[eMagazine] - Cấu trúc lại sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NAM MEDIA 03/02/2022 10:18

(QNO) - Khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp để tìm thị trường tiêu thụ ổn định trong nước và xuất khẩu là mục tiêu vừa là động lực trỗi dậy mạnh mẽ của ngành nông nghiệp tỉnh trong thời gian đến. Những tác động bất lợi của dịch Covid-19 và thiên tai rình rập vừa qua, buộc Quảng Nam phải điều chỉnh quy hoạch, tổ chức lại sản xuất, để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, hiện đại và hiệu quả hơn.

 

Gần đây, các địa phương miền núi và trung du phát triển vùng chuyên canh cây trồng bản địa, vừa phục vụ thị trường hàng hóa vừa khẳng định được thương hiệu “đặc sản” vùng đất. Vùng đất Trà My nói chung không chỉ nổi tiếng là xứ sở “cao sơn ngọc quế”, mà gần đây còn xây dựng được hình ảnh thương hiệu quốc gia - là sâm Ngọc Linh.

 

Tương tự, tại miền biên giới Tây Giang giáp với nước bạn Lào, đồng bào Cơ Tu tất tả với mùa thu hoạch cam Vinh cuối năm. Loại cây ăn quả này không chỉ cung cấp cho các chợ, siêu thị địa bàn Quảng Nam mà mở rộng đến thị trường Đà Nẵng. Cam Vinh cổ thụ xã Ga Ry (Tây Giang) có thể sống cả trăm năm, mỗi cây thu hoạch trên dưới 400kg, với giá hiện nay thì bình quân mỗi cây cho thu nhập 5 triệu đồng. Người tiêu dùng ưa chuộng sản phẩm trái cây vùng cao này do quả ngon, vị ngọt, hoàn toàn tự nhiên vì đồng bào hầu như không bón phân.

 

Bà Bling Hon - Phó Chủ tịch UBND xã Ga Ry cho biết, trước đây, người Cơ Tu trồng, thu hoạch cam để phục vụ tại chỗ và vùng lân cận nhưng bây giờ loại cây ăn quả này đã trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực. Mỗi một hộ gia đình trồng cam Vinh có thể thu về mỗi năm 40 triệu đồng.

 

[CLIP] - Mùa thu hoạch cam ở xã Ga Ry (Tây Giang) cuối năm 2021:

Trong các loại cây ăn quả hiện nay, dù cây măng cụt trồng không tập trung quy mô lớn tại các huyện Tiên Phước, Đông Giang, Hiệp Đức, Nông Sơn (khoảng 76ha), nhưng các địa phương này vẫn đặt niềm tin, tương lai sẽ cho giá trị kinh tế cao bởi ưu thế của loại cây ăn quả này là chống chịu được gió bão, cho năng suất cao, lại trái mùa vụ với miền Nam, có triển vọng xuất khẩu. Cây măng cụt đã trở thành một trong những cây trồng được ưu tiên hàng đầu trong vườn của người dân Tiên Phước. Đến nay, tổng diện tích cây măng cụt của toàn huyện hơn 322ha, năng suất bình quân 26 tạ/ha.

 

Theo UBND huyện Tiên Phước, hiệu quả sản xuất mỗi héc ta măng cụt cho trái ổn định (12 - 15 năm) hơn 200 triệu đồng/năm. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước Mai Minh Nguyệt cho biết, quả măng cụt được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loài trái cây, chủ trương phát triển loại cây này thành một trong những cây chủ lực tại địa phương. Bởi, ngày 12.4.2021, Huyện ủy Tiên Phước ra Nghị quyết 03 về đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái gắn với xây dựng bản sắc văn hóa thuần Việt giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, theo kế hoạch của địa phương đặt ra mục tiêu đến năm 2025, nâng diện tích trồng cây măng cụt lên 1.000ha.

 

Năm 2021, UBND tỉnh công bố danh mục các sản phẩm chủ lực nông nghiệp ở 4 lĩnh vực trọng yếu gồm trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Về trồng trọt, cây hàng năm gồm (cây lúa, ngô, lạc, rau củ quả các loại, nấm ăn, nấm dược liệu); cây công nghiệp lâu năm (cao su, tiêu); cây ăn quả (gồm măng cụt, cam, quýt, chuối, bưởi, xoài, dứa); cây dược liệu (sâm Ngọc Linh, Quế Trà My, ba kích, đảng sâm, sa nhân, bảy lá một hoa,…). Chăn nuôi (bò, heo, gà). Lâm nghiệp (cây giổi, lim, chò, ươi, keo lai,…). Ở lĩnh vực thủy sản (tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá).

 

Nông nghiệp rất có tiềm năng và lợi thế phát triển, song vẫn còn khiêm tốn trong đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh. Trong kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, vì sao Quảng Nam phải lập danh mục sản phẩm chủ lực? Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Viết Tích cho rằng, cái đích cuối cùng là tạo ra giá trị cao, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh, quy mô lớn, gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, hướng đến thị trường xuất khẩu. 

 
 

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu khẳng định, Quảng Nam hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, sạch, theo chuỗi giá trị, mục đích cuối cùng là đem lại giá trị cao cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Miền núi định hướng phát triển rừng, cây dược liệu dưới tán rừng và lấy cây sâm Ngọc Linh dẫn dắt các cây dược liệu khác. Vùng trung du chủ yếu phát triển cây ăn quả. Đồng bằng làm nông nghiệp công nghệ cao, phát triển trung tâm tôm giống chất lượng, hiện đại của khu vực. 

 

Hiện nay, các huyện miền núi Tây Giang, Đông Giang, Bắc Trà My, kể cả vùng trung du Tiên Phước, Núi Thành... bắt đầu chú trọng năng suất trên đơn vị diện tích canh tác, giảm giá thành nông sản, điều chỉnh cơ cấu theo lợi thế tiểu vùng sinh thái, chú trọng giống mới (cây, con vật nuôi), áp dụng công nghệ sau thu hoạch và chế biến, đặc biệt là chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

 

Về chăn nuôi, lấy con bò để dẫn dắt các con vật nuôi khác, chuyển dần quy mô chăn nuôi từ nông hộ sang đầu tư phát triển chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ (10 - 30 con), vừa (trên 30 - 200 con). Ngành nông nghiệp định hướng tỷ lệ chăn nuôi bò tập trung đạt khoảng 25% trong tổng đàn bò, phát triển các khu chăn nuôi bò với diện tích 1.000ha. Khuyến khích phương thức chăn nuôi theo hướng gia công cho các doanh nghiệp lớn, chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ cung cấp đầu vào (giống, thức ăn, vật tư phòng trừ dịch bệnh) cho sản xuất, đến chế biến tiêu thụ sản phẩm (giết mổ tập trung, bảo quản, vận chuyển sản phẩm), lấy doanh nghiệp, hợp tác xã làm động lực nhằm kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm, điều tiết cung - cầu sản phẩm chăn nuôi.

 

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Viết Tích, tích tụ ruộng đất là một trong những giải pháp rất quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, các địa phương cần tạo cơ chế thuận lợi cho hợp tác xã thuê lại đất của hộ nông dân với thời hạn thuê từ 10 năm trở lên/chu kỳ; doanh nghiệp thuê lại đất từ 20 năm trở lên/chu kỳ, tùy thuộc chu kỳ kinh tế loại cây trồng. Mỗi xã tích tụ ít nhất 3 vùng, quy mô mỗi vùng từ 20ha trở lên đối với vùng đồng bằng, từ 30ha trở lên đối với vùng miền núi phục vụ cho chăn nuôi, trồng rừng, cây dược liệu.

 

Khuyến khích nông dân có đất nhưng không có khả năng sản xuất cho thuê, góp cổ phần bằng quyền sử dụng đất nhằm tập trung ruộng đất, tạo điều kiện áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Giải pháp mà ngành nông nghiệp chú trọng trong giai đoạn mới là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên cơ sở liên kết theo chuỗi, liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà doanh nghiệp, ngân hàng và nhà nông). Khai thác tiềm năng tài nguyên đất đai, các vùng sinh thái, các sản phẩm đặc hữu của tỉnh để phát triển đa dạng hóa ngành nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản), xúc tiến và thu hút, hỗ trợ mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

 

Thời gian qua, trung ương, tỉnh dù ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, nhưng khi vận dụng vào thực tế thì gặp không ít rào cản do hỗ trợ dàn trải, không đủ hấp dẫn doanh nghiệp. Bí thư Huyện ủy Đông Giang - ông Đỗ Tài cho rằng, nếu không có doanh nghiệp lên miền núi đầu tư, liên kết hợp tác sản xuất với nông hộ, thì còn lâu mới nghĩ đến chuyện hướng đến thị trường hàng hóa, xuất khẩu. Ý kiến của ông Tài cũng là trăn trở chung của các địa phương miền núi hiện nay.

 

Đột phá trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 là chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, gia tăng giá trị và tăng thu nhập bình quân của nông dân, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

[CLIP NGUYỄN HƯNG] - Tiên Phước phát triển mạnh mô hình trồng cây măng cụt:

 

Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Viết Tích cho rằng, giai đoạn mới sẽ tổ chức sản xuất theo 2 vùng, đó là vùng đồng bằng, ven biển và vùng miền núi, trung du. Trong đó, vùng đồng bằng, ven biển sản xuất tập trung, liên kết sản xuất cây thực phẩm (rau, đậu, củ, quả…) diện tích 18.000ha/năm nằm ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh. Tổ chức vùng, khu sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tưới nước tiết kiệm trong sản xuất rau sạch tại các khu vực đô thị Tam Kỳ, Hội An, Núi Thành và một số nơi ở vùng Đông Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, Phú Ninh, phát triển nghề trồng hoa và sinh vật cảnh.

 

Phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao Đông Quảng Nam tại  Thăng Bình; Tam Kỳ khu vực Tam Phú. Mỗi huyện, thành phố xây dựng ít nhất một khu nông nghiệp công nghệ cao hoặc khu phức hợp sản xuất chế biến, nông lâm thủy sản. Liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản ở các vùng đất ven đô thị Điện Bàn, TP.Tam Kỳ, vùng ven sông Trường giang (Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành). Hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm tại khu vực các huyện đồng bằng, phát triển các trang trại chăn nuôi bò, heo, gà. Xây dựng các chợ đầu mối tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

 

Trong khi đó, vùng trung du và miền núi, quy hoạch 15.000ha cây dược liệu các loại bao gồm sâm Ngọc Linh, sa nhân, ba kích, đảng sâm, quế Trà My và một số cây dược liệu khác có liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Cạnh đó, ở các huyện miền núi, trung du định hướng tỷ lệ chăn nuôi bò tập trung đạt khoảng 25% trong tổng đàn bò. Chuyển đổi 4.000ha gieo trồng lúa nương rẫy, tập trung 6 huyện miền núi (Bắc Trà My, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Nam Trà My và Phước Sơn) hiệu quả thấp sang trồng ngô, trồng xen ngô, đậu đỗ, dược liệu và các cây trồng cạn khác.

 

Sở NN&PTNT Quảng Nam cho rằng, các huyện miền núi thấp Tiên Phước, Bắc Trà My, Nông Sơn, Hiệp Đức, Đông Giang và Nam Giang ưu tiên vào sản xuất các vùng rừng trồng nguyên liệu gỗ với quy mô diện tích khoảng 200.000ha, liên kết với các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn. Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, gia trại, trồng cây ăn quả theo hướng VietGap, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp chế biến tiêu thụ sản phẩm. Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm của chăn nuôi (bò thịt, lợn thịt) giữa các vùng trong tỉnh, ngoại tỉnh.

 

Về giải pháp sắp tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh, chính quyền tỉnh sẽ hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại theo sản phẩm chủ lực và đặc trưng của tỉnh; tiếp thị quảng bá sản phẩm vươn ra thị trường xuất khẩu; sản xuất theo chuỗi sản phẩm sạch và chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài nước; hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.

 

Như vậy, việc thực thi các chương trình phát triển vùng nguyên liệu vẫn nằm ở tư duy sản xuất chứ không phải tư duy kinh tế, lại nôn nóng đạt quy mô, sản lượng lớn chứ chưa đặt chuỗi giá trị lên hàng đầu tương thích với thị trường. Qua những ẩm ương của một thời “xổ số cây trồng”, giờ đây trông đợi cách nghĩ và cách làm khác, là sản phẩm nông nghiệp phải “chịu đựng” được sự cạnh tranh của thị trường hội nhập. 

Qua 2 năm (2020 – 2021) ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 và dồn dập bão lũ nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn có sự tăng trưởng khá ổn định. Báo cáo kinh tế - xã hội năm 2021 của UBND tỉnh cho thấy, giá trị tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 7.766 tỷ đồng, tiếp tục duy trì với mức tăng trưởng 3,6%. Cơ cấu giá trị ngành nông nghiệp tỉnh chiếm 14,1% tổng cơ cấu kinh tế tỉnh; trong đó, lĩnh vực trồng trọt tăng 1,7%, thủy sản tăng 5,2%, lâm nghiệp tăng 7,7%. Giá trị sản phẩm trồng cây hằng năm trên 1ha ước đạt trên 90 triệu đồng, giá trị sản phẩm nuôi trồng thủy sản trên 1ha ước đạt khoảng 390 triệu đồng.
 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Cấu trúc lại sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO