[eMagazine] - Chuyện những thầy thuốc đặc biệt

HỒ QUÂN - MỸ LINH 27/02/2023 13:54

(QNO) – Vượt qua những nỗi lo sợ vô hình, họ âm thầm làm việc, trau dồi nghiệp vụ tất cả vì sức khỏe bệnh nhân. Họ là bác sĩ, y sĩ, nhân viên y tế tại Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần và Cơ sở cai nghiện ma túy Quảng Nam.

 
 

Đưa chúng tôi tham quan Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam (xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ), bác sĩ Võ Văn Nhàn - Trưởng phòng Y tế chăm sóc chậm rãi giới thiệu từng đổi thay nơi này qua 20 năm. Từng bệnh nhân, từng khu vực điều trị chăm sóc ông đều rõ mồn một như căn nhà của mình. Bao năm qua, đã có nhiều người không chịu được cảnh khó đã rời đi song bác sĩ Nhàn vẫn bám trụ với trung tâm.

Một góc Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam. Ảnh: Q.L
Một góc Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam (xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ). Ảnh: Q.L

Như là duyên nghiệp, ông đến trung tâm này theo một thông báo tuyển dụng, khi trụ sở mới vừa hoàn thiện và chưa có bệnh nhân. Trước đó ông công tác tại Trạm y tế xã Tam Thành (Phú Ninh) với chuyên môn y sĩ. Lúc bấy giờ, chuyên môn, nghiệp vụ điều trị người tâm thần gần như là số 0 - nếu có chỉ là đôi lần tiếp xúc, phát thuốc cho bệnh nhân tâm thần ở trạm y tế.

Để đáp ứng yêu cầu công việc, ông Nhàn cùng các y, bác sĩ mới tuyển dụng ở trung tâm phải khăn gói ra Đà Nẵng học chuyên môn và thực hành trong 3 tháng. May mắn khi về tiếp nhận công việc, bệnh nhân lúc bấy giờ chỉ hơn 10 người nên ông Nhàn vừa làm quen với công việc và dần tích lũy kinh nghiệm.

Bác sĩ Võ Văn Nhàn - Trưởng phòng Y tế chăm sóc, Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam:

“Dù đã có vài tháng thực hành nhưng thời gian đầu khi tiếp cận công việc, tôi có phần áp lực và không khỏi lo sợ, nhất là những bệnh nhân lên cơn, manh động, hành hung. Đã có nhiều trường hợp không kiểm soát đã đánh bác sĩ và các bệnh nhân khác. Nhưng dần dà, vượt lên trên nỗi lo sợ, mình làm quen, tiếp cận bệnh nhân, quen tính cách, thói quen, sở thích người bệnh, từng biểu hiện khi lên cơn…  nên mọi việc dần suôn sẻ hơn."

Theo quy định, để đảm nhận chức vụ trưởng phòng phải có nghiệp vụ bác sĩ mới đủ điều kiện năng lực ký cấp thuốc cho bệnh nhân. Bác sĩ Nhàn khi ấy đã 31 tuổi nhưng vẫn xin đi học chuyên sâu về điều trị người tâm thần tại Huế. Sau 7 năm đèn sách, năm 2011, bác sĩ Nhàn hoàn thành chương trình học, trở về phục vụ trung tâm.

Đội ngũ y bác sĩ Trung tâm điều dưỡng người tâm thần chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Ảnh: Q.L
Các y bác sĩ Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng  Nam (xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Ảnh: Q.L

Phòng Y tế chăm sóc có 32 người, trong đó có 1 bác sĩ, 2 y sĩ, 4 điều dưỡng, 1 chuyên môn dược. Hằng ngày mọi người gần như ăn, ở, sinh hoạt hòa đồng cùng bệnh nhân để tâm sự, nắm bắt tâm lý, theo dõi hành vi, và phản ứng kịp thời khi người bệnh lên cơn… Ngoài chăm sóc sức khỏe, siêu âm, châm cứu, vật lý trị liệu, phát thuốc cho bệnh nhân, các nhân viên y tế tại đây còn phải điều trị tâm lý, dọn dẹp vệ sinh, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, tổ chức vui chơi, sinh hoạt, thể dục - thể thao… cho gần 300 bệnh nhân. Nếu tâm lý không vững, không nhiệt tâm với nghề thì khó đảm đương nổi công việc.

“Bệnh nhân mỗi người mỗi thể trạng, tình hình sức khỏe khác nhau. Ngoài các chứng bệnh liên quan đến tâm thần phân liệt thì bệnh nhân còn mắc nhiều bệnh khác, kể cả nan y... May mắn, trung tâm được quan tâm đầu tư mở rộng cơ sở, thuốc tốt và trang thiết bị được đầu tư nhiều hơn, do đó việc chăm sóc bệnh nhân cũng tốt hơn” - ông Nhàn chia sẻ.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ giúp bệnh nhân vui khỏe mỗi ngày. Ảnh: Q.L
Tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ giúp bệnh nhân vui khỏe mỗi ngày. Ảnh: Q.L

Thời điểm khó khăn nhất là giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, toàn thể cán bộ, công chức Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần Quảng Nam căng mình với cuộc chiến. Biện pháp 5K gần như không thể áp dụng ở môi trường đặc thù như thế này. Các y bác sĩ, nhân viên sống chung với bệnh nhân nên phần lớn bị lây nhiễm chéo, họ phải linh hoạt thực hiện các giải pháp phòng chống, cách ly và chữa trị theo phác đồ điều trị nên hầu hết người nhiễm Covid-19 đều khỏi bệnh, sức khỏe ổn định.

Vất vả nhưng bác sĩ Nhàn và các y bác sĩ, nhân viên y tế nơi đây không muốn nói về những lo lắng, hiểm nguy của nghề thầy thuốc nơi đặc thù như trung tâm này mà thay vào đó là những câu chuyện vui giữa bác sĩ và bệnh nhân. Bác sĩ Nhàn tâm sự, nhiều đồng nghiệp khuyên ông nên tìm kiếm công việc “nhẹ” hơn, lương cao hơn, nhưng sau cùng, ông vẫn ở lại vì tình thương, trách nhiệm với những người có phận đời kém may.

 

Với kinh nghiệm của mình, bác sĩ Nhàn chính là người truyền cảm hứng, chia sẻ bài học thực tiễn cho các nhân viên y tế trẻ.

Chị Huỳnh Thị Thùy - điều dưỡng của trung tâm kể mới đầu vào làm việc, nghe tiếng la hét, đập phá của người bệnh khi lên cơn thì rất sợ, nhất là lúc phải tiêm cho bệnh nhân lên cơn. Song khi được bác sĩ Nhàn hướng dẫn, chị từng bước tiếp cận, gần gũi với bệnh nhân để hiểu tâm ý từng người và có cách “khắc chế” phù hợp, không để trường hợp đáng tiếc xảy ra. Yêu nghề, yêu môi trường này, chị Thùy gắn với nơi đây đã 12 năm và xem người bệnh như người thân của mình.

 
 

"Chúng tôi ở đây để giúp bạn thoát khỏi ma túy" - đây là câu khẩu hiệu trong khuôn viên Cơ sở cai nghiện ma túy Quảng Nam (đóng tại xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức) mà những người công tác nơi đây xem như phương châm nghề nghiệp của mình. Họ vượt qua nhiều nỗi sợ hãi vô hình để đồng hành cùng những phận người lầm lỡ trên hành trình làm lại cuộc đời.

Một góc Cơ sở Cai nghiện ma túy Quảng Nam. Ảnh: Q.L
Một góc cơ sở Cai nghiện ma túy Quảng Nam. Ảnh: Q.L

Hơn 28 năm gắn bó với việc chăm sóc các học viên cai nghiện, y sĩ Nguyễn Đình Trinh luôn tự hào về công việc đã chọn. Ông Trinh tâm sự: “Nếu cho lựa chọn một lần nữa, tôi vẫn chọn nơi này để gắn bó, làm việc, bởi tôi yêu quý công việc này, mong được nhìn thấy những bạn trẻ lầm đường lạc lối có cơ hội làm lại cuộc đời. Nhiệm vụ chăm sóc, điều trị chỉ là một phần trong công việc của mình song tôi và những cán bộ, nhân viên y tế ở đây luôn nỗ lực hết sức để giúp các đối tượng cai nghiện hòa nhập, sớm trở về cộng đồng”.

Đội ngũ y bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho học viên. Ảnh: Q.L
Các y bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho học viên. Ảnh: Q.L

Trong chăm sóc y tế đối với học viên, cam go nhất là giai đoạn cắt cơn cho học viên mới vào, cuộc vật lộn này kéo dài khoảng 20 ngày. Phần lớn học viên là người đã sử dụng ma túy nhiều năm, có tiền án, tiền sự hoặc mang trong mình nhiều căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như HIV, viêm gan B, hen suyễn, da liễu, lao... Vì thế, những thầy thuốc ở đây không tránh khỏi rủi ro. Chính ông Trinh cũng từng phơi nhiễm bệnh lao từ học viên.

Ông Nguyễn Đình Trinh - Cán bộ y tế Cơ sở cai nghiện ma túy Quảng Nam: 

“Nhiều đối tượng khi đưa vào đây trong tình trạng ảo giác, vật vã, la ré, đập phá, cào xé, thậm chí đập mảnh chai, nuốt đinh... để gây thương tích cho bản thân và tìm cách thoát ra khỏi nơi cai nghiện. Lúc ấy các cán bộ y tế phải có mặt ngay để cấp cứu, băng bó vết thương, nguy cơ phơi nhiễm rất cao nếu không cẩn thận."

Hoạt động thể thao được tổ chức thường xuyên giúp học viên nâng cao sức khỏe. Ảnh: Q.L
Hoạt động thể thao được tổ chức thường xuyên giúp học viên nâng cao sức khỏe. Ảnh: Q.L

Ông Trinh nhớ lại, có trường hợp xảy ra đúng ngày 30 tết, địa phương gọi điện đến cơ sở nhờ tiếp nhận một đối tượng nhiễm HIV giai đoạn cuối, bởi đối tượng khá manh động, nguy cơ rất cao gây nguy hiểm cho gia đình, người dân xung quanh. Tiếp nhận đối tượng đặc biệt vào một ngày cuối năm khiến mọi người trong đơn vị lo lắng mất ăn mất ngủ, bộ phận y tế càng căng thẳng hơn trước hành vi nông nỗi “không còn gì để mất” của đối tượng…

Và rồi một cái tết bình yên cũng trôi qua, mọi thứ lại trở về quỹ đạo của nó, cơ sở cai nghiện đón thêm một người, thêm một hi vọng hướng thiện được nhóm lên.

 

Không chỉ làm nhiệm vụ chăm sóc học viên tại cơ sở cai nghiện, các cán bộ y tế ở đây còn hỗ trợ địa phương xác định tình trạng nghiện của đối tượng để lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện.

“Việc này cũng khiến chúng tôi đối mặt với nguy hiểm. Đã có trường hợp cán bộ tại cơ sở bị chặn đường, đập xe khi làm nhiệm vụ. Nhưng vượt qua tất cả những khó khăn, nguy hiểm chúng tôi luôn cố gắng và làm tròn trách nhiệm, xác định đúng tình trạng của đối tượng để hỗ trợ địa phương” - ông Trinh nói.

Đội ngũ y bác sĩ Cơ sở cai nghiện ma túy Quảng Nam lấy mẫu xét nghiệp trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Ảnh: Q.L
Các y bác sĩ Cơ sở cai nghiện ma túy Quảng Nam lấy mẫu xét nghiệp trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Ảnh: Q.L

Hiện nay cơ sở cai nghiện ma túy Quảng Nam có khoảng 120 học viên, nhưng chỉ có 7 cán bộ y tế, trong đó có 3 nam và 4 nữ. Trong một môi trường đặc thù, các nữ nhân viên y tế ở đây phải nỗ lực gấp nhiều lần so với các đồng nghiệp nam, họ vượt qua nhiều nỗi sợ để hoàn thành nhiệm vụ. Như trường hợp chị Huỳnh Thị Thuận đã có gần 13 năm công tác tại đây, chị không thể nhớ hết những tình huống hiểm nguy mình từng đối mặt.

Chị Huỳnh Thị Thuận - Cán bộ y tế Cơ sở cai nghiện ma túy Quảng Nam: 

“Trước đây, cán bộ y tế là người trực tiếp quản lý, cắt cơn cho học viên trong những ngày đầu vào cơ sở, đối mặt với những đối tượng xăm trổ, to khỏe và thường mất kiểm soát khi lên cơn, tôi đã rất sợ và có lúc nghĩ mình không thể theo được công việc này. Nhờ động viên, chia sẻ của đồng nghiệp tôi dần cứng cáp và tự tin, nỗ lực vượt qua khó khăn để bám trụ với nghề.

Đến bây giờ, công việc này đã như một phần cuộc sống của tôi, bởi mỗi lần nhìn thấy học viên được về với cộng đồng, tôi tin sự lựa chọn gắn bó với công việc này của mình là đúng."

 

* * *

Nơi làm việc là nhà, người bệnh là người thân, với tâm thế ấy, họ luôn hết lòng với công việc, không quản nguy nan và xem sự tiến triển sức khỏe người bệnh hay sự tiến bộ qua từng ngày của học viên cai nghiện là động lực để họ luôn phấn đấu. Họ là những tấm gương về y đức lấp lánh theo cách đặc biệt.

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Chuyện những thầy thuốc đặc biệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO