[eMagazine] - Cuộc đời dành nghe tiếng dân...

P.V 07/08/2022 09:55

(QNO) - Hồi ức được chắt chiu, để những ngày này, cháu con, quê nhà, những người mến mộ tài năng và đức độ của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, lại men theo dòng thời gian nối dài từng câu chuyện kể. Ở đó, người ta cảm nhận về hành trình của một người con đất Quảng yêu nước, một tính cách điển hình của người xứ Quảng...

 
 
 
Khuôn viên Nhà lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công nhìn từ trên cao. Ảnh: ĐẶNG TRƯƠNG
Khuôn viên Nhà lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công nhìn từ trên cao. Ảnh: ĐẶNG TRƯƠNG

Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công (xã Tam Xuân 1, Núi Thành), những ngày này, rộn rã bước chân của từng lớp người ở khắp nơi tìm đến. Đã 18 năm từ khi khánh thành, không đếm hết bao đoàn người đã dừng chân và lòng ngưỡng vọng về một con người dấn thân cả đời chỉ để dành nghĩ và cống hiến cho nhân dân, cách mạng.

 

Ở Khương Mỹ, người dân vẫn hay gọi khu lưu niệm này là “Nhà bác Năm Công”. Từng cụm cau, từng hàng chè tàu ngay hàng thẳng lối, chái nhà che nắng mưa... giữa không gian vườn tược yên ả.

Ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam cho biết, khu lưu niệm hình thành với lối kiến trúc nhà ở dân gian truyền thống 5 gian 2 chái của Quảng Nam, mái ngói âm dương kết hợp cùng mảng cây xanh... làm cho khu di tích trang nghiêm mà mộc mạc và luôn gần gũi.

Ở khu lưu niệm, những hình ảnh, tư liệu, hiện vật liên quan cuộc đời hoạt động của đồng chí Võ Chí Công được sắp xếp theo từng giai đoạn lịch sử tham gia đấu tranh cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và những năm xây dựng phát triển kinh tế sau ngày đất nước thống nhất.

Các cựu chiến binh thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công. Ảnh M.H.L
Các cựu chiến binh thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công. Ảnh M.H.L
 

Và trong suốt quãng thời gian từ khi bắt đầu tiếp đón khách đến nay, những cuốn sổ lưu niệm giờ đây trở thành kỷ vật quý chất chứa nhiều tình cảm, những ghi nhận sâu sắc về cuộc đời và con người của bác Võ Chí Công. Từng nét bút của nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp, ai ai cũng để lại một câu chuyện kể, một ghi nhận trân trọng và có khi là một lời hứa rất chân thành.

 

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, trong lần ghé thăm Khu lưu niệm vào ngày 27.7.2022 viết: “Đồng chí Võ Chí Công - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, phẩm chất đạo đức trong sáng. Nhờ chỉ đạo chiến lược và thực tiễn xuất sắc, đồng chí có nhiều công lao cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tấm gương trong sáng, cần kiệm liêm chính, trọn đời vì nước, vì dân của đồng chí là những chuẩn mực mà thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau nguyện giữ gìn phát huy...”.

 
Làng Khương Mỹ hôm nay nhìn từ trên cao. Ảnh: ĐẶNG TRƯƠNG
Làng Khương Mỹ hôm nay nhìn từ trên cao. Ảnh: ĐẶNG TRƯƠNG

Cả xóm Tháp 1, Tháp 3 của thôn Khương Mỹ, những người họ hàng của bác Năm Công, ông Năm Công vẫn giữ riêng mình lòng tự hào về một người vĩ đại, cả cuộc đời vì nước vì dân. Họ, ngày gặp và tiếp xúc với bác Năm Công, chỉ là những chàng trai, cô gái, thậm chí là đứa trẻ con. Bây giờ, tóc đã hoa râm, trở thành lớp người tuổi trung niên của vùng đất, bác Năm Công, ông Năm Công vẫn ở lại trong tâm trí họ bằng những câu chuyện ân tình. Những hồi ức được chắt chiu, khi thì thành câu chuyện kể trên trang viết, khi được nhắc lại bởi những khoảnh khắc mà ai đó khơi gợi.

 

Tất tả lau dọn khu vực gian thờ chính, bà Trần Thị Nga - cháu bên ngoại của ông Năm vẫn cứ nhớ như in ngày ông về gian nhà lưu niệm lúc mới thành hình. “Ông đưa tay ra đo cây cột nhà, rồi gật đầu, nói rằng, như thế này là vừa. Ông nói, cây cột này lớn hơn cây cột ngày xưa nhà mình độ vài lóng tay, vừa phải vậy là tốt. Rồi ông hỏi mấy cha con tôi, bác hỏi mấy con có khỏe không, có gạo nấu không?” - bà Nga nói.

Trong ký ức của bà Nga, ông Năm mỗi bận về quê đều trầm tĩnh. Bây giờ, bà Nga cũng làm việc tại khu lưu niệm. Hằng ngày, người phụ nữ này chăm chút, tỉa tót từng gốc cây, vạt cỏ, pha từng ấm trà nóng mỗi lúc có đoàn khách đến thăm, như thể, lòng thành này chính là cuộc tri ân.

Bà Trần Thị Nga chăm sóc gian thờ tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công. Ảnh: XUÂN HIỀN
Bà Trần Thị Nga chăm sóc gian thờ tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công. Ảnh: XUÂN HIỀN

Trong dòng hồi ức ở quê nhà, ông Lê Văn Tấn - người đang coi sóc nhà thờ tộc Võ nằm gần bên khu lưu niệm vẫn nhớ hình ảnh lần cuối cậu Năm Công về quê. Khi ấy khu lưu niệm chưa rộng lớn như bây giờ. Hình như những câu chuyện cùng bạn đồng niên quê nhà vẫn cứ trở đi trở lại với cậu Năm. Trong khoảng đất vườn nhà cũ - nơi bây giờ tái hiện sống động từng kỷ vật gắn với đồng chí Võ Chí Công, ông Tấn kể về dáng vóc người cậu của mình trầm lặng nhìn về phía đầu ngõ.

Lúc đó cậu Năm đâu chừng đã hơn 90 tuổi, về vẫn nhớ hỏi thăm từng người bà con, người bạn thuở thiếu thời. Rồi cậu nói với tôi, con có biết ở vùng sâu vùng xa bây giờ các cháu đường xa đi lại còn khó khăn, cái ăn cái mặc cũng khó, nên mình ở đây, có làm gì thì làm nhỏ, vừa phải thôi để còn giúp mấy cháu ở xa”. (Ông Lê Văn Tấn vẫn lưu giữ ký ức lần cuối cậu Năm Công về quê)

Trong không gian xanh rợp của một làng quê lâu đời, những chuyện kể về bác Công, từ trong ký ức những người quen thân hay được tái hiện sống động qua từng hiện vật, hình ảnh, thước phim... vẫn cứ vậy chân thành lan tỏa.

Video - Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công:

 
 

Những ngày này, căn nhà của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công - người con ưu tú của dân tộc và của đất Tam Xuân, Quảng Nam, ở phường Thảo Điền, Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh, nơi ông sống những ngày cuối đời, thỉnh thoảng đón những đoàn khách đến thăm, viếng hương tưởng nhớ. Căn nhà nằm khép mình trong một con hẻm, được bày trí đơn sơ như phong cách giản dị của vị nguyên thủ quốc gia lúc sinh thời.

Lãnh đạo tỉnh thăm tư gia Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công tại phường Thảo Điền, Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: PHÚC HOÀNG
Lãnh đạo tỉnh thăm tư gia Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công tại phường Thảo Điền, Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: PHÚC HOÀNG

Trong căn nhà này, bà Võ Thị Nghĩa (85 tuổi), con gái Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công nâng niu từng kỷ vật về cha. Mỗi lần nghe ai hỏi thăm về cha, bà đều xúc động lấy tay lau giọt nước mắt còn sót lại trên gương mặt đã già theo năm tháng. “Kia là chiếc ghế ông thường ngồi nghe tôi đọc báo, lúc về già mắt ông kém lắm, mỗi lần đọc gì là phải dùng kính lúp soi chữ to lên nhiều lần mới đọc được” - bà Nghĩa hồi tưởng.

Ở tuổi gần đất xa trời, hồi ức bà Nghĩa giữ về ông cụ thân sinh là người cha nghiêm khắc, giản dị, tiết kiệm, liêm chính, luôn dạy con cháu tự lực cánh sinh, không dựa dẫm vào uy tín của ông. Đồng chí Võ Chí Công thoát ly hoạt động cách mạng từ sớm, tuổi thơ của bà Nghĩa không được gần gũi cha mà phải thường xuyên di chuyển nay đây mai đó, có khi từ quê hương Tam Kỳ phiêu bạt ra Đà Nẵng, Huế để trốn sự lùng sục của địch. Đến năm 1975, khi đất nước thống nhất, bà mới tìm gặp được cha trên đường ông hành quân ngang qua Hội An. Lần gặp mặt ngắn ngủi, hai cha con mừng mừng tủi tủi, cha bà lại phải lên đường nhận nhiệm vụ. Đến năm 1983, bà Nghĩa về làm phục vụ nấu ăn tại Văn phòng Trung ương Đảng ở Hà Nội, từ đây, bà mới có dịp gần gũi với cha mình và chăm lo sức khỏe cho ông.
Cùng các cháu, bà Võ Thị Nghĩa (ngồi giữa) - con gái Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công ôn lại những kỷ niệm về cha mình. Ảnh HOÀNG LAN
Cùng các cháu, bà Võ Thị Nghĩa (ngồi giữa) - con gái Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công ôn lại những kỷ niệm về cha mình. Ảnh HOÀNG LAN

Mặc dầu là nguyên thủ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công luôn giữ lối sống giản dị, tiết kiệm, không thích xa hoa, phô trương. Bà Nghĩa kể: “Mỗi dịp gần đến kỷ niệm sinh nhật, ông không đồng ý cho nhân viên và người nhà tổ chức rình rang. Đến dịp lễ tết, ông cũng dặn dò các nhân viên chăm lo hoàn thành công việc của mình thật tốt, không cần phải đến chúc tết, dù không chúc thì ông cũng vẫn khỏe”.

 
 

Sau này, khi không còn làm người đứng đầu Nhà nước, đồng chí Võ Chí Công được mời làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng và ở tại Nhà khách T78 (quận 3, TP.Hồ Chí Minh). Ghi nhận những công lao đóng góp của đồng chí Võ Chí Công, Nhà nước tặng ông một căn nhà đền ơn đáp nghĩa. Do gia đình đông người, ông bàn tính mua mảnh đất ở quận 2 để xây nhà vào năm 2006, con cháu có điều kiện sinh hoạt hơn, lúc này còn là vùng đất ruộng, thường xuyên ngập nước.

“Thấy bà con xung quanh nghèo, sống trong hẻm thường xuyên ngập nước, ông đã quyên góp 100 triệu đồng cho chính quyền sửa chữa, làm hệ thống thoát nước để giải tỏa ngập cho con hẻm” - bà Nghĩa kể.

Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công với thiếu nhi xã đảo Tân Hiệp, Cù Lao Chàm, TP.Hội An. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công với thiếu nhi xã đảo Tân Hiệp, Cù Lao Chàm, TP.Hội An. Ảnh tư liệu

Tiếp hồi ức của bà Nghĩa, ông Lê Thanh (61 tuổi), cháu ngoại của đồng chí Võ Chí Công chia sẻ, khi dời cả gia đình về quận 2 sinh sống, ông dặn dò chỉ xây căn nhà nhỏ đủ ở, sau khi ông mất thì thờ ở đấy, không làm phung phí. “Nhà hay có khách nên mỗi lần có khách hơi chật, nhưng ý ông đã quyết đơn giản nên con cháu phải theo” - ông Thanh nói.

Bà Phan Thị Bích Đông (57 tuổi), cháu dâu của đồng chí Võ Chí Công tiếp lời, mặc dù nhà của một chính khách nổi tiếng nhưng ông rất kín tiếng, không mấy người dân xung quanh biết. “Ông sống rất giản dị, tiết kiệm, những bộ đồ sờn rách, ông đều nhờ con gái (bà Nghĩa - NV) dùng kim chỉ khâu lại. Tôi thấy ông đã thực hiện lối sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư như cái tên Chí Công mà Bác Hồ đã đặt cho” - bà Đông nói.

 

Bà Đông nhớ lại, giai đoạn cuối của cuộc đời, ông có rất nhiều trăn trở, lo cho vận mệnh đất nước. Khi nghe bà Nghĩa đọc báo nói đến lũ lụt ở miền Trung, ông rất lo lắng. Ông rất bức xúc với những cán bộ tham nhũng, nhũng nhiễu dân lành và ông thường xuyên theo dõi kết quả giải quyết những vụ án tham nhũng. Ông còn đau đáu quan tâm tình hình bảo vệ chủ quyền biển đảo ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa... Về phía gia đình, ông khuyến khích con cháu phát huy khả năng của mình theo sở thích. Ông dặn dò con cháu tự lực cánh sinh, tuyệt đối không được sử dụng uy tín của ông.

“Tôi có một người con trai làm cán bộ đoàn. Ghi nhớ những lời dặn dò không được dựa dẫm vào uy tín của ông, cháu đã tự đi lên bằng thực lực của mình. Đợt cách ly xã hội do dịch Covid-19 xảy ra vào năm ngoái, cháu đã vận động nấu cả nghìn suất cơm và lăn xả bất chấp nguy hiểm giúp người dân nghèo. Tôi cảm thấy rất tự hào vì cháu đã noi tấm gương sống giản dị và thương yêu, chăm lo cho người dân”. (Bà Phan Thị Bích Đông, cháu dâu đồng chí Võ Chí Công)
 
 

Chị Hồ Thị Xinh đã nhiều năm gắn bó với Khu di tích lịch sử cách mạng Trung Trung Bộ - Nước Oa với vai trò quản lý kiêm thuyết minh viên. Chị Xinh nói, nhà làm việc của bác Năm Công được phục dựng theo lời kể của những cán bộ Văn phòng Khu ủy khu 5 cũng như từ các tư liệu lịch sử giai đoạn 1960 - 1973. Đơn sơ và giản dị như chính tính cách của bác Năm Công, ở đó có chiếc giường để bác nằm nghỉ, một máy vô tuyến điện, bộ bàn ghế. Bên cạnh chiếc giường có một đường hầm phòng khi địch đánh úp bất ngờ.

Cũng như vậy, ở di tích căn cứ Phước Trà, nhà làm việc của đồng chí Võ Chí Công được phục dựng để lưu giữ dấu ấn về những quyết định quan trọng trong thời gian từ năm 1973 - 1975.

“Tôi đã từng sống, chiến đấu với nhân dân các dân tộc tại đây, được nhân dân các dân tộc cưu mang, giúp đỡ. Hôm nay trở lại nơi đây, tôi rất xúc động trước sự đổi thay, trưởng thành của đồng bào. Mong các đồng chí ở tỉnh, huyện cùng đồng bào tiếp tục phát huy truyền thống, gìn giữ nơi đây xứng đáng với tầm vóc lịch sử của khu 5”. (Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã viết lời lưu niệm tại di tích căn cứ Phước Trà)

Trong số những người từng phục vụ, làm việc tại Văn phòng Khu ủy khu 5, có ông Khuông Văn Bông, nguyên là cán bộ văn thư - lưu trữ của Văn phòng Khu ủy 5, nay là Trưởng ban Liên lạc Văn phòng Khu ủy 5. Ông nói mình có may mắn được làm việc cùng bác Năm Công từ năm 1968.

“Nhiệm vụ văn thư - lưu trữ thời chiến rất nặng nề khi vừa đánh máy các văn bản chỉ thị, nghị quyết của Khu ủy 5, vừa bảo đảm việc lưu trữ tài liệu đi và đến được an toàn. Những văn bản mật sau khi đánh máy, giấy than phải được đốt ngay trước sự chứng kiến của Chánh Văn phòng Khu ủy 5.

Căn cứ Văn phòng Khu ủy 5 di chuyển liên tục để tránh địch dò tìm, đánh phá nên mỗi lần di chuyển, cán bộ văn thư - lưu trữ rất vất vả vận chuyển, bảo đảm an toàn các hòm thiếc chứa tài liệu. Nhờ vậy, nhiều tài liệu quý được lưu giữ an toàn cho đến sau 30.4.1975 và Văn phòng Khu ủy 5 chuyển giao đầy đủ về Văn phòng Trung ương Đảng” - ông Khuông Văn Bông cho biết.

Cán bộ văn nghệ sĩ kháng chiến khu 5 thắp hương bàn thờ đồng chí Võ Chí Công tại Di tích Căn cứ Phước Trà - Hiệp Đức. Ảnh Q.H
Cán bộ văn nghệ sĩ kháng chiến khu 5 thắp hương bàn thờ đồng chí Võ Chí Công tại Di tích Căn cứ Phước Trà - Hiệp Đức. Ảnh Q.H

Những người đồng đội, đồng chí ở Văn phòng Khủ ủy 5 vẫn còn nhớ như in rằng Bí thư Khu ủy 5 - Võ Chí Công lúc ấy rất coi trọng những đồng chí làm việc ở Văn phòng. 

“Đồng chí Võ Chí Công rất nghiêm túc đánh giá vai trò, nhiệm vụ của chúng tôi và thường xuyên động viên chúng tôi nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi không được phân công đi cõng gạo từ giáp ranh vùng địch về căn cứ, bởi có những giai đoạn rất ác liệt. Chuyến cõng gạo muối nào từ đồng bằng lên cũng có tổn thất, hy sinh. Có những bao gạo về đến căn cứ đỏ máu đồng đội.

Chúng tôi hiểu Bí thư Khu ủy 5 không muốn để tổn thất đội ngũ cán bộ nghiên cứu, tham mưu, tổng hợp, nhưng hình ảnh những bao gạo thấm máu đồng đội luôn thôi thúc chúng tôi quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ lãnh đạo Khu ủy và Văn phòng Khu ủy 5 giao phó” - nguyên cán bộ nghiên cứu, tham mưu, tổng hợp của Văn phòng Khu ủy 5 kể lại.

 
 
Đường vào Nhà lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công. Ảnh ĐẶNG TRƯƠNG
Đường vào Nhà lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công. Ảnh ĐẶNG TRƯƠNG

Với ông Trần Văn Lành (SN 1973, thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, Núi Thành), 2 lần được bác Võ Chí Công đến thăm nhà trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước là kỷ niệm khó quên. “Bác Công gương mặt hiền từ, gần gũi, ăn mặc giản dị”, hệt như những gì người dân địa phương kể lại. Ông Lành thời điểm ấy 16 tuổi, trực tiếp pha nước chè xanh, hái dừa mời bác Công dùng.

Gia đình ông Lành là hàng xóm của nhà Bác Võ Chí Công. Ông Trần Văn Thìn (ba ông Lành) nhỏ hơn bác Công vài tuổi, thuở nhỏ cùng nhau lớn lên. Bác Võ Chí Công sớm giác ngộ lý tưởng của Đảng, lên đường, tham gia cách mạng, còn ông Thìn thì ở lại quê nhà “hoạt động”.

“Tôi sinh ra thì bác Võ Chí Công đã tham gia cách mạng, sau này làm lãnh đạo Trung ương, nhưng giai thoại về bác thì ba tôi kể lại rất nhiều. Bác Năm Công từ nhỏ đã tham gia phong trào đấu tranh, hoạt động thanh niên địa phương, là tấm gương cho nhiều thế hệ trẻ sau này tham gia cách mạng. Vì tính chất bí mật hoạt động, bác Năm Công hiếm khi về thăm nhà. Tôi may mắn, năm 16 tuổi được lần đầu gặp bác”. (Ông Trần Văn Lành - năm xưa gia đình ở kề bên nhà đồng chí Võ Chí Công)

Năm 2002, khi Nhà nước chủ trương xây dựng Nhà lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công ngay trên mảnh đất quê, 4 hộ xung quanh (có hộ ông Lành) được vận động di dời. Dù có nhiều luyến tiếc mảnh đất tổ tiên, nhưng ông Lành chấp nhận dời xuống khu vực cách đó vài trăm mét, dùng số tiền bồi thường cất lại căn nhà.

Đến năm 2004, khi Nhà lưu niệm diện tích quá chật hẹp, Nhà nước tiếp tục chủ trương mở rộng, xây dựng thành Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng nhà nước Võ Chí Công với diện tích khoảng 1,6ha. Nhà ông Lành tiếp tục nằm trong khu vực quy hoạch. Ông Lành nhận được đất tái định cư, tiền bồi thường để xây mới căn nhà ngay bên cạnh khu lưu niệm. Ông Lành nói, xây dựng Khu lưu niệm bác Năm Công là chủ trương lớn của Đảng, nhà nước, nên người dân địa phương luôn ủng hộ, xem đây là nơi để giáo dục cho thế hệ trẻ biết về vị lãnh tụ của quê hương. 

 

Qua nhiều năm xây dựng, nhiều hạng mục trong Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã xuống cấp. Để đảm bảo an toàn cho các hoạt động kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, UBND tỉnh đã trùng tu khẩn cấp nhiều hạng mục.

Nhìn những bức tường, cánh cửa khoác lên “màu áo” tươi sáng, ông Bùi Nga - 58 tuổi, nhân viên bảo vệ Khu lưu niệm cảm thấy lòng đầy hân hoan. Ông nói, sắp đến nhiều lãnh đạo nhà nước, du khách, người dân đến thăm, viếng Bác Võ Chí Công đã có không gian sạch đẹp, trang trọng.

Trồng cây lưu niệm phủ xanh không gian Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công. Ảnh: HỒ QUÂN
Trồng cây lưu niệm phủ xanh không gian Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công. Ảnh: HỒ QUÂN

Tưởng nhớ đến công ơn của bác Võ Chí Công, không gian khu lưu niệm ngày nay đang được phủ xanh. Những hàng cau dần vươn cao, cây ăn trái bắt đầu đơm hoa, kết trái. Mặt đất cỏ xanh trải đều. Những lối đi cũng được trang trí cây, hoa bắt mắt… Ông Nga và những nhân viên làm việc trong Khu lưu niệm này hy vọng, những “công trình” nhỏ mà ngày ngày họ vun vén ấy sẽ tỏa mát và tô điểm cho di tích cấp quốc gia này.

 
 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Cuộc đời dành nghe tiếng dân...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO