"Ân xá" nợ đọng

ĐẶNG PHONG 01/06/2022 11:45

(QNO) - Nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB) của Quảng Nam đã giảm đáng kể trong những năm qua, từ hơn 3.000 tỷ đồng ở thời điểm trước năm 2015, đến nay chỉ còn hơn 1.000 tỷ đồng. Đó là kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thực trạng nợ đọng XDCB vẫn còn phổ biến, giống như một căn bệnh khó chữa. Cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thậm chí một số khoản nợ cần phải được “ân xá”.

 

Nợ XDCB lớn do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân trực tiếp và cơ bản là khả năng cân đối vốn của ngân sách chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư ngày càng cao, dẫn đến tình trạng vốn không bố trí đủ theo tiến độ. Thậm chí công trình đã đấu thầu, thiết bị đã đặt mua nhưng không được bố trí đủ vốn.

Thêm vào đó, khó khăn chung của kinh tế thế giới cũng như kinh tế trong nước cũng ảnh hưởng không nhỏ; để đảm bảo hiệu quả đầu tư thì các địa phương phải lựa chọn, rà soát, sắp xếp thứ tự dự án ưu tiên đầu tư, dẫn tới một số dự án không được bố trí đủ vốn, làm phát sinh nợ đọng ngay từ khâu lập kế hoạch.

Dự án kho lưu trữ chuyên dụng tỉnh Quảng Nam sử dụng vốn đầu tư công trung hạn sắp hoàn thành, dự kiến đưa vào sử dụng năm nay.
Dự án kho lưu trữ chuyên dụng tỉnh Quảng Nam sử dụng vốn đầu tư công trung hạn sắp hoàn thành, dự kiến đưa vào sử dụng năm nay.
 

Việc chưa tuân thủ kế hoạch đầu tư trung hạn để làm căn cứ quyết định đầu tư và bố trí vốn đầu tư theo tiến độ thực hiện dự án cũng là nguyên nhân dẫn đến đầu tư dàn trải và nợ đọng trong XDCB. Trách nhiệm trong công tác quản lý của các cấp chưa cao, các chủ đầu tư chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, thiếu trách nhiệm dẫn tới tình trạng không cân đối đủ vốn nhưng cứ làm, cứ đấu thầu, cứ đặt hàng mua thiết bị.

Cầu Ông Điền bắt qua sông Cổ Cò, một công trình xây dựng cơ bản vượt tiến độ thi công theo kế hoạch.
Cầu Ông Điền bắc qua sông Cổ Cò, một công trình xây dựng cơ bản vượt tiến độ thi công theo kế hoạch

Về quản lý vĩ mô, công tác quản lý nợ XDCB chưa được coi là nội dung quan trọng trong quản lý đầu tư XDCB; chưa có quy định cụ thể về yêu cầu, nội dung quản lý, chưa quy định rõ trách nhiệm và chưa có chế tài xử lý cụ thể. Hiện tượng đầu tư dàn trải, vượt quá khả năng cân đối của ngân sách đã diễn ra từ lâu và trên phạm vi rộng nhưng hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này không đủ sức ngăn chặn kịp thời.

Tình trạng bất cập trong phân cấp quản lý, ví dụ như địa phương quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng, nhưng nguồn vốn do ngân sách trung ương hỗ trợ theo khả năng cân đối kéo dài nhiều năm. Điều này sẽ phát sinh những khoản nợ đọng… theo kế hoạch.

Nhiều địa phương trong tỉnh nợ đọng xây dựng cơ bản Chương trình xây dựng nông thôn mới. TRONG ẢNH: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn kiểm tra mô hình nông thôn mới kiểu mẫu tại thôn Phú Văn (xã Điện Quang, Điện Bàn).
Nhiều địa phương trong tỉnh nợ đọng xây dựng cơ bản Chương trình xây dựng nông thôn mới.
TRONG ẢNH: Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn kiểm tra mô hình nông thôn mới kiểu mẫu tại thôn Phú Văn (xã Điện Quang, Điện Bàn)

Mặt khác, nhiều khoản nợ đọng phát sinh do cơ chế quản lý vốn đầu tư xây dựng. Các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các dự án mới quy định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm, nhóm C không quá 3 năm.

Như vậy, tùy theo quy mô dự án, vốn cũng được phân bổ kéo dài nhiều năm. Nhóm C là các dự án nhỏ, thường hoàn thành trong một năm, nhưng kinh phí được bố trí trong 3 năm. Do đó, ngay trong cơ chế phân bổ vốn đầu tư được pháp luật quy định cũng đã phát sinh khoản nợ đọng…theo kế hoạch.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thị sát cầu Nông Sơn nhân sự kiện khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Nông Sơn ngày 2.9.2021.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thị sát cầu Nông Sơn nhân sự kiện khánh thành, đưa vào sử dụng cầu Nông Sơn ngày 2.9.2021.

Trong tương lai cần điều chỉnh bổ sung các điều luật này. Làm sao để đảm bảo khi phê duyệt chủ trương đầu tư, vốn phải được bố trí tối thiểu 50%, chứ không nên quy định phân bổ vốn trong nhiều năm theo từng nhóm dự án như hiện nay, theo kiểu “một năm làm nhà, ba năm trả nợ”.

 

 

Trong mỗi nhiệm kỳ, về phía các ngành, địa phương, công tác xây dựng, phê duyệt quy hoạch phát triển chưa gắn với nguồn lực đảm bảo thực hiện quy hoạch, vì vậy khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo quy hoạch luôn trong tình trạng bị động, không đảm bảo nguồn để thực hiện.

Không chấp hành đúng pháp luật trong đầu tư XDCB, dự án chưa đủ vốn đã triển khai xây dựng, làm vượt khối lượng so với kế hoạch được giao, mở rộng đầu tư vượt quá khả năng cân đối của ngân sách. Vì nhiều lý do khác nhau trong đó do thiếu trách nhiệm, nôn nóng, chạy theo thành tích...

Dự án đường Võ Chí Công giai đoạn 2 nhìn từ trên cao
Dự án đường Võ Chí Công giai đoạn 2 nhìn từ trên cao.

Ngoài ra, với tư duy nhiệm kỳ ở một số địa phương, một số lãnh đạo do nóng vội đã có những quyết định đầu tư không đúng quy định của Nhà nước. Quyết định đầu tư vượt khả năng cân đối ngân sách, làm tăng nợ công, đặc biệt tình trạng nợ đọng XDCB ngày càng lớn.

Cạnh đó công tác quản lý còn buông lỏng, chưa hoặc không kiểm tra, phát hiện, giám sát kịp thời; không tổ chức theo dõi, quản lý nợ khối lượng XDCB. Bố trí vốn đầu tư dàn trải, chưa hoặc không quan tâm đến thanh toán nợ đọng và có tư tưởng trông chờ vào hỗ trợ từ ngân sách cấp trên.

Thi công cầu An Bình, một hạng mục quan trọng thuộc Dự án đường nối từ ĐT609C đến quốc lộ 14B.
Các dự án đầu tư xây dựng cơ bản trong tình trạng bị động, không đảm bảo nguồn để thực hiện.
TRONG ẢNH: Thi công cầu An Bình, một hạng mục quan trọng thuộc Dự án đường nối từ ĐT609C đến quốc lộ 14B.

Một nhiệm kỳ mới của một cấp chính quyền, lãnh đạo nào cũng mong muốn được đóng góp, để lại những dấu ấn đậm nét về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, chính "mong muốn" này lại dẫn đến những quyết định "mạnh tay", vượt khả năng cân đối ngân sách và kết quả cuối cùng là nợ đọng XDCB sau khi kết thúc nhiệm kỳ.

Trong khi đó, nhiệm kỳ lãnh đạo mới khi tiếp quản thường ít quan tâm đến việc xử lý số nợ đọng của nhiệm kỳ trước vì phải lo cân đối ngân sách cho các dự án đầu tư mới theo chương trình kế hoạch của nhiệm kỳ hiện tại. Cứ như vậy, tiếp tục đi vào vòng xoáy của tư duy nhiệm kỳ, vẫn tiếp tục đầu tư các công trình, dự án mới làm nợ phát sinh càng ngày càng trầm trọng thêm.

 
Phần lớn các địa phương trong tỉnh đều nợ đọng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. TRONG ẢNH: Một ngôi trường tại xã Tam Hiệp (Núi Thành) sử dụng vốn đầu tư công đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Phần lớn các địa phương trong tỉnh đều nợ đọng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.
TRONG ẢNH: Trường THPT Nguyễn Huệ, xã Tam Hiệp (Núi Thành) sử dụng vốn đầu tư công đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Một số nhà thầu quan niệm rằng các công trình quan trọng của địa phương sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì trước sau sẽ được thanh toán vốn nên đã vay mượn để thi công, và hậu quả là nhiều năm sau vẫn là chủ nợ bất đắc dĩ.

Nợ XDCB khiến các nhà thầu không có vốn để thực hiện tái sản xuất, dẫn đến tình trạng nhà thầu chiếm dụng vốn của doanh nghiệp cung cấp vật tư, chiếm dụng tiền lương của người lao động, của các tổ chức tín dụng dẫn tới mất an toàn tài chính. Điều này lại làm phát sinh thêm khoản nợ đọng cho xã hội.

 

Để xử lý nợ đọng XDCB của khối lượng đã thực hiện tính đến hết năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các ngành, địa phương khẩn trương rà soát, thống kê, phân loại nợ đọng, xác định cụ thể nguyên nhân của từng khoản nợ đọng; trên cơ sở đó có kế hoạch và lộ trình xử lý dứt điểm nợ đọng XDCB một cách công khai, công bằng và tổ chức thực hiện nghiêm túc, triệt để.

Việc xử lý nợ đọng được tiến hành dần theo lộ trình từng năm và thứ tự ưu tiên hợp lý, quy định thời điểm phải hoàn thành việc xử lý nợ đọng XDCB.

Khởi công dự án đường nối từ tuyến ĐT609C đến quốc lộ 14B qua Đại Lộc
Giai đoạn 2021 - 2025, hàng loạt dự án, công trình xây dựng cơ bản được đầu tư.
TRONG ẢNH: Khởi công dự án đường nối từ tuyến ĐT609C đến quốc lộ 14B qua Đại Lộc đầu năm nay

Để không phát sinh thêm nợ đọng XDCB mới, chính quyền tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương trong giai đoạn 2021 – 2025 phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các dự án đầu tư XDCB; chủ động áp dụng các biện pháp xử lý kịp thời để không làm phát sinh nợ đọng XDCB; xác định rõ trách nhiệm và có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân gây ra nợ đọng XDCB.

Các cấp có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã phê duyệt, chỉ được quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách. Chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan lập, thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền.

Đối với các dự án khởi công mới, các cấp có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã được phê duyệt; chỉ được phê duyệt quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách.

Đối với các dự án đã được thẩm định nguồn vốn, chỉ được phê duyệt quyết định đầu tư phần vốn ngân sách theo đúng mức vốn đã được thẩm định.

Nạo vét sông Cổ Cò
Nạo vét sông Cổ Cò

Việc điều chỉnh dự án phải bảo đảm hiệu quả đầu tư, mục tiêu đầu tư, khả năng cân đối nguồn vốn và khả năng hoàn thành dự án đúng tiến độ. Làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, dẫn đến việc tăng tổng mức đầu tư các dự án không thuộc các trường hợp được phép điều chỉnh theo quy định.

Thêm vào đó thanh toán và ứng vốn cho các dự án đầu tư phải theo khối lượng thực hiện; trường hợp đặc biệt phải được cấp thẩm quyền cho phép.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường kiểm tra tiến độ thi công Dự án đường nối ĐT609C với quốc lộ 14B và Dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò qua Hội An và Điện Bàn.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường kiểm tra tiến độ thi công Dự án đường nối ĐT609C với quốc lộ 14B và Dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò qua Hội An và Điện Bàn.

Các ngành, địa phương tổ chức rà soát và lập danh mục các dự án đang được đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, gồm: Danh mục các dự án hoàn thành, đã bàn giao, đưa vào sử dụng nhưng chưa bố trí đủ vốn; danh mục dự án có khả năng hoàn thành năm kế hoạch; danh mục dự án còn lại để sắp xếp thứ tự dự án ưu tiên đầu tư, trong đó tập trung bố trí vốn cho các dự án dở dang, tránh đầu tư dàn trải.

Bên cạnh những giải pháp nêu trên, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng và chính quyền của các ban, ngành, địa phương, để hoàn thành giải quyết dứt điểm nợ XDCB và làm giảm bớt việc phát sinh nợ mới.

Giải pháp cuối cùng là phải ân xá cho những khoản nợ đọng XDCB. Ân xá nợ được hiểu là việc làm của ngân sách nhà nước trong việc miễn giảm trách nhiệm cá nhân để xảy ra nợ đọng, mở ra khả năng làm lành mạnh hóa công tác đầu tư XDCB trong giai đoạn tới.

Cụ thể là việc ngân sách cấp trên sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để hỗ trợ cho các địa phương trả dần các khoản nợ đọng. Mà với điều kiện hiện nay ngân sách các địa phương không thể vừa trả nợ cũ, vừa phải chuẩn bị các nguồn vốn đối ứng cho việc triển khai các nghị quyết HĐND tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia. 

 

Riêng đối với nợ đọng đối ứng các chương trình mục tiêu quốc gia 320 tỷ đồng cần phải được ân xá sớm để “cơ thể” ngân sách các địa phương hồi phục, tiếp tục triển khai vốn đối ứng cho ba chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn tới (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới). Tổng vốn đầu tư công vừa được Quốc hội thông qua và phân bổ cho Quảng Nam tại kỳ họp đang diễn ra là 5.863 tỷ đồng.

 
Các địa phương miền núi mong muốn được “ân xá” nợ đọng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản
Các địa phương miền núi mong muốn được ân xá nợ đọng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản

Quảng Nam đang tập trung thực hành tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư công; kịp thời rà soát, đánh giá để điều chỉnh, loại bỏ những dự án kém hiệu quả hoặc chưa thật sự cần thiết, để ưu tiên vốn cho các dự án cấp bách, trọng điểm, có tính chất kết nối, lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng thời nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị, tổ chức thực hiện dự án, hạn chế phải điều chỉnh trong quá trình triển khai, bảo đảm hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực và quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý nghiêm vi phạm; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Với các giải pháp đồng bộ nêu trên, hy vọng bài toán “trầm kha” về nợ đọng XDCB của Quảng Nam sẽ sớm được xử lý dứt diểm. Và quan trọng hơn, công tác quản lý vốn đầu tư công và triển khai các dự án đầu tư XDCB sẽ ngày càng chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm.

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Ân xá" nợ đọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO