[eMagazine] - Thấy gì từ bảo tồn nhóm tháp Chăm Khương Mỹ?

THÂN VĨNH LỘC 09/07/2023 09:04

Dự án “Bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp Bắc và tháp Giữa thuộc khu di tích tháp Chăm Khương Mỹ” (xã Tam Xuân 1, Núi Thành) do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư, Viện Khoa học công nghệ xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng) tổ chức thi công. Sau ba năm triển khai (từ tháng 10/2019 đến tháng 12/2022), nhiều hạng mục di tích cơ bản được phục dựng, gia cố. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án cũng xuất hiện nhiều sai sót khó khắc phục.

 
 

Các hốc tường bên trong lòng tháp Giữa di tích tháp Chăm Khương Mỹ đã bị xây lấp trong quá trình tu bổ một cách tùy tiện, bỏ qua những hình ảnh tư liệu, thậm chí phớt lờ góp ý từ những nhà nghiên cứu văn hóa Chăm. 

Tháng 10/2019, dự án “Bảo tồn, tu bổ phục hồi tháp Bắc và tháp Giữa thuộc khu di tích Chăm Khương Mỹ” được triển khai. Sau hơn 3 năm thi công, một số thành phần kiến trúc 2 công trình được gia cố cơ bản vững chắc.

Dù vậy, quá trình thực hiện cũng làm phát sinh nhiều vấn đề quan ngại như gạch mới xuất hiện mủn bột, rêu, muối… Đáng chú ý, những tác động mang tính chủ quan của các đơn vị liên quan vào kiến trúc khiến di tích bị biến dạng, điển hình là những hốc gạch tường nội điện tại tháp Giữa.

Hốc tháp Giữa và các thành phần kiến trúc tháp Chăm Khương Mỹ sau khi trùng tu
Hốc tháp Giữa và các thành phần kiến trúc tháp Chăm Khương Mỹ sau khi trùng tu

Ông Trần Kỳ Phương (nhà nghiên cứu văn hóa Chăm) cho biết rất bất ngờ khi nhìn thấy các hốc tường trong lòng tháp Giữa bị xây lấp hoàn toàn. Điều này không chỉ biểu hiện sự cẩu thả trong tu bổ di tích mà còn thể hiện sự thiếu hiểu biết đối với văn hóa nghệ thuật Chăm, xâm phạm nặng nề yếu tố gốc.

Trong thư góp ý gửi các cơ quan chuyên môn gồm Cục Di sản văn hóa, Viện Bảo tồn di tích, Ban Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam đề ngày 14/9/2022, ông Trần Kỳ Phương nhấn mạnh, việc xây lớp gạch mới lấp hốc tường nội điện tháp đã vô tình phá hủy tính nguyên bản của kiến trúc tháp Giữa nói riêng, di tích Champa nói chung.

Để minh họa cho ý kiến của mình, ông Phương đính kèm bản vẽ của nhà khoa học người Pháp Henri Parmentier vẽ nội điện các tháp Chăm ở Quảng Nam từ những năm đầu thế kỷ 20 như Khương Mỹ, Chiên Đàn, Bằng An, tất cả đều cho thấy phần tường nội điện tháp được đục lởm chởm.

Những bản vẽ của Henri Parmentier đầu thế kỷ 20 về các ngôi tháp có hốc tường nội điện.
Những bản vẽ của Henri Parmentier đầu thế kỷ XX về các ngôi tháp có hốc tường nội điện.

Theo ông Trần Kỳ Phương, ý nghĩa tường gạch được đục lởm chởm là cách nghệ thuật hóa một hang động, được tin là nơi cư trú của các vị thần Ấn Độ giáo và Phật giáo. Điều này đã được nhiều nhà nghiên cứu chuyên ngành công bố và xác nhận trong vô số công trình nghiên cứu về kiến trúc đền tháp Ấn Độ giáo vài chục năm qua như Stella Kramkrish, Kumar Acharya, John Huntington, James Harle…

"Các hốc tường này không chỉ xuất hiện tại tháp Khương Mỹ mà có thể phát hiện ở tháp Bằng An, Chiên Đàn, kể cả một số tháp như Bánh Ít, Cánh Tiên, Thốc Lốc…(tỉnh Bình Định). Trùng tu như vậy là không ổn, thậm chí phá hoại di tích, vi phạm Luật Di sản văn hóa vì làm biến dạng di tích.

Tôi khẩn thiết đề nghị các đơn vị, các cấp có thẩm quyền cho tiến hành kiểm tra gấp hiện trạng của tháp Giữa, cần thiết cho bóc bỏ phần đã trùng tu, trả lại nguyên trạng "lởm chởm – loang lổ" của các bức tường nội điện tháp Giữa" - ông Trần Kỳ Phương kiến nghị trong thư. Tuy nhiên, ông Phương đã không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ những cơ quan ông gửi thư góp ý. 

 
 

Theo hồ sơ bản vẽ thi công dự án “Bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp Bắc và tháp Giữa thuộc khu di tích tháp Chăm Khương Mỹ” do Trung tâm Kỹ thuật công nghệ bảo tồn di tích (Viện Bảo tồn di tích - Bộ VH-TT&DL) thiết kế (gọi tắt là hồ sơ thiết kế), hốc tường tháp Giữa có diện tích cao hơn 2,6m, rộng gần 4,2m. Tại vị trí hốc tường tháp Giữa, bản vẽ chú thích “khối bong vỡ mủn gạch” và ghi chú “khối xây gia cố phục hồi” bằng gạch.

Đại diện Viện Bảo tồn di tích khẳng định, hồ sơ thiết kế quy định chỉ tu sửa, thay thế gạch hư hỏng chứ không hướng dẫn giải pháp.

“Chỗ vị trí hốc tường nếu có viên gạch nào thối mục thì đơn vị thi công thay thế, nghĩa là sau khi thay gạch hiện trạng hốc tháp vẫn nguyên gốc nham nhở, nhưng đơn vị thi công không hiểu nên đã làm phẳng. Thật ra, những hốc tường tháp rất dễ bị hiểu nhầm bởi bên cạnh một số tháp đã đục sẵn thì cũng có tháp bị con người đục phá để lấy vật trang trí, nên quá trình thi công dễ dẫn đến nhầm lẫn” - đại diện Viện Bảo tồn di tích giải thích.

Cả 2 đơn vị thi công và giám sát gồm Viện Khoa học công nghệ xây dựng (KHCN) và đơn vị giám sát là Công ty TNHH MTV Thiết kế và xây dựng Mỹ Gia đều khẳng định, dự án được tiến hành theo bản vẽ của đơn vị tư vấn thiết kế.

 

Theo ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL), để đánh giá kết quả việc tu bổ nhóm tháp Khương Mỹ cần xem xét hồ sơ dự án mà các cơ quan đã thẩm định. Dù vậy, nguyên tắc cơ bản trong trùng tu bất kỳ di tích nào thì yếu tố gốc phải đặt lên hàng đầu, kể cả trong quá trình khảo sát, lập hồ sơ dự án, thi công…

Đối chiếu hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công dự án đều có đóng dấu thẩm định của các đơn vị liên quan gồm Sở Xây dựng, Trung tâm Bảo tồn di tích và di sản kiến trúc (Viện Kiến trúc quốc gia – Bộ Xây dựng), điều này có nghĩa 2 đơn vị thẩm định này đã xem xét và không hề có ý kiến về hiện trạng hoặc giải pháp tu bổ các hốc gạch tường tháp Giữa.

Bản vẽ hồ sơ thiết kế tu bổ hốc tường gạch tháp Giữa
Bản vẽ hồ sơ thiết kế tu bổ hốc tường gạch tháp Giữa

Trước đó, tại Văn bản số 02 Cục Di sản văn hóa gửi Sở VH-TT&DL (ngày 28/12/2018) về việc thỏa thuận thiết kế công trình bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp Bắc và tháp Giữa thuộc khu di tích tháp Chăm Khương Mỹ cũng đã đề nghị Sở VH-TT&DL chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ; công khai nội dung thiết kế trước nhân dân để tạo sự đồng thuận và triển khai các bước tiếp theo.

Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay, đến nay sở vẫn chưa nhận được ý kiến phản ánh nào của giới chuyên môn về việc đơn vị thi công trám hốc gạch trong lòng tháp Giữa. Nếu phát hiện có những vấn đề cần khắc phục sở sẽ đề nghị chủ đầu tư yêu cầu đơn vị thi công tiếp thu, nghiên cứu sửa chữa.

“Tôi nghĩ đơn vị thi công phải đảm bảo quy trình và theo dự án được phê duyệt. Chưa kể, Viện KHCN đã có rất nhiều năm trong lĩnh vực bảo tồn kiến trúc Chăm, rồi đơn vị lập hồ sơ thiết kế là Viện Bảo tồn di tích cũng rất kinh nghiệm việc này nên quá trình trùng tu tháp Khương Mỹ chắc chắn đảm bảo và không làm biến dạng di tích” - ông Nguyễn Thanh Hồng nói.

 
 

Mặc dù dự án không có hạng mục khai quật khảo cổ cũng như giấy phép khai quật khảo cổ, nhưng để có mặt bằng tu bổ, đơn vị thi công là Viện Khoa học công nghệ xây dựng (thuộc Bộ Xây dựng) đã tự tiện can thiệp vào tầng văn hóa di tích. Nghiêm trọng hơn, nhiều mảnh vỡ, hoa văn, gạch Chăm… đã bị thất lạc hoặc vận chuyển khỏi di tích mà không có ý kiến của chủ đầu tư và các đơn vị liên quan.

Khai quật trái phép

Hơn 50m2 diện tích khu vực tiền sảnh tháp Bắc và tháp Giữa thuộc nhóm tháp Chăm Khương Mỹ (tiền sảnh phía Đông) đã bị Viện Khoa học công nghệ xây dựng “đào” âm xuống lòng đất hàng chục cen ti mét để lấy mặt bằng thi công trong quá trình triển khai dự án.

Đáng chú ý, việc này không phải là một hạng mục khảo cổ hoặc có giấy phép khai quật của cơ quan chức năng. Đối chiếu hình ảnh hiện trạng di tích trước và sau khi khai quật có thể nhận thấy điểm âm sâu nhất khoảng 80cm, cạn nhất khoảng 20cm tính từ bề mặt đất.

Ông Phạm Nhật Trường – Trưởng phòng Tu bổ (Trung tâm Triển khai công nghệ xây dựng miền Trung, Viện KHCN xây dựng) thừa nhận, dự án chủ yếu gia cố chống xuống cấp nhóm tháp, không có hạng mục khai quật khảo cổ.

Tại hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công dự án “Bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp Bắc và tháp Giữa thuộc khu di tích tháp Chăm Khương Mỹ” (gọi tắt là hồ sơ thiết kế) do Trung tâm Kỹ thuật công nghệ Bảo tồn di tích (Viện Bảo tồn di tích) thiết kế cũng chỉ nêu phương án thiết kế bậc cấp (tiền sảnh tháp) sau khi khai quật hạ cốt nền xuống -0,8m, không đề cập đến giải pháp khảo cổ. Dù vậy, để lấy mặt bằng thi công, Viện KHCN xây dựng đã tự tiện “đào xới” một diện tích rộng hàng chục mét không chỉ trước tiền sảnh hai tháp mà còn lan ra những góc tháp và khu vực xung quanh.

Mặt bằng tiền sảnh nhóm tháp đã bị đơn vị thi công đào âm xuống lòng đất 80 cm
Mặt bằng tiền sảnh nhóm tháp đã bị đơn vị thi công đào âm xuống lòng đất 80 cm

PGS-TS. Lê Đình Phụng (chuyên gia khảo cổ học từng công tác Viện Khảo cổ - Bộ VH-TT&DL) khẳng định, về nguyên tắc, mọi dự án bảo tồn trùng tu tháp Chăm nên được tiến hành khảo cổ bởi đa phần là di tích phế tích. 

Tuy nhiên, không phải vì thế mà đơn vị thi công có thể tự tiện can thiệp vào lòng đất, ngược lại bất kỳ quá trình khai quật nào cũng đòi hỏi quy trình rất chặt chẽ, đặc biệt người thực hiện khai quật khảo cổ phải có chứng nhận, chứng chỉ hành nghề.

“Luật Di sản văn hóa năm 2013 quy định nghiệm cấm các hành vi đào bới trái phép địa điểm khảo cổ, muốn tác động vào lòng đất di tích bắt buộc phải có giấy phép khai quật. Tùy vào quy mô hoặc mức độ khẩn cấp mà UBND tỉnh hoặc Bộ VH-TT&DL cấp phép.

Chưa kể, ai là người đứng ra chủ trì, đơn vị nào phối hợp chứ không thể tùy tiện được. Rồi hiện vật khai quật được cũng phải bàn giao, lưu giữ bảo quản theo quy định, nếu đơn vị thi công làm sai thì Cục Di sản Văn hóa và địa phương phải có ý kiến” - ông Phụng nói.

Khu vực tiền sảnh 2 tháp bị khai quật trên một diện tích rộng.
Khu vực tiền sảnh 2 tháp bị khai quật trên một diện tích rộng.

Theo ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT&DL), dựa vào tính chất, loại hình di tích, thời gian triển khai mà chủ đầu tư hay đơn vị thi công sẽ có nội dung khảo cổ trong dự án. Dù vậy, trước khi triển khai một dự án theo quy định nên đưa vấn đề khảo cổ vào.

“Việc đụng chạm đến nền móng công trình không nhất thiết là khảo cổ hay không khảo cổ thì người thực hiện đó phải được cấp chứng chỉ hành nghề. Đồng thời phải có ý kiến của chủ đầu tư và các đơn vị tham gia thẩm định là cơ quan chuyên môn về di sản văn hóa  đánh giá việc đụng chạm vào nền móng ấy có cần thiết hay không. Những vấn đề này đã được quy định trong các văn bản phấp luật. Tùy từng nguyên tắc mà các đơn vị, cá nhân được cấp giấy, chứng chỉ hành nghề cũng như chủ sở hữu di tích sẽ có những đề xuất cụ thể” - ông Trần Đình Thành phân tích.

 

Hiện vật Khương Mỹ về đâu?

Theo Biên bản bàn giao hiện vật giữa đơn vị thi công (Viện KHCN) và đơn vị giám sát là Công ty TNHH MTV Thiết kể và xây dựng Mỹ Gia cho Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Quảng Nam diễn ra tháng 1/2022 tổng cộng 69 hiện vật là những mảnh vỡ bằng sa thạch từ vật kiến trúc và trang trí cùng 50 hiện vật gạch Chăm có hoa văn đã được chuyển giao quản lý. Tuy nhiên, qua kiểm tra kho chỉ còn 69 hiện vật đang lưu trữ, thiếu 50 hiện vật là gạch Chăm có hoa văn. Nghiêm trọng hơn, khi tất cả khối lượng gạch vụn vỡ phát lộ trong quá trình “khai quật” tập kết ven đường đã được đơn vị thi công cho vận chuyển đi nơi khác.

Chỉ còn 69 hiện vật đá lưu trữ tại kho, thiếu 50 hiện vật là gạch Chăm có hoa văn.
Chỉ còn 69 hiện vật đá lưu trữ tại kho, thiếu 50 hiện vật là gạch Chăm có hoa văn.

Ông Nguyễn Công Thành – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh (chủ đầu tư dự án) cho biết, mục tiêu của dự án chủ yếu tu bổ, chống sụp đổ, không có hạng mục khai quật, khảo cổ. Đặc biệt, trong quá trình triển khai dự án việc phát hiện, xử lý hiện vật… đơn vị thi công phải báo cho chủ đầu tư.

“Chúng tôi không hề biết số lượng gạch, đất khai quật đã được di dời đi nơi khác. Ban quản lý sẽ trao đổi lại với đơn vị thi công là Viện KHCN” - ông Thành trả lời khi được hỏi về số lượng đất, gạch “khai quật” đã bị di dời.

Có thể khẳng định, bất kỳ hiện vật nào của di tích Chăm Khương Mỹ cũng mang giá trị lịch sử nghìn năm nên không thể tự tiện mang đi nơi khác hay vứt đổ dù là một mảnh gạch vỡ. Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công dự án cũng đã khuyến nghị gạch Chăm thu nhặt được trong khai quật, phát lộ nên được tái định vị hoặc tái sử dụng trong quá trình tu bổ các khối xây tháp. 

 

Theo ông Phan Văn Cẩm – Giám đốc Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Quảng Nam (đơn vị quản lý nhà nước nhóm tháp Khương Mỹ), không phải tất cả diện tích khai quật đều thuộc khu vực di tích gốc, ngược lại phần lớn trong số này trước đây đã từng được phát lộ và lấp lại, bây giờ đơn vị thi công chỉ “san lấp, thu dọn” nhằm lấy mặt bằng trùng tu, riêng các mãnh gạch vỡ vụn cũng chủ yếu là gạch ngôi chùa cũ phía trước tháp đổ xuống. 

Tuy nhiên, ông Cẩm không thể lý giải vì sao trong đám xà bần này lại phát hiện rất nhiều mảnh vỡ hiện vật và gạch Chăm có điêu khắc hoa văn. Ngoài ra, tại hiện trường vẫn còn một số cấu kiện bằng sa thạch đã được đơn vị thi công bọc lại bằng lưới sợi sau khi "khai quật". 

 

Từ giữa tháng 4/2023 dự án tu bổ tháp Nam Chiên Đàn đã chính thức được Công ty TNHH MTV Thiết kế và Xây dựng Mỹ Gia triển khai nhằm gia cố các mảng tường và tiền sảnh di tích.

Theo kế hoạch, quá trình thi công sẽ kết thúc trong vòng một năm. Tiếp đến, dự án bảo tồn di tích Phật Viện Đồng Dương do các chuyên gia Ấn Độ thực hiện dự kiến triển khai trong năm 2024 nhằm phục dựng hệ thống cổng và tường thành hai bên (bao gồm 1 cổng chính va 2 cổng phụ)… Ngoài ra, một số dự án bảo tồn các nhóm tháp F, L Mỹ Sơn cũng đã được đưa vào kế hoạch trùng tu thời gian tới.

 

Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Lê Trí Công đã từng đưa ra giả thuyết về gạch Chăm với công thức đất sét trộn phân bò và các thành phần phụ. Theo ông, việc bổ sung phân bò vào đất sẽ giúp thay đổi đặc tính của đất sét, dẫn đến chất lượng gạch tốt hơn, nhất là cải thiện độ dẻo, giảm đứt gãy, giúp độ rỗng gạch tốt, khả năng rút nước nhanh.

Tu bổ nhóm tháp Chăm Chiên Đàn.
Tu bổ nhóm tháp Chăm Chiên Đàn.

Tại dự án tu bổ nhóm tháp Chăm Khương Mỹ, gạch trùng tu được mua từ tỉnh Bình Định.

 

Từ năm 2018, một số hội thảo về quy trình trùng tu kiến trúc Chăm cũng đã được tổ chức, kể cả mở lớp trùng tu, bảo tồn kiến trúc Chăm cho cán bộ văn hóa các địa phương, bước đầu tạo lập những nguyên tắc, quy chuẩn cơ bản trùng tu kiến trúc Chăm. Đặc biệt, hơn một năm trước (tháng 4/2022),  Viện Bảo tồn di tích cũng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến khoa học xây dựng dự thảo “TCVN: bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích kiến trúc nghệ thuật – Yêu cầu vật liệu và kỹ thuật thi công, nghiệm thu đền tháp Champa”, tiến tới đưa ra các tiêu chuẩn kỹ thuật về vật liệu và chất kết dính theo tiêu chuẩn Việt Nam, tuy nhiên đến nay kết quả vẫn chưa được công bố.

Các góc tháp Khương Mỹ sau trùng tu bằng gạch mới.
Các góc tháp Khương Mỹ sau trùng tu bằng gạch mới.

Hệ thống đền tháp Chăm là loại hình di tích kiến trúc đặc thù, nên cách ứng xử cần tuân thủ các nguyên tắc riêng biệt và hết sức cẩn trọng. Tuy vậy, không phải lúc nào cách tiếp cận cũng theo hướng này, thậm chí vướng ngay từ luật.

Cụ thể, trong Luật Xây dựng chính là không có quy định hạng mục các công trình di tích lịch sử văn hóa mà được xếp chung vào hạng mục công trình dân dụng. Đồng nghĩa việc kêu gọi đấu thầu dự án trùng tu di tích sẽ thực hiện như các công trình xây dựng thông thường. Điều này dễ dẫn đến kẽ hở là các đơn vị trúng thầu đôi khi không "am hiểu" văn hóa, nhất là văn hóa Chăm.

Trong khi chờ đợi điều chỉnh nên chăng cần có những quy định riêng dành cho các dự án tu bổ di tích Chăm, kể cả nghiên cứu ban hành chứng chỉ xếp hạng đối với các đơn vị thi công trùng tu, tránh lọt vào những đơn vị không đủ năng lực chuyên môn, hoặc tùng bị "tai tiếng nhằm hạn chế những sai sót khi triển khai các dự án trùng tu đèn tháp Chăm trong tương lai.

 

Kinh phí đầu tư thấp, quy mô dự án nhỏ lẻ, không tham vấn ý kiến rộng rãi giới chuyên môn trong quá trình lập hồ sơ thiết kế, thi công… được xem là những nguyên nhân khiến dự án “Bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp Bắc và tháp Giữa thuộc khu di tích tháp Chăm Khương Mỹ” xuất hiện sai sót. Những nguyên nhân này cần được mổ xẻ và xem đó là bài học trong quá trình trùng tu di tích Chăm.

Tham vấn giới chuyên môn

Nhóm tháp Chăm Khương Mỹ được xây dựng khoảng thế kỷ 10, trải qua hơn nghìn năm tồn tại hầu hết kiến trúc đã bị hư hại. Từ những năm đầu thế kỷ 20, một số nhà khoa học người Pháp, tiêu biểu là H.Parmentier và Ph.Stern đã đến đây nghiên cứu và lập hồ sơ khoa học cho di tích.

Năm 1989, nhóm tháp Chăm Khương Mỹ được xếp hạng di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia. Kể từ thời điểm này việc bảo vệ, trùng tu di tích cũng được quan tâm nhiều hơn. Riêng khoảng 15 năm trở lại đây, ít nhất 2 lần nhóm tháp Chăm Khương Mỹ được can thiệp thông qua các dự án khai quật khảo cổ, tu bổ nhỏ. Dù vậy, hầu như chưa có một hội thảo khoa học chuyên biệt quy mô nào về nhóm tháp Khương Mỹ được tổ chức để phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp bảo tồn hiệu quả nhóm kiến trúc này.

 

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Trần Kỳ Phương, những sai sót trong quá trình tu bổ ngôi tháp Giữa Khương Mỹ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về quy trình trùng tu cũng như khả năng chuyên môn của các đơn vị liên quan đối với các công trình kiến trúc Chăm lâu nay.

“Trong quá trình tu bổ nội điện tháp Giữa nếu đơn vị thi công tham vấn ý kiến những nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật Chăm thì sẽ không có chuyện xây lấp các hốc tường gạch lòng tháp” - ông Phương nói.

Công nhân xử lý rêu mốc tại nhóm tháp Chăm Khương Mỹ sau trùng tu.
Công nhân xử lý rêu mốc tại nhóm tháp Chăm Khương Mỹ sau trùng tu.

Ông Hồ Xuân Tịnh – nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, người có nhiều năm gắn bó với công tác bảo tồn di tích kiến trúc Chăm Quảng Nam cho rằng, từ câu chuyện tùy tiện khai quật và xây lấp hốc tường tháp Giữa Khương Mỹ đã đặt ra vấn đề về cách ứng xử với các kiến trúc Chăm bởi không thể ứng xử các di tích Chăm giống như những công trình dân dụng thông thường.

"Bài học chúng ta rút ra được từ dự án Khương Mỹ là nên cần có khâu tư vấn phản biện để các chuyên gia về văn hóa Chăm góp ý ngay từ khâu lập hồ sơ thiết kế đến thực hiện dự án chứ không chỉ giao phó cho cơ quan quản lý phê duyệt là xong" - ông Tịnh bày tỏ.

 

Đừng làm nửa vời

Không phủ nhận, khoảng hơn 10 năm trở lại đây công tác nghiên cứu khoa học cũng như tổ chức các dự án tu bổ di tích Chăm dần đi vào bài bản. Thông qua các công trình nghiên cứu, nhất là việc đưa khoa học kỹ thuật vào phân tích vật liệu xây dựng, chất kết dính… đã cơ bản giúp hoàn thiện cách thức tu bổ tháp Chăm. Điển hình chính là các đền tháp Chăm Mỹ Sơn (Duy Xuyên). Dù chưa phải hoàn hảo nhưng kết quả bảo tồn các nhóm tháp Chăm Mỹ Sơn vẫn được xem là giải pháp tối ưu nhất hiện nay không chỉ ở Quảng Nam mà cả miền Trung.

Tuy vậy, để “chuẩn hóa” quy trình trùng tu kiến trúc Chăm, ngành văn hóa và các đơn vị liên quan cần xác lập những nguyên tắc bắt buộc đối với dự án trùng tu di tích đặc thù này như ban hành những quy định về tham vấn ý kiến giới nghiên cứu, đơn vị chuyên môn trước khi can thiệp vào di tích kiến trúc nhằm hạn chế sai sót…

Theo ông Trần Đình Thành – Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT&DL), mỗi di tích luôn có một đặc thù, kiến trúc, giá trị, quy mô khác nhau nên sẽ không có mẫu số chung cho các công việc tu bổ. Vì vậy, người tham gia tư vấn thiết kế ngoài trực tiếp khảo sát còn phải đặt ra vấn đề cụ thể cho từng di tích, đồng thời đưa ra giải pháp cho những vấn đề đó một cách phù hợp. 

Nhóm tháp A Mỹ Sơn được các chuyên gia Ấn Độ trùng tu trong năm 2022.
Nhóm tháp A Mỹ Sơn được các chuyên gia Ấn Độ trùng tu trong năm 2022.

Thực tế, hồ sơ thiết kế dự án nhóm tháp Khương Mỹ cũng đã nêu rõ, quá trình thi công cần giới hạn việc can thiệp vào di tích, chỉ thực hiện công tác tu bổ, gia cố khối xây và phục hồi từng phần trên cơ sở quy mô và hình dáng kiến trúc hiện còn. Không tiến hành phục hồi các thành phần kiền trúc đã mất, không còn dấu vết.

Hồ sơ cũng khuyến cáo, đối với các khối xây không thể xác nhận được hình thức kiến trúc thì phục hồi theo kiến trúc hiện trạng và định hình khối gạch theo dạng vỡ để có thể nghiên cứu phục hồi sau khi có đầy đủ các dữ liệu phục dựng. Như vậy, sự ách tắc của đơn vị thi công cũng "góp phần" làm cho tháp Giữa Khương Mỹ biến dạng.

 

Quay lại nhóm tháp Chăm Khương Mỹ, dự án tu bổ đã bỏ qua hạng mục khảo cổ khai quật, lý do được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh giải thích vì kinh phí ít. Đây cũng là bài học cho các dự án tu bổ di tích kiến trúc Chăm sau này. Nếu không đủ kinh phí có thể tạm thời chưa triển khai, tránh trường hợp dự án thực hiện chắp vá không hiệu quả, thậm chí tác động, ảnh hưởng xấu đến di tích.

Bài học thì đã có, nhưng với những hư hại, mất mát đó thì bây giờ, ai là người chịu trách nhiệm?

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Thấy gì từ bảo tồn nhóm tháp Chăm Khương Mỹ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO