(QNO) - Những ngày cuối năm, trong bề bộn công việc, ông Nguyễn Văn Tuấn - Chủ tịch Hội đồng hương (HĐH) Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh vẫn miệt mài ngược xuôi giữa thành phố hoa lệ và quê nhà Quảng Nam, vì “muốn bà con ở quê có cái tết viên mãn”.
Trong hơn 1 triệu người Quảng xa quê đang sinh sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, ở lĩnh vực kinh doanh, ông Tuấn được xem là một doanh nhân rất thành đạt khi cùng lúc điều hành, nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt của nhiều doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tất cả những điều ông có ngày hôm nay, không phải sau một “giấc mộng đêm hè” với những phép màu cổ tích mà được xây nên từ hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ. Và, những con đường ông đã đi qua, thấm đẫm biết bao mồ hôi và nước mắt. Bởi đó là khát vọng của một cậu bé mồ côi cha từ rất sớm, trong một gia đình nghèo ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên.
Đời ông bươn chãi nhiều, lang bạt cũng không ít. Tất nhiên, với xuất thân cùng gia cảnh như thế, ông không thể có những bước đi mạnh mẽ ngay từ đầu. “Gần như là một quá trình tích lũy” - ông Tuấn chia sẻ. Và ông kiên nhẫn với kế hoạch của mình, cho đến năm 2000 thì đưa ra quyết định mang tính bước ngoặc của cuộc đời mình: đó là nhảy vào lĩnh vực truyền hình cáp tại thị trường Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh. Bằng cách thành lập Công ty CP Truyền hình cáp Sông Thu (tên viết tắt là ARICO).
Ông Tuấn luôn bận rộn với công việc. |
Phía trước cả là một núi khó khăn cho một người sải những bước đầu vào con đường khởi nghiệp: nguồn vốn ít, nhân lực không nghiều, kinh nghiệm còn hạn hẹp và đặc biệt là thị trường này đang nổi sóng cạnh tranh gay gắt. Cũng may, kinh nghiệm kinh doanh ông học được từ gánh buôn nhỏ của mẹ, cùng với bản lĩnh của mình và sự đoàn kết mọi người trong công ty, đã giúp “con thuyền ARICO” vượt qua sóng gió và vươn lên mạnh mẽ trong thị trường truyền hình cáp.
“Sau khi thành công với truyền hình cáp, tôi nhận thấy một lĩnh vực khác cũng khá tiềm năng lúc bấy giờ, đó là khách sạn nên thành lập Khách sạn Sông Thu tại Đà Nẵng, nhà hàng Singapore Linon City tại TP.Hồ Chí Minh” - ông Tuấn nhớ lại. Cũng với óc quan sát và nắm tình hình nhạy bén tốt như vậy, đến năm 2013 thì ông thành lập Công ty CP Sữa Mỹ để nhập khẩu và phân phối các sản phẩm sữa chất lượng cao từ Mỹ.
Ngược một chút về quá khứ, để thấy rằng hành trình trở thành một doanh nhân đa ngành nghề, đa lĩnh vực như ông Tuấn là một tấm gương sáng mà người trẻ khởi nghiệp cần phải nhìn vào, soi lấy. Về phần mình, ông Tuấn cho rằng với những thành công ngày hôm nay của mình, là nhờ bên cạnh luôn có những người cộng sự tận tụy với ông, với công ty.
Ông Tuấn cho rằng thành công của mình ngày hôm nay còn có sự chung sức, đoàn kết của toàn thể anh chị em trong công ty. |
"Quảng Nam đang có phong trào người trẻ khởi nghiệp, ông nhìn nhận như thế nào?” - tôi hỏi. Ông Tuấn không trả lời ngay, mà kể một câu chuyện nhỏ: “Cách đây không lâu, anh Sinh (ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN, Tổ trưởng Tổ công tác hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tỉnh - PV) ở ngoài tỉnh có vào và nói chuyện này. Tôi kể anh Sinh nghe một trường hợp đang khởi nghiệp và được ảnh tiếp nhận, hỗ trợ. Chúng tôi thống nhất với nhau là sẽ cố gắng giúp đỡ, hỗ trợ người khởi nghiệp. Việc kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp cũng là hướng đi mới mà hội đồng hương tỉnh trong này cũng đang hướng tới, nhằm giúp đỡ các em nhiều hơn”.
Cũng theo ông Tuấn, dự kiến, vào ngày 10.3 tới, Ban Chấp hành HĐH Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh sẽ thành lập Câu lạc bộ Doanh nhân Quảng Nam để hỗ trợ tốt hơn những người Quảng xa quê khởi nghiệp. “Vậy, với những gì mình đã trải qua, ông có lời khuyên gì cho những người trẻ khởi nghiệp?”. “Tôi nghĩ rằng người khởi nghiệp cần phải chuẩn bị rất nhiều thứ, bởi nó không phải là hành trình dễ dàng. Nhưng ít nhất, họ cần phải trang bị cho mình chữ “tín”, chữ “tâm”, hiểu được “cái tầm”…” - ông Tuấn chia sẻ.
Ông giải thích: “Tín” là giá trị cốt lõi mà người khởi nghiệp cần phải tạo dựng với khách hàng, có như vậy mới tồn tại được, còn không thì sẽ rất mong manh, dễ đổ vỡ; còn “tâm”, không chỉ với khách hàng, mà còn đối với nhân viên, anh em trong công ty, để tạo dựng được sự bền vững và đi trong hành trình dài; “tầm”, để hiểu được mình đang ở đâu và cần làm những gì phù hợp nhất với hoàn cảnh đang có, rồi mới phát triển, tạo dựng những thứ lớn lao hơn.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cho rằng “đạo đức kinh doanh” và “văn hóa kinh doanh” cũng là hai điều mà người khởi nghiệp cần chú ý tạo dựng, trau chuốt cho công ty của mình.
Ông Tuấn, như bao người Quảng xa quê khác, qua bĩ cực của cuộc mưu sinh nhiều khắc nghiệt thì không giữ lấy riêng mình cái đủ đầy, sung túc, mà nhẹ nhàng san sẻ đi, nhất là với những khó khăn quê nhà.
Ông Tuấn luôn nỗ lực gắn kết tình đồng hương nơi xa quê. |
Nhưng trước hết, ông còn một nỗi đau đáu hơn, đó là gắn kết đồng hương xa quê đang sinh sống, học tập và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh. Ông nhớ lại thời mình với vào TP.Hồ Chí Minh, thì hội đồng hương thực chất là những người lớn tuổi gặp nhau. Nên từ năm 2000, khi tham gia vào HĐH Duy Xuyên tại TP.Hồ Chí Minh, rồi HĐH Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh, ông luôn nghĩ suy về cách "đổi mới" hội đồng hương.
Những đóng góp của ông với hội đồng hương được ghi nhận, và đến năm 2013, ông được bầu làm Phó Chủ tịch HĐH Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh, phụ trách doanh nhân, doanh nghiệp đồng hương. Với vị trí mới này, ông tiếp tục tài trợ và kêu các doanh nghiệp tài trợ các hoạt động của hội đồng hương. Đến năm 2015, ông Tuấn được bầu làm Chủ tịch HĐH Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh.
“Tôi luôn quan niệm, làm gì thì làm, phải kết nối, gắn kết được bà con đồng hương mình trong này. Có như vậy, thì phong trào đồng hương mới mạnh lên được. Từ đó, mình kịp thời lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ để mọi người càng ổn định hơn nơi đất khách” - ông Tuấn bày tỏ.
Cái gắn kết tình đồng hương mà ông Tuấn nói, phải là “rất Quảng”, chứ không chỉ là gặp mặt hay… ăn nhậu đơn thuần. Như năm 2016, ông cùng Ban chấp hành HĐH Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Lễ hội Văn hoá Đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh. Ông nhớ lại: “Đợt đó không chỉ thành công lớn, mà còn tạo được tiếng vang khi thu hút hàng trăm ngàn lượt bà con đồng hương tham gia. Mừng hơn nữa, là không chỉ ở TP.Hồ Chí Minh, mà nhiều bà con ở các HĐH tại các tỉnh phía Nam cũng về tham dự”.
Ông đặc biệt dành thời gian để tìm hiểu về đời sống của bà con đồng hương, người nghèo ở quê. |
“Vậy điều gì làm nên sự thành công đó?” - tôi hỏi. Ông Tuấn chia sẻ: “Mình mời các đoàn nghệ thuật ở quê vô, rồi kêu gọi các anh em văn nghệ sĩ đồng hương biểu diễn nữa, mà biểu diễn miễn phí. À, đợt đó còn có nhiều gian hàng, sản phẩm đậm nét xứ Quảng mình nữa, một không gian như ở quê nhà vậy”.
Được đà đó, những lần họp mặt hội đồng hương sau này, thu hút rất đông người Quảng đang ở TP.Hồ Chí Minh tham gia. Cái hay của những lần gặp mặt này, là cùng nhau nhìn lại những gì đã làm được sau một năm, tất nhiên là cả những việc không làm được. Để từ đó đưa ra những phương án cụ thể cho năm tới, để giúp tình đồng hương phát triển hơn.
Trong những lần ngồi và nói chuyện với nhau, khi nói về những việc nghĩa mà ông làm đối với quê nhà, ông bảo rằng đó như là “phụng sự”. Bằng uy tín của mình, ông luôn trăn trở và thực hiện những nghĩa cử giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở quê.
Nhưng trước hết, với hoàn cảnh mình đã đi qua, ông ý thức được việc học là nền tảng cốt lõi nhất để đẩy lùi cái nghèo khó phía trước. Nên cách đây khoảng 10 năm, ông thành lập Quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo Duy Xuyên và giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản lý. “Mình bỏ vào đấy cũng khoảng vài tỷ đồng rồi, chỉ với mong muốn rằng giúp các em có điều kiện vào thành phố đi học để kiếm cái nghề” - ông Tuấn chia sẻ.
Thăm hỏi, chia sẻ với những hoàn cảnh đồng hương khó khăn. |
Không phải cho, mà là cho vay không lãi suất, đúng số tiền học phí. Ông hiểu được nỗi khó khăn của sinh viên tỉnh lẻ, nhất là sinh viên nghèo khi lần đầu bước vào thành phố học. Nhưng không vì thế mà vô tình “nuôi” tâm lý ỷ lại, nên chỉ cho vay trong hai năm đầu, vì thời gian này các em còn bở ngỡ. Những năm còn lại, ông muốn các em phải tự vận động, đi làm thêm để dần va chạm với cuộc sống, để trưởng thành hơn.
Rồi khi các em ra trường, trong năm đầu, vì biết cuộc sống các em còn khó khăn nên chỉ thu lại tiền từ năm thứ 2 các em ra trường. “Là nói vậy, chớ chủ yếu trên tinh thần tự nguyện. Có em đóng trả, có em không, mình có danh sách thông tin hết, nhưng cũng không “đòi” vì muốn hướng các em đến tinh thần tự giác, biết sẻ chia cùng nhau, bởi số tiền các em đóng trả sẽ dành cho các em tiếp theo sau này” - ông Tuấn tâm sự.
Nên ông tập trung hơn vào việc giúp đỡ người nghèo khó ở quê. Ông thẳn thắng: “Chỉ những cái cấp bách nhất, thì mình mới hỗ trợ để bà con vượt qua ngoặt nghèo. Còn về lâu dài là đi theo hướng trao “cần câu”, sinh kế cho bà con. Chỉ có như vậy họ mới thoát nghèo, thoát khổ bền vững được. Chứ còn bà con thiếu gì, mình cho nấy thì không phải là thượng sách”.
Ông cũng đặc biệt chú trọng đến nhà ở cho người nghèo ở quê, “vì có chỗ ở ổn định thì mới yên tâm làm lụng được”. Nên nhiều năm qua, ông kêu gọi nhiều doanh nghiệp chung tay góp sức xây dựng hàng trăm nhà tình nghĩa cho người nghèo quê. Riêng phần ông, cũng đóng góp rất nhiều, như 18 căn vào năm 2017, ba căn vào năm 2018 và dự kiến ba căn tiếp vào năm 2019.
Những gì ông gọi là “phụng sự quê nhà” mà tôi lược ghi ở bài này, thật ít so với thực tế ông đóng góp. Song khi tôi hỏi, thì ông bảo rằng với quê hương, không bao giờ là đủ. Còn nghĩ suy lớn nhất của ông những ngày cuối năm, là kịp bàn giao 30 căn nhà tình nghĩa để bà con đón cái tết viên mãn…
Trong năm 2018, ông Tuấn cùng Ban chấp hành HĐH Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh kêu gọi các nhà hảo tâm xây dựng 30 căn nhà cho người nghèo ở quê kịp đón Tết Kỷ Hợi.) |