(QNO) – Với nhiệm vụ cao cả mà Đảng, Nhà nước và quân đội giao phó, những quân nhân chuyên nghiệp, sĩ quan biên phòng đã dành hết tâm, hết sức để bám bản, làng. Nơi biên cương xa xôi, họ không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc mà còn cùng chính quyền địa phương xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế, ổn định quốc phòng – an ninh.
Đôi mắt tinh anh, Thiếu tá Trần Thanh Vinh (Phó Bí thư Đảng ủy xã La Dêê, Nam Giang) cười vui khi nhắc lại kỷ niệm về lần nhận nhiệm vụ tăng cường cho vùng biên giới mà Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh giao: “Nhiệm vụ tuy mới nhưng không có gì ngỡ ngàng hay dao động. Vì người lính chúng tôi “quân lệnh như sơn”, hễ nhận nhiệm vụ là đi”. Chỉ có vợ hơi lo lắng nên căn dặn đủ điều vì đây là lần đầu tiên từ đồng bằng lên rừng núi công tác, đây cũng là đợt công tác lâu nhất. Và con cái cũng có chút buồn khi sắp xa cha.
Trong ký ức của Thiếu tá Trần Thanh Vinh, mảnh đất La Dêê khi đó còn lắm nghèo khó, giao thông muôn vàn trắc trở, người dân chủ yếu sống theo kiểu tự cung, tự cấp. “Thay đổi môi trường công tác thì tất nhiên có bỡ ngỡ. Nhiệm vụ mới cũng đòi hỏi phải có kỹ năng quản lý, điều hành, tham mưu, và phải học tiếng đồng bào... Nhưng những kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng ở dưới xuôi cũng giúp mình được rất nhiều”.
Trước khi nhận nhiệm vụ mới, Đại úy Nguyễn Đức Vỹ - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tr’Hy, là Chính trị viên phó Hải đội 2 (đóng tại Núi Thành). Lần nhận nhiệm vụ tăng cường về xã của anh thật đặc biệt khi đúng vào thời điểm chống dịch Covid-19 và Tr’Hy chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 – 2025. Vừa đặt chân đến xã, anh phải xắn tay vào việc ngay. Hết các phần việc từ tham mưu chương trình, dự thảo văn kiện, cho dến khâu tổ chức hậu cần cho đại hội. Chưa xong việc, anh cùng cán bộ địa phương tỏa ngay xuống từng làng, từng nóc để vận động, tuyên truyền nhân dân phòng, chống dịch Covid-19.
“Trước khi lên đây nhận công tác, tôi hình dung ra nhiều điều lắm, nhất là nỗi lo không biết có được bà con đón nhận mình không. Nhưng những nỗi lo đó đã tan biến hết vì công việc nhiều, gấp gáp và đặc biệt là cán bộ địa phương cũng như bà con đồng bào Cơ Tu rất chân chất, thật thà. Bà con đã cho tôi một cái họ rất dễ thương là Cơ lâu Vỹ, đón nhận tôi như là người con của đồng bào” – Đại úy Nguyễn Đức Vỹ kể chuyện.
Đại úy Nguyễn Đức Vỹ động viên bà con vùng biên vượt qua khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. (Thực hiện: ĐOÀN ĐẠO - HỒ QUÂN)
Đôi tay thoăn thoắt đan gùi, già làng Coor Tám nhắc mãi chuyện lính biên phòng. Ông ở miền núi cao này đã cả đời người, nên chuyện gì ông không chắc chứ chuyện cán bộ, chiến sĩ biên phòng giúp đỡ nhiều cho đồng bào Cơ Tu thì ông tỏ tường.
“Đồng chí Nguyễn Đức Vỹ được dân làng thương lắm. Ở mỗi làng, nó được dân làng đó đặt cho cái họ riêng coi như người cùng làng. Cứ hết giờ làm việc ở trụ sở xã là anh ấy lặn lội xuống đây gặp chúng tôi, hỏi cái khó khăn của từng nhà, từng làng để tìm cách giải quyết” – già làng Coor Tám kể.
Già làng Coor Tám kể tiếp, vừa đảm nhận chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Đại úy Nguyễn Đức Vỹ được phân công đi tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19. Đều đặn mỗi ngày anh đến từng nhà người dân, tuyên truyền hướng dẫn cách đeo khẩu trang, cách rửa tay, sát khuẩn, sợ bà con quên, anh ấy nhắc đi nhắc bà con về sự nguy hiểm của dịch bệnh. Anh còn tổ chức các đợt tuyên truyền lưu động, treo pa nô với nội dung dễ hiểu, dễ nhớ để bà con đọc, làm theo.
Dịch vừa xong là liên tiếp các cơn bão từ số 5 đến số 13. Lo cho an toàn của nhân dân, bất kể ngày đêm, Đại úy Nguyễn Đức Vỹ tìm cách đến tận từng thôn nhắc nhở bà con cách chằng, chống nhà cửa và ở lại với bà con để phòng khi có tình huống nguy hiểm xảy ra thì tìm cách ứng phó ngay.
“Sau cơn bão, tôi huy động bà con khắc phục những điểm sạt lở, cầu treo bị trôi để bà con đi lại. Xong việc, nhìn những nụ cười trên những khuôn mặt ướt đẫm mồ hôi, tinh thần vì cộng đồng hết sức chan hòa của bà con tôi thấy được niềm hạnh phúc của mình trong đó” – Đại úy Nguyễn Đức Vỹ chia sẻ.
Còn với Thiếu tá Trần Thanh Vinh, xã La Dêê của những năm 2014 chồng chất khó khăn. Cán bộ địa phương chưa am hiểu công nghệ thông tin, người dân ngại còn tiếp xúc… “Trong quân đội thì mọi việc phải nhanh nhẹn, nghiêm túc nên khi tham gia cấp ủy địa phương, lối làm việc lúc ấy của cán bộ xã có phần rề rà nên mình cũng vấp phải nhiều khó khăn. Nhận nhiệm vụ phải giúp địa phương thay đổi nên tôi trăn trở nhiều lắm” – Thiếu tá Vinh chia sẻ.
Việc đầu tiên anh Trần Thanh Vinh xác định phải làm là nắm tâm lý của đội ngũ cán bộ xã để dần thay đổi lề lối làm việc. Biết bà con trên này dễ tự ái nếu nói nặng lời, anh nhẹ nhàng lựa lời khuyên nhủ, mềm dẻo để khéo léo đưa mọi thứ vào quỹ đạo. Qua thời gian, cán bộ xã dù ở xa đến mấy cũng ý thức đến cơ quan đúng giờ, chuyện sinh hoạt Đảng ở các chi bộ nền nếp, duy trì thường xuyên và có chất lượng.
“Kiên nhẫn, mềm mỏng, những lúc rảnh rỗi là mình thủ thỉ với anh em cán bộ để họ hiểu mình. Rồi lôi cuốn họ cùng đi cơ sở, vừa để hỗ trợ mình vận động, tuyên truyền vừa tạo thói quen bám sát cơ sở cho anh em. Nhờ đó mà khối đoàn kết nội bộ được giữ vững, anh em tin tưởng vào mình cũng như các chiến sĩ, cán bộ bộ đội biên phòng khác” – Thiếu tá Trần Thanh Vinh nói.
Xã La Dêê của gần 10 năm trước, muốn đến được các thôn xa phải theo đường mòn cắt rừng, nhân dân chủ yếu sống tự cung tự cấp chứ chưa có khái niệm về trao đổi hàng hóa.
“Hồi mới nhận công tác, tôi hơi ngạc nhiên về chuyện chăn nuôi của bà con. Bà con nuôi con heo, con gà thì chỉ để ăn hoặc đổi cho hàng xóm khi có nhu cầu. Do vậy, có khi một con heo nuôi từ năm này qua năm khác, không mang lại giá trị kinh tế. Quyết tâm phải thay đổi nhận thức của bà con, tôi tranh thủ khi có cơ hội là nói chuyện, và nói nhiều lần. Rồi mình phải làm cho bà con thấy họ mới làm theo. Mình hướng dẫn nuôi heo, heo lớn thì giúp bà con bán lấy tiền để trang trải cuộc sống. Dần dà cùng với việc đường sá thông lưu thông thì bà con đã biết giao thương rồi” – Thiếu tá Vinh nhớ lại.
Từ những việc làm nhỏ, cụ thể như thế đã giúp người dân xã La Dêê biết hình thành các mô hình chăn nuôi vừa và nhỏ, biết kỹ thuật ấp trứng để phát triển đàn gà, vịt, ngan... Không chỉ được thay đổi tư duy về làm ăn, mảnh đất giáp nước bạn Lào này đã có đường bê tông đến tận từng thôn, điện được kéo về 6/6 thôn của xã. Và các an sinh xã hội thiết yếu nhất là trường học, trạm xá đã đủ đáp ứng nhu cầu của bà con. Cùng với đó, niềm vui lớn nhất của người lính Cụ Hồ Trần Thanh Vinh là nhờ công tác tuyên truyền, vận động xuyên suốt nhiều năm, hủ tục hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn của đồng bào đã chấm dứt. Thiếu tá Vinh bảo đó là thành công nhất của quá trình công tác gần 10 năm anh tăng cường về La Dêê.
Dù chỉ gần tròn năm công tác, thời gian chưa quá dài để góp phần tạo nên bước ngoặc lớn cho địa phương nhưng Đại úy Nguyễn Đức Vỹ cũng nhanh chóng nắm bắt tình hình địa phương, tham mưu nhiều quyết sách hay, hiệu quả. Nhận thấy xã Tr’Hy có 381 hộ thì có đến 133 hộ nghèo, Đại úy Vỹ đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã định hướng, chọn những loại cây trồng con vật nuôi phù hợp với địa phương để bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo như mô hình trồng cam Vinh, nuôi ngan và trồng sâm ba kích làm nguồn dược liệu.
Phó Bí thư Đảng ủy Nguyễn Đức Vỹ cũng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố lại hệ thống chính trị ở cơ sở hoạt động có nền nếp, hiệu quả trong công việc. Chỉ đạo củng cố lại ban công tác mặt trận các thôn, các chi hội phụ nữ và đoàn thanh niên 6 thôn đảm bảo số lượng và chất lượng.
“Trong năm qua các hội đoàn thể của xã đạt vững mạnh xuất sắc, được UBND huyện Tây Giang khen thưởng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là tín hiệu vui về sự đổi thay của mảnh đất này. Đó sẽ là động lực để mình dành hết tâm huyết phục vụ địa phương, hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó” – Đại úy Nguyễn Đức Vỹ chia sẻ.
Thiếu úy Trần Thanh Vinh hướng dẫn bà con vùng biên giới La Dêê phát triển các mô hình kinh tế. (Thực hiện: ĐOÀN ĐẠO - HỒ QUÂN)
Theo Trung tá Đỗ Hoành Minh – Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Nam, cán bộ tăng cường là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được điều động về cơ sở với nhiệm vụ nắm chắc tình hình kinh tế - xã hội - văn hóa - an ninh quốc phòng - đối ngoại để chủ động tham mưu cho địa phương xây dựng, phát triển vùng biên vững mạnh về mọi mặt.
Trên địa bàn tỉnh có 14 xã biên giới đất liền và 16 xã biên giới biển, đảo. Đảng ủy Bộ đội biên phòng Quảng Nam đã thống nhất với Ban Thường vụ huyện ủy, thị ủy, thành ủy có biên giới giới thiệu 14 đồng chí cán bộ bộ đội biên phòng giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy xã, 7 đồng chí tham gia cấp ủy cấp huyện và cấp xã. Thông qua đội ngũ cán bộ này mà những chủ trương về bảo vệ biên giới, phát triển kinh tế, xã hội được cụ thể hóa ở địa phương thành những nhiệm vụ, việc làm cụ thể như Chỉ thị 01/CT-TTg về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia với 37 tổ hơn 733 thành viên tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới, 171 tổ/1.718 thành viên tổ tự quản an ninh – trật tự, 84 tổ/4.366 thành viên tổ đoàn kết tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Từ những hoạt động của các tổ tự quản đã lan tỏa phong trào rộng khắp trong quần chúng nhân dân; từ những thông tin mà quần chúng nhân dân cung cấp đã góp phần kịp thời đấu tranh ngăn chặn với các hoạt động vi phạm pháp luật” – Chủ nhiệm Chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Đỗ Hoàng Minh nhấn mạnh.
Cùng với việc đảm bảo an ninh biên giới, hàng chục mô hình kinh tế được xây dựng giúp đỡ cho hàng trăm hộ đồng bào thiểu số dọc theo Ga Ry, A Xan, Ch’Ơm (Tây Giang), La Dêê, Đắc Tôi (Nam Giang)… hướng đến một tương lai giàu đẹp, văn minh ở các xã vùng cao biên giới.