[eMagazine] - Thiết kế lại đô thị đương đại

TRẦN ĐỨC ANH SƠN – PHẠM QUỐC TUẤN 18/01/2023 17:49

(QNO) - Với một tỉnh có diện tích rộng 10.438km², địa hình trải rộng từ vùng núi cao, gò đồi trung du, đến vùng đồng bằng và duyên hải, thì việc quy hoạch mạng lưới đô thị sao cho vẫn giữ được bản sắc, hồn cốt của đô thị xứ Quảng truyền thống; đồng thời tạo lập những đô thị mới, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển của tương lai; cung cấp cho cư dân không gian sống tiện nghi và chất lượng, là những nhiệm vụ đầy thử thách.

 
 

Theo cố GS. Trần Quốc Vượng, nhà khảo cổ học - văn hóa học hàng đầu ở nước ta, thì người Việt có truyền thống “tư duy sông nước” trong việc định đô, lập phố. Theo GS. Trần Quốc Vượng thì đô thị truyền thống ở Việt Nam luôn được bao quanh bởi những con sông, trong đó có yếu tố “sông trước - sông sau” được coi là một “chuẩn” của đô thị, như các đô thị: Cổ Loa, Hoa Lư, Huế...

Nhưng khi người Việt mở cõi về Nam, thì dạng thức đô thị nằm giữa “tứ giác nước” đó có thay đổi: thay vì tọa lạc giữa “tứ giác nước” như ở châu thổ Bắc Bộ hay ở kinh đô Huế, thì đô thị của người Việt sống trong vùng lãnh thổ từ phía nam Hải Vân trở về Nam, là những “đô thị sông - biển”. Đó là những “cảng thị” - những trung tâm giao thương lớn của cả vùng và khu vực, mang tầm vóc quốc gia và quốc tế trong nhiều thế kỷ. Các đô thị ở xứ Quảng như: Hội An, Đà Nẵng… có dạng thức như vậy.

Tuy nhiên, việc lựa chọn các lưu vực rộng rãi, bằng phẳng ven các sông lớn, hay những vùng cửa sông, cửa biển rộng, sâu, kín gió để tạo lập đô thị, không phải là phát kiến của người Việt ở xứ Quảng nói riêng, ở Đàng Trong nói chung.

Khu đô thị ven sông Nam Hội An gần cầu Cửa Đại, đoạn thuộc huyện Duy Xuyên
Khu đô thị ven sông Nam Hội An gần cầu Cửa Đại, đoạn thuộc huyện Duy Xuyên

Người Việt chỉ kế thừa và phát triển đô thị của mình trên nền những đô thị cổ hơn của người bản địa - cụ thể là người Chăm - trong “thời kỳ trước Việt” (chữ của GS. Trần Quốc Vượng). Chính người Chăm đã “set up” các cửa sông, cửa biển ở miền Trung Việt Nam thành những “cảng thị” sơ khai, thành những điểm giao thương giữa vương quốc Champa và các lân bang, thậm chí với các nước xa hơn như: Ấn Độ, Ba Tư.

Kiểu đô thị thứ hai phổ biến ở miền Trung và xứ Quảng là “đô thị ven sông”, dựa vào các “chủ lưu” trong vùng như: sông Hương, sông Bồ Điền (Thừa Thiên Huế), sông Thu Bồn, sông Vu Gia, sông Trường Giang (Quảng Nam), sông Trà Bồng, sông Trà Khúc, sông Vệ (Quảng Ngãi), …

 
Dạng thức đô thị sông - biển đang được Quảng Nam kế thừa, phát triển mạnh hiện nay

Riêng với Quảng Nam, sông Thu Bồn là “dòng sông mẹ”, là huyết mạch kinh tế, văn hóa, thương mại… của xứ Quảng. Dòng sông này cùng các chi/phụ lưu của nó, đã tạo thành “mạng lưới trao đổi ven sông”, dựa vào các thị tứ được người Chăm, người Việt tạo lập, kết nối cảng thị Hội An, kinh đô Trà Kiệu với vùng rừng núi phía tây Quảng Nam; thông thương với “con đường tơ lụa trên biển” trong thời đại Đại thương mại vào các thế kỷ 17-18.

Khi các chúa Nguyễn mở cõi về phương Nam, các chúa đã định ra phương châm “chúa ở phủ, thế tử ở dinh”; liên tiếp cử các thế tử vào trấn thủ ở xứ Quảng; cho lập dinh Quảng Nam như một đơn vị hành chính đặc biệt, áp dụng chính sách cởi mở về thương mại (đặc biệt là ngoại thương); đồng thời tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp, thúc đẩy các ngành nghề thủ công, tăng cường giao lưu buôn bán nội vùng…để phát triển kinh tế.

Các chúa Nguyễn đã “kế thừa một cách khôn ngoan và sáng tạo bản quy hoạch theo đường sông Thu Bồn từ các Chiêm vương” (Trần Quốc Vượng - Chiêm cảng Hội An với cái nhìn về biển của người Chàm và người Việt, Kỷ yếu Hội nghị khoa học về khu phố cổ Hội An, tháng 7.1985), phục hưng Chiêm cảng xưa với tên gọi mới là Hội An, biến nơi đây thành cửa ngỏ quan trọng bậc nhất của Đàng Trong để thông thương với bên ngoài.

 

Trong diễn trình lịch sử xứ Quảng đều thể hiện, dạng thức “đô thị sông - biển” từng là hồn cốt của “di sản đô thị” xứ Quảng. Đó là những trung tâm kinh tế - văn hóa của vùng và khu vực trong nhiều thế kỷ, nơi mà yếu tố “thị” luôn lấn át yếu tố “thành”, khác với những đô thị truyền thống ở Bắc Bộ và ở kinh đô Huế - nơi mà “thành” được ưu tiên hơn “thị”.

Bởi lẽ, đô thị ở xứ Quảng là trung tâm giao thương, không phải là trung tâm hành chính như ở miền Bắc và Huế. Vì thế, đô thị ở xứ Quảng là “đô thị mở”, luôn sẵn sàng dịch chuyển về hướng “có lợi nhất” cho sự phát triển thương mại. Chúng có thể lụi tàn trong một vài “thời khắc của lịch sử”, nhưng lại nhanh chóng hồi sinh khi vùng đất này có những thay đổi về chính quyền, thể chế, chính sách cai trị của nhà cầm quyền, thích ứng với sự phát triển kinh tế và thích hợp với sinh kế của cư dân địa phương, mà Hội An là trường hợp điển hình.

Vì thế, quy hoạch mạng lưới đô thị cho Quảng Nam “thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” cần phải đặt ưu tiên hàng đầu cho dạng thức đô thị này.

 

Một trong những “vết xe đổ” mà các nhà quy hoạch đô thị ở Việt Nam thường vấp phải, là chọn những vùng đất bằng phẳng, màu mỡ, thuận tiện giao thông… để xây dựng đô thị mới. Đây là sự phí phạm tài nguyên (đất đai, môi trường và không gian), vì đã ưu tiên “bờ xôi ruộng mật”, môi trường thuận lợi, cảnh quan tươi đẹp, để phát triển đô thị, trong khi, có thể dùng nguồn tài nguyên này để phát triển nông nghiệp bền vững, bảo tồn cảnh quan, phát triển du lịch...

Thử nhìn sang Hàn Quốc: những đô thị mới của họ đều được xây dựng trên vùng đất khô cằn, không canh tác được, địa hình bất lợi. Nhưng qua quy hoạch, tổ chức và điều chỉnh thích ứng của con người, những nơi này biến thành những đô thị hiện đại, tiện nghi để sinh sống, học tập và thụ hưởng. Còn lao động, sản xuất thì diễn ra ở những nơi khác, phù hợp hơn.

Vì thế, Quảng Nam cần chọn những vùng đất “không phù hợp” với sản xuất, nuôi trồng, phát triển du lịch (sinh thái, văn hóa, bản địa…) để quy hoạch và xây dựng mạng lưới đô thị mới.

Trong quy hoạch dài hạn, các đô thị ở Quảng Nam phải tránh tình trạng mà UNESCO từng nhận xét trong một báo cáo đánh giá về quá trình phát triển đô thị ở các nước đang phát triển vào năm 1994: “Đô thị cho thấy những tương phản ngày càng nổi bật: đó là nơi sản xuất ra phần lớn của cải của một vùng, nhưng cũng là nơi gánh chịu phần nặng nề nhất sự nghèo nàn của vùng đó”.

 

Hình thành đô thị không khó, xác lập được thương hiệu cho đô thị với các chức năng khác biệt mới là vấn đề. Và Quảng Nam đang từng bước đưa mạng lưới đô thị thoát khỏi “cái bóng” đô thị hành chính.

 
Các đô thị mới cần thoát khỏi cái bóng của đô thị hành chính hiện nay

Loay hoay trong chức năng hành chính

Đô thị vốn hình thành từ không gian cư trú tập trung với mật độ cao của cư dân và chủ yếu hoạt động ở lĩnh vực phi nông nghiệp. Chung thực trạng với đô thị trên toàn quốc, mạng lưới đô thị ở Quảng Nam nghiêng về yếu tố “đô”, tức là mang nặng dấu ấn hành chính – chính trị. Hội An là trường hợp đặc biệt có yếu tố “thị” lấn át và từ lâu đã định hình được chức năng của cảng thị và đô thị du lịch.

Trong cuộc họp về công tác quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh, ông Ngô Ngọc Hùng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng nói đại ý rằng, về lý thuyết việc phát triển đô thị khá đơn giản, nhưng để đô thị có bản sắc thì cần dựa trên nền tảng các ngành kinh tế sẽ định hình đô thị chứ không phải muốn là được, cứ mở rộng quỹ đất ra là có đô thị.

Có một dạo, tầm nhìn phát triển đô thị ở các địa phương rất ngắn hạn. Đô thị nào cũng cố gắng “chèn” đủ các chức năng để trở thành trung tâm như hành chính, công nghiệp, thương mại – dịch vụ… Hệ quả, quy hoạch đi theo cũng ôm đồm, “nửa nạc nửa mỡ”.

Đơn cử ở khu vực đô thị phường Điện Nam Đông, Điện Dương (Điện Bàn), dù được định hướng trở thành đô thị với chức năng chính thương mại - dịch vụ - du lịch nhưng từ lâu nơi đây chỉ có vài cụm công nghiệp với các ngành sản xuất dễ gây tổn thương môi trường. Do nằm ở khu vực giáp ranh nên một phần đô thị Hội An cũng phải "vạ lây" từ những toan tính thu hút đầu tư có phần không bền vững này.

 

Định vị đúng năng lực của phố

Hiện nay mạng lưới đô thị trên địa bàn tỉnh được quy hoạch với các tính chất, chức năng khá phổ quát như bền vững, thông minh, sinh thái… Số ít các hoạch định từ địa phương đang cố gắng để tạo ra sự khác biệt cho tính chất đô thị từ chính vốn liếng của đô thị, như chuỗi đô thị du lịch dọc theo tuyến đường Võ Chí Công, đô thị Đại Hiệp (Đại Lộc) với tính chất đô thị công nghiệp, tập trung theo tuyến ĐT609B… 

Hành lang đô thị ven biển hình thành theo sự trỗi dậy của vùng đông Quảng Nam hiện là khu vực tiềm năng để thiết lập chuỗi đô thị có chức năng rõ ràng. Theo chủ đầu tư khu phức hợp nghỉ dưỡng Hoiana, Quảng Nam cần tổ chức không gian vùng đông trở nên đáng sống để thu hút được giới kinh doanh, chuyên gia quốc tế đến làm việc, sinh sống lâu dài, tạo thêm động lực thúc đẩy đô thị hóa.

Quảng Nam không thiếu quỹ đất để phát triển đô thị, và đặt mục tiêu nâng tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh lên 40% vào năm 2030. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, Quảng Nam sẽ phân loại mạng lưới đô thị hành chính, từ đó đánh giá đô thị nào cần giữ và phát triển đến mức độ nào đó với nền tảng chức năng chính là hành chính. Còn lại với tài nguyên đặc trưng, đô thị Quảng Nam còn có thể hình thành được chuỗi đô thị du lịch, đô thị di sản, đô thị công nghiệp, đô thị cửa khẩu… và các chuỗi đô thị này hầu như mới hoàn toàn.

 

Theo ông Ngô Ngọc Hùng, điều quan trọng để đô thị phát triển đúng như chức năng được xác định là phải có định hình tổng thể ngay từ lúc tiếp cận. “Đơn cử với đô thị sân bay Chu Lai được định hình là sân bay dịch vụ vận tải quốc tế thì tất cả hệ sinh thái xung quanh phải gắn với nó. Quảng Nam cũng đã chuẩn bị nhiều thứ cho tương lai như khu phi thuế quan, khu sản xuất… Ở đó, vòng ngoài cùng của đô thị sân bay là vòng hưởng lợi từ dịch vụ sân bay đó đem lại để phát triển dịch vụ dân cư phát triển đô thị. Nếu không thì chúng ta mới chỉ đầu tư các khu đô thị bám theo sân bay chứ chưa phải là đô thị sân bay thực thụ” - ông Hùng phân tích.

 
 

Hội An đang miệt mài trên con đường tiếp cận các chính sách của một thành phố đặc thù. Và đô thị cổ này sở hữu đủ nội lực, tầm vóc, chờ thêm cơ chế để có thể tạo ra sự khác biệt.

Nguồn lực đặc thù

Đã nhiều lần khái niệm đô thị đặc thù được đề cập vì sự phát triển của Hội An. Và ở góc độ một đô thị đặc thù, việc nhận diện nguồn lực cho sự phát triển dài hơi của Hội An cũng khá đặc biệt.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, thành phố xác định văn hóa và con người là hạt nhân trong quá trình xây dựng Hội An trở thành thành phố “Văn hóa - sinh thái - du lịch”. Ở đó đề cao việc giữ gìn nếp sống văn hóa của người Hội An và xây dựng con người Hội An phát triển toàn diện.

 
Quảng Nam đa dạng đô thị cổ và đô thị hiện đại

Các nhà nghiên cứu của Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ nhận định, chính sách phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ số cho Hội An cũng cần tính đặc thù. Đó là nguồn nhân lực phải có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực bảo tồn, du lịch cùng với đó là phải duy trì, phát triển nguồn nhân lực ở các làng nghề, trong hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian.

Từ điểm nhìn của đô thị đặc thù, khung chiến lược về thành phố “Văn hóa - sinh thái - du lịch” dần định hình. Ở đó, chính quyền có trách nhiệm đổi mới, kiến tạo, phục vụ và gắn kết cộng đồng. Không gian đô thị đáp ứng đa mục tiêu, thích ứng linh hoạt. Doanh nghiệp sẽ tích cực đổi mới sáng tạo, có sức đề kháng tốt. Trong khi cư dân được đảm bảo an toàn, hạnh phúc và bình đẳng trong việc tiếp cận mọi tiện ích xã hội.

Để trở thành đô thị chuyên ngành cấp quốc gia, Hội An cần cơ chế, chính sách để lại 100% nguồn thu từ vé tham quan hằng năm để đầu tư trùng tu, bảo tồn, phát triển và tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch, giữ gìn cảnh quan môi trường. Cạnh đó là cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý nhà công sản ở Hội An theo hướng phân cấp, phân quyền cho thành phố. Hằng năm, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách có thể tăng nguồn kinh phí kiến thiết thị chính và sự nghiệp môi trường cho thành phố.

 

Thiết lập “bảo tàng sinh thái”?

Theo TS.Nguyễn Thị Thu Trang - Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL), Hội An có thể hướng đến việc thiết lập mô hình bảo tàng sinh thái, nếu coi đô thị cổ này là một dạng “bảo tàng mở”. Điều này thể hiện qua các chiều kích không gian và thời gian, nhằm khẳng định và quảng bá các giá trị di sản tự nhiên, di sản văn hóa phi vật thể và vật thể của thành phố với cộng đồng cư dân.

  “Bảo tàng sinh thái không phải một tòa nhà mà là toàn bộ không gian sinh tồn của cộng đồng cư dân với môi trường thiên nhiên và đời sống văn hóa của họ. Ở đó cộng đồng tự chủ thực hiện việc bảo tồn, giới thiệu và quản lý di sản của họ, của vùng lãnh thổ để phục vụ cho sự phát triển bền vững, trong đó có hình thức du lịch cộng đồng/du lịch tại cộng đồng, do cộng đồng và vì cộng đồng” - TS.Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ.

 
 

Các nhà chuyên môn nhận định, bảo tàng sinh thái áp dụng với các làng nghề thủ công truyền thống tại Hội An có thể xem là phương pháp tối ưu và hiện đại nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trực tiếp tại nơi di sản tồn tại. Ở đó, bảo tàng có thể bao trùm ở ngoài tự nhiên và ngay trong lòng cộng đồng. Không gian này cũng chứa đựng tiềm năng để ứng dụng kinh tế học di sản, một lối mở để thành phố này giữ được sự cân bằng trong phát triển và bảo tồn.

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Thiết kế lại đô thị đương đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO