễ dàng. Học trực tiếp, học sinh không hiểu bài thì mình có thể cầm tay chỉ việc, nhưng trực tuyến sẽ không đo được mức độ hiểu bài của học sinh. Cạnh đó, việc tương tác, hoạt động nhóm trên hình thức trực tuyến cũng hạn chế. Với tôi, để lớp học trực tuyến sinh động, giáo viên phải nắm bắt khả năng từng học sinh trong lớp và truyền đạt những kiến thức cơ bản, trọng tâm nhất. Những bài tập phải biên soạn ở mức độ trung bình để toàn bộ học sinh có thể tham gia giải bài”.
Học trực tuyến, không chỉ thay đổi cách triển khai bài giảng, hình thức quản lý lớp, kiểm tra và đánh giá cũng có nhiều sự thay đổi. Theo thầy Hải, giáo viên phải nghiên cứu, nắm vững nền tảng dạy trực tuyến, thành thạo thao tác trên máy để tiết học diễn ra trôi chảy, không bị ngắt quãng, ảnh hưởng đến việc tập trung của học sinh. Đồng thời, kiểm soát được em nào tập trung theo dõi, còn em nào xao nhãng để nhắc nhở kịp thời.
Dịch Covid-19 đã được khống chế, học sinh trở lại với việc học trực tiếp, thầy Hải vẫn tiếp tục nghiên cứu, áp dụng công nghệ vào giảng dạy. Môn Toán không còn là những con số khô khan hay chỉ là những hình vẽ minh họa trên mặt bảng, thầy tham khảo, tự biên soạn và trình chiếu những biểu đồ, hình khối, power point giúp học sinh dễ hình dung.
* * *
Gần 10 năm nay, kể từ khi nghỉ hưu, thầy giáo Nguyễn Thức (69 tuổi, phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ) vẫn không nghỉ ngơi bên con cháu, mà dành thời gian tham gia Hội Khuyến học của phường, Hội Cựu giáo chức thành phố. Mỗi dịp hè về, thầy Thức cùng các cựu giáo chức phường Hòa Thuận tổ chức những lớp học miễn phí cho những đứa trẻ chậm tiến, hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
“Ở tuổi chúng tôi, việc giảng dạy theo chương trình mới thì quá khó. Chúng tôi chỉ kèm cặp, giảng dạy các em bằng những kiến thức cơ bản nhất. Đồng thời, quan tâm, động viên, khích lệ các em như con cháu trong nhà. Nhìn thấy các em tiến bộ từng ngày chính là niềm vui của chúng tôi” - thầy Thức nói.
Ngoài những hoạt động ở phường, thầy Nguyễn Thức còn giữ chức Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức thành phố. Thầy cho biết, Hội Cựu giáo chức thành phố hiện có 527 thành viên, đã và đang trở thành “tổ ấm” để các thầy cô giáo nghỉ hưu gặp gỡ, giao lưu và chung tay thực hiện những việc làm ý nghĩa cho xã hội sau khi đã rời xa bục giảng. Những buổi sinh hoạt hội, các thầy cô cùng ôn lại kỷ niệm thời còn đứng trên bục giảng, sẻ chia nhau những buồn vui trong cuộc sống. Họ cũng động viên nhau luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động địa phương và giữ cái tâm với nghề, để trở thành những tấm gương sáng giáo dục con cháu, được mọi người kính trọng.
Thuở còn học sinh, cô Lâm Thị Mỹ - 33 tuổi, giáo viên Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã Tam Dân, Phú Ninh) là học trò được Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Bích Trâm yêu mến hết mực. Dù vậy, trong một lần trò Mỹ không nghiêm túc làm bài kiểm tra môn Văn giữa kỳ, cô Trâm đã không hề ưu ái, châm chước, thẳng tay cho điểm liệt vào sổ. Kể từ ngày ấy, Mỹ nhận ra, cô giáo Trâm thường ngày hiền dịu, tình cảm nhưng cũng rất nghiêm khắc mỗi khi học trò mắc lỗi. Nhờ đó, cô học trò ngày ấy nghiêm túc hơn trong việc học và trở thành cô giáo Lâm Thị Mỹ hôm nay.
Cô Trâm giảng dạy môn Văn, còn cô Mỹ thì theo đuổi môn Hóa học song cô Mỹ tâm sự, cách truyền đạt cho học sinh của mình ảnh hưởng rất nhiều từ cách giảng dạy của cô Trâm, đó là luôn khuyến khích, quan tâm và truyền cảm hứng để học sinh có động lực học tập. Dần dà, môn Hóa không còn là tiết học khô khan, cứng nhắc của những công thức hay phản ứng hóa học, mà trở thành môi trường “xúc tác” để cô - trò tương tác, tăng hiệu quả tiếp thu.
Như một cơ duyên, năm 2020, cô Lâm Thị Mỹ chuyển về công tác tại Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi. Và sau đó 1 năm, cô Nguyễn Thị Bích Trâm cũng chuyển về đây sau nhiều năm giảng dạy tại Trường THCS chất lượng cao Lê Quý Đôn (thị trấn Phú Thịnh, Phú Ninh). Xa cách nhiều năm, giờ họ đã là đồng nghiệp, trong công việc, cô Trâm luôn là người truyền lửa, hỗ trợ người học trò cũ bằng kinh nghiệm của mình.
“Hạnh phúc và tự hào chính là cảm xúc của tôi khi có cơ hội công tác chung đơn vị với cô giáo mà mình yêu mến ngày xưa. Sau những giờ giảng dạy, cô - trò thường xuyên tâm sự, trao đổi chuyện nghề. Có lúc tôi không có được kết quả tốt trong những cuộc thi dành cho giáo viên hay các học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi do tôi phụ trách không có thành tích như kỳ vọng, cô Trâm luôn là người động viên, khích lệ. Điều này giúp tôi quyết tâm và phấn đấu hơn để cô tự hào về người học trò mình” - cô Mỹ tâm sự.
Cô Trâm - cô Mỹ, hai nhà giáo ở 2 thế hệ nhưng họ có điểm chung là đến với nghề từ sự ngưỡng mộ với những nhà giáo tận tụy. Ngày trước, cô Trâm theo nghề giáo cũng xuất phát từ lòng yêu mến với cô giáo dạy văn của mình. Cô Trâm nói, nghề giáo thú vị ở chỗ, các thế hệ nhà giáo chọn nghề này như một cái duyên, dẫu biết nghề này không mang lại thu nhập cao nhưng lại tràn ngập tình yêu thương của học trò.
Ở tuổi 53, tóc đã điểm bạc nhưng Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Bích Trâm vẫn miệt mài trên bục giảng, tâm tình, gần gủi học sinh như người mẹ hiền. Tiết dạy Văn của cô bao năm qua vẫn nhẹ nhàng, học sinh đứa nào cũng ngoan ngoãn tiếp thu. Chứng kiến hình ảnh ấy, cô Lâm Thị Mỹ và nhiều cô giáo trẻ của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi như tiếp thêm tình yêu với nghề. Họ cũng mong như cô, mãi được học trò yêu quý.