Dấu chân nơi biên thùy... - Bài 1: Trấn giữ biên cương

ALĂNG NGƯỚC 06/05/2021 10:21

Đường tuần tra hiểm nguy, nhưng gần như ngày nào các chiến sĩ biên phòng vẫn lặn lội 2 đến 3 chuyến tuần tra, kiểm soát. Trước nguy cơ dịch Covid-19 tái bùng phát, lượng người vượt biên từ Lào trở về nước được nhận định sẽ phức tạp hơn trước, việc duy trì và đảm bảo trực chốt càng được thực hiện nghiêm ngặt.

 

Chốt kiểm soát, bây giờ như một “thành trì” ngăn dịch và người vượt biên trái phép. Ngày cũng như đêm, luôn có một đội quân làm nhiệm vụ trấn giữ biên cương, kiểm soát tất cả đường mòn lối mở, bảo vệ biên giới bình yên.

 

Mưa dông bất chợt càng khiến con đường tuần tra xuyên núi trơn trượt. Phút nghỉ ngơi hiếm hoi giữa rừng, Binh nhất Trịnh Thanh Đến (thành viên chốt kiểm soát số 2 xã La Dêê, Nam Giang) lột đôi tất để lộ bắp chân chi chít những vết bầm tím - dấu tích sau những lần bị vắt cắn. Đi và đi. Liên tục trong vài tháng, kể từ sau đợt được cấp trên điều động tăng cường lên chốt kiểm soát, vắt không còn là thứ đáng sợ với Đến và nhiều anh em miền xuôi.

 

Đến kể, hồi mới nhận nhiệm vụ tăng cường lên biên giới, tất cả đều xa lạ với anh - một chàng trai miền biển huyện Thăng Bình. Giây phút rời khỏi khu vực cửa khẩu Nam Giang vào chốt kiểm soát, trước mặt chỉ toàn rừng cây, thác nước. Sau gần 1 giờ leo núi, lúc đặt chân đến lán trại, mới biết vắt đã bu đầy bắp chân. “Máu tứa ra từ trong tất, em sợ quá nên phải nhờ mấy anh giúp” - Đến nhắc lại kỷ niệm ngày đầu tiên đến chốt.

Nhiệm vụ trực chiến giữa rừng, buộc Đến phải làm quen với công việc, kể cả trong sinh hoạt cá nhân, tuần tra mốc giới. Anh nói, có hôm, dù mưa dông, gió rít nhưng anh em vẫn mặc áo mưa lặng lẽ tiến về phía núi. Đường tuần tra thăm thẳm, chỉ có bóng đêm và tiếng côn trùng lạc giữa màn mưa. Vậy mà, gần như ngày nào, Đến và đồng đội vẫn bám theo đường mòn đầy hiểm trở ấy, tìm hướng cắt núi tuần tra, mật phục mỗi khi có tin báo về.

 

Thượng úy Phạm Đức Nghĩa - Trưởng chốt kiểm soát số 2 xã La Dêê cho biết, luôn có 5 chiến sĩ biên phòng làm nhiệm vụ trực gác tại các chốt kiểm soát dưới chân núi Việt - Lào. Thời điểm dịch bệnh căng thẳng, nơi này còn có cả dân quân và công an địa phương cùng trực chiến. Ròng rã nhiều tháng, họ như bức tường thành vững chắc, dựng nên “rào chắn” ngăn dịch và người lạ vượt biên trái phép.

Hồi Thượng úy Phạm Đức Nghĩa mới nhận nhiệm vụ, căn lán nằm chênh vênh trên sườn núi. Mọi thứ đều tạm bợ. Những chiếc võng được cột sát khu bếp, là nơi nghỉ ngơi của anh em sau chuyến tuần tra trở về. Có đêm mưa phùn, sương núi lạnh buốt, bếp lửa cũng không đủ sưởi ấm, anh em sống chung với điều kiện thời tiết khắc nghiệt của vùng biên.

 

Năm ngoái, thiên tai hoành hành, chốt gác bị sạt lở uy hiếp buộc phải di dời. Nhưng, tìm được mặt bằng để dựng chốt, là điều không hề đơn giản. Tình thế cấp bách, may mắn anh em tìm được vị trí mới, cách điểm cũ chừng hơn trăm mét.

Huy động lực lượng cùng tham gia dựng chốt, kể ra mất cũng gần cả tháng trời, từ ban lấp đất, gùi cát sỏi, xi măng cho đến vận chuyển vật liệu sắt thép, bàn ghế... Anh em phải tận dụng lán cũ để ở. Nhiều bữa ăn dưới mưa, vất vả không thể nào kể hết.

 

Hôm trước, lúc ghé Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang, tôi nghe anh em chiến sĩ kể về hiểm họa sạt lở đất xảy ra tại chốt kiểm soát số 3 La Dêê mà không khỏi rùng mình. Chuyện xảy ra cuối năm 2020, hôm đó trời mưa to, phía đỉnh đồi xuất hiện vết nứt dài, anh em báo cáo về chỉ huy đơn vị. Ngay lập tức, lệnh rút quân khỏi lán được ban hành. Đầu giờ chiều vừa rời đi, thì đến tối lán trại đã bị đất vùi lấp hoàn toàn.

 

Phía bên kia dãy núi Đắc Pênh là cụm bản Đắc Tà Oọc Nhày (thuộc huyện Đắc Chưng, tỉnh Sê Kông, Lào). Từ chốt gác, phải mất vài cây số nữa mới đến cột mốc biên giới. Đoạn này, đường tuần tra chủ yếu dọc theo con nước hướng về đông nam. Để đảm bảo cho việc kiểm soát, các chiến sĩ phân chia thành 2 nhóm tuần tra song song.

 

Một nhóm tiến về cột mốc, nhóm khác theo hướng trở ra cửa khẩu, quân số còn lại làm nhiệm vụ trực gác ở chốt. Hàng tuần, hàng tháng, anh em đều phối hợp với lực lượng dân quân, công an xã thực hiện kế hoạch tuần tra theo quy chế chung giữa Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang với các xã biên giới.

 

Trở về sau chuyến tuần tra, Trung úy Alăng Uôn ngược ra phía sau lán xách can nước đầy mang về nấu cơm tối. Hai chiến sĩ khác, cũng vừa về từ hướng cột mốc, trên tay sẵn bó rau rừng. Vừa kịp cất dụng cụ hỗ trợ, họ đã tranh thủ mang bó rau tận máng nước để rửa.

Trung úy Alăng Uôn nói với tôi, đó là môn thục - một loại môn rừng mọc rất nhiều ở khe suối vùng này. Sau những chuyến tuần tra, anh em thường hái rau dọc đường để cải thiện bữa ăn, cũng là cách giúp tiết kiệm lương thực dự trữ phòng khi trái gió trở trời.

“Củi, anh em tự kiếm về, mỗi ngày mang một ít, rồi chất thành kho gần bếp. Anh em bảo nhau chỉ lấy củi khô, hoặc nhánh cây đã ngã đổ, tuyệt đối không tác động đến cây rừng tự nhiên” - Trung úy Alăng Uôn chia sẻ.

 

Sau bữa cơm tối, các chiến sĩ phân công nhau trực gác và lên đường tuần tra. Trong bóng đêm đặc quánh, ánh sáng loáng thoáng từ những chiếc đèn pin đủ nhìn rõ vật phía trước. Chúng tôi tiến về cột mốc, và căn dặn nhau đề phòng rắn rết.

Lời vừa dứt, một “sát thủ bóng đêm” (tên gọi khác của rắn cạp nia - PV) đã lù lù trước mặt, ngay sát đường tuần tra. Binh nhất Trịnh Thanh Đến kể, vài tháng trước, trong lúc đang nấu ăn, một con rắn lục cũng bò về lán trại khiến cả chốt bị một phen hú vía. “May là ban ngày, chứ ban đêm, không biết thế nào nữa” - Đến nói.

Đường tuần tra hiểm trở, nhưng chưa đêm nào vắng bước chân các chiến sĩ. Họ lặng lẽ làm nhiệm vụ giữa rừng, tất cả vì sự bình yên cho biên giới. Nhiều đêm không ngủ, cả chốt thức cùng phiên gác giữa rừng làm nhiệm vụ trực chiến…

------------------------------

Bài cuối: Phía sau là Tổ quốc

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu chân nơi biên thùy... - Bài 1: Trấn giữ biên cương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO