(QNO) - Không chỉ đảm trách tốt vai thủ lĩnh trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tại địa phương, nhiều thanh niên còn tiên phong trong phát triển kinh tế, khởi nghiệp. Họ là tấm gương sáng về tinh thần nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm để đoàn viên thanh niên noi theo.
“Kinh tế mình vững mạnh thì có điều kiện tham gia cống hiến cho công tác Đoàn nhiều hơn…” - đó là lý do mà anh Võ Công Khải (SN 1992, thôn Phú Mỹ, xã Tam Phước, Phú Ninh) quyết tâm khởi nghiệp trên đất quê hương. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự năm 2014, anh phải bôn ba làm nhiều việc mưu sinh nhưng không ổn định, do vậy mà việc tham gia phong trào của Đoàn ở địa phương không thường xuyên.
Chăn nuôi là lĩnh vực mới mà Khải chưa bao giờ học qua và thử sức. Dành thời gian tìm hiểu trên mạng và học kinh nghiệm từ những mô hình thành công, anh tự thiết kế, xây dựng mô hình nuôi heo theo phương pháp nuôi lạnh, khép kín hoàn toàn.
“Tôi khởi nghiệp năm 2021 - thời điểm sau dịch tả lợn châu Phi, giá con giống lúc đó rất cao. Lứa đầu tiên bán ra lỗ vốn do giá heo hạ. May mắn là quy trình chăn nuôi của tôi khép kín, ít rủi ro do dịch bệnh nên dần ổn định. Hiện tại trang trại của tôi có 10 heo nái và 100 heo thịt” - anh Khải nói.
Cùng với làm kinh tế giỏi, anh Khải cũng là một Bí thư Chi đoàn năng nổ, nhất là trong các hoạt động thiện nguyện. Cuối năm 2022, anh Khải vận động các thanh niên có điều kiện kinh tế của chi đoàn đóng góp, tạo nguồn quỹ để hỗ trợ các hộ dân khó khăn trên địa bàn.
Khải dự định khi tình hình chăn nuôi ổn định, anh sẽ xây dựng một mô hình mẫu bên ngoài trang trại để thanh niên địa phương có thể tham quan, học tập, anh sẽ tích cực truyền đạt kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật cho bất kỳ thanh niên nào có cùng chí hướng.
Anh ĐOÀN THANH LÂM - Bí thư Đoàn xã Tam Phước, Phú Ninh:
"Anh Võ Công Khải là Bí thư Chi đoàn thôn năng nổ, nhiệt huyết. Thời gian qua, anh tích cực tập hợp thanh niên tham gia phong trào Đoàn và kêu gọi quyên góp trong thanh niên để hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời đây là tấm gương dám nghĩ, dám làm, lan tỏa rất tốt tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên địa phương."
Chàng trai Huỳnh Nhật Vinh (SN 1997, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) tốt nghiệp ngành xây dựng và ra trường năm 2020 - ngay thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Việc làm không ổn định, Vinh rời nhà lên vùng núi Tam Trà xây dựng mô hình kinh tế vườn rừng. Hành trang của anh là sức trẻ và tinh thần dám nghĩ dám làm, 1ha đất rừng cằn cỗi trong tay Vinh đã trở thành mô hình vườn - ao - chuồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Đất này trước đây bà con chỉ trồng keo, hiệu quả thấp, đất đai dần thoái hóa. Mình tìm hiểu kỹ về khí hậu, thổ nhưỡng và quyết định trồng các loại trái cây phù hợp như chuối, mít thái, mận, ổi, bưởi da xanh, cam, xoài, bơ, vú sữa... Thời gian đầu cây phát triển chậm, phải đầu tư hệ thống tưới tiêu. Rồi cũng có vài loại cây cho thu hoạch khá ổn” - Vinh chia sẻ.
Không chỉ trồng cây, Vinh nuôi thêm 2 hồ cá diêu hồng và cá rô đồng, dựng trại nuôi heo công nghiệp quy trình khép kín với quy mô hơn 150 con. Hiện doanh thu mỗi năm của Vinh khoảng hơn 500 triệu đồng.
Dành toàn bộ tâm trí, sức lực để mô hình kinh tế ổn định, Vinh bắt đầu dành thời gian đồng hành với phong trào thanh niên tại Tam Trà, nhất là khởi nghiệp, lập nghiệp. Với tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm, Vinh được đoàn viên thanh niên địa phương tín nhiệm, bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã. Vinh kể anh đã tham gia công tác Đoàn từ sinh viên, đồng thời gắn bó với Chi đoàn thôn Nam Sơn (xã Tam Hiệp) trong rất nhiều năm. Dù ở bất kỳ địa phương nào, đảm trách chức vụ gì, Vinh luôn muốn cống hiến sức trẻ, xây dựng quê hương giàu mạnh.
Điều mà Vinh trăn trở là việc tập thanh niên ở Tam Trà không dễ dàng. Bởi phần lớn bà con là đồng bào Co, nhiều thanh niên làm ăn xa, học sinh trong độ tuổi Đoàn đều theo học các trường ở thị trấn Núi Thành, số còn lại hằng ngày gắn với nương rẫy… rất khó khăn trong công tác vận động, tập hợp.
Bước đầu trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp ở Tam Trà dù chưa đạt kết quả như mong muốn của những bạn trẻ như Huỳnh Nhật Vinh, song anh không nản lòng. Chàng trai ấy vẫn ngày ngày miệt mài đổ tâm huyết vào vườn rừng, không ngừng gieo hy vọng một ngày không xa diện mạo vùng núi Tam Trà sẽ đổi khác từ chính bàn tay, khối óc và sự nhiệt huyết của lớp người trẻ.[Video] - Mô hình vườn rừng của Huỳnh Nhật Vinh:
Trưởng thành từ phong trào Đoàn, anh Huỳnh Thế Toàn - Bí thư Huyện đoàn Đại Lộc thấu hiểu, nắm bắt được nhu cầu thanh thiếu nhi địa phương. Anh Toàn nói, muốn thu hút thanh niên đến với Đoàn, người làm thủ lĩnh phải tiên phong, gương mẫu và dấn thân. Bất kỳ phong trào gì, thủ lĩnh Đoàn phải đi trước và xắn tay áo lên cùng làm với thanh niên. Làm sao để thanh niên thấy giá trị, sự góp sức của họ có hiệu quả thì mới dễ dàng huy động và tập hợp.
Với suy nghĩ này, Toàn cùng các thành viên trong Huyện đoàn Đại Lộc đổi mới phương thức sinh hoạt Đoàn và xây dựng rất nhiều mô hình, phong trào thanh niên thiết thực. Trong đó, nổi bật là mô hình kinh tế Tổ hợp tác Chăn nuôi dúi Đại Lộc của thanh niên.
Anh Toàn cho biết, năm 2018, khi còn là cán bộ Huyện đoàn, anh đã đầu tư nuôi dúi để có thêm thu nhập. Bước đầu khởi sự gặp nhiều khó khăn do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi… song anh không nản lòng mà luôn tìm tòi nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm. Một năm sau đó, mô hình phát triển và cho thu nhập ổn định. Năm 2019, anh liên kết với 5 hộ dân nuôi dúi khác trên địa bàn để hình thành Tổ hợp tác Chăn nuôi dúi Đại Lộc, riêng quy mô trại nuôi của anh có hơn 150 con dúi giống và dúi thịt.
Đến nay, Toàn kết nối với các thanh niên chí thú làm ăn, chia sẻ kinh nghiệm để cùng nuôi dúi. Nhờ đó, tổ hợp tác nay đã có thành 14 thành viên, trong đó có 8 thanh niên, anh Toàn là Tổ trưởng tổ hợp tác.
Anh Huỳnh Lê Việt (SN 1993, thôn Tích Phú, xã Đại Hiệp) trước đây từng tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin, qua nhiều công việc khác nhau nhưng không ổn định nên quyết tâm về quê khởi nghiệp. Anh Việt được Bí thư Huyện đoàn Huỳnh Thế Toàn hỗ trợ, hướng dẫn tận tình và tham gia vào Tổ hợp tác. Đến nay, anh Việt có trại dúi lớn nhất trong tổ với quy mô 300 con, thu nhập mỗi năm hơn 120 triệu đồng.
Cũng là một người khởi nghiệp nên anh Huỳnh Thế Toàn dễ dàng kết nối, sẻ chia, đồng thời có những giải pháp hỗ trợ phù hợp cho đoàn viên, thanh niên có chung chí hướng. Anh Toàn kỳ vọng, từ thành công của mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi dúi Đại Lộc, tương lai sẽ có thêm mô hình kinh tế liên kết, hợp tác hơn nữa… để phong trào khởi nghiệp từng bước lan tỏa trong thanh niên.
[Video] - Anh Huỳnh Thế Toàn chia sẻ về việc thủ lĩnh thanh niên phải biết làm kinh tế:
* * *
Làm kinh tế giỏi mà không xa rời nhiệm vụ thủ lĩnh Đoàn ở địa phương, nhiều bạn trẻ đã trở thành hạt nhân trong phong trào đoàn ở địa phương, lan tỏa cho cộng đồng kinh nghiệm, kiến thức và kể cả giúp sức, giúp vốn để thanh niên nông thôn phát triển kinh tế, hướng tới làm giàu… Nông thôn Quảng Nam sẽ bừng sáng trong tương lai nếu có những hạt nhân như thế.