[eMagazine] - Chạm vào nền nông nghiệp 4.0

SỰ THỰC - T. CÔNG – Q. TUẤN – V.ANH 28/08/2022 08:07

(QNO) - Quảng Nam định hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, toàn diện và bền vững, trong đó đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao để tăng nhanh giá trị và lợi nhuận. Quyết tâm chạm vào nền nông nghiệp 4.0, nhiều mô hình tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số ra đời, nhưng con đường phía trước vẫn còn không ít gian nan…

 

Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất sản phẩm OCOP. Sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc, góp mặt trên các kênh bán hàng điện tử, tham gia những diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo…, gia tăng cơ hội tiếp cận chuyển đổi số, tạo nền tảng mới cho nông nghiệp.

Mạnh dạn ứng dụng công nghệ

Nhiều HTX chú trọng đầu tư hệ thống máy móc hiện đại chế biến sản phẩm nông nghiệp sạch. Trong ảnh là cơ sở chế biến dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm (Tam Kỳ)
Nhiều HTX chú trọng đầu tư hệ thống máy móc hiện đại chế biến sản phẩm nông nghiệp sạch. Trong ảnh là cơ sở chế biến dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm (Tam Kỳ)

Từ bước đệm đầu tiên là công ty riêng chuyên tư vấn - thi công hệ thống trồng rau sạch quy mô trang trại, hộ gia đình và cung cấp thực phẩm sạch, chị Diệp Thị Thảo Trang (SN 1992, thôn Nam Hà, xã Bình Dương, Thăng Bình) quyết định khởi nghiệp với nông nghiệp sạch. Cùng với những cộng sự là kỹ sư nông nghiệp, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Bình được thành lập vào tháng 11.2021, với 7 thành viên tham gia.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu thăm gian hàng sản phẩm có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu thăm gian hàng sản phẩm có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất

Với diện tích 3.000m2, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Bình sử dụng 400m2 để trồng rau quả thủy canh, phần còn lại trồng rau quả hữu cơ và hoa. Tất cả sản phẩm đều được sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trên nền tảng ứng dụng những giải pháp công nghệ cao, giúp tăng năng suất và chất lượng.

“Thời gian qua, HTX liên kết với các hộ dân địa phương tổ chức thi công và chuyển giao quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, đồng thời bao tiêu đầu ra sản phẩm. Đến nay, HTX đã hình thành được kênh phân phối sỉ và lẻ các mặt hàng rau củ quả do chính HTX và các hộ dân trồng. Sản phẩm được cung ứng cho các siêu thị thực phẩm sạch, nhà hàng, khách sạn, khu resort, bếp ăn công nghiệp… trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng và các tỉnh lân cận” - chị Trang nói.

Chị Trang cho hay, thời gian qua HTX đã đón tiếp hơn 2.500 lượt khách (chủ yếu là học sinh) tham gia trải nghiệm. Bình quân mỗi tháng, HTX cung ứng hơn 1,5 tấn rau củ quả ra thị trường, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. HTX đang hướng đến tiếp cận chương trình OCOP và phát triển mạnh hơn về du lịch trải nghiệm để lan tỏa tinh thần sống xanh, góp phần thực hiện chiến lược du lịch Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh.

 

Trợ lực của chính quyền

Câu chuyện của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Bình như một điểm sáng trong hành trình nỗ lực tiếp cận, xây dựng nền nông nghiệp 4.0, nhìn từ cơ sở. Ông Đặng Văn Tính - Trưởng phòng Kế hoạch & kiểm tra của Liên minh HTX tỉnh cho biết, thời gian qua Liên minh HTX tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức khảo sát thực tế, hỗ trợ xây dựng 19 HTX sản xuất - kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao.

Sản phẩm dưa lưới của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn
Sản phẩm dưa lưới của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quế Sơn

Các HTX đã chủ động ký kết hợp đồng với thành viên, hộ gia đình về sản xuất và cung ứng nguyên vật liệu đầu vào, mở rộng diện tích sản xuất, mở rộng thành viên liên kết.

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, đòn bẩy cho ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp là chương trình OCOP. Nhờ chương trình này, nhiều doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác (THT), hộ cá thể có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô hoạt động, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất, lắp đặt các trang thiết bị máy móc hiện đại trong sản xuất - chế biến.

“Bên cạnh việc chú trọng hình thành các vùng nguyên liệu đảm bảo phù hợp điều kiện từng vùng, ngành cũng đã tích cực hướng dẫn, tiếp sức cho các doanh nghiệp, HTX, THT, hộ cá thể phát triển sản phẩm theo phương thức sản xuất hàng hóa, theo tiêu chuẩn GlobalGAP, Organic, GMP, HACCP, ISO...” - ông Ngô Tấn nói.

 

 [VIDEO] - Quảng Nam đang tập trung ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất sản phẩm OCOP:

 

Trong xu thế bùng nổ công nghệ ngày nay, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử sẽ giúp các doanh nghiệp, người nông dân chiếm lĩnh thị trường, mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm. 

Sự phát triển bùng nổ của công nghệ khiến cho xu hướng mua sắm điện tử ngày càng cao
Sự phát triển bùng nổ của công nghệ khiến cho xu hướng mua sắm điện tử ngày càng cao

Phát triển và đầu tư đồng bộ, đa dạng kênh truyền thông, thương mại điện tử (TMĐT), nhiều doanh nghiệp không chỉ đạt doanh số bán hàng tốt mà qua đó còn tiếp cận được những đối tác, khách hàng lớn.

Khởi nghiệp từ sản phẩm nông nghiệp lạ lẫm - quả nhàu, chị Bùi Thị Tuyết Nhung (phường An Phú, Tam Kỳ) đã phải dành nhiều tâm sức để phát triển thương hiệu “Bestone”. Chị Nhung cho rằng, ngày càng có nhiều đối tác tìm đến Bestone là nhờ từ nhiều năm qua, doanh nghiệp đã phát triển đồng bộ các kênh truyền thông, bán hàng, từ website, youtube, fanpage đến các sàn thương mại điện tử. Với sự đầu tư đó, khi đối tác, khách hàng cần sản phẩm về nhàu sẽ tìm đến Bestone đầu tiên mà doanh nghiệp không cần đi xa để xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.

 

Với các sản phẩm dầu thực vật mang thương hiệu “Sống sạch Food” của chị Nguyễn Thị Tố Nga (Tiên Phước), việc phát triển, bán hàng qua các kênh TMĐT lớn như Shoppe, Lazada, Tiki… là định hướng lớn trong kinh doanh.

Chị Nga chia sẻ: “Lâu nay doanh nghiệp tôi tiếp cận đa kênh trong thương mại sản phẩm, cả truyền thống và ứng dụng công nghệ. Mỗi kênh có lợi thế nhất định. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của công nghệ, doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc, trong đó cần tập trung marketing trên sàn TMĐT".

Theo chị Nga, với các sàn TMĐT lớn, để đứng được “trên vai người khổng lồ” thì doanh nghiệp cần có chính sách kinh doanh phù hợp, sản phẩm có tính thương mại cao. Việc tham gia các khóa học, đào tạo do các sàn TMĐT tổ chức để vận hành, bán hàng, tiếp cận khách hàng cũng rất cần thiết”. 

: Các sản phẩm OCOP cũng là lĩnh vực được ưu tiên để đầu tư ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất và thương mại. Ảnh: cam sành Trà Dương, sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao của HTX Nông nghiệp Trà Dương (Bắc Trà My)
: Các sản phẩm OCOP cũng là lĩnh vực được ưu tiên để đầu tư ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong sản xuất và thương mại. Ảnh: cam sành Trà Dương, sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao của HTX Nông nghiệp Trà Dương (Bắc Trà My)

Ông Đặng Văn Chính - Giám đốc HTX Công nghệ thông tin Huế - một doanh nghiệp chuyên cung cấp các sản phẩm, ứng dụng chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở miền Trung nói: “Các HTX, doanh nghiệp cần tăng cường hoạt động chuyển đổi số. Các công việc đầu tiên nên thực hiện là số hóa thông tin khách hàng, thông tin sản phẩm - dịch vụ. Song song với đó là tham gia các sự kiện truyền thông, tích cực quảng bá trên Internet và các mạng xã hội, tham gia các sàn TMĐT của ngành, địa phương và các sàn lớn như Shopee, Tiki, Lazada, Alibaba, Amazon…”

Hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp được phần lớn HTX, tổ hợp tác ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong đó có Quảng Nam lựa chọn, phát triển. Theo Liên minh HTX Việt Nam, khu vực gồm 18 tỉnh từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận và 5 tỉnh Tây Nguyên, tính đến cuối tháng 4.2022 có khoảng 7.691 HTX. Tuy nhiên, chỉ có hơn 700 HTX bước đầu thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, mới (tỷ lệ 10%).

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, với kinh tế số, Quảng Nam đang hợp tác chặt chẽ với các tập đoàn lớn về công nghệ - viễn thông. Thông qua các tập đoàn này, tỉnh đặt mục tiêu có 1.000 doanh nghiệp chuyển đổi số, gắn sản phẩm với trang TMĐT của các tập đoàn này.

Theo ông Bửu, tỉnh thực hiện CĐS đến tất cả lĩnh vực, trong đó ưu tiên cho lĩnh vực kinh tế tập thể, HTX. Chẳng hạn, tỉnh có thể hỗ trợ cáp quang internet, tổ chức đào tạo online về CĐS, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng… cho HTX.

 
 

Dù nông nghiệp - nông dân – nông thôn Quảng Nam đã có nhiều bước chuyển đáng kể, tạo bức tranh khởi sắc trên diện rộng nhưng về mảng công nghệ cao, có thể xem đây vẫn là “vùng lõm”.

Chưa có đột phá

Phần lớn mô hình kinh tế vườn chuyên trồng các loại cây ăn quả trên địa bàn tỉnh chưa ứng dụng công nghệ cao, vẫn sản xuất theo phương thức truyền thống
Phần lớn mô hình kinh tế vườn chuyên trồng các loại cây ăn quả trên địa bàn tỉnh chưa ứng dụng công nghệ cao, vẫn sản xuất theo phương thức truyền thống

Ngoại trừ khu Vin Eco Nam Hội An với diện tích khoảng 2,5ha thuộc quần thể Vinpearl Nam Hội An (Thăng Bình) ứng dụng đồng bộ kỹ thuật tiên tiến thì các dự án đầu tư nông nghiệp công nghệ cao từ các doanh nghiệp lớn vẫn… nằm trên giấy.

Đến nay, trên địa bản tỉnh vẫn chưa có doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao nào được công nhận. Mới nhất, 2 dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Điện Bàn và Thăng Bình của Tập đoàn T&T với diện tích dự kiến đầu tư hơn 428ha và nguồn vốn thực hiện hơn 5.404 tỷ đồng đã bị UBND tỉnh thu hồi quyết định chủ trương đầu tư.

Ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, vướng mắc chính khiến các tập đoàn, doanh nghiệp lớn còn chưa thực sự quyết tâm đầu tư vào nông nghiệp Quảng Nam là khó khăn trong việc tìm diện tích đất thuận lợi, đủ lớn. Hiện nay, ngành nông nghiệp vẫn đang chờ đợi một số đòn bẩy lớn như hoàn thành quy hoạch tỉnh, Luật Đất đai mới… để có định hướng triển khai, phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp trong bối cảnh mới.

 

Thông tin từ Phòng Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Sở NN&PTNT), chỉ có một số cơ sở xuất khẩu có áp dụng hệ thống ISO, HACCP ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhưng chủ yếu cũng chỉ cập nhật dữ liệu đầu vào nguyên liệu và đầu ra sản phẩm, chưa có nhật ký điện tử để theo dõi quá trình sản xuất. Hầu hết đơn vị chưa tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử, chủ yếu sử dụng mã vạch, mã QR code để truy xuất về thông tin sản phẩm.

Nhiều lực cản

Sản phảm nấm rơm của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp Tiên Thọ (Tiên Phước) ứng dụng nhiều cải tiến, công nghệ vào sản xuất
Không nhiều doanh nghiệp, HTX ứng dựng công nghệ cao vào sản nông nghiệp. Trong ảnh là sản phảm nấm rơm của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp Tiên Thọ (Tiên Phước) ứng dụng nhiều cải tiến, công nghệ vào sản xuất

Ở phần còn lại, các chủ thể sản xuất quy mô vừa - nhỏ và nông dân vẫn còn rất nhiều lực cản để có thể thích ứng, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. 

Ông Lê Tùng Vương - thành viên sáng lập HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trường Thành nói, đối mặt với quá nhiều khó khăn, đơn vị từ chỗ nhiều kỳ vọng, việc sản xuất dần dần không đem lại hiệu quả và đang phải tiến hành làm thủ tục giải thể. Hạ tầng sản xuất cũng là một hạn chế. Trang trại với công nghệ hiện đại, chi phí gấp từ 4 - 5 lần so với xây dựng trang trại theo mô hình truyền thống” – ông Vương nói.

 

Theo đánh giá, hệ thống công trình thủy lợi hiện nay mới cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới theo phương thức canh tác truyền thống. Để tiếp cận các hình thức canh tác tiên tiến thì điều kiện về thủy lợi phải tưới tiêu hoàn toàn chủ động. Trong khi đó, vốn đầu tư ban đầu cho một mô hình tưới tiết kiệm là rất lớn, vượt ngoài khả năng của đa số nông dân. Đây cũng là trở lực đáng kể cho phát triển nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao thay cho phương thức truyền thống trên toàn tỉnh.

 
 

Vừa phải có chính sách về đất đai, thu hút đầu tư, phát triển nguồn lực, vừa chú ý đến những giải pháp về khoa học công nghệ mới có thể phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao.

Chưa thể đi xa

Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn hướng dẫn nông dân sử dụng chế phẩm sinh học ủ phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ bón cho cây trồng
Cán bộ kỹ thuật nông nghiệp huyện Nông Sơn hướng dẫn nông dân sử dụng chế phẩm sinh học ủ phế phụ phẩm nông nghiệp thành phân hữu cơ bón cho cây trồng

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, OCOP được xem là một trong những “mảng” thu hút mạnh mẽ sự đầu tư công nghệ và chuyển đổi số, song việc thực hiện chương trình này ở Quảng Nam trong 4 năm qua cũng bộc lộ không ít khó khăn, tồn tại. Đáng chú ý, phần lớn quy mô sản xuất của các chủ thể OCOP còn nhỏ; năng lực quản trị tổ chức sản xuất - kinh doanh còn nhiều hạn chế; thiếu nhân lực chuyên môn hiểu biết về marketing, phát triển sản phẩm.

“Nói rộng ra, nhiều chủ cơ sở còn nặng tư duy sản xuất, chưa nhạy bén với cơ chế thị trường; công tác tiếp thị, quảng bá sản phẩm chưa được chủ thể quan tâm đầu tư nhiều. Nhiều sản phẩm còn ở dạng thô, sơ chế đơn giản nên giá trị gia tăng không cao.

Sản phẩm sản xuất theo chuỗi liên kết còn ít, nhiều sản phẩm chưa được áp dụng và chứng nhận các tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến… Các chủ thể cũng chưa xây dựng bài bản phương án sản xuất - kinh doanh và kế hoạch phát triển sản phẩm” - ông Tấn nói.

 

Ngành nông nghiệp nhìn nhận, nhiều điểm yếu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao như số lượng doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ còn ít, chưa thực sự có thương hiệu mạnh nên sức cạnh tranh còn thấp. Khả năng thu hút các doanh nghiệp có năng lực đầu tư lớn vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là đầu tư phát triển theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ còn hạn chế.

Đặc biệt, nguồn nhân lực công nghệ cao - hạt nhân thúc đẩy sự phát triển ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ của tỉnh vẫn đang được đánh giá là yếu và thiếu. Chính những yếu tố này khiến nhiều mục tiêu chuyển đổi số trong nông nghiệp vẫn chỉ đang là… kỳ vọng, và chưa thể đi xa hơn.

Khuyến nghị về chính sách

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Nông Sơn
Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Nông Sơn

Theo TS. Đinh Xuân Nghiêm - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, soi chiếu vào những điều kiện đặc thù, Quảng Nam cần có nhiều chính sách đặc thù về đất đai, thu hút đầu tư, khoa học công nghệ để có thể vực dậy nền nông nghiệp công nghệ cao theo mục tiêu đề ra.

TS. Đinh Xuân Nghiêm nhận định, Quảng Nam cần áp dụng linh hoạt các mô hình tích tụ ruộng đất phù hợp với địa bàn dân cư để hình thành chuỗi giá trị hàng nông sản. Mô hình sẽ là Nhà nước thuê đất của dân ổn định lâu dài rồi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, điện, nước…), sau đó cho các doanh nghiệp thuê lại với giá bằng giá Nhà nước thuê của các hộ dân.

Doanh nghiệp tự lập dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, những chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân phải mạnh mẽ, rộng rãi về đối tượng, phát triển các phương thức đối tác công tư (PPP), đầu tư có sự tham gia giữa Nhà nước và tư nhân để huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

“Thời gian qua, Quảng Nam đã tạo được nhiều dấu ấn trong thu hút doanh nghiệp FDI, song ở lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển các thương hiệu nông sản chất lượng cao còn khiêm tốn. Tôi nghĩ, nên chú trọng sâu hơn mảng này, dựa trên nền tảng lợi thế khá lớn về vùng nguyên liệu.

Điều quan trọng nữa là, nên chủ động tiếp cận sử dụng mô hình tổ chức mới, “hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nông nghiệp vùng” theo hướng dựa vào tri thức và công nghệ như là một giải pháp nhằm nâng cao vai trò của khoa học công nghệ phục vụ sản xuất” - TS. Đinh Xuân Nghiêm nói.

 
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Chạm vào nền nông nghiệp 4.0
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO