[eMagazine] - Đầu tư vào nông nghiệp bằng cả khối óc và đam mê

HOÀNG ĐẠO 25/03/2023 09:55

(QNO) - Nhiều gương khởi nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp ở Quảng Nam đã thành công đã bắt đầu bằng tư duy “đầu tư cho nông nghiệp không phải chỉ bằng sức lực mà rất cần chất xám”. Cùng với nhiều chính sách ưu đãi của tỉnh những năm qua, họ đã xây dựng được nền tảng tốt, căn cơ để con đường khởi nghiệp ngày càng vững chắc, thuận lợi.

 
 
Mô hình trồng trọt khoa học, an toàn của LHQ Farm. Ảnh: H.ĐẠO
Mô hình trồng trọt khoa học, an toàn của LHQ Farm. Ảnh: H.ĐẠO

Nguyễn Thị Bảo Linh (thôn Bích Ngô, xã Tam Xuân 2, Núi Thành) từng khiến gia đình trăn trở khi trình bày ý định “hồi hương” của mình - bỏ việc đang ổn định, lương cao ở TP.Hồ Chí Minh để về quê làm nông dân! Với nhiều người, mười năm làm việc tại một công ty phân bón với mức lương hơn 50 triệu đồng/tháng là mơ ước, song với Linh, mơ ước lớn nhất là khởi nghiệp trên chính quê hương mình!

“Từ nhỏ, khi thấy cảnh cha mẹ bán mặt cho đất bán lưng cho trời, cả đời làm ruộng mà nghèo khổ vẫn đeo bám khiến tôi muốn trở thành kỹ sư nông nghiệp. Khi trưởng thành, tôi luôn trăn trở, ấp ủ câu chuyện phải làm sao để nông dân canh tác hiệu quả, có lãi cao trên mảnh đất bao đời gắn bó. Vì vậy tôi quyết định rời bỏ vị trí trưởng bộ phận nghiên cứu và sản xuất chế phẩm vi sinh ở một công ty phân bón, bắt tay xây dựng dự án trang trại nông nghiệp LHQ Farm” - Bảo Linh kể.

Sản phẩm phân bón là tài sản có sự đầu tư chất xám khá lớn của Nguyễn Thị Bảo Linh và các cộng sự LHQ Farm. Ảnh: H.ĐẠO
Sản phẩm phân bón với sự đầu tư chất xám khá lớn của Nguyễn Thị Bảo Linh và các cộng sự LHQ Farm. Ảnh: H.ĐẠO

Quyết tâm cao và định hướng bài bản, người phụ nữ này đã thuyết phục chồng và em gái tham gia dự án của mình. Với kiến thức chuyên sâu về sản xuất chế phẩm vi sinh, Bảo Linh tiếp tục nghiên cứu để chế tạo ra phân bón dạng viên nén, dung dịch chế phẩm vi sinh. Linh tìm nguồn rơm rạ thải ra từ các trại trồng nấm mang về ủ cùng chế phẩm vi sinh để sản xuất hàng loạt.

Theo Bảo Linh, ưu điểm của việc sản xuất phân hữu cơ sử dụng chế phẩm vi sinh thay cho trùn quế là có thể sản xuất số lượng nhiều, kiểm soát được lượng vi sinh vật có lợi để tạo ra phân bón có chất lượng tốt, đảm bảo nhiều thành phần dinh dưỡng.

[VIDEO] – Mô hình cung cấp giải pháp trồng trọt LHQ Farm:

Trên 3 sào đất nông nghiệp của gia đình mình, LHQ Farm dùng các sản phẩm phân bón hữu cơ và chế phẩm vi sinh xuyên suốt quy trình trồng trọt trên các mô hình trình diễn, thực nghiệm. Đồng thời, LQH Farm cũng hỗ trợ nông dân trong làng trồng trình diễn lúa bằng phân hữu cơ để truyền thông, quảng bá dự án khởi nghiệp của mình.

 
 
Các sản phẩm “Sống sạch” được làm ra bằng tâm huyết với chất lượng tốt. Ảnh: H.ĐẠO
Các sản phẩm “Sống sạch” của Nguyễn Thị Tố Nga được làm ra bằng tất cả tâm huyết. Ảnh: H.ĐẠO

Chuyện khởi nghiệp của Nguyễn Thị Tố Nga - CEO Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ SOSAFCO không lạ lẫm với cộng đồng khởi nghiệp Quảng Nam. Mọi người biết đến cô như con ong chăm chỉ từng ngày vun đắp cho “Sống sạch” trở thành dự án khởi nghiệp tiêu biểu. Nga kể, chuyển từ kinh doanh thời trang và du lịch, những ngày đầu thai nghén dự án khởi nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp cô chỉ nghĩ đơn giản chỉ là bán vài thứ nông sản đặc trưng của quê hương.

"Ngày đầu khởi nghiệp tôi không hình dung ra hết quy mô của dự án, định hướng phát triển của công ty và những khó khăn phải đối mặt trên thương trường. Từ đó, tôi nhận thức rằng chuyện bỏ phố về quê không phải là làm nông dân đơn thuần mà phải mang tri thức, công nghệ tiên tiến áp dụng vào nông nghiệp mới là hướng đi đúng đắn” - Nga chia sẻ.

Cải tổ lại nội lực, đầu tư nhân lực và công nghệ tiên tiến là bước đi hiện tại của dự án “Sống sạch”. Ảnh: H.ĐẠO
Cải tổ nội lực, đầu tư nhân lực và công nghệ tiên tiến là bước đi hiện tại của dự án “Sống sạch”. Ảnh: H.ĐẠO

Nguyễn Thị Tố Nga không bán nông sản sơ chế mà chế biến sâu các loại nông sản, đóng gói sản phẩm. Chị đầu tư công nghệ tinh chế, loại bỏ tạp chất , giữ lại hàm lượng dinh dưỡng cao các loại nông sản để cho ra dòng sản phẩm dầu ăn, nước mắm, yến hủ cao cấp... Hướng đi đúng này đã giúp doanh thu của doanh nghiệp tăng đều đặn, các sản phẩm có mặt ở nhiều siêu thị, đại lý phân phối khắp từ Bắc vào Nam.

Khi doanh nghiệp đã tăng quy mô thì cũng là lúc nữ doanh nhân này nhận diện được thách thức. Nga hiểu cần phải có đủ kiến thức để tăng trưởng, chị dành phần lớn thời gian tích lũy kinh nghiệm quản trị, kinh doanh và tham quan các mô hình hay khác. Cạnh đó, chị tìm cách tiếp cận các công nghệ chế biến, đóng gói, quy trình sản xuất hiện đại để chọn lựa và áp dụng, thay đổi một số thiết bị đã cũ kỹ, lạc hậu.

 

Nguyễn Thị Tố Nga chia sẻ, nhiều năm dịch Covid-19 hoành hành, nhiều doanh nghiệp chững lại, phát triển khó khăn. Chính vì vậy mà dự án “Sống sạch” cần quay về cải tổ sâu bên trong mô hình, tăng hàm lượng chất xám trong quản trị và sản xuất. Chị cơ cấu lại nhân sự chất lượng hơn, tìm kiếm cơ hội từ các chính sách ưu đãi của tỉnh và trung ương trên lĩnh vực nông nghiệp - khởi nghiệp, hoạch định tài chính kỹ lưỡng phù hợp với tình hình hiện tại…

“Nếu tự phát theo cách của mình mà nằm ngoài chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh thì chắc chắn là khó khăn chồng chất khó khăn. Vì vậy, tôi bám vào quy hoạch của tỉnh để xây dựng các sản phẩm của mình, đến nay, công ty có 15 sản phẩm chiến lược và 8 sản phẩm định hướng xuất khẩu. Điều cần thiết nhất cho dự án hiện nay là tìm mặt bằng để xây dựng xưởng sản xuất, chế biến để bước vào giai đoạn bứt tốc trong tương lai” - chị Tố Nga cho hay.

[VIDEO] – Nguyễn Thị Tố Nga nói về "đầu tư" chất xám trong khởi nghiệp:

 
Mô hình khởi nghiệp của Nguyễn Tiến Mạnh. Ảnh: H.ĐẠO
Sản phẩm cả cá mối của Nguyễn Tiến Mạnh. Ảnh: H.ĐẠO

Tiếp theo thành công bước đầu của dự án khởi nghiệp Chả cá mối NT-SEAFOOD, Nguyễn Tiến Mạnh (thôn Long Thành, xã Tam Tiến, Núi Thành) ngay lập tức tìm hiểu các cơ chế hỗ trợ từ nhà nước nhằm mở rộng quy mô sản xuất. Nỗ lực cải thiện chất lượng và đáp ứng các tiêu chí quy định, Mạnh nhận được nguồn hỗ trợ thông qua cơ chế phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu để mua máy sấy phục vụ quy trình sản xuất chả cá khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mạnh cũng chủ động tham gia chương trình OCOP để được tư vấn, xây dựng mẫu mã bao bì, bán hàng trên các sàn giao dịch điện tử do nhà nước hỗ trợ.

Không dừng lại, Nguyễn Tiến Mạnh đã kết hợp cùng LHQ Farm phát triển dự án trồng và sản xuất sản phẩm khoai lang sấy giòn trên vùng đất cát Tam Tiến.

LHQ Farm đã có sẵn quy trình sản xuất, sẵn nguồn giống và phân bón là lợi thế. Hiện tại, chúng tôi hướng đến vận động nông dân hình thành vùng trồng khoai, nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ hoàn thiện thủ tục pháp lý để thuê thêm đất, hướng dẫn tiếp cận các nguồn hỗ trợ kinh phí đầu tư và vốn kinh doanh…" - Mạnh cho hay.

 
Quảng Nam có tiềm năng để khởi nghiệp từ nông nghiệp. Ảnh: H.ĐẠO
Quảng Nam có nhiều tiềm năng để khởi nghiệp từ nông nghiệp. Ảnh: H.ĐẠO

Cùng quan điểm, Nguyễn Thị Tố Nga cho rằng, các dự án khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp bên cạnh ý tưởng hay thì việc được chính quyền hỗ trợ chính sách chính là bệ đỡ để bứt phá. Qua nhiều năm khởi nghiệp, Nga luôn được tiếp cận với các cơ chế ưu đãi để làm cho dự án “Sống sạch” phát triển mạnh thêm.

“Tôi may mắn khi được nhà nước hỗ trợ nhiều nên tận dụng được nguồn lực này để xây dựng cơ sở hạ tầng, thương hiệu và sản phẩm. Tuy nhiên, chính sách nào cũng có điều kiện kèm theo. Mình phát triển doanh nghiệp dựa theo các tiêu chí, điều kiện của chính sách thì hiển nhiên sẽ được hỗ trợ. Phải tích cực đáp ứng thì sẽ được chứ không nên than thở rằng chính sách khó tiếp cận” – Nguyễn Thị Tố Nga khẳng định.

[VIDEO] – Quảng Nam có tiềm năng để khởi nghiệp ở lĩnh vực nghiệp:

Theo Phó Giám đốc Sở KH-CN kiêm Trưởng ban điều hành Hỗ trợ khởi nghiệp - sáng tạo tỉnh Phạm Ngọc Sinh, Quảng Nam luôn có nhiều cơ chế, chính sách để các ý tưởng, dự án khởi nghiệp - sáng tạo được triển khai, trong đó Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND quy định nội dung và mức chi hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới - sáng tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Từ nguồn kinh phí này, Ban điều hành đã tổ chức nhiều khóa đào tạo cho các chủ thể ý tưởng, dự án khởi nghiệp với nhằm hướng dẫn các chủ thể xây dựng hồ sơ, kỹ năng thuyết trình, bảo vệ ý tưởng, dự án tại các cuộc thi về khởi nghiệp các cấp... Từ năm 2021 đến nay, đã có cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp tỉnh được tổ chức, thu hút 216 ý tưởng, dự án của tổ chức, cá nhân tham gia và có 86 ý tưởng, dự án khởi nghiệp được công nhận cấp tỉnh.

Cạnh đó, hơn 80% dự án khởi nghiệp ở Quảng Nam thuộc lĩnh vực nông nghiệp, vì vậy, Ban điều hành Hỗ trợ khởi nghiệp - sáng tạo tỉnh đã phối hợp tổ chức các diễn đàn, hội thảo, đào tạo, tập huấn… về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp sáng tạo như Diễn đàn Khởi nghiệp quốc gia thời Cách mạng 4.0; Khởi nghiệp nông nghiệp bền vững; Khởi nghiệp du lịch không rác thải; Hội thảo Giải pháp xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cấp địa phương… các hoạt động này nhằm tạo nền tảng kiến thức, kỹ năng cho thanh niên, học sinh, sinh viên và cộng đồng khởi nghiệp tại địa phương.

Nghị quyết 09 đã hỗ trợ các dự án khởi nghiệp tham gia Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo Quảng Nam (Techfest Quảng Nam), trưng bày sản phẩm khởi nghiệp, Ngày hội khởi nghiệp… với chi phí gần 2 tỷ đồng. Đồng thời, kêu gọi xã hội hóa hỗ trợ các dự án khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh gần 10 tỷ đồng.
 
 


(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Đầu tư vào nông nghiệp bằng cả khối óc và đam mê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO