(QNO) - Ở TP.Hồ Chí Minh, có một bến xe rất lạ, chỉ xuất hiện một lần trong năm nhưng người xe lúc nào cũng đông đúc nhộn nhịp. Ngay góc phố Nguyễn Thế Truyện và Diệp Minh Châu (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) vào mỗi dịp 25 - 26 tháng Chạp, gần 20 chiếc xe chở hành khách hầu hết là người Quảng Nam đang háo hức cái tết ở quê nhà bình yên.
Ở TP.Hồ Chí Minh, có một bến xe rất lạ, chỉ xuất hiện một lần trong năm nhưng người xe lúc nào cũng đông đúc nhộn nhịp. Ngay góc phố Nguyễn Thế Truyện và Diệp Minh Châu (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) vào mỗi dịp 25 - 26 tháng Chạp, gần 20 chiếc xe chở hành khách hầu hết là người Quảng Nam đang háo hức cái tết ở quê nhà bình yên.
Nhà ông Ngô Mỹ (quê gốc phường Điện Phương, thị xã Điện Bàn) ở đường Diệp Minh Châu (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú), hơn 15 năm trước vào dịp giáp tết nguyên đán, các nhà xe ở Quảng Nam hay chọn đoạn đường ngay trước nhà ông làm bãi đón khách vì khu vực này có nhiều người Quảng sinh sống.
Ông Mỹ chia sẻ, hồi đó điều kiện giao thông không như được phát triển bây giờ, phương tiện về quê hầu như chỉ có xe khách, máy bay ngày tết là điều gì đó vô cùng xa xỉ đối với người dân xa quê. Nhu cầu thì nhiều nhưng nhà xe còn ít, lượt xe ra vào cũng hạn chế, nên trước đây, người dân vì chậm mua vé hay cố nán ở lại làm việc kiếm tiền những ngày cận tết rất dễ bị bỏ lại.
Chứng kiến tình trạng tăng vé đột biến ngày cận tết, cảnh người người chen chúc nhau, chấp nhận bị nhồi nhét trên chuyến xe để được về quê, thậm chí có người không đủ tiền mua vé xe mà đành ở lại ăn tết nơi xứ người, chứng kiến cảnh này ông Mỹ vô cùng trăn trở. Năm 2010, ông hợp đồng với một nhà xe, bố trí 1 chiếc xe 45 chỗ ngồi cho những người dân Quảng Nam có hoàn cảnh khó khăn, bán hàng rong, bán vé số... có cơ hội về quê, đoàn viên cùng gia đình dịp tết.
Việc làm của ông Mỹ hết sức ý nghĩa đối với bà con đồng hương, đặc biệt là người nghèo phải tha hương mưu sinh xa xứ. Chuyến xe mà nhiều người gọi tên đầy đủ là "Chuyến xe nghĩa tình" do ông Mỹ khởi phát đã nhanh chóng lan tỏa, thu hút sự chung tay của cộng đồng doanh nhân trong và ngoài tỉnh.
Từ một chiếc xe ban đầu, những năm sau, "Chuyến xe nghĩa tình" lên đến hơn 15 chiếc, hành khách không chỉ là bà con đồng hương Quảng Nam mà còn có các tỉnh thành miền Trung khác như Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng...
Từ một vài doanh nghiệp đồng hành ban đầu, đến nay "Chuyến xe nghĩa tình" nhận được sự đồng hành, tài trợ và tổ chức của nhiều nhà hảo tâm, Hội Doanh nhân Quảng Nam phía Nam - QNB và UBND phường Tân Sơn Nhì.
Năm nay là lần thứ 2 ông V.H.A (SN 1977, quê xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) được về quê trên "Chuyến xe nghĩa tình". Ông A. vào TP.Hồ Chí Minh làm việc tại một công ty sản xuất vật liệu xây dựng từ giữa năm 2023. Kinh tế gặp khủng hoảng chung, công ty của ông cũng đang trong tình trạng khó khăn cần cắt giảm nhân sự. Thay vì bỏ việc về quê, ông A. xin lãnh đạo công ty tự giảm lương từ 15 triệu đồng xuống còn 10 triệu và chuyển vị trí làm việc từ công nhân sang nhân viên bán hàng.
Ông A. chia sẻ, thời buổi hiện nay, nghỉ việc công ty này đừng nghĩ sẽ xin được việc ở công ty khác vì tình hình khó khăn chung của toàn thị trường. Thay vì nghĩ đến cảnh về quê, ông đã cố gắng thích nghi với hoàn cảnh để mong kiếm được tiền lo cho gia đình. Thời gian đầu ra thị trường, ông A. chưa có kinh nghiệm bán hàng nhưng sau đó, bằng sự cần cù, chân thành ông đã bắt đầu có những đơn hàng đầu tiên và làm quen với vị trí làm việc mới.
"Thời gian này, với tôi một ngàn đồng cũng quý. Biết bao nhiêu gánh nặng cơm áo gạo tiền tôi phải lo. Năm ngoái tôi có đi xe đồng hương về quê, nên nghĩ năm nay mình không còn suất. Vừa rồi đi hỏi vé xe, họ nói 1,8 triệu đồng. Đang định ở lại ăn tết miền Nam thì các bạn bên ban tổ chức "Chuyến xe nghĩa tình" năm ngoái liên hệ hỏi thăm. Tôi mừng quá, đăng ký ngay. Vậy là năm nay lại được về quê nhờ bà con đồng hương hỗ trợ rồi" - ông A. nói.
Cũng rời quê vào miền Nam làm việc như ông A., bà T.T.H (SN 1966, xã Điện Hòa, thị xã Điện Bàn) làm giúp việc cho một căn hộ ở Quận 10 (TP.Hồ Chí Minh) được 3 năm nay. Chồng bà là ông N.Q.X (SN 1964) bị hen suyễn và thường xuyên phải điều trị tại bệnh viện. Dù 2 con bà H. đã lớn nhưng hoàn cảnh cũng còn khó khăn không đủ điều kiện hỗ trợ cho ba mẹ. Vì vậy, mọi chi phí trong nhà, tiền viện phí cho ông X. đều do một mình bà H. làm việc tại TP.Hồ Chí Minh tằn tiện, tích góp gửi về.
Thỉnh thoảng bà H. cũng về quê để thăm ông X. lúc chuyển bệnh nặng. Nhưng vé xe ngày thường chỉ từ 350 - 500 nghìn đồng thôi, những ngày cần tết, vé xe tăng giá gấp 3 - 4 lần, nên đây là một khoảng cần phải cân nhắc với bà.
"Mấy năm trước tôi mua vé về ăn tết hết 1,7 - 1,9 triệu đồng, vô lại cũng tầm giá đó. Năm nay được người quen giới thiệu chuyến xe do các doanh nghiệp đồng hương Quảng Nam tổ chức cho người lao động nghèo về quê nên tôi đã đăng ký. Nghe nói kinh tế khó khăn mà các doanh nghiệp vẫn hỗ trợ cho bà con đồng hương chúng tôi như thế này thì quý quá" - bà H. chia sẻ.
Những năm gần đây, khi số lượng xe tăng lên với gần 1.000 bà con đồng hương đăng ký về quê, "Chuyến xe nghĩa tình" của ông Mỹ nhận được sự chung tay tổ chức của với một số cá nhân, đơn vị khác cũng là đồng hương Quảng Nam. Chị Nguyễn Thị Ngọc Tiên (quê thị xã Điện Bàn) là người làm công tác hậu cần nhiều năm nay cho chương trình chia sẻ, khoảng từ giữa tháng 11 âm lịch, ban tổ chức sẽ thông tin ngày giờ, địa điểm khởi hành về quê để bà con đồng hương đăng ký sớm.
Tùy vào tình hình mỗi năm mà ngày khởi hành "Chuyến xe nghĩa tình" sẽ khác nhau, tuy nhiên, với mong muốn để bà con có thêm thời gian làm việc, góp nhặt thêm tiền ở những ngày cận tết nên ban tổ chức thường chọn ngày 25 - 25 tháng Chạp mới đưa bà con về quê.
Năm nay, Hội Doanh nhân Quảng Nam phía Nam - QNB phối hợp cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam và UBND phường Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh) tổ chức từ 15 - 20 chuyến xe 45 chỗ ngồi. Đối tượng bà con tham gia chuyến xe gồm học sinh, sinh viên, công nhân, người khuyết tật, bà con có hoàn cảnh khó khăn quê Quảng Nam. Thời gian khởi hành về quê vào lúc 16 giờ ngày 23/1/2025 (24 tháng Chạp) tại phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh.
Khoảng 20 giờ, đoàn xe mới xuất phát nhưng bà con thường được thông báo tập trung từ chiều, để sớm ổn định tổ chức, điểm danh và xử lý các vấn đề phát sinh nếu có. Đặc biệt, trước khi lên xe về quê, bà con thường được vợ chồng ông Ngô Mỹ chiêu đãi một bữa cơm tất niên thân mật. Thật ấm áp là trong buổi tiệc cuối năm này có các nghệ sĩ như Hoài Linh, Randy, Tố My, Quách Beem, Lý Hùng đến biểu diễn chung vui...
Khoảng 19 giờ, bà con bắt đầu tập trung ra xe theo số thứ tự và địa phương đã được sắp xếp, đại diện Ban tổ chức cùng Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh, các hội đồng hương cấp huyện và Hội Doanh nhân Quảng Nam phía Nam - QNB lên từng chiếc xe, gặp gỡ chúc tết và trao quà kèm phong bao lì xì bà con.
Chị Tiên cho biết: "Trong mọi công tác tổ chức "Chuyến xe nghĩa tình", an toàn cho bà con luôn được đặt lên hàng đầu, vì vậy, chúng tôi đã làm việc và buộc các nhà xe phải cam kết, bố trí ít nhất 2 tài xế thay phiên làm việc trong suốt hành trình. Bên cạnh đó, mỗi chuyến xe đều có đại diện ban tổ chức thuộc hội đồng hương của địa phương đi theo để giữ liên lạc. Và chỉ khi chuyến xe cuối cùng được thông báo đã đưa bà con về đến quê an toàn, chúng tôi mới thực sự yên tâm".
Ông Ngô Mỹ cho biết, nhu cầu của bà con về quê vào mỗi dịp tết rất lớn, tuy nhiên, với quy mô tổ chức hiện nay, 20 chiếc xe đã thực sự quá tải. Bởi ở khu vực nội thị TP.Hồ Chí Minh, việc tập trung nhiều xe khách chỉ có ở bến xe. Nếu số lượng chuyến xe nhiều lên, dù ở bất cứ nơi nào cũng rất phức tạp, nguy cơ dẫn đến nhiều vấn đề phát sinh không đáng cho bà con.