(QNO) – Quảng Nam xác định mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước. Theo đó, hàng loạt quy hoạch chiến lược đã và đang được chính quyền tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện, với quan điểm xuyên suốt mà theo Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: “Phải định vị được tầm vóc và vị thế quan trọng của Quảng Nam trên bản đồ Việt Nam”.
PV: Mục tiêu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh khá trong cả nước vào năm 2030 được đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII. Và ngay trong năm 2021, UBND tỉnh đã khởi động triển khai hàng loạt quy hoạch chiến lược. Thưa Chủ tịch UBND tỉnh, tầm nhìn chung trong các đồ án quy hoạch sắp tới là gì?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã nêu cụ thể những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho giai đoạn phát triển mới. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện, điều quan trọng hàng đầu là công tác lập quy hoạch. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 trên cơ sở tích hợp tất cả các quy hoạch ngành kinh tế - xã hội và không gian tỉnh Quảng Nam vào một quy hoạch thống nhất theo quy định của Luật Quy hoạch 2017.Quan điểm của chúng tôi đưa ra đối với đơn vị tư vấn, đó là phải lấy quy hoạch không gian làm nền tảng để dựng lên quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quá trình lập quy hoạch phải đảm bảo 4 yếu tố: ĐỘT PHÁ - KHÁC BIỆT - TOÀN DIỆN - BỀN VỮNG.
Trong đó, “đột phá” được hiểu là tư duy, tầm nhìn mới, phù hợp với xu thế thời đại, không theo tuần tự, lối mòn cũ; “khác biệt” là phải đưa ra những ý tưởng, đề xuất riêng có cho Quảng Nam dựa trên tiềm năng, lợi thế so sánh động của tỉnh; “toàn diện” là phải nghiên cứu lập quy hoạch trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; “bền vững” là những nội dung lập quy hoạch phải định hướng cho sự phát triển hài hòa, hợp lý về kinh tế - xã hội và môi trường.
Đây là lần đầu tiên nước ta thực hiện quy hoạch tích hợp, do đó chúng ta không cầu toàn, vừa làm vừa đánh giá, rút kinh nghiệm. Điều quan trọng là phải có quan điểm rõ ràng, nhất quán trong quá trình lập quy hoạch trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý, phản biện đa chiều, nhất là từ những đối tượng sẽ là những chủ thể thực hiện quy hoạch sau này. Theo tiến độ, quy hoạch tỉnh sẽ trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2022.
[CLIP] - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói về các quy hoạch chiến lược:
Bên cạnh quy hoạch tỉnh, Quảng Nam đã và đang tích cực triển khai nhiều quy hoạch quan trọng khác như quy hoạch vùng liên huyện phía Đông bao gồm 9 huyện, thị xã, thành phố đồng bằng; quy hoạch vùng huyện được lập cho tất cả các địa phương không phải là đô thị; các điều chỉnh quy hoạch chung đô thị được triển khai khẩn trương, trong đó quy hoạch điều chỉnh đô thị Điện Bàn được phê duyệt trong tháng 1.2022 thay thế cho 3 đồ án quy hoạch phát triển đô thị Điện Bàn hiện nay; điều chỉnh quy hoạch chung TP.Hội An đang được tổ chức tư vấn nước ngoài lập quy hoạch sau thời gian kéo dài nhiều năm, dự kiến cuối năm 2022 sẽ hoàn thành; các quy hoạch phân khu phía Đông TP.Tam Kỳ đã được phê duyệt để triển khai đầu tư.
Các quy hoạch kiến trúc - cảnh quan một số trục chiến lược đã được xác định và quản lý ngay từ sớm và là những quy hoạch mà tỉnh Quảng Nam lần đầu thực hiện như quy hoạch cảnh quan sông Cổ Cò và ven biển Điện Bàn - Hội An; quy hoạch các sông Trường Giang, Thu Bồn; quy hoạch đường Võ Chí Công…PV: Hình dung đôi nét về không gian phát triển Quảng Nam trong tương lai, theo các đồ án quy hoạch, thưa Chủ tịch UBND tỉnh?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Với các đặc điểm tự nhiên và xã hội của tỉnh Quảng Nam, trong mối quan hệ phát triển vùng với các địa phương bạn, chúng ta cần thống nhất về quan điểm lập quy hoạch theo tư duy hiện đại, đó là lập quy hoạch phải mang tính liên kết, cộng sinh cùng phát triển, không cát cứ theo ranh giới hành chính và thống nhất quản lý quy hoạch từ đầu nguồn xuống biển. Về không gian phát triển tỉnh Quảng Nam được chia làm 2 vùng rõ rệt là vùng Đông và vùng Tây.
Vùng Đông được dựa trên các đô thị (hiểu theo nghĩa rộng là không gian phát triển tổng hợp) có tính tập trung và đặc thù cao, trong đó, Điện Bàn - Đại Lộc gắn bó mật thiết với sự phát triển của TP.Đà Nẵng, chú trọng kết nối và lan tỏa trong quy hoạch không gian của Đà Nẵng; Hội An sẽ là đô thị di sản chú trọng cho gìn giữ và bảo tồn, chỉ phát triển ở mức hợp lý và đi vào chiều sâu; các đô thị ven quốc lộ 1 sẽ được điều chỉnh, bổ sung quy hoạch để hình thành nên các đô thị liên kết chuỗi với cự ly bình quân 15 - 20km/đô thị; đô thị Duy Xuyên - Nông Sơn sẽ trải dọc theo bờ sông Thu Bồn, chịu tác động mạnh từ sự phát triển của Hội An - Điện Bàn - Đại Lộc; đô thị Thăng Bình - Quế Sơn sẽ kết nối không gian phát triển của các địa phương lân cận; đô thị Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh sẽ là trung tâm phía Nam theo một quy hoạch thống nhất, định hướng trở thành đô thị loại 1 thuộc tỉnh.
Đặc biệt là sự hình thành mới của chuỗi đô thị sông - biển với chức năng là các đô thị du lịch; các đô thị công nghiệp được hình thành trên nền tảng các khu công nghiệp sinh thái và các đô thị dịch vụ được hình thành từ mô hình đô thị sân bay, đô thị cảng biển, đô thị giáo dục. Đây cũng là những nội dung mới.
Đối với vùng Tây, sẽ phát triển theo hướng phân tán, thích ứng với tự nhiên, không để quá trình đô thị hóa làm mất đi sự cân bằng. Theo đó, trừ thị trấn Khâm Đức có khả năng phát triển thành một đô thị loại 3 trong tương lai, các đô thị còn lại chỉ phát triển đến tiêu chuẩn của đô thị loại 4, loại 5; ưu tiên phát triển các trung tâm xã và các điểm dân cư mới trong quá trình sắp xếp dân cư giai đoạn đến năm 2030.Có 3 trục phát triển rõ rệt: trục phía Bắc bao gồm Đông Giang - Nam Giang – Tây Giang được phát triển theo sự phát triển của thành phố Đà Nẵng gắn với Tây Nguyên và nhánh 2 kết nối qua Lào – Thái Lan, điều này rất khả thi vì Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang đã được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế, giao thông phía bạn từ Thái Lan đến cửa khẩu cơ bản đã xong; trục giữa bao gồm vùng Tây Thăng Bình - Quế Sơn - Hiệp Đức - Phước Sơn sẽ là các đô thị phát triển mạnh khi quốc lộ 14E - 14D được nâng cấp, bắt đầu từ năm 2023, khai thác lợi thế của nhánh 1 hành lang Đông - Tây; trục phía Nam bao gồm Tiên Phước - Bắc Trà My - Nam Trà My sẽ phát triển thuận lợi khi Khu kinh tế mở Chu Lai phát triển mạnh. Điểm nghẽn lớn nhất của vùng Tây chính là các trục đường quốc lộ kết nối xuống vùng Đông, đây là việc chúng ta phải tích cực làm trong những năm đến.
Với chiều dài 18km, không gian ven sông Cổ Cò được quy hoạch thành chuỗi công viên văn hóa - lịch sử - sinh thái Quảng Nam; phát triển các khu phức hợp, khu sân golf, các khu công viên, khu du lịch sinh thái ven sông, đan xen các khu ở mới, khu tái định cư, khu đô thị... Tuyến sông Cổ Cò từ thị xã Điện Bàn đến TP.Hội An, quy mô diện tích 2.768ha, quy hoạch thành khu du lịch, dịch vụ và dân cư hỗn hợp vùng Bắc Quảng Nam. Tuyến ven biển phát triển các khu du lịch dịch vụ biển cao cấp, trung tâm hỗn hợp, các làng chài và các bãi tắm, quảng trường và các công ven biển...
PV: Quảng Nam sẽ làm gì để khai thác được thế mạnh của từng vùng theo định hướng quy hoạch?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Thế mạnh của từng vùng đã được xác định rõ trong quá trình lập và phê duyệt các quy hoạch. Tỉnh ủy đã thông qua 6 nhóm dự án trọng điểm phát triển vùng Đông và 5 nhóm dự án trọng điểm phát triển vùng Tây trên cơ sở rà soát, đánh giá lại các nhóm dự án trọng điểm đã được thực hiện ở giai đoạn trước. Các nhóm dự án này mang tầm chiến lược cao cho sự phát triển dài hạn của tỉnh Quảng Nam, tất nhiên sẽ tiếp tục được điều chỉnh, bổ sung theo từng giai đoạn.
Để thực hiện được các nhóm dự án trọng điểm đó và khai thác thế mạnh của từng vùng, trên cơ sở quy hoạch của từng địa phương, quy hoạch vùng, liên vùng, cấp ủy, chính quyền các cấp phải tích cực, chủ động nhiều hơn nữa trong quá trình tổ chức thực hiện, nhất là phải có khát vọng và dám nghĩ, dám làm nhiều hơn để đột phá huy động nguồn lực xã hội vào đầu tư phát triển, không trông chờ ngân sách cấp phát, không trông chờ vào sự phát triển tự nhiên, không đầu tư dàn trải, manh mún, chất lượng thấp. Vai trò của người đứng đầu là có tính quyết định nhất, phải thực sự gương mẫu và dấn thân, xây dựng khối đoàn kết và có tinh thần cầu thị cao.
Ngoài ra, các địa phương trong từng nhóm vùng có mối quan hệ phát triển cần chủ động cùng nhau thảo luận tìm giải pháp để liên kết hợp tác, không để tư duy nhiệm kỳ, tư duy phân vùng hành chính chi phối.
{CLIP ĐẮC THÀNH} Vùng Đông được xác định là vùng động lực phát triển năng động của tỉnh:
Đối với Quảng Nam, tôi nghĩ thiên thời - địa lợi - nhân hòa đều đủ cả; phát triển hay không chỉ là ta có thắng ta hay không mà thôi. Quảng Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 phải lọt vào nhóm 10 địa phương dẫn đầu phát triển toàn diện của cả nước, phải khẳng định được tầm vóc và vị thế quan trọng của Quảng Nam trên bản đồ quốc gia và khu vực.
PV: Xin cảm ơn ông.