[eMagazine] - Đảng bộ Quảng Nam - Dấu ấn & niềm tin

HỮU PHÚC 25/03/2023 10:05

(QNO) - 93 năm qua, Đảng bộ Quảng Nam đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành; lãnh đạo toàn quân và toàn dân cả tỉnh vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và giành nhiều thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mỗi chặng đường cách mạng. Trên hành trình mới, Đảng bộ tỉnh đề ra quyết tâm phấn đấu, giữ vững sự đoàn kết thống nhất trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, khơi dậy mọi nguồn lực và khát vọng đổi mới phát triển để hiện thực hóa mục tiêu “xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030”.

 
 

Ngày 28/3/1930, tại địa điểm Cây Thông Một, xã Cẩm Hà (nay là khối phố Tân Thanh, phường Tân An, TP.Hội An), Đảng bộ Quảng Nam ra đời. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với Đảng bộ và Nhân dân Quảng Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.

Thị xã Tam Kỳ sau ngày giải phóng. Ảnh: ST
Thị xã Tam Kỳ sau ngày giải phóng. Ảnh: ST

Thời kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đối mặt với nhiều khó khăn, Đảng bộ tỉnh vẫn luôn nhất quán trong vận dụng sáng tạo đường lối cách mạng do Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra. Điển hình nhất là vận dụng linh hoạt phương châm “hai chân, ba mũi giáp công” với Chiến thắng Núi Thành đêm 25 rạng ngày 26/5/1965, viết nên trang sử vẻ vang cho vùng đất Quảng Nam “trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.

Tượng đài Chiến thắng Núi Thành.
Tượng đài Chiến thắng Núi Thành. Ảnh: ST

Một trong những dấu ấn nổi bật của Đảng bộ tỉnh suốt chặng đường qua là phát triển số lượng lẫn đảm bảo chất lượng đảng viên. Từ 70 đảng viên vào cuối năm 1930, đến cuối năm 2022, toàn Đảng bộ có 1.157 tổ chức cơ sở đảng với 71.319 đảng viên. Các đảng viên đã được tôi luyện trong thực tiễn và trưởng thành vượt bậc, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên ngày càng nâng lên. Nhờ đó, lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà giành thắng lợi trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân 1975. 

 

Thời kỳ 1975 – 1997, từ tinh thần “dám nghĩ dám làm”, đưa ra chủ trương sát thực tiễn đời sống của Đảng bộ tỉnh mà công trình đại thủy nông Phú Ninh đã được xây dựng thành công ngoài mong đợi. Đây là công trình, đúng hơn là cuộc vận động sức người, sức của lớn chưa từng có của Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh sau ngày quê hương giải phóng, khẳng định tinh thần dám nghĩ, dám làm của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Báo Quảng Nam, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam, số đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh. Ảnh tư liệu
Báo Quảng Nam - Cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam, số đầu tiên sau ngày tái lập tỉnh. Ảnh tư liệu
 
Công trình đại thủy nông Phú Ninh hình thành từ quyết định táo bạo nhưng đầy bản lĩnh của Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Công trình đại thủy nông Phú Ninh hình thành từ quyết định táo bạo nhưng đầy bản lĩnh của Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Quảng Nam cũng là một trong những địa phương nhanh chóng triển khai chủ trương phát triển kinh tế tập thể, hợp tác hóa trong sản xuất nông nghiệp và sau đó thực hiện chuyển đổi hợp tác xã theo mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Đặc biệt, trước những bất cập của mô hình kinh tế hợp tác sau ngày giải phóng Quảng Nam đã mạnh dạn “xé rào”, thực hiện “khoán chui” trên nhiều đồng đất, nhằm giải phóng sức sản xuất trong giai đoạn “đêm trước khoán 10”, để lại nhiều bài học giá trị cho đến hôm nay.

Quảng Nam là một trong những địa phương chủ trương sớm phát triển hợp tác hóa trong sản xuất nông nghiệp
Quảng Nam là một trong những địa phương chủ trương sớm phát triển hợp tác hóa trong sản xuất nông nghiệp
 

Sau ngành tái lập tỉnh (1997), từ điểm xuất phát của một trong những tỉnh nghèo nhất nhì cả nước, nền kinh tế cơ bản thuần nông, tự cung tự cấp, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam đã có nhiều quyết sách táo bạo, khai phóng con đường phát triển mới cho quê hương và đưa Quảng Nam vươn lên trở thành tỉnh khá của cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Quang cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025).
Quang cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025).

Từ một tỉnh nông nghiệp lạc hậu, Quảng Nam đã chuyển hướng chiến lược sang phát triển công nghiệp và dịch vụ, nhất là du lịch; Khu kinh tế mở Chu Lai và hàng loạt khu công nghiệp, cụm công nghiệp lần lượt ra đời; hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, điện, viễn thông, trường học, bệnh viện… được đầu tư đồng bộ. Quảng Nam sau 26 năm tái lập tỉnh, đã hoàn toàn đổi khác…

 

Đột phá về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội và hạ tầng đô thị đã giúp cho Quảng Nam phát triển bao trùm và toàn diện. Hệ thống sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà, cửa khẩu quốc tế Nam Giang đang nâng cấp, mở rộng đầu tư được kỳ vọng sẽ tạo ra mạng lưới giao thông đa dạng và hấp dẫn bậc nhất của khu vực.

Khắp các làng quê đã khoác lên mình tấm áo tươm tất từ thành quả của các phong trào xây dựng nông thôn mới... Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 118/194 xã về đích nông thôn mới, đạt tỷ lệ 60,82%. Trong đó, các huyện Phú Ninh, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn và TP.Tam Kỳ đạt chuẩn xã nông thôn mới.

 
 

Theo Kết luận hội nghị Tỉnh ủy về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, về định hướng quy hoạch tỉnh, cần chú ý không gian phát triển phải được tổ chức khoa học, hiệu quả, thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh, bảo đảm liên kết nội tỉnh và liên vùng. Huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Đường Võ Chí Công qua địa bàn Núi Thành.
Đường Võ Chí Công qua địa bàn Tam Kỳ và Núi Thành.

Quy hoạch tỉnh phải đảm bảo tính thống nhất, toàn diện trên tất cả lĩnh vực, từ đồng bằng, hải đảo đến miền núi; phải đảm bảo tính khả thi, tính kết nối cho các giai đoạn tiếp theo phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của nền kinh tế. Chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hài hòa giữa các ngành kinh tế, trên cơ sở phát huy tối đa các tiềm năng lợi thế riêng có, khác biệt từng địa phương và của tỉnh, không mâu thuẫn, xung đột lẫn nhau trong quá trình phát triển.

Sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, nhất là tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng và các loại khoáng sản. Bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biển đổi khí hậu.

 

Quy hoạch tỉnh đảm bảo cân đối, hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Việc tổ chức không gian phát triển tỉnh, vùng Đông, vùng Tây, các hành lang kinh tế và hệ thống đô thị phải gắn với phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; gắn kết giữa đô thị và nông thôn; khu vực đất liền với không gian biển; khai thác và sử dụng hiệu quả vùng trời, vùng biển.

Xây dựng Quảng Nam trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, động lực phát triển của khu vực duyên hải miền Trung và cả nước. Phát huy tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh, cơ hội nổi trội của Khu kinh tế mở Chu Lai, tiềm năng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Nam Giang. Thu hút đầu tư các khu đô thị mới vùng Đông Nam theo quy hoạch.

Quảng Nam sẽ phát triển mạnh kinh tế biển.
Quảng Nam sẽ phát triển mạnh kinh tế biển.

Hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược kết nối liên vùng Đông - Tây, tích hợp quy hoạch đường sắt cao tốc Bắc - Nam vào dọc hành lang tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, sân bay, cảng biển, logistics, hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp…

Phát triển không gian theo quan điểm tích hợp tổng thể không gian các ngành lĩnh vực với mục đích phát triển kinh tế. Quảng Nam sẽ phát triển theo mô hình 8 hành lang: 4 hành lang Bắc Nam (hành lang kinh tế ven biển, dọc cao tốc Bắc - Nam, quốc lộ 1A và dọc tuyến đường Hồ Chí Minh), 4 hành lang Đông - Tây (quốc lộ 40B, 14E và 14B, 14D và đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 14G, tuyến ĐT606) và 8 trung tâm dựa theo các đô thị đã hiện hữu trên toàn Quảng Nam (15 đô thị).

Ngành sản xuất ô tô của Tập đoàn Thaco đóng góp rất lớn cho ngân sách tỉnh.
Ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô của Tập đoàn Thaco đóng góp rất lớn cho ngân sách tỉnh.

Mô hình cấu trúc không gian phát triển của Quảng Nam theo quy hoạch là “2 vùng, 3 cửa ngõ, 3 cụm động lực, 8 hành lang phát triển”. Hai vùng gồm vùng Đông và vùng Tây. Ba cửa ngõ gồm Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Nam Giang, đô thị di sản thế giới Hội An. Ba cụm động lực gồm cụm Điện Bàn - Hội An - Đại Lộc; cụm Duy Xuyên - Thăng Bình - Quế Sơn; cụm Tam Kỳ - Núi Thành - Phú Ninh.

Điểm đáng chú ý trong quy hoạch tỉnh khi phát triển các trung tâm mậu dịch lớn, mở cơ hội giao thương quốc tế là khai thác tối đa lợi thế của các đô thị, bởi sau 25 năm tái lập tỉnh, hầu hết đô thị trên địa bàn tỉnh tạo ra đột phá mạnh mẽ, là khu vực đóng góp GRDP lớn nhất cho tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, trong quy hoạch tỉnh, sẽ tổ chức không gian phát triển theo các hành lang kinh tế, hành lang đô thị, xây dựng đô thị loại 1, hình thành chuỗi các đô thị ven biển.

Trong quy hoạch tỉnh, Quảng Nam sẽ đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đường bộ, kết nối trục Đông – Tây.
Trong quy hoạch tỉnh, Quảng Nam sẽ đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng đường bộ, kết nối trục Đông – Tây.

Cuối năm 2022, Quảng Nam đề xuất Trung ương đầu tư tuyến luồng Cửa Lở cho tàu 50 nghìn tấn có thể ra vào được cảng Tam Hiệp. Việc định hướng quy hoạch mở rộng hệ thống cảng biển tạo sự hoàn chỉnh đồng bộ trong kết nối hạ tầng giao thông, vừa phục vụ cho sự phát triển Khu kinh tế mở Chu Lai vừa cho cả khu vực miền Trung và hành lang kinh tế Đông - Tây trong tương lai.

Cảng Chu Lai được quy hoạch thành cảng nước sâu, tàu công suất 50 nghìn tấn có thể ra vào câp cảng.
Cảng Chu Lai được quy hoạch thành cảng nước sâu, tàu công suất 50 nghìn tấn có thể ra vào câp cảng.

Trong khi đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy định hướng xây dựng Tam Kỳ trở thành đô thị loại 1 trong tương lai. Theo đó, đang tính toán phương án, lộ trình sáp nhập Tam Kỳ, Núi Thành và Phú Ninh thành một đơn vị hành chính mới để đảm bảo tính chất đô thị động lực của vùng, đảm bảo quy mô diện tích, tiêu chí về dân số và có đủ điều kiện để xây dựng và phát triển một không gian đô thị chiến lược trong tương lai cho Quảng Nam. 

 
 
 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Đảng bộ Quảng Nam - Dấu ấn & niềm tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO