(QNO) – Đúng 60 năm kể từ ngày diễn ra chiến dịch Vượt sông Tranh giải phóng Tiên Lãnh, Tiên Ngọc (Tiên Phước, 27.10.1961 - 27.19.2021), miền đất anh hùng này đã từng bước vượt qua gian khó, thay da đổi thịt, diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc. Vết tích những năm tháng khói lửa ấy dù đã nằm lặng dưới những tán cau hay vườn cây trái bạt ngàn… nhưng vẫn sừng sững trong những trang huyền sử, trong lời kể của các chứng nhân lịch sử đã trải qua cuộc chiến. Câu chuyện về cô Ba Sừng, ông Phùng Dương kiên trung... đã trở tấm gương cho bao thế hệ trẻ noi bước, tiếp tục phấn đấu dựng xây vùng quê Lãnh – Ngọc giàu, đẹp.
Miền đất bên dòng sông Tranh ngày nào nay đã đổi khác. Những bờ lau, sậy rậm rạp nay đã thay bằng những vườn cau xum xuê, những công trình dân sinh kiên cố. Đã 60 năm, kể từ chiến dịch Vượt sông Tranh giải phóng Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, nhiều thứ đã đổi thay, song dòng ký ức hào hùng thì vẫn chảy mãi trong lòng những người trong sự kiện đáng nhớ ấy.
Ông Phạm Hồng Thái, một chiến sĩ tham gia trong trận chiến ấy nay vẫn khỏe mạnh, chất giọng vẫn hào hùng, kiên trung. Ông Thái lập luận: Tiên Phước là huyện miền núi trung du nằm ở phía Tây của tỉnh, có nhiều đồi núi, sông suối chia cắt. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vùng đất này là vùng trung châu, tiếp giáp giữa căn cứ địa cách mạng miền núi và vùng địch ở đồng bằng. Xuất phát từ vị trí địa lý quan trọng của huyện Tiên Phước nói chung và hai xã Tiên Lãnh – Tiên Ngọc nói riêng mà khi xây dựng căn cứ địa tại Nước Là và Nước Oa, Liên khu ủy 5 rất chú trọng đến việc mở rộng khu căn cứ về địa bàn này.
Lịch sử Đảng bộ huyện Tiên Phước còn ghi: để thực hiện đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, lực lượng vũ trang tỉnh từng bước được khôi phục và phát triển. Đến cuối năm 1961, các Đại đội bộ binh H21, H20, H36 lần lượt ra đời, đủ điều kiện độc lập tác chiến, mở rộng căn cứ miền núi, tạo bàn đạp tiến xuống đồng bằng. Thực hiện chủ trương của Khu ủy, Tỉnh ủy, Tỉnh đội Quảng Nam đã chọn hai xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc - nơi có ưu thế về địa hình, nhân dân ở đây bị kìm kẹp, tha thiết mong muốn được cách mạng về giải phóng; qua đó, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, làm nơi đứng chân lâu dài.
Ngày 27.10, Đại đội H21 làm lễ xuất quân tại Nước Oa (huyện Trà My) với quyết tâm vượt sông Tranh giải phóng Lãnh - Ngọc. Ngay khi áp sát bờ tây sông Tranh, Đại đội H21 phối hợp với Đội công tác Tiên Lãnh tổ chức ngay đội hình chiến đấu, giao nhiệm vụ cho từng trung đội, triển khai phương án vượt sông.
Ngày 29.10, tại bến đò Nà Ráy - khu vườn Du, 5 chiếc thuyền dưới sự chỉ huy của cô Ba Sừng (tức bà Trịnh Thị Kim Lan) xuất kích ngay trong đêm mưa. Dẫu mưa lớn, nước sông chảy xiết nhưng với nỗ lực, quyết tâm của nhân dân Lãnh – Ngọc, Trung đội 45 của ta đã nhanh chóng sang sông an toàn, bí mật. Ngay sau đó, Trung đội 45 nhận nhiệm vụ chia thành 2 mũi tiến công, hình thành thế bao vây, áp đảo quân địch; đồng thời yểm trợ cho Trung đội 39 và 17 tiếp tục vượt sông.
Trước thế bao vây, áp đảo của lực lượng ta, Trung đội Tổng đoàn dân vệ đã nhanh chóng rơi vào thế bị động, cô lập, binh lính địch hoảng loạn, bỏ chạy về các thôn 8, 9 Tiên Lãnh thoát thân. Thừa thắng, lực lượng cách mạng triển khai phương án tác chiến mới, tổ chức truy kích địch lên hướng thôn 8, thôn 9, đánh thẳng vào hội đồng tề ở các thôn.
Đến ngày 31.10.1961 lực lượng cách mạng đã tiêu diệt, làm tan rã hoàn toàn quân địch ở xã Tiên Lãnh; lực lượng tổng đoàn của địch đã phải rút chạy về Trụ sở hội đồng thôn 2, Tiên Ngọc và Tiên Lãnh được hoàn toàn giải phóng.
Trong khí thế chiến thắng, ngày 2.11.1961, lực lượng của ta đã chia thành 2 mũi tiến công xã Tiên Ngọc, bọn địch ở đây hoảng loạn bỏ trụ sở hội đồng tháo chạy về Quận lỵ Tiên Phước, Tiên Ngọc được hoàn toàn giải phóng.
Để chống địch phản kích, bảo vệ thành quả cách mạng, các đoàn thể cách mạng được hình thành, nhân dân nhanh chóng cuộc sống mới; đồng thời, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan của Tỉnh ủy, Huyện ủy và các đơn vị vũ trang đứng chân hoạt động. Các đơn vị du kích của 2 xã được thành lập, thường xuyên luyện tập, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bộ đội chủ lực trực chiến ngày đêm, sẵn sàng đánh bại các cuộc hành quân phản kích với quy mô lớn của địch, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng.
Trung tướng Trịnh Đình Thạch - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 5 nhận định: “Vượt sông Tranh, giải phóng Tiên Lãnh, Tiên Ngọc không chỉ đơn thuần là vượt qua một dòng sông để đánh địch, giải phóng vùng địch chiếm đóng, nó còn mang ý nghĩa sâu sắc hơn là khẳng định sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang Quảng Nam, đã đủ thế và lực để tự lực tổ chức tiến công vào vùng địch tạm chiếm, tiêu diệt mắc xích yếu nhất trong hệ thống phòng ngự của địch.
Chiến dịch thắng lợi là minh chứng sinh động cho sự đúng đắn, phù hợp của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (mở rộng), đánh dấu kết thúc thời kỳ địch liên tục mở rộng địa bàn chiếm đóng về phía tây, mở ra thời kỳ mới, ta liên tục tiến công, mở rộng căn cứ, đưa căn cứ tiến dần xuống đồng bằng, đô thị, phù hợp với xu hướng phát triển của cuộc chiến tranh giải phóng, toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính.
Do vậy, chỉ giải phóng 2 xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc nhưng sự kiện lịch sử này có ý nghĩa to lớn trong việc cổ vũ, động viên, hiệu triệu nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và cả Quân khu 5 xông lên đồng khởi, diệt ác, phá kèm”.
Những ngày giữa tháng 10.2021, chúng tôi cùng tìm về Tiên Lãnh, gặp lại cô Ba Sừng - người đã chỉ huy tổ công tác nữ dùng thuyền đưa bộ đội vượt sông an toàn, đưa chiến dịch đi đến thắng lợi. Cô Ba Sừng - cái tên nghe gan góc như chính người phụ nữ chèo đò đưa bộ đội vượt sông giữa đêm mưa. Cô tên thật là Trịnh Thị Kim Lan (SN 1942), sinh ra và lớn lên trên vùng quê Tiên Lãnh (Tiên Phước). Chứng kiến quê hương bị địch càn quét tàn phá, người phụ nữ này quyết tâm tham gia cách mạng.
Cô Ba Sừng kể: Ngày 28.10.1961, bà nhận nhiệm vụ về sống trong lòng địch, nắm tình hình địch để báo cho cách mạng. Sáng ngày 29.10.1961, bà nhận tin báo phải đưa bộ đội vượt sông Tranh trong đêm để đánh vào đồn địch. Thời điểm đó, dù không có đò nhưng bà lén đi lấy 5 chiếc đò của người dân. Lén, là bởi không liên lụy đến người dân có đò nếu bị địch phát hiện.
Giải phóng Lãnh - Ngọc không chỉ thu được những thắng lợi về quân sự mà còn là những kinh nghiệm quý báu trong giai đoạn “đồng khởi”. Đó là vận dụng đường lối chiến tranh nhân dân với phương châm “hai chân ba mũi giáp công đánh địch”. Tiên Lãnh - Tiên Ngọc cũng trở thành vùng hậu cứ vững chắc, vùng “đất thánh” của cách mạng Khu V, của Tỉnh ủy, tạo điều kiện để ta tiếp cận và mở rộng vùng giải phóng; đem lại những thuận lợi mới cho cách mạng, tạo hành lang xuyên suốt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong kháng chiến, người dân Lãnh – Ngọc anh dũng đi đầu, còn trong thời kì xây dựng quê hương giàu đẹp, những Đảng viên cơ sở lại chính là những hạt nhân tiên phong, hăng hái trong các phong trào.
Vùng đất Tiên Ngọc ngày nay dần thay da đổi thịt từ những nghị quyết đúng đắn của Đảng bộ xã và sự vào cuộc của các chi bộ thôn. Cách đây vài năm, xã Tiên Ngọc còn là xã đặc biệt khó khăn, được hỗ trợ từ Chương trình 135 của Chính phủ. Xuất phát điểm thấp, đối diện vô vàn khó khăn nhưng Đảng bộ và nhân dân xã Tiên Ngọc đã đồng lòng, cùng vào cuộc đồng bộ, quyết tâm xây dựng quê hương.
Trong đó, phải kể đến phong trào “Đảng viên đi trước, người dân noi gương tiếp bước theo sau” ở thôn 3. Ở đó, chàng thanh niên ưu tú Lê Minh Tiến đã tự lực vươn lên trên chính mảnh đất cằn cỗi của gia đình. Mô hình trồng trồng quýt đường và bưởi rộng 0,5ha của anh nay đã qua mùa thu hoạch thứ hai, kinh tế gia đình dần khấm khá.
Đảng ủy xã Tiên Ngọc đã xây dựng một nghị quyết về phát triển kinh tế, chú trọng và kinh tế vườn, trang trại, phân công từng đảng ủy viên phụ trách các chi bộ, từng hội, đoàn thể nhận trách nhiệm giúp đỡ các hộ dân phát triển kinh tế.
Ông Lê Phước Tình - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tiên Ngọc cho biết, để thực hiện nghị quyết của Đảng ủy, kế hoạch "Dân vận kéo" phân công cụ thể từng hội, đoàn thể phụ trách từng mô hình. Mỗi hội, đoàn thể phụ trách từ 10 - 15 hộ gia đình, bám sát, vận động hội viên tham gia vào mô hình một cách hiệu quả, không được hình thức. Các đồng chí đảng ủy viên phụ trách theo dõi sát sao, đánh giá từng tháng, từng quý, kịp thời phát hiện cách làm hay để nhân rộng.
Nông thôn mới ở Tiên Ngọc khởi sắc:
Tiên Ngọc từng ngày đổi thay, còn Tiên Lãnh cũng đang tự tin cán đích xây dựng nông thôn mới.
Về tới Tiên Lãnh, thật khó rời mắt những vườn cau ngút ngàn. Có những vườn cau đã đi cùng năm tháng, trải qua cùng sự thăng trầm cùng quê hương. Như vườn cau hơn 1.000 cây đã qua 40 năm tuổi của ông Nguyễn Đình Tiên (thôn 2, xã Tiên Lãnh) vẫn đang ra quả, cho năng suất rất cao. Cây cau nào quá tuổi ngã xuống, ông Tiên thay ngay cau mới. Dù nhiều bận giá cau thăng trầm, ông vẫn thủy chung giữ lại vườn cau, để rồi không phải thất vọng khi mỗi mùa cau lại thu về vài trăm triệu đồng.
Thôn 2, xã Tiên Lãnh được chọn là thôn nông thôn mới kiểu mẫu của xã vì nhiều lý do, như lời Trưởng thôn Võ Hồng Ánh thì người dân ở đây rất đồng lòng, đoàn kết. Khi xã làm đường bê tông, chỉnh trang cổng ngõ, đường làng ngõ xóm, người dân góp công góp của, hiến đất hiến cây. Xã kêu gọi phát triển kinh tế, hơn 100 hộ dân liền hưởng ứng chỉnh trang vườn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tiên Lãnh phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2022:
Chính sự đồng lòng của nhân dân là điều kiện quan trọng giúp Tiên Lãnh tự tin về đích NTM năm 2022. Đến nay xã đã đạt 15/19 tiêu chí về xây dựng NTM. Đường bê tông trục xã, liên xã hơn 9km, hơn 6,6km đường trục thôn và 12km ngõ xóm, đạt trên 80%. Nhiều công trình thủy lợi lớn, nhỏ được đầu tư đã nâng diện tích được tưới đạt 80%. Các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư khang trang hơn. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,6 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,92%.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Phùng Văn Huy đánh quá về quá trình xây dựng nông thôn mới của 2 xã Tiên Lãnh và Tiên Ngọc:
Lãnh – Ngọc ngày càng giàu đẹp thì những thế hệ trẻ càng khắc sâu công ơn những người đã quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trước thềm lễ kỷ niệm 60 năm chiến dịch Vượt sông Tranh, giải phóng Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước đã tổ chức một cuộc gặp mặt, tri ân nhân chứng và gia đình người dân, các chiến sĩ từng tham gia chiến dịch.
Ông Phùng Văn Huy – Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước khẳng định rằng chiến dịch có sự góp công vô cùng lớn của tất cả mọi lực lượng, từ chiến sĩ cách mạng đến những người dân đã đồng lòng đưa bộ đội vượt sông Tranh trong đêm mưa gió. Chính vì thế, đối với các chứng nhân lịch sử và thân nhân, huyện Tiên Phước luôn trân trọng và ghi nhớ công ơn. Cuộc gặp mặt là dịp để những thế hệ trẻ được nghe, được biết, được hiểu những khó khăn trong cuộc chiến, những hy sinh của biết bao lớp người và cả những chiến công lừng lẫy của vùng quê Lãnh – Ngọc. Và cũng là sự tri ân đặc biệt đối với những chứng nhân lịch sử.
Với lớp bạn trẻ, hình ảnh cô Ba Sừng kiên trung, anh dũng, cũng như những người lái đò năm xưa đã trở thành biểu tượng cho sự quả cảm. Thời thanh niên xuân sắc, họ đã làm nên kỳ tích cùng quê hương. Hình ảnh cô Ba Sừng ở cái tuổi thanh niên trở thành hình tượng xung kích của tuổi trẻ.
Anh Nguyễn Ngọc Hà - Phó Bí thư phụ trách Huyện đoàn Tiên Phước cho biết: "Với thanh niên Tiên Phước, hình ảnh cô Ba Sừng - người con gái chèo đò đưa bộ đội sang sông là biểu tượng của tinh thần xung kích của tuổi trẻ, đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên. Thế hệ trẻ hôm nay xin được ghi nhớ công lao của cô Ba Sừng cùng những người chèo đò năm đó. Nhờ những tấm lòng quả cảm ấy mà bộ đội sang sông an toàn, làm nên chiến thắng oai hùng, làm tiền đề giải phóng quê hương. Được nghe cô Ba Sừng kể chuyện năm xưa, chúng tôi cảm thấy tự hào về truyền thống quê hương, tự hào được là người con đang sinh sống trên mảnh đất này. Từ đó tuổi trẻ phải càng ý thức hơn nữa việc sống đẹp, sống xứng đáng với sự hy sinh của bao lớp cha ông đã đi trước, để chúng ta có được cuộc sống hôm nay".
Quang cảnh buổi lễ gặp mặt tri ân nhân kỷ niệm 60 năm chiến dịch Vượt sông Tranh giải phóng 2 xã Tiên Lãnh - Tiên Ngọc:
Dịp trước thềm lễ kỷ niệm 60 năm chiến dịch Vượt sông Tranh, giải phóng Tiên Lãnh, Tiên Ngọc (27.10.1961 - 27.10.2021), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Huyện ủy Tiên Phước phối hợp tổ chức hội thảo khoa học về vai trò, ý nghĩa của chiến dịch. Một trong những nội dung trọng tâm, nhận được nhiều ý kiến tham luận nhất chính là khoảng không gian, mốc thời gian diễn ra chiến dịch. Vì chiến dịch diễn ra bất ngờ, bí mật trong khi đó nhiều dữ kiện lịch sử lại có sự khác nhau về các mốc thời gian cụ thể.
Kết luận hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Lan khẳng định, trên cơ sở ý kiến phân tích của đại biểu và các căn cứ đã được nêu ra, còn nhiều nội dung cần tiếp tục nghiên cứu về khoảng không gian, mốc thời gian diễn ra chiến dịch. Trong khi chờ minh định, sẽ tạm ghi khoảng thời gian diễn ra chiến dịch từ ngày 27.10.1961 đến ngày 2.11.1961. Trong thời gian tới, Tỉnh ủy, các đơn vị, ngành liên quan sẽ tiếp tục phối hợp với Huyện ủy Tiên Phước, các nhân chứng lịch sử để tiếp tục làm rõ, hoàn thiện lịch sử Đảng bộ huyện Tiên Phước.
Tri ân người có công trong chiến dịch, làm rõ những dữ kiện lịch sử, khảo sát vị trí diễn ra chiến dịch để đặt bia tưởng niệm… là rất nhiều những phần việc mà Huyện ủy Tiên Phước đặt mục tiêu hoàn thành trong đợt kỉ niệm 60 năm chiến dịch Vượt sông Tranh, giải phóng Lãnh – Ngọc. Dẫu có những phần việc sẽ mất rất nhiều thời để thực hiện, nhưng Đảng bộ, chính quyền địa phương này sẽ quyết tâm thực hiện, để tri ân sâu sắc đối với những người đã cống hiến, quên mình trong chiến dịch lịch sử.
Buổi hội thảo nhận được 18 tham luận của các nhà nghiên cứu, nhân chứng lịch sử về chiến dịch Vượt sông Tranh, giải phóng Lãnh – Ngọc:
***
Dịp kỷ niệm 60 năm sự kiện Vượt sông Tranh diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp song hết sức ấm áp. Lớp trẻ ân cần, xúc động trước những nhân chứng sống động ngay chính quê hương mình như cô Ba Sừng, ông Phùng Dương... Và hơn hết, là được nghe báo cáo của lãnh đạo của huyện nhà về những thay đổi tích cực của quê hương Lãnh – Ngọc.
60 đã đi qua, dòng sông Tranh vẫn chảy, đời người vẫn trôi nhưng những dấu ấn lịch sử chói lọi vẫn còn đó, chảy mãi trong lòng thế hệ mai sau.