(QNO) - Mối nguy tiềm ẩn từ sạt lở đất chưa bao giờ dứt, nhất là ở các huyện miền núi khi rục rịch bước vào mùa mưa. Liên tiếp các trận lở đất xảy ra tại các tỉnh thành trong cả nước gần đây, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối nguy từ “họa núi đè”. Thực trạng đó đặt ra yêu cầu bức thiết phải triển khai phòng ngừa thiên tai một cách chủ động, có giải pháp căn cơ, lâu dài.
Mùa mưa bão năm nay đang đến gần. Miền núi lại canh cánh nỗi lo trước nạn lở đất và lũ quét. Lo trước mùa mưa, với miền núi bây giờ không khác một cuộc sinh tồn trước ẩn họa thiên nhiên.
Nỗi lo cũ
Gần 3 năm, kể từ sau vụ lũ quét kèm lở đất xảy ra tại Trà Leng (Nam Trà My). Dù cuộc sống người dân bây giờ đã yên ổn ở vùng đất mới, nhưng nỗi ám ảnh vẫn hiện rõ trên gương mặt của cư dân Bằng La (xã Trà Leng) mỗi khi có người nhắc đến. Già Hồ Văn Đề, người từng nhận được sự thương cảm khi một lúc mất đi 7 thành viên trong gia đình trong vụ sạt lở nói, cho đến bây giờ, gần như ông không thể ngủ sâu giấc mỗi khi có các trận mưa lớn.
Thời điểm người dân thôn 1 và thôn 2 (xã Trà Leng) - nay là khu dân cư Bằng La gặp nạn, chúng tôi có mặt và chứng kiến ở đó một cuộc đau thương chưa từng thấy. Không ai có thể nhận ra nơi hiện trường đổ nát khi ấy là không gian làng cũ của cộng đồng. Giữa màn mưa trắng xóa, Trà Leng như chìm trong màu tang phủ kín non ngàn. Và cho đến bây giờ, nhiều thi thể mất tích vẫn chưa được tìm thấy…
Vài năm trở lại đây, miền núi Quảng Nam hứng chịu rất nhiều trận lở đất, vùi lấp nhà cửa và cướp đi sinh mạng của hàng chục người. Thiên tai liên tiếp xảy ra, có lúc tưởng chừng ở núi không còn nơi nào là an toàn. Từ Trà Vân, Trà Leng (Nam Trà My) cho đến Phước Thành, Phước Lộc (Phước Sơn) và nhiều vùng núi khác, những trận lở đất kèm theo lũ quét xuất hiện liên tục khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các chuyên gia dự báo, nguy cơ sạt lở vẫn ở mức cao trên toàn tuyến miền núi. Vì thế, nỗi lo “họa núi đè” vẫn thường trực trong cộng đồng, đặc biệt tại các khu vực dân cư có nguy cơ sạt lở cao như Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My…
Tại Quảng Nam, lượng mưa trung bình hằng năm khoảng 2.000 - 2.500mm. Vị trí địa lý, điều kiện địa hình phức tạp cùng những thay đổi khó lường của thời tiết dưới tác động của biến đổi khí hậu khiến miền núi tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12, với lượng mưa chiếm khoảng 70 - 75% lượng mưa trung bình cả năm nên thường gây ra lũ lụt. Do nhiều tác động khác nhau, khi có mưa lũ, tình hình sạt lở núi ngày càng có diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.
Điển hình, năm 2017, Quảng Nam xảy ra 12 vụ sạt lở đất, làm 29 người chết và nhiều tài sản bị vùi lấp, hư hại; năm 2020 xảy ra 5 vụ sạt lở đất làm chết 30 người, mất tích 17 người, chủ yếu ở các huyện Phước Sơn, Nam Trà My và Bắc Trà My.
Chủ động ứng phó
Từ thực trạng thiên tai những năm gần đây, các địa phương miền núi đã chủ động tìm giải pháp ứng phó, hạn chế rủi ro cũng như hậu quả nghiêm trọng do mưa lũ và sạt lở đất. Trong đó, tập trung rà soát các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, góp phần xây dựng bản đồ cảnh báo; đồng thời điều chỉnh quy hoạch sắp xếp, bố trí dân cư gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện, địa hình của từng địa phương.
Tại một vùng có nguy cơ thiên tai đe dọa, việc tổ chức di dời, sắp xếp dân cư cũng được chú trọng. Nhiều khu vực tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm tự động giúp khả tăng dự báo được chính xác và hiệu quả.
Theo ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, để ứng phó thiên tai, trước hết cần dựa trên tri thức của người bản địa trong việc chọn vị trí xây dựng không gian sống cộng đồng. Trong đó, vừa đảm bảo việc tránh lũ và sạt lở đất, vừa tránh vị trí cộng hưởng đồng thời tạo ra lũ bùn, đất đá. Thông qua các giải pháp công trình, việc xây dựng nhà cộng đồng cần lưu ý chọn vị trí phù hợp, đảm bảo việc di dời khi xảy ra mưa lũ.
Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, đề tài nghiên cứu cấp tỉnh dành cho 3 huyện miền núi cao Nam Trà My, Bắc Trà My và Phước Sơn thời gian qua đã cơ bản nhận diện được các vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở. Đó là cơ sở cho các địa phương tiến hành sắp xếp dân cư.
“Trong đề tài này, có công cụ dự báo, cảnh báo nhưng chúng tôi xét thấy chưa phù hợp, chi phí cho thiết bị ứng dụng cao và chỉ sử dụng được một lần (do chôn vào lòng đất và sẽ mất khi xảy ra sạt lở). Chúng tôi đã đề xuất các cơ quan nghiên cứu ngưỡng mưa ứng với địa chất, thảm thực vật cụ thể ở từng khu vực để dự báo, cảnh báo người dân, nhưng cơ quan nghiên cứu chưa đáp ứng được yêu cầu này.
Đây có lẽ là giải pháp hiệu quả và kinh tế, phù hợp thực tiễn, ví dụ gắn loa cảnh báo tại trạm đo mưa, ứng với lượng mưa cụ thể sẽ tự động phát đi thông báo để có giải pháp ứng phó” - ông Trương Xuân Tý nói.
Theo ông Trương Xuân Tý, vừa qua, UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ KH-CN xem xét, triển khai đề tài “Xây dựng bản đồ nguy cơ tai biến trượt lở - lũ quét tỷ lệ lớn (1/10.000 cấp huyện và 1/1.000 tại một số xã trọng điểm) và hệ thống đa phương tiện cung cấp thông tin khí hậu tiểu vùng và phục vụ cảnh báo sớm 1 ngày tai biến trượt lở - lũ quét tại vùng núi tỉnh Quảng Nam”.
Nội dung chủ yếu của đề tài này là xây dựng thuyết minh và tổng thuật tài liệu; thu thập và chuẩn hóa tài liệu, số liệu, bản đồ nền, ảnh vệ tinh, dữ liệu từ UAV và GNSS; khảo sát thực địa; nghiên cứu khả năng hòa mạng quốc tế để liên kết hệ thống thông tin quan trắc với trung tâm cảnh báo khí tượng toàn cầu. Nếu đề tài này được thực hiện và áp dụng vào thực tiễn, sẽ nâng cao tính ứng dụng, tạo được sự chủ động ở cấp cao hơn trong việc xây dựng kịch bản ứng phó thiên tai cho từng xã.
Bằng cuộc di dân - gắn câu chuyện bố trí, sắp xếp và ổn định dân cư với phòng chống thiên tai, nhiều địa phương miền núi Quảng Nam dần định hình giải pháp ngăn ngừa thảm họa mang tính bền vững.
Kinh nghiệm từ Tây Giang
Tây Giang được biết đến như một điển hình trong sắp xếp, bố trí dân cư miền núi. Mở đường cho việc tạo dựng không gian sống tập trung gắn với đất sản xuất và hỗ trợ sinh kế, những bản làng người Cơ Tu cheo leo sườn núi được di dời về mặt bằng mới, đảm bảo các điều kiện sống "tốt hơn nơi ở cũ".
Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nói, đến thời điểm này, địa phương đã triển khai 116 điểm khu dân cư mới tại 63 thôn, đáp ứng nhu cầu ổn định nơi ở cho 4.690 hộ/19.000 nhân khẩu. Với tổng diện tích sắp xếp hơn 370ha, nguồn lực đầu tư lên đến hơn 1.500 tỷ đồng.
Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bhling Mia cho biết, những lo ngại thời gian đầu triển khai sắp xếp dân cư miền núi đã được loại bỏ sau nhiều năm liên tiếp địa phương “chống đòn” thiên tai một cách kỳ diệu. Bởi không chỉ phát huy hiệu quả dựng không gian sống an toàn cho cộng đồng, các khu tái định cư tại Tây Giang còn “tránh” được thảm họa thiên tai, nhất là lũ quét và sạt lở đất thời gian qua.An cư trước “thảm họa”
Báo cáo tại phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo về xây dựng và phát triển vùng Tây Quảng Nam mới đây, ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, từ năm 2021 - 2023, Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh đã bố trí 210 tỷ đồng triển khai nhóm dự án sắp xếp dân cư, ổn định chỗ ở phòng tránh thiên tai và biến đổi khí hậu. Từ dự án này, đến nay, có 1.648 hộ dân được di dời chỗ ở, chủ yếu là Nam Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Bắc Trà My..., góp phần chủ động và hạn chế các rủi ro do thiên tai gây ra.
Theo ông Thử, các nguồn lực đầu tư của tỉnh cho mục tiêu sắp xếp dân cư miền núi đều gắn với nhiệm vụ phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu. Đây được xem là chủ trương lớn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an cư cho đồng bào miền núi trước thảm họa thiên tai, nhất là sạt lở đất thường xuyên xảy ra những năm gần đây.
Chọn ưu tiên sắp xếp dân cư theo hướng xen ghép chỉnh trang tại chỗ, thời gian qua, Nam Trà My được xem là địa phương có cách làm sáng tạo trong việc hỗ trợ người dân ổn định chỗ ở an toàn. Cách làm mới này, sau khi được áp dụng, ngay lập tức nhận được sự đồng thuận của người dân và chính quyền cơ sở, xem đó như một hướng đi mới trong công tác phòng ngừa và ứng phó trước thiên tai, bão lũ.
Như một điểm sáng trong công tác sắp xếp dân cư ở địa phương, thời gian qua, xã Trà Cang (Nam Trà My) nỗ lực hoàn thành mục tiêu “xóa nhà tạm” gắn với phòng chống thiên tai cho cộng đồng Xê Đăng. Ông Ngô Tấn Lạc - Chủ tịch UBND xã Trà Cang cho biết, từ nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh, mới đây, địa phương chọn triển khai sắp xếp dân cư tại làng Tăk Răng (thôn 2, xã Trà Cang) nhằm đảm bảo ổn định chỗ ở cho các hộ dân; giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng thiên tai và phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân miền núi.
“Làng Tăk Răng có 86 hộ đều là đồng bào Xê Đăng sinh sống lâu đời. Chúng tôi đã tiến hành sắp xếp 83 hộ dân theo hướng chỉnh trang tại chỗ, đảm bảo các điều kiện sống. Sau thời gian sắp xếp, đời sống người dân cơ bản ổn định; hầu hết nhà ở được xen ghép chỉnh trang tại chỗ nên ít tác động đến địa chất, giữ nguyên các yếu tố “thuần tự nhiên”. Người dân sau khi về chỗ ở mới được hỗ trợ nước sinh hoạt, xây nhà vệ sinh, đất sản xuất… Nhờ vậy, người dân khá an tâm trước thiên tai, mưa lũ” - ông Lạc cho hay.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu khốc liệt và ngày càng khó lường hơn, những giải pháp căn cơ ứng phó với họa sạt lở đang được tính đến.
Tiếp tục xây dựng bản đồ sạt lở
TS.Hoàng Ngọc Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên cho rằng sạt lở đất là tổ hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, trong đó độ dốc, địa mạo, lượng mưa, địa chất công trình, thảm phủ thực vật rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng là các yếu tố chính.
Theo một nghiên cứu được TS.Hoàng Ngọc Tuấn công bố gần đây, kết quả xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở đất cho từng huyện cho thấy có 18 điểm ở huyện Nam Trà My, 36 điểm tại huyện Bắc Trà My và huyện Phước Sơn có 16 điểm. Viện Khoa học thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên đã xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất cho 3 huyện Nam Trà My, Bắc Trà My và Phước Sơn với tỷ lệ 1/50.000 và toàn tỉnh 1/100.000.
“Tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đất cao, trong thời gian tới cần rà soát đánh giá mức độ an toàn đối với khu vực dân cư đang sinh sống và khu vực quy hoạch mới thuộc vùng có nguy cơ cao bị sạt lở đất, lũ quét. Đồng thời nghiên cứu xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất tới cấp huyện tỷ lệ 1/5.000 và cấp xã tỷ lệ 1/1.000 - 1/2.000 và phổ biến tới chính quyền cấp xã, thôn và người dân biết.
Ngoài ra, cấp thiết tăng mật độ trạm đo mưa tự động để nâng cao công tác cảnh báo chính xác cũng như xây dựng hệ thống cảnh báo sạt lở đất, lũ quét tại các khu vực dân cư có nguy cơ cao; đào tạo, tập huấn, hướng dẫn người dân kỹ năng nhận biết về phòng tránh thiên tai nói chung và sạt lở đất, lũ quét nói riêng” - TS.Hoàng Ngọc Tuấn khuyến nghị.
Tăng tính thích nghi
Theo ông Nguyễn Văn Vỹ - Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống thiên tai tại miền Trung - Tây Nguyên, bên cạnh các nguyên nhân khách quan, do nhận thức và mức độ quan tâm của chính quyền, người dân một số nơi còn hạn chế nên chưa đầu tư cho công tác phòng chống thiên tai, thậm chí một số nơi trong quá trình xây dựng hạ tầng, sinh sống, sản xuất còn làm gia tăng rủi ro, gây thiệt hại lớn sau thiên tai.
Ông Nguyễn Văn Vỹ khuyến nghị, từ những lúng túng, bị động trong ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai những năm qua, cần xem xét lại việc tổ chức bộ máy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại hơn. Phương châm “4 tại chỗ” phải thực tế, tránh hình thức. Công tác phục hồi, tái thiết sau thiên tai cần chủ động, kịp thời hơn. Cần lồng ghép yếu tố phòng chống thiên tai trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng công trình...
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chia sẻ, các giải pháp phòng chống thiên tai dựa trên đặc thù địa phương đang được áp dụng, song mang tính sử dụng kinh nghiệm là chính. Yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ nhanh, kịp thời ở tất cả dự báo, cảnh báo, giải quyết tình huống khi thiên tai xảy ra lẫn khắc phục hậu quả chưa nhiều.
Giải pháp công trình, phi công trình được nhiều chuyên gia khuyến nghị cụ thể, là gợi ý quan trọng trong chiến lược phòng chống thiên tai, xây dựng phương án ứng phó đối với sạt lở nói riêng, phòng chống thiên tai nói chung trong giai đoạn tới.
Dự báo bằng công nghệ
Dự báo về lũ quét, sạt lở đất đóng vai trò cực kỳ quan trọng, là yếu tố mang tính sống còn giúp chính quyền các cấp có những chỉ đạo kịp thời, giảm thiểu thiệt hại. Các công nghệ tiên tiến, hiện đại đang được khuyến nghị sử dụng để tăng hiệu quả, tính chính xác trong công tác dự báo.
Theo PGS-TS.Lã Văn Chú - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thủy văn và hải văn (thuộc Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu), trong công tác phòng tránh lũ quét và giảm thiểu tác hại, cảnh báo sớm là giải pháp phi công trình quan trọng nhất. Trên cơ sở cải tiến dựa trên phương pháp Guideline về hướng dẫn xác định ngưỡng mưa cho cảnh báo và di dân khỏi lũ quét trầm tích của Bộ Xây dựng và cơ sở hạ tầng Nhật Bản vào năm 1984, PGS-TS.Lã Văn Chú đề xuất ứng dụng cảnh báo lũ quét thời gian thực trên địa bàn miền Trung, trong đó có Quảng Nam.
Cũng liên quan đến cảnh báo sớm sạt lở đất và lũ quét, PGS-TS.Phạm Hồng Quang và nhóm nghiên cứu của Trung tâm Tin học và tính toán (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) đề xuất hợp tác triển khai một hệ thống giám sát mái dốc đơn giản, hiệu quả, chi phí thấp để cảnh báo các vụ sạt lở đất và lũ bùn đá sắp xảy ra, có thể được ứng dụng vận hành rộng rãi.
Hệ thống trên bao gồm mạng lưới cảm biến và báo động được thiết kế theo mô hình “cắm và chạy”, có thể được lắp đặt bởi cộng đồng người dân địa phương. Thông tin đo đạc sẽ được truyền về các trung tâm phân tích sử dụng siêu máy tính để học và tạo ra các chỉ số giới hạn báo động bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo học sâu (deep learning) và tự động cập nhật vào hệ thống tại hiện trường.
Các cảm biến đo lường được thiết kế và sản xuất bởi công ty trong nước với chi phí giới hạn ở mức vài trăm đô la, lắp đặt giống như đặt ống bơm nước ngầm và tự động vận hành bằng năng lượng mặt trời, hầu như không mất chi phí bảo dưỡng. Các dữ liệu đo đạc cũng cho phép cơ quan quản lý đánh giá nguy cơ để ưu tiên hiệu quả các nguồn lực về tài chính, quy hoạch dịch chuyển các khu dân cư hoặc sửa chữa gia cố an toàn các công trình xây dựng.
Tính toán giải pháp công trình
PGS-TS.Nguyễn Bá Kế (Hội Cơ học đất và địa kỹ thuật công trình Việt Nam) nhận định, quy hoạch tổng thể các công trình xây dựng ở vùng núi phải được bố trí hợp lý tùy theo yêu cầu sử dụng, điều kiện địa hình, địa chất. Các công trình chính nên bố trí ở chỗ có nền đất tốt hơn, cố gắng sao cho có sự phù hợp giữa kết cấu bên trên với nền đất bên dưới móng, triệt để lợi dụng và bảo vệ hệ thống thoát nước tự nhiên và thảm thực vật của vùng núi.
Không thể đối đầu, mà nên chọn giải pháp né tránh, thích nghi trong xây dựng là khuyến nghị của PGS-TS.Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam. Theo ông Hoàng Hà, đối với công trình cầu đường, phải khảo sát kỹ địa chất, thủy văn, khí hậu, so chiếu bản đồ sạt trượt đất được cảnh báo của những cơ quan chuyên môn để tìm tuyến mà khả năng xảy ra tác động là ít nhất. Thế giới đã từng có xu hướng tăng độ vững chắc của công trình để chống lại thiên tai, song việc này vừa rất tốn kém, vừa càng ngày càng chứng tỏ ít khả thi.