eMagazine - Thực hiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Ách tắc vận dụng chính sách

THANH MINH - THÀNH CÔNG 24/09/2022 20:41

(QNO) - Quyết định số 42 ngày 21.11.2021 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (có hiệu lực từ ngày 1.1.2022) thay thế cho nhiều quyết định trước đây và được cho là có những điều kiện hỗ trợ thông thoáng hơn trong thực hiện giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế đã nảy sinh nhiều bất cập khiến công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh ách tắc. Từ phản ánh của nhiều địa phương, UBND tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến góp ý để tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện khung chính sách về thực hiện giải phóng mặt bằng.

 

Dù điều kiện bố trí số lô tái định cư theo Quyết định 42 được cho là thông thoáng nhưng trên thực tế, khi thực hiện phương án mới, số lô tái định cư bố trí cho nhiều hộ dân "hao hụt".

"Hao hụt" đất tái định cư

Dự án khu phố chợ Đông Phú (Quế Sơn) đang đầu tư dang dở
Dự án khu phố chợ Đông Phú (Quế Sơn) đang đầu tư dang dở

Trước khi tìm hiểu thông tin tại trụ sở Ban Quản lý dự án - quỹ đất huyện Quế Sơn, chúng tôi được một cán bộ của đơn vị đề nghị nên đến hiện trường Dự án khu phố chợ Đông Phú để "lắng nghe tâm tư của người dân". Từ trung tâm huyện, đi một đoạn ngắn là rẽ sang tuyến bê tông "xương sống" của khu phố chợ, đang được thi công nham nhở. Nhưng hiện trường thi công chỉ vài chục mét đầu tuyến, còn lại vẫn là con đường bê tông cũ vốn nhỏ hẹp, nhà cửa hai bên san sát.

Bà Võ Thị Y. (một hộ dân bị giải tỏa trắng bởi dự án) lúc đầu không mấy niềm nở khi thấy khách đến, nhưng sau đó lởi xởi hơn khi được trình bày nguyện vọng về việc bố trí đất tái định cư (TĐC). Gia đình bà Y. bị giải tỏa trắng với diện tích 97m2 đất ở.  Bà Y. nói: "Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương, nhưng Nhà nước cũng nên tính toán lại việc bố trí đất TĐC. Gia đình tôi có 3 cặp vợ chồng gồm 7 người đang sinh sống ở đây, hồi trước nghe nói được bố trí 2 lô TĐC, chúng tôi đã bốc số lô TĐC hết rồi nhưng chừ thì thay đổi, chỉ còn 1 lô. Nguyện vọng của gia đình là xem xét bố trí 1 lô phụ nữa, chúng tôi trả tiền mua đất với giá Nhà nước chứ có phải được hỗ trợ không đâu mà".

Người dân dự án khu phố chợ Động Phú (Quế Sơn) mong muốn được bố trí tái định cư phù hợp
Người dân dự án khu phố chợ Động Phú (Quế Sơn) mong muốn được bố trí tái định cư phù hợp

Dự án khu phố chợ Đông Phú do Ban Quản lý dự án - quỹ đất huyện Quế Sơn thực hiện giải phóng mặt bằng, khởi công vào năm 2018, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2021, nhưng đến nay công tác giải phóng mặt bằng vẫn dang dở. Điều đáng nói là do dự án thực hiện kéo dài nên phải chịu cảnh "bấp bênh" giữa các quy định về bồi thường, hỗ trợ có hiệu lực tại thời điểm trước và sau năm 2021.

Cụ thể, trước năm 2021, theo quy định về TĐC thì không căn cứ vào diện tích đất thu hồi mà bố trí TĐC theo các cặp vợ chồng đang sinh sống đủ điều kiện cấp đất; còn quy định hiện hành thì căn cứ vào diện tích đất thu hồi: "diện tích đất được bố trí TĐC không lớn hơn diện tích đất ở thu hồi". Vì vậy, trường hợp của bà Y., nếu áp dụng phương án mới thì sẽ "hao hụt" 1 lô TĐC, đây là vấn đề làm nảy sinh phức tạp.

Thông thoáng, nhưng khó áp dụng

Ông Triệu Ngọc Chi - Giám đốc Ban Quản lý dự án - quỹ đất huyện Quế Sơn cho biết, trong quá trình áp dụng các quy định xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, "không thể kể hết những cái vướng, cái bất cập mà thực tế gặp phải". Riêng thực hiện quy định hiện hành về TĐC, ông Chi cho rằng đây là điểm nghẽn không dễ tháo gỡ bởi người dân khó đồng thuận.

Trên địa bàn huyện, đơn vị đang thực hiện giải phóng mặt bằng 3 dự án, vẫn còn 18 hộ "khó tháo gỡ" về đất TĐC mà trường hợp bà Y. là cảnh ngộ chung. Khi thực hiện Quyết định 42, tổng số lô TĐC bố trí giảm xuống là một phần minh chứng về sự thiệt thòi đối với người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Đơn cử như Dự án khu phố chợ Đông Phú, theo tính toán ban đầu, phải dành 64 lô TĐC để bố trí cho người dân bị ảnh hưởng, nhưng khi thực hiện Quyết định 42, con số này còn 47 lô, xem như chủ đầu tư vô tình có thêm một khoản khi khai thác quỹ đất...

Trên địa bàn TP.Tam Kỳ, theo ông Nguyễn Ngọc Trai - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, công tác giải phóng mặt bằng gần như "đứng bánh" từ đầu năm đến nay khi áp dụng quy định tại Quyết định 42; trong đó quy định được giao lô đất thứ 2 trở đi rất khó thực hiện.

Cụ thể, theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 40, Quyết định số 42 thì “được giao 2 lô đất ở TĐC cho hộ gia đình, cá nhân theo quy hoạch chi tiết phân lô được duyệt tại khu TĐC nhưng không vượt quá diện tích đất ở bị thu hồi và không vượt quá 2 lần hạn mức giao đất ở theo quy định hiện hành của UBND tỉnh nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Hộ gia đình có 2 cặp vợ chồng đủ điều kiện tách hộ theo quy định hoặc có 2 hộ gia đình có chung quyền sử dụng một thửa đất ở thu hồi”.

Ông Trai nói: "Như vậy, trường hợp hộ gia đình thuộc diện giải tỏa trắng, đủ điều kiện để bố trí 3 lô đất cho 3 cặp vợ chồng cùng chung sống trong thửa đất ở bị thu hồi, nhưng chỉ có diện tích đất ở bị thu hồi là 200m2, thì đảm bảo đủ điều kiện bố trí lô TĐC thứ nhất với diện tích 120m2 (quy hoạch dự kiến phân lô chi tiết 120m2/lô) và được hưởng chính sách đất đổi đất. Phần diện dôi dư là 80m2 (sau khi đất đổi đất lô thứ nhất), có được xem xét bố trí lô thứ hai hay không?".

 

Theo ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Giám đốc Sở TN-MT, trong quá trình dự thảo các chính sách về bồi thường, hỗ trợ và TĐC, Sở TN-MT đã tham khảo một số địa phương. Qua nghiên cứu, so sánh chính sách bồi thường, hỗ trợ, TĐC với các tỉnh thành lân cận có điều kiện tương đồng thì chính sách của Quảng Nam có nhiều ưu điểm.

Cụ thể về chính sách TĐC, nhìn chung các tỉnh Quảng Nam, Bình Đình, Thừa Thiên Huế đều áp dụng chính sách bố trí TĐC "không vượt quá diện tích đất ở bị thu hồi", việc bố trí số lô TĐC căn cứ vào diện tích đất ở bị thu hồi để xác định. Theo ông Sơn, Bình Định, Huế không quá 3 lô; riêng Quảng Nam bố trí số lô tối đa là 5 lô với diện tích tối đa tại đô thị 200m2, nông thôn 300m2, miền núi 400m2... Tuy nhiên, điều kiện thông thoáng này được nhiều địa phương phản ánh là khó khả thi khi áp dụng vào thực tế.

Thanh tra tỉnh tiếp một trường hợp công dân tại TP.Hội An đến khiếu nại liên quan đến chính sách tái định cư
Thanh tra tỉnh tiếp một trường hợp công dân tại TP.Hội An đến khiếu nại liên quan đến chính sách tái định cư

Có hộ khẩu mới được hỗ trợ chênh lệch tiền sử dụng đất TĐC

Về quy định hỗ trợ chênh lệch tiền sử dụng đất TĐC theo Quyết định 42, nhiều địa phương cũng phản ánh rất bất cập. Cụ thể, tại điểm a, Khoản 2, Điều 46, Quyết định số 42 thì “đối tượng được hỗ trợ chênh lệch tiền sử dụng đất TĐC: Đối với lô tái định cư thứ nhất, hộ gia đình, cá nhân phải đăng ký thường trú trước thời điểm thông báo thu hồi đất trên địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi”. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Trai, quy định trước đây thì được hưởng chính sách hỗ trợ chênh lệch tiền sử dụng đất (đất đổi đất), không quy định phải có đăng ký thường trú trước thời điểm có thông báo thu hồi đất. Quy định mới bổ sung này cũng là điểm nghẽn, bởi thực tế hiện nay, những trường hợp có đất ở nhưng chưa xây dựng nhà ở (do vướng quy hoạch của dự án) trên đất thì chưa thể lập thủ tục nhập khẩu được; đồng thời, theo quy định Luật Đất đai hiện hành không hạn chế số thửa đất mà người dân có quyền sử dụng. 

Còn theo ông Triệu Ngọc Chi, hiện nay, trên địa bàn huyện Quế Sơn có nhiều trường hợp các hộ dân ở xã khác trong huyện đến thị trấn Đông Phú, thị trấn Hương An mua nhà và đất để ở và buôn bán, chỉ có giấy đăng ký tạm trú (không có đăng ký hộ khẩu thường trú), nên không được hưởng tiền chênh lệch. "Các hộ dân này không nhận tiền bồi thường, bởi giá trị bồi thường về đất họ không đủ để mua lại lô đất có diện tích, vị trí tương đồng (thực tế hiện nay giá đất cụ thể bồi thường thấp hơn nhiều so với giá đất chuyển nhượng thực tế trên thị trường)" - ông Chi nói.

 

Khoảng chênh về bồi thường, hỗ trợ giữa Quyết định 42 ngày 21.11.2021 của UBND tỉnh ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất so với những quy định trước đó khá lớn khiến nhiều địa phương gặp khó khăn trong thực hiện phương án giải phóng mặt bằng.

Thay đổi chính sách hỗ trợ

Vùng đông có nhiều dự án bị ảnh hưởng tiến độ, này sinh từ những bất cập liên quan thực hiện bồi thường, tái định cư
Vùng đông có nhiều dự án bị ảnh hưởng tiến độ, này sinh từ những bất cập liên quan thực hiện bồi thường, tái định cư

Câu chuyện ông Nguyễn Ngọc Trai - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Tam Kỳ đề cập tại cuộc làm việc liên quan đến triển khai Quyết định 42 rất đáng chú ý: tại Dự án khu dân cư, tái định cư khối phố 4 (phường An Sơn, TP.Tam Kỳ), một trường hợp thu hồi gần 4.000m2 đất vườn ao, theo phương án cũ, số tiền bồi thường, hỗ trợ ước khoảng 12 tỷ đồng, nay nếu phê duyệt phương án theo Quyết định 42 hiện hành, chỉ còn hơn 1 tỷ đồng.

“Người dân rất căng, họ không đồng ý. Chúng tôi đã nhiều lần có văn bản giải trình, thành phố cũng đã làm việc với Sở Tài nguyên - môi trường để xin ý kiến nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm” - ông Trai nói.

Sự chênh lệch về mức bồi thường hỗ trợ này, xuất phát từ việc trước đây đối với loại đất trồng cây lâu năm (có nguồn gốc từ vườn, ao không được công nhận đất ở), theo quy định tại Điểm 7, khoản 3, điều 2, Quyết định số 19, ngày 31.10.2019 của UBND tỉnh “khi Nhà nước thu hồi đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở theo quy định tại Khoản 6 Điều 103 Luật Đất đai, thì được bồi thường như sau: giá đất vườn, ao bằng giá đất ở cụ thể trừ 50% (giá đất ở cụ thể trừ giá đất nông nghiệp cụ thể)”. Nhưng Quyết định số 42 đã loại bỏ nội dung này.

 

Giá đất nông nghiệp quá thấp

Nhiều địa phương loay hoay với đơn giá cây trồng, đất vườn
Nhiều địa phương loay hoay với đơn giá cây trồng, đất vườn

Theo Sở TN-MT, trong quá trình dự thảo Quyết định 42, Đoàn kiểm tra liên ngành của Cục Kiểm soát văn bản (Bộ Tư pháp) đã tiến hành kiểm tra việc việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với các quyết định của UBND tỉnh trước đó về quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Qua đó, đã có văn bản yêu cầu UBND tỉnh xem xét, thu hồi đối với chính sách bồi thường đất vườn ao do không đúng quy định của pháp luật. Do vậy, sau khi xin ý kiến thống nhất của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên - môi trường chưa đề xuất chính sách hỗ trợ đối với đất vườn ao trong Quyết định số 42 mà rà soát trình sau.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của Bộ TN-MT và tham khảo các địa phương lân cận, quý II.2022, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thống nhất cơ chế hỗ trợ đối với đất vườn ao và tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 18 ngày 20.6.2022 quy định hỗ trợ khác khi Nhà nước thu hồi đất vườn ao.

Tuy nhiên, theo UBND TP.Tam Kỳ, khi áp dụng Quyết định số 18 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2022), các phương án bồi thường, hỗ trợ đất vườn ao mới có thể trình thẩm định, nhưng vẫn còn vướng mắc. Cụ thể, Quyết định số 18 quy định "Khi Nhà nước thu hồi đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở thì ngoài việc được bồi thường theo giá đất nông nghiệp cụ thể (đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm…), còn được hỗ trợ bằng 50% giá đất ở của thửa đất đó (đơn giá đất ở trong phạm vi chiều sâu dưới 25m).

Diện tích được hỗ trợ theo diện tích đất thực tế bị thu hồi nhưng không vượt quá 5 lần hạn mức giao đất ở theo quy định của UBND tỉnh”; trong khi đó, Điều 3, quy định chuyển tiếp "đối với các phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt giá trị bồi thường, hỗ trợ đối với đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định của UBND tỉnh thì không áp dụng mức hỗ trợ theo quy định này”.

 

Điều kiện quy định eo hẹp như trên, theo ông Nguyễn Minh Lý - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, khó tạo sự đồng thuận đối với người dân, bởi đặc thù của Hội An là đất chật người đông, đất nông nghiệp rất có giá trị, nhưng thực tế giá quy định khi bồi thường lại quá thấp. Nếu không được hỗ trợ thì người dân rất khó giao đất. Ông Lý nói, là người phụ trách trực tiếp công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, ông thường xuyên đối thoại và lắng nghe tâm tư của người dân. Và câu nói ngắn gọn mà ông thường nghe được từ người dân là "giá thấp, đất ít".

Khó xử lý giai đoạn chuyển tiếp dự án

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường trong chuyến công tác kiểm tra tiến độ dự án mở rộng đường Võ Chí Công qua huyện Núi Thành năm 2021
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường trong chuyến công tác kiểm tra tiến độ dự án mở rộng đường Võ Chí Công qua huyện Núi Thành năm 2021

Câu chuyện chuyển tiếp giai đoạn của các dự án theo các quy định cũ và mới đang khiến nhiều địa phương lúng túng và đây cũng là nguồn cơn của hàng loạt đơn thư, khiếu nại liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. 

Hiện nay, nhiều địa phương thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đồng loạt các dự án nên việc lập, thẩm định, phê duyệt phương án và tiến hành chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ phải thực hiện theo từng đợt. Vì vậy, sẽ có những hộ dân được áp dụng theo quy định cũ và có những hộ dân được áp dụng theo quy định mới (Quyết định 42). Vấn đề này sẽ gây bất lợi cho các hộ dân trong cùng dự án (cùng thời điểm ban hành thông báo thu hồi đất) nhưng được hưởng chính sách khác nhau, nhất là cơ chế bố trí đất tái định cư và đơn giá bồi thường loại đất vườn ao... 

Đơn cử như tại TP.Tam Kỳ, có dự án đã trình 9 phương án bồi thường, hỗ trợ theo quyết định cũ, đến phương án cuối cùng cho các hộ còn vướng mắc phải áp dụng theo Quyết định 42. Điều này đồng nghĩa, cùng một dự án nhưng có đến 2 cơ chế, chính sách được áp dụng theo từng thời điểm. Người dân không đồng ý, đơn vị bồi thường gặp khó, cố gắng tháo gỡ nhưng không tìm ra giải pháp để có thể đạt được sự đồng thuận. Người dân cho rằng việc lập thành nhiều phương án bồi thường để đáp ứng tiến độ là do Nhà nước, còn các hộ dân trong cùng 1 dự án phải đảm bảo cơ chế chính sách như nhau, vì vậy dẫn đến việc so bì, khiếu kiện khiếu nại.

 

Mức bồi thường đối với từng loại cây trồng, con vật nuôi do UBND tỉnh quy định theo Quyết định số 3925 ngày 31.12.2021, nhiều địa phương phản ánh rằng cũng rất khó áp dụng vào thực tế.   

Ông Đặng Văn Khuê, cán bộ của Ban Quản lý dự án - quỹ đất huyện Quế Sơn đưa chúng tôi đến khu vườn của một hộ dân bị giải tỏa thuộc Dự án khu phố chợ Đông Phú để giải thích về sự bất hợp lý của quy định bồi thường theo mật độ cây trồng. Khu vườn này có diện tích khoảng 500m2, trồng nhiều loại cây, nhưng chủ yếu là cây cau đã cho thu hoạch.

Theo ông Khuê, quy định bồi thường theo mật độ cây trồng đối với loại cây lâu năm thì trường hợp hộ dân này được tính áp giá cho một loại cây cau với mật độ chung trên diện tích đất cụ thể, trong khi người dân trồng rất nhiều loại cây, mật độ thì có thể dày hơn..., nên họ không đồng tình.

"Địa phương có rất nhiều trường hợp bị giải tỏa về cây trồng. Với đặc thù vườn tược như ở Quế Sơn, theo quy định tại khoản 3, 4, Quyết định số 3925 của UBND tỉnh, bồi thường cây theo mật độ cây trồng là không hợp lý, đề nghị bồi thường theo cây trồng thực tế trên thửa đất bị thu hồi" - ông Khuê nói.

Một vướng mắc khác, theo quy định tại điều 3, Quyết định số 3925 thì chỉ quy định đơn giá bồi thường đối với loại cây trồng lâu năm. Riêng đối với đơn giá bồi thường loại cây trồng hằng năm không quy định cụ thể. Đơn giá bồi thường đối với cây trồng hằng năm được tính bằng giá trị sản lượng của vụ thu hoạch. Giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 3 năm trước liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình tại thời điểm thu hồi đất.

Theo phản ánh của nhiều địa phương, thực tế hiện nay, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường không có chức năng, thẩm quyền liên quan đến việc xác định năng suất, giá bán trung bình của từng loại cây trồng khi thu hồi đất. Chưa kể, hàng loạt cây trồng hàng năm bị… thiếu trong Quyết định số 3925 khiến các địa phương không biết căn cứ vào đâu để áp giá.

Nhiều địa phương kiến nghị ngoài cây lúa, bắp còn bổ sung quy định đơn giá cụ thể các loại cây trồng cụ thể
Nhiều địa phương kiến nghị ngoài cây lúa, bắp còn bổ sung quy định đơn giá cụ thể các loại cây trồng
Ông Trương Công Trái - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Đại Lộc chia sẻ, theo quy định mới, áp đơn giá theo lúa và bắp (hai loại cây trồng chính theo quy định), dân không đồng tình, không có cách nào để xử lý khiến nhiều dự án triển khai rất chậm. Đơn vị này đề nghị xem xét phải bổ sung quy định đơn giá cụ thể các loại cây như đậu, mè, môn, sắn…, vốn có giá trị cao hơn nhiều lần so với lúa, bắp. Ngoài ra một số loại thủy sản như ốc bươu, cá koi… cũng rất khó định giá, trong khi thực tế người dân đang nuôi, bị ảnh hưởng.

“Đề nghị các sở, ngành xem xét, nghiên cứu các quy định của pháp luật song cũng phải sát thực tiễn. Nếu không sát, không đúng thực tiễn, cũng phải mạnh dạn điều chỉnh, đề xuất điều chỉnh cho phù hợp mới có thể triển khai trong thực tế” – ông Trái nói.

 

Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT xác nhận, trong thực tiễn, khi áp dụng các văn bản hướng dẫn, các địa phương đều gặp khó khăn nhất định. Đối với bồi thường cây trồng hàng năm, có tình trạng như các địa phương phản ánh, dẫn đến khó áp dụng trong các phương án bồi thường, hỗ trợ. Mọi thứ cây trồng hàng năm đều quy về cây lúa, cây bắp, nhưng trên thực tế có nhiều cây có giá trị hơn, người dân khó chấp nhận khi được bồi thường theo giá lúa.

Hiện nay, Sở NN&PTNT dự thảo quyết định, tham mưu UBND tỉnh sửa đổi nội dung, điều chỉnh theo hướng thỏa thuận đối với các loại cây bắp, khoai lang, sắn, đậu mè… tương đương. 

"Cái khó là quy định hiện nay chỉ có 2 cây trồng chính là lúa và bắp, không thể làm trái. Sở NN&PTNT đã lấy ý kiến nhiều địa phương, làm việc với Sở TN-MT để bàn kỹ, cũng đã kiến nghị lên Bộ NN&PTNT nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời. Đầu tháng 7 vừa qua, sở cũng đã xin ý kiến của các địa phương góp ý, nhưng đến đầu tháng 8 thì mới chỉ có 9 đơn vị gửi tổng hợp góp ý về cho sở, còn nhiều đơn vị chưa tổng hợp” - ông Út cho biết.

 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, UBND tỉnh đã có 2 văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT góp ý, hướng dẫn về danh mục cây trồng chính được tính bồi thường, nhưng Bộ NN&PTNT vẫn chưa có văn bản hồi đáp

 
 

Trước nhiều vấn đề nảy sinh vướng mắc trong thực hiện Quyết định 42 và các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, lãnh đạo tỉnh và một số địa phương cho rằng cần tiếp thu ý kiến góp ý để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung quy định khi thực hiện giải phóng mặt bằng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan đến những vướng mắc khi triển khai Nghị quyết 42
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương liên quan đến những vướng mắc khi triển khai Nghị quyết 42

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân:Tiếp tục tiếp thu, chỉnh sửa một số bất cập phát sinh 

Hiện nay, một số bất cập phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Quyết định số 42, Sở TN-MT đã, đang và sẽ tiếp thu chỉnh sửa. Do vậy, đề nghị các đồng chí bí thư huyện, thị, thành ủy và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung quán triệt, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tích cực phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng và UBND cấp xã tiếp tục phổ biến, tuyên truyền, vận động, giải thích người dân trong vùng dự án hiểu rõ và có sự đồng thuận cao trong việc chấp hành các quy định hiện hành về chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh.

Đối với các nội dung vướng mắc, phát sinh thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh thì các địa phương góp ý, tổng hợp, đề xuất, gửi đến Sở TN-MT nghiên cứu tiếp thu, tham mưu sửa đổi, bổ sung Quyết định số 42; các nội dung kiến nghị vượt quy định pháp luật đất đai hiện hành thì đề nghị các địa phương tiếp tục có ý kiến góp ý bằng văn bản đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, gửi Sở TN-MT tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh có văn bản để báo cáo Bộ TN-MT xem xét, tiếp thu trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai năm 2013. 

Ông Trần Nam Hưng - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Tam Kỳ: Nên nghiên cứu sửa đổi quy định về tái định cư cho sát thực tế 

Về quy định bố trí đất TĐC theo Quyết định 42, nên nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế, và xem đây cũng là một trong những giải pháp để đảm bảo ổn định đời sống nhân dân sau khi bị thu hồi đất. Thực tế có nhiều gia đình mấy thế hệ sống chung nhà, bây giờ thu hồi đất nếu không đủ diện tích để bố trí lô phụ thì họ ở đâu? Mà mình đâu có cho không đất họ, họ trả tiền theo giá sàn, mà quy định giá sàn không thấp hơn suất đầu tư, thì tại sao không giải quyết? Mình phải thực hiện việc này để cho thấy chính sách của Nhà nước hợp tình hợp lý, và nhân văn nữa. 

Ông Nguyễn Minh Lý - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An: Cần giải quyết hài hòa bài toán lợi ích cho người dân 

Thực tiễn cho thấy có nhiều điều cần phải nghiên cứu, điều chỉnh, phải xem thử còn cách gì để giải quyết cho dân nữa không, còn cơ chế, quy định nào giải quyết bài toán lợi ích của người dân không? Nhiều người dân làm nhà trái phép trên đất nông nghiệp, đến khi đụng đến giải tỏa, họ gần như mất trắng. Họ đã phải chật vật, khổ sở 15, 20 năm vì quy hoạch dự án, vì không thể tách thửa, chuyển mục đích sử dụng, buộc phải làm nhà để giải quyết nhu cầu chính đáng của gia đình. Đến khi giải tỏa, chỉ được nhận tiền hỗ trợ đất nông nghiệp, không có đất ở, rất khó khăn. Đó cũng là lý do đa số người dân muốn được bố trí đất tái định cư.

Đề nghị hướng dẫn phương pháp thu hồi đất công ích 

Theo Quyết định số 42, trường hợp đất thu hồi thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn thì được hỗ trợ; mức hỗ trợ bằng 50% theo bảng giá đất do UBND tỉnh quy định. Tiền hỗ trợ được nộp vào ngân sách nhà nước và được đưa vào dự toán ngân sách hằng năm của xã, phường, thị trấn. Hộ gia đình, cá nhân thuê, nhận đấu thầu sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn thì không được bồi thường về đất, chỉ được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại (nếu có). Trường hợp không xác định được chi phí đầu tư vào đất còn lại thì được hỗ trợ 20% theo bảng giá đất do UBND tỉnh quy định. 

Tuy nhiên, bất cập hiện nay là đất công ích tại các địa phương ở giai đoạn HTX xã nông nghiệp quản lý đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý để canh tác (không có hợp đồng thuê, nhận đấu thầu) dưới nhiều hình thức khác nhau để thu thuế. Sau khi HTX giải thể, quỹ đất này được các hộ gia đình, cá nhân tiếp tục quản lý sử dụng và kê khai đăng ký tên chủ sử dụng qua các thời kỳ. Ngoài ra, đất công (các loại đất khác không phải là đất công ích, do UBND xã, phường quản lý trên sổ sách) nhưng trên thực tế các hộ gia đình, cá nhân quản lý sử dụng từ sau ngày 1.7.2004 cho đến nay. 

Các địa phương đề nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo Sở TN-MT hướng dẫn phương pháp thu hồi đất để đảm bảo đúng quy định (nên xem xét yếu tố hỗ trợ về đất cho hộ gia đình, cá nhân trong quá trình quản lý, sử dụng, canh tác, bồi trúc đối với diện tích đất đã nêu trên).

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
eMagazine - Thực hiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: Ách tắc vận dụng chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO