[eMagazine] - Triển vọng phát triển kinh tế dược liệu

Nhóm PV 30/07/2022 18:03

(QNO) - Với kho tàng dược liệu vô cùng phong phú và giá trị, Quảng Nam đang từng bước có những tính toán, giải pháp để khai mở kinh tế dược liệu, luôn đeo đuổi khát khao hiện thực hóa giấc mơ trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu.   

 
 

Đánh giá của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), tại Quảng Nam có hơn 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc, trong đó có 36 loài cây thuốc hiện nằm trong “Sách đỏ Việt Nam”. Những loại dược liệu quý đã được tìm thấy như: sâm Ngọc Linh, ngũ vị tử, ba kích, đảng sâm, giảo cổ lam, sa nhân, hoàng đắng, cẩu tích, lan kim tuyến, đại hồi, màng tang...

Mới đây, Viện Dược liệu còn phát hiện thêm 4 loài cây thuốc chưa có tên trong danh mục cây thuốc Việt Nam là dù dẻ đỏ, khế đất, gờ rồng và ba chạc lá đỏ. Tại Quảng Nam, tổng diện tích cây dược liệu qua thống kê khoảng 2.471ha, chủ yếu trồng ở các huyện miền núi. 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, Quảng Nam hiện là một trong 8 vùng dược liệu lớn nhất nước. Giá trị nhất vẫn là “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh, với diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển hơn 15.500ha (từ độ cao 2.000m trở lên là 2.238ha, ở độ cao từ 1.200 - 2.000m là 13.329ha).

Tại một số địa phương như Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, cây đảng sâm, sa nhân tím và ba kích tím bước đầu trở thành cây dược liệu có giá trị kinh tế cao và đang được mở rộng vùng trồng.

Quảng Nam hiện là 1 trong 8 vùng dược liệu lớn nhất nước, giá trị nhất là quốc bảo sâm ngọc Linh. Ảnh: PV
Quảng Nam hiện là một trong 8 vùng dược liệu lớn nhất nước, giá trị nhất là quốc bảo sâm ngọc Linh. Ảnh: PV

Từ nhiều năm nay, Quảng Nam ban hành nhiều chủ trương, chính sách để bảo tồn, khuyến khích phát triển ở khu vực có điều kiện, nhất là phát triển cây dược liệu dưới tán rừng gắn với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Năm 2018, một quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết số 39 của HĐND tỉnh bắt đầu triển khai. Trước đó, cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2016 – 2020… cũng đã mở ra vận hội để khai thác tiềm năng giá trị của dược liệu. 

Với 12 cơ sở sản xuất giống dược liệu đang hoạt động cung ứng hơn 2 triệu cây giống/năm, gồm các loại cây: sa nhân, ba kích, đảng sâm, quế, giảo cổ lam, đương quy... Những cơ sở sản xuất giống này đặt kỳ vọng tiếp tục mở rộng diện tích dược liệu dưới tán rừng, mô hình kinh tế mang tính bền vững dựa trên lợi thế rất lớn về tài nguyên rừng tại các huyện miền núi. 

 
 

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nói, chỉ tính riêng tại các phiên chợ sâm Ngọc Linh, bình quân mỗi phiên chợ người dân khai thác, bán ra khoảng 500kg dược liệu. Với 300 loại dược liệu được tìm thấy và phát triển như đảng sâm, đương quy, giảo cổ lam, lan kim tuyến, sơn tra, thất diệp nhất chi hoa, sa nhân…

Nam Trà My xem phát triển dược liệu là hướng đi mới mang tính bền vững, hiệu quả cao và hoàn toàn có thể nhân rộng cách làm ở các huyện miền núi khác.

Theo đánh giá bước đầu, các cây dược liệu hỗ trợ ở một số địa phương (sa nhân tại Bắc Trà My, đảng sâm tại Nam Trà My, ba kích tím tại Tây Giang...) sinh trưởng và phát triển tốt, một số đã cho thu hoạch và mang lại thu nhập đáng kể cho người dân miền núi. 

Sâm Ngọc Linh cùng các dược liệu dưới tán rừng. Ảnh: PV
Sâm Ngọc Linh cùng các dược liệu dưới tán rừng. Ảnh: PV

Tuy vậy, theo nhìn nhận của các chuyên gia nông nghiệp, tại Quảng Nam, việc sản xuất cây dược liệu vẫn còn nhiều bất cập, manh mún, chưa được đầu tư canh tác tốt nên năng suất thấp, có nguy cơ làm suy giảm môi trường rừng và đất dốc.

Phần lớn các loại dược liệu được bán ở dạng thô và các sản phẩm chế biến giản đơn như ngâm rượu, cao chế biến thủ công, giá trị gia tăng thấp, khó mở rộng thị trường; giá bán còn cao, khó làm nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp chế biến.

 

Hiện, các cơ sở chế biến kinh doanh dược liệu vẫn chủ yếu tập trung tại Tây Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My. Sản lượng dược liệu qua chế biến dao động khoảng 350 tấn/năm.

Theo Sở NN&PTNT, các doanh nghiệp, cơ sở tham gia chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu còn rất ít và sản phẩm chưa phong phú. Thời gian tới, tập trung thu hút các doanh nghiệp lớn và đầu tư chế biến sản phẩm từ cây dược liệu là điều được UBND tỉnh đặt ra. 

[Video] - Người dân Tây Giang trồng ba kích tím dưới tán rừng:

 

Từ phát động của Hội Đông y tỉnh, đề án “thuốc tại chỗ” và "thuốc thay thế" được ứng dụng tại nhiều trung tâm y tế cũng như các hội đông y địa phương.

Hội Đông y tỉnh phát động đề án thuốc tại chỗ và thuốc thay thế đã được các địa phương hưởng ứng. Ảnh: PV
Hội Đông y tỉnh phát động đề án thuốc tại chỗ và thuốc thay thế đã được các địa phương hưởng ứng. Ảnh: PV

Lương y Võ Ngọc Minh – Hội Đông y huyện Nông Sơn nói, nhằm khắc phục tình trạng sử dụng thuốc ngoại nhập có xu hướng chất lượng giảm, Hội Đông y huyện khuyến khích, hướng dẫn cho người dân trồng và sử dụng thuốc Nam theo quan điểm “Nam dược trị Nam nhân”. Nông Sơn đang thực hiện đề án “Thuốc tại chỗ” và “Thuốc thay thế” theo yêu cầu từ Hội Đông y tỉnh.

“Hàng năm người dân và lực lượng thầy thuốc, lương dược, các hội viên đã lên rừng khai thác thuốc Nam như sa nhân, cây sâm cau, củ gun, cà gai leo, mật nhân, hà thủ ô..., đem về cung cấp trong và ngoài tỉnh, giúp người dân cải thiện kinh tế.
Các hội viên đã cung ứng thuốc hoàn, thuốc cao, thuốc nước nấu từ thảo dược phục vụ công tác chẩn trị bệnh” - Lương y Võ Ngọc Minh nói.

Ông Nguyễn Tiến Sỹ - Phó Chủ tịch Hội đông y tỉnh: “Việc này đem lại lợi ích không chỉ cho người bệnh mà cả cho thầy thuốc. Hơn thế, nó mở ra một cách tiếp cận mới về nuôi trồng, thu hái, buôn bán dược liệu... Nhờ thế, chúng ta luôn chủ động nguồn hậu cần về thuốc y học cổ truyền có chất lượng mà giá thành lại thấp."

 

Với mạng lưới cơ sở khám chữa bệnh y học cổ truyền từ tỉnh đến xã, tỷ lệ bệnh nhân được khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền hiện nay chiếm đến gần 50%. Số người dân sử dụng cây thuốc để chữa bệnh ngày càng cao, đòi hỏi cần phải có lượng thảo dược lớn.

Bác sĩ Lê Thân – Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Nam cho rằng, sẽ quá tốt nếu nguồn dược liệu bản địa được tận dụng và khai thác, chế biến sâu phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Do vậy, việc bảo tồn và phát triển vùng dược liệu trên địa bàn tỉnh chính là việc lợi cả đôi đường.

[Video] - Người dân khám chữa bệnh bằng liệu pháp đông y ngày càng nhiều:

 
 

Để bảo tồn và phát huy tối đa giá trị của kho báu dược liệu không cách nào hiệu quả bằng việc nâng tầm ngành công nghiệp dược liệu, hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu.

UBND tỉnh đặt mục tiêu xây dựng trung tâm công nghiệp dược phát triển ở trình độ cao, đạt cấp độ 4 theo thang phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có giá trị thị trường trong tốp 3 ASEAN, góp phần bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá hợp lý.

Cùng với đó, phải phát triển dược liệu và các sản phẩm từ nguồn dược liệu thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

Các địa phương sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện vùng nguyên liệu phục vụ cho trung tâm công nghiệp dược tương lai. Đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ; xây dựng những cơ chế chính sách phù hợp nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển vùng nguyên liệu dược liệu và sâm Ngọc Linh.

[Video] - Khai thác dược liệu dưới tán rừng tạo sinh kế cho người dân:

Dự kiến, đến năm 2030 Quảng Nam quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu đạt hơn 64 nghìn ha và ban hành danh mục 30 loại cây dược liệu ưu tiên phát triển. Trên cơ sở đó, tỉnh định hướng sẽ nâng tầm ngành công nghiệp dược liệu bằng việc hình thành, hoàn thiện tổ chức các sản phẩm theo chuỗi cho 9 loài dược liệu. Hệ thống các nhà máy sơ chế, chế biến dược liệu sẽ được phát triển tại các vùng sinh thái tập trung.

Sau năm 2025, Quảng Nam cũng hình thành một nhà máy chiết xuất dược liệu. Sớm hoàn thành đầu tư và đưa vào sản xuất nhà máy sản xuất dược phẩm tại Cụm công nghiệp Đại An (Đại Lộc) với số vốn khoảng 145 tỷ đồng.

 

Theo quy hoạch dự kiến, Quảng Nam sẽ đầu tư xây dựng tại huyện Nam Trà My 1 vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia. Cạnh đó xây dựng trung tâm kiểm nghiệm, phân tích dược liệu để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển dược liệu. Từ nền tảng này sẽ dần hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu ở Quảng Nam với các sản phẩm chính như: thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, thực phẩm tiêu dùng…

Việc hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu cấp quốc gia là hết sức cần thiết và Quảng Nam hoàn toàn có thể tiên phong.

 
 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Triển vọng phát triển kinh tế dược liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO