[eMagazine] - Du lịch Quảng Nam - xanh trên từng điểm đến

13/02/2022 18:02

Đổi mới sản phẩm du lịch, và chọn định hướng phát triển du lịch xanh là cách Quảng Nam đón nhận cơ hội phục hồi ngành du lịch, khi được chọn đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia 2022. Những vùng đất xanh đang đợi bừng thức lại...

 
 
 
 

“Xanh” là xu thế

Quảng Nam không quá lạ lẫm với các sự kiện du lịch lớn và cũng không phải lần đầu tiên tỉnh tổ chức sự kiện Năm du lịch quốc gia (từng tổ chức vào năm 2006). Nhưng chương trình năm nay đang ở một bối cảnh khác và mang tâm thế khác của ngành du lịch.

Chuỗi sự kiện tầm cỡ trải dài xuyên suốt năm 2022, một năm bản lề để phục hồi, cứu vãn ngành du lịch. Sau khi đặt lên “bàn cân” về chủ đề bao trùm, du lịch xanh là chọn lựa.

 

Nhận thức du lịch xanh không chỉ là thiên nhiên xanh, sản phẩm xanh, Quảng Nam đã phác thảo cụ thể những điểm nhấn trọng điểm trong “bức tranh” Năm du lịch quốc gia 2022 với nội hàm “xanh” rộng hơn.

Theo ông Hà Thanh Hải - chuyên gia cao cấp Chương trình Du lịch bền vững Thụy Sĩ (SSTP), cái khó nhất của du lịch xanh vẫn là nhận thức. Các chủ thể làm du lịch ở Quảng Nam đã có nhiều chuyển động về du lịch xanh, nhưng để hiểu về du lịch xanh bền vững vẫn cần cả quá trình và Năm du lịch quốc gia 2022 là dịp thuận lợi để thúc đẩy toàn diện vấn đề này.

Làng rau Trà Quế.
Quảng Nam có nhiều không gian, điểm đến lý tưởng để phát triển du lịch xanh. Ảnh Q.T

Chuỗi hoạt động liên kết phát triển du lịch TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, diễn đàn Du lịch Mê Kông, hội thảo phát triển du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn mới, hội chợ du lịch xanh, các festival biển Tam Kỳ - Hội An, lễ hội ẩm thực… được tổ chức từ tháng 5 đến tháng 7.2022 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy, lan tỏa mạnh mẽ hơn xu thế du lịch xanh được Quảng Nam lựa chọn.

Các sự kiện chính đều sẽ có “nhạc trưởng” chủ trì để đảm bảo mỗi sự kiện toát lên được màu sắc riêng trong bức tranh du lịch xanh chung. Chủ thể chủ trì ở đây được xác định là các doanh nghiệp, vì lợi ích thực tế nếu có mang lại từ chương trình thì doanh nghiệp là chủ thể hưởng lợi lớn nhất. Lựa chọn cách tiếp cận mới là điều bắt buộc với ngành du lịch hậu đại dịch Covid-19 và Quảng Nam đã chọn du lịch xanh.

 

Xuyên suốt mạch nguồn

Từ trước Tết Nguyên đán, một số điểm đến có liên quan đến chương trình Năm du lịch quốc gia đã rục rịch khởi động. “Vị quê nhà” là sản phẩm đánh dấu sự ra mắt của làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú (thị xã Điện Bàn) đồng thời cũng là thông điệp về sự sẵn sàng của điểm đến này trong việc tiếp nối xu thế du lịch xanh ngoài phạm vi của “mô hình điểm” Hội An.

“Dòng chảy” du lịch xanh ở Điện Bàn cũng đang hứa hẹn du khách phía trước khi các giá trị văn hóa độc đáo của “những ngôi làng tài nghệ bên sông Thu” sẽ được tái hiện theo một sắc thái mới, gần gũi hơn với du khách.

 

Sáu chủ đề chính “Du xuân đất Quảng” - “Du lịch sông nước và làng quê, làng nghề” - “Chu Lai điểm hẹn” - “Văn hóa các dân tộc và đường Hồ Chí Minh huyền thoại” - “Quảng Nam - cảm xúc mùa hè” - “Sắc màu di sản” với khoảng 50 sự kiện, tựa như 6 câu chuyện lớn để kể cho du khách nghe về đất và người xứ Quảng.

Dòng chuyển tiếp từ không gian đến thời gian sẽ được Quảng Nam cố gắng duy trì, lồng ghép để mỗi sự kiện không chỉ tạo ra tiếng vang mà còn dẫn dắt du khách hứng thú khám phá chuỗi sự kiện khác.

Sông Trường Giang đoạn qua huyện Thăng Bình. Ảnh: QUỐC TUẤN
Sông Trường Giang đoạn qua huyện Thăng Bình. Ảnh: QUỐC TUẤN

Cán cân thị trường khách du lịch của Quảng Nam lâu nay vẫn nghiêng về khách quốc tế. Tỉnh luôn hé mở “biên” của các sự kiện để chờ dòng khách này đến với Năm du lịch quốc gia. Cánh cửa du lịch quốc tế nhiều khả năng sẽ “mở toang” từ tháng 5.2022, trùng với thời điểm Năm du lịch quốc gia bước vào quãng thời gian tâm điểm nên hy vọng về “gam màu” khách quốc tế đang được thắp lên.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, từng sự kiện đều có phương án về sự tham gia của khách quốc tế. Và chỉ khi có thêm sự tham gia của đông đảo du khách quốc tế thì sự lan tỏa, tầm vóc của sự kiện mới nâng tầm.

Bộ VH-TT&DL vừa phê duyệt Đề án tổ chức Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022 với chủ đề “Quảng Nam - điểm đến du lịch xanh”. Theo đó, ngoài lễ khai mạc và chương trình tổng kết bế mạc, Quảng Nam sẽ tổ chức 50 hoạt động, sự kiện.

Bộ VH-TT&DL sẽ chủ trì tổ chức 10 sự kiện trên địa bàn Quảng Nam. Bên cạnh đó, có 37 tỉnh, thành phố trên toàn quốc sẽ tổ chức hàng trăm sự kiện, lễ hội hưởng ứng Năm du lịch quốc gia 2022.

 
 

Doanh nghiệp hưởng ứng

Công viên Ký ức Hội An được Quảng Nam chọn là nơi tổ chức sự kiện khai mạc Năm du lịch quốc gia 2022. Theo kế hoạch sẽ có nhiều tiết mục, hoạt động diễn ra tại nơi này.

Ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Tổng Giám đốc Công viên văn hóa Chủ đề ấn tượng Hội An chia sẻ, tham gia sự kiện cũng chính là sự hưởng ứng của doanh nghiệp vào kế hoạch phục hồi du lịch địa phương trên tinh thần xã hội hóa. Riêng lễ khai mạc, để tránh sự nhàm chán về kịch bản biểu diễn thực cảnh, Đảo ký ức Hội An đã xây dựng và đưa vào biểu diễn 7 tiết mục minishow mới trong công viên Ấn tượng Hội An để chuẩn bị tốt nhất cho ngày trở lại.

Thông tin từ Sở VH-TT&DL, đến tháng 1.2022, đã có 12 cơ sở lưu trú với quy mô hơn 2.000 phòng đáp ứng đủ các tiêu chuẩn an toàn để đón khách quốc tế và số lượng vẫn tiếp tục gia tăng khi mạng lưới doanh nghiệp du lịch đang tích cực cải tạo và quay lại nhập cuộc đón “làn sóng” du lịch từ giữa năm 2022.

Hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2022 sẽ có hàng chục doanh nghiệp cùng tham gia dưới hình thức xã hội hóa, trong đó có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực du lịch dịch vụ. Ngoài lễ khai mạc diễn ra tại Công viên Ký ức Hội An, Vinpearl Nam Hội An cũng đã đăng cai lễ bế mạc và Tập đoàn Thiên Minh đăng ký chương trình quảng bá Năm Du lịch quốc gia… Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, xã hội hóa là điều cần thiết để cộng đồng trách nhiệm từ các bên liên quan vì tất cả sẽ được hưởng lợi khi du lịch phục hồi...

 
 

Ông Lê Quốc Việt - thành viên Hợp tác xã Du lịch Làng chài Tân Thành (Hội An) cho biết, hợp tác xã sẽ tổ chức chợ phiên đều đặn vào dịp cuối tuần để tạo điểm đến cho thành phố, cùng với đó một festival điêu khắc cũng sẽ được tổ chức tại làng chài.

Đặc biệt, đơn vị phối hợp với Câu lạc bộ Điểm đến Quảng Nam - Gìn giữ giá trị bản địa triển khai "Tuần vàng du lịch Quảng Nam", dự kiến diễn ra dịp lễ 30.4 và 1.5 thu hút khoảng 1.000 khách là những người có ảnh hưởng trong ngành du dịch trên toàn quốc và các hãng lữ hành lớn về Quảng Nam đi thực tế,  trải nghiệm những điểm đến mới không chỉ Hội An, Mỹ Sơn mà cả một số huyện phía tây của.

Trò chơi dân gian ở chợ phiên Tân Thành. Ảnh: QUỐC TUẤN
Trò chơi dân gian ở chợ phiên Tân Thành. Ảnh: QUỐC TUẤN
 

CLIP: Doanh nghiệp du lịch chờ đón khách

Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, sau hơn 2 năm đại dịch, đã đến lúc du lịch phải mở cửa trở lại, điều này có cơ sở khi quá trình phủ vắc xin mũi 3 đang được triển khai rộng khắp nên mọi người sẽ yên tâm đi du lịch. “Năm Du lịch quốc gia sẽ là cơ hội tốt quảng bá, xúc tiến du lịch không chỉ cho địa phương mà còn cả du lịch Việt Nam, góp phần khởi động, phục hồi du lịch, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giúp người lao động có việc làm nên việc đăng cai tổ chức được cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ. Đồng thời cũng giúp cho việc thí điểm tổ chức tốt việc đón khách quốc tế mở ra cơ hội thu hút khách, phục hồi, phát triển du lịch sau đại dịch” - ông Tường khẳng định.

 
 

Định hướng du lịch xanh được Quảng Nam lựa chọn như một chiến lược để tái khởi động ngành kinh tế này. Với định hướng du lịch xanh, tới đây cơ hội cho các vùng miền khác của xứ Quảng được du khách biết đến vì yếu tố sơ nguyên, thân thiện với thiên nhiên. Những trải nghiệm chân thực, mang nét đặc trưng của văn hóa bản địa, hay thậm chí được đóng góp sức mình vào mỗi vùng đất, là nhu cầu của con người khi trải nghiệm du lịch bền vững...

 
 
 
 
 

* Thưa ông, Quảng Nam đã chuẩn bị gì để Năm du lịch quốc gia đạt được hiệu ứng như mong muốn?

Ông Nguyễn Thanh Hồng: Sau 2 năm chờ đợi quá dài, toàn ngành từ cơ quan quản lý nhà nước đến cộng đồng doanh nghiệp, người dân đang kỳ vọng những cuộc mở cửa thời gian tới ở tất cả lĩnh vực sẽ mang lại sự phục hồi cho nền kinh tế.

Chúng tôi cũng đã yêu cầu các địa phương, khối doanh nghiệp tích cực chuẩn bị và làm mới sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng của địa phương, cũng như từ sự thành công của việc thí điểm đón khách, tình hình kiểm soát dịch bệnh thành công của Quảng Nam thì ngành du lịch sẽ tạo lại được sự bứt phá.

 

Với chủ đề "Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh", chúng tôi đã chuẩn bị tất cả điều kiện theo yêu cầu của Chính phủ và Bộ VHTT&DL, hoàn thiện tổng thể Đề án Năm du lịch quốc gia, phương án phòng chống dịch trong tình hình mới, phương án về an ninh trật tự phòng chống cháy nổ... Có thể nói, Quảng Nam đã sẵn sàng để đón khách nội địa và khách quốc tế với tinh thần quyết tâm cao cho sự thành công của Năm du lịch Quốc gia 2022 tại Quảng Nam. 

Lãnh đạo tỉnh khảo sát các điểm đến, cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh. Ảnh: QUỐC TUẤN
Lãnh đạo tỉnh khảo sát các điểm đến, cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh. Ảnh: QUỐC TUẤN

* Từ thành công của các chuyến bay quốc tế đầu tiên, kế hoạch đón khách quốc tế quay trở lại những điểm đến trên địa bàn sẽ được tổ chức như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Hồng: Những tháng cuối năm 2021, Quảng Nam bước đầu phục hồi kinh tế du lịch thông qua việc mở cửa đón khách du lịch nội địa cũng như đón 3 chuyến bay khách quốc tế. Sau thí điểm đón khách quốc tế thành công, chúng tôi đã rút kinh nghiệm để hoàn thiện các phương án về phòng chống dịch, phương án mở cửa các khu du lịch, khu resort, điểm tham quan và khối doanh nghiệp lữ hành đã sẵn sàng. Không những các khu resort trước đây mà hiện đã có hơn 20 khách sạn 4 - 5 sao và các khu du lịch có điều kiện đăng ký đón khách quốc tế. 

 
Thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã tập trung triển khai các giải pháp hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh với các khối sản phẩm công nghệ được thiết kế dành cho khách du lịch, doanh nghiệp, cơ quan quản lý. Mới đây, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, lộ trình mở cửa an toàn, cụ thể để đón khách quốc tế theo kế hoạch của Bộ VHTT&DL.
 
 
* Để đáp ứng với định hướng du lịch xanh, cần một nguồn nhân lực du lịch dồi dào. Tuy nhiên, sau thời gian dài du lịch đóng băng, số lượng lao động trong ngành du lịch sụt giảm khá lớn. Vậy Quảng Nam sẽ giải quyết câu chuyện này như thế nào?

Ông Nguyễn Thanh Hồng: Sau 2 năm gián đoạn, ngành du lịch hiện nay phải thay đổi tư duy, tiếp cận theo hướng mới là phù hợp, thích ứng với tình hình mới hiện nay. Ngoài việc định hướng phát triển du lịch xanh, để có nguồn nhân lực phục vụ các hoạt động đáp ứng với định hướng này cần sự tập trung của các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, tham mưu cơ chế chính sách để phục vụ phát triển. 

 

Thực trạng nhân lực du lịch đang bị hổng do thời gian ngành du lịch đóng băng vì dịch bệnh, do vậy chúng tôi đang phối hợp với Hiệp hội Du lịch để đánh giá lại. Trên cơ sở kết quả đánh giá, chúng tôi phải đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với định hướng phát triển du lịch xanh.

Điều này đòi hỏi ngoài vai trò của Nhà nước cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp cũng như cộng đồng dân cư. Người dân phải thay đổi nhận thức của mình để thông điệp du lịch xanh lan tỏa đến từng du khách. 

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Du lịch Quảng Nam - xanh trên từng điểm đến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO