[eMagazine] - Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần đảm bảo lợi ích hài hòa khi thu hồi đất

THÀNH CÔNG – VĨNH LỘC - HỒ QUÂN – NGUYÊN ĐOAN 10/03/2023 09:00

(QNO) - Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã và đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, chuyên gia cũng như đông đảo các tầng lớp nhân dân. Việc lấy ý kiến đang được tổ chức khẩn trương, sâu rộng, đa dạng hình thức. Nhiều ý kiến đề xuất không chỉ phản ánh những trực trạng, bất cập từ cơ sở, mà còn là kênh thông tin quan trọng, cho thấy tính bức thiết cần phải điều chỉnh, sửa đổi luật để đưa chính sách pháp luật đất đai sát hơn với thực tiễn đời sống; đồng thời mong muốn làm giảm “điểm nóng” từ các vụ khiếu nại, khiếu kiện tranh chấp đất đai như thời gian qua.

 

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Trang - Chủ tịch Hội Nông dân Duy Xuyên cho biết, Khoản 2, Điều 89 của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có quy định về bồi thường (BT): Khi nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở mới, điều kiện bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Trong Luật Đất đai hiện hành cũng đã có quy định này nhưng thực tế thì hoàn toàn không phải nơi nào cũng vận dụng đúng chính sách, dễ thấy nhất là về điều kiện hạ tầng khu tái định cư (TĐC).

Giải quyết bức xúc người dân liên quan đến những khu tái định cư.
Giải quyết bức xúc người dân liên quan đến những khu tái định cư.

“Nói là bằng còn chưa được chứ chưa đề cập đến việc hơn nơi ở cũ. Thực tế ở Duy Xuyên khi thực hiện dự án ở Nam Hội An, người dân bị thu hồi đất phàn nàn về điều kiện nơi TĐC không đảm bảo nước sinh hoạt, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh, điện… Chúng tôi cần luật quy định rõ “bằng, tốt hơn nơi ở cũ” là như thế nào, tiêu chí cụ thể.

Đồng thời phương án BT, TĐC cần thực hiện trước khi thu hồi đất để đảm bảo tính dân chủ, công khai, kịp thời, đúng quy định, đảm bảo hạ tầng cho người dân TĐC” – bà Trang nói.

[VIDEO] - Kiến nghị của bà Nguyễn Thị Hồng Trang - Chủ tịch Hội Nông dân Duy Xuyên về giải quyết đền bù cho người dân:

Ông Nguyễn Hữu Mai - Chủ tịch Hội Nông dân Đại Lộc:"Hiện nay các dự án về kinh tế, chủ đầu tư phải thỏa thuận với nông dân. Nhưng thỏa thuận thì biết bao nhiêu cho đủ, mức nào thì hợp lý cũng là cái khó. Cho nên BT cần đảm bảo không chênh lệch nhiều giữa giá nhà nước và giá thị trường. Điều này vừa đảm bảo các quy định của pháp luật, vừa tạo đồng thuận trong nhân dân".

Ông Nguyễn Huy Thành - Phó ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP.Tam Kỳ góp ý, đối với mục: “Các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, cộng đồng”, đề nghị ban dự thảo cần xem xét cụ thể về trường hợp BT, hỗ trợ TĐC các dự án đô thị, thương mại.

Theo đó, mức độ BT giá trị thiệt hại hợp lý về đất ở, nhà ở cho người dân bị thu hồi ngang bằng hoặc hơn với giá trị đất, vật kiến trúc theo giá trị hiện hành của thị trường (tính cùng vị trí, cùng thời điểm đền bù) để đảm bảo quyền lợi cho người dân trong vùng ảnh hưởng của dự án.

Người dân hiến đất làm đường cần được hỗ trợ việc đăng ký biến động, thực hiện thủ tục phát sinh.
Người dân hiến đất làm đường cần được hỗ trợ việc đăng ký biến động, thực hiện thủ tục phát sinh.

Đối với vấn đề người dân hiến đất làm công trình công cộng, bà Nguyễn Thị Hồng Trang - Chủ tịch Hội Nông dân Duy Xuyên kiến nghị nhà nước có trách nhiệm đăng ký biến động, giải quyết mọi thủ tục, chi phí phát sinh. Bởi hiện nay khi thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, công tác hiến đất mở đường giao thông được nhân dân rất hưởng ứng.

 

Là đơn vị thực hiện nhiệm vụ BT, giải phóng mặt bằng cho nhiều dự án trên địa bàn tại TP.Tam Kỳ, Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố cũng gặp phải tình trạng “đứng bánh” khi triển khai các dự án.

Giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án.
Giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án.

Ông Nguyễn Ngọc Trai - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP.Tam Kỳ cho hay, áp dụng những quy định mới trong việc BT, giải phóng mặt bằng thì người dân rất thiệt thòi. Đây là thực tế khá “xót xa” trong quá trình thực hiện chính sách cho dân.

Ông Trai nêu ví dụ: người dân trực tiếp canh tác, sản xuất trên đất hoặc trồng cây đã hơn 20, 30 năm. Nhưng khi thu hồi đất triển khai dự án thì người dân không được giải quyết chính sách BT do đất được xác định nằm trong quỹ đất công ích. Thực tế sử dụng, quản lý đất của người dân là có, nhưng xin BT thì không được giải quyết, thậm chí xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng không được. Đây là sự bất công với người canh tác đất có thời gian ổn định, lâu dài.

[VIDEO] - Đất đai là tài nguyên quý giá nên dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn, để quản lý, khai thác và sử dụng nguồn lực hiệu quả: 

CLIP - Vùng quy hoạch dự án, đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị tại Điện Bàn.

Nhìn nhận bất cập của dự luật trong quy định đất nông nghiệp không sử dụng 36 tháng liên tục thì thu hồi, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Trần Úc cho rằng, thực tiễn không cơ quan nào đứng ra thu hồi mặc dù nhiều nơi đất nông nghiệp bỏ hoang nhiều. Do vậy, Nhà nước nên chăng thành lập ngân hàng quỹ đất thu mua đất nông nghiệp trong dân và giao lại cho doanh nghiệp có nhu cầu. 

 

Theo ông Úc, cũng cần làm rõ “mức giá thị trường” trong đền bù, thỏa thuận để làm cơ sở pháp lý như giá thị trường do ai quyết định và ở thời điểm nào… Đặc biệt, đáp ứng nguyên tắc người dân mất đất ở phải được bồi thường lại đất ở, khi không có đất ở mới đền bù bằng tiền hoặc mua ngang giá.  

 

GS-TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT đặt vấn đề cần nhìn nhận đúng giá trị, bắt đất phải “đẻ thêm tiền”. Vị giáo sư này chia sẻ câu chuyện về Đà Nẵng khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã phát động “chiến dịch” xây dựng thành phố hiện đại. Chính quyền đề nghị quân đội bàn giao bãi biển Mỹ Khê, TĐC các làng chài ven biển để xây dựng trung tâm mới của thành phố.

Vùng đông Quảng Nam cần được quy hoạch bài bản, sử dụng hiệu quả “giá trị” của đất.
Vùng đông Quảng Nam cần được quy hoạch bài bản, sử dụng hiệu quả “giá trị” của đất.

Đồng thời, mở rộng các con phố nhỏ cũ thành đường phố lớn, làm giá trị đất đai hai bên đường cũng tăng cao hơn và sắp xếp lại các bất động sản công dôi dư để chuyển sang khu vực tư nhân làm kinh doanh. Cả ba giải pháp này đều đã thành công, tạo ra nguồn kinh phí rất lớn để xây dựng nâng cấp thành phố mà không dùng bất kỳ nguồn ngân sách nhà nước hay vốn vay nào.

Theo GS-TSKH. Đặng Hùng Võ, ở Việt Nam, những khoản thu lớn từ giá trị đất đai đều từ cơ chế Nhà nước thu hồi đất. Bản chất là chuyển từ giá trị đất đai của khu vực tư sang giá trị đất đai thuộc khu vực công. Nếu BT thỏa đáng thì giải pháp này không mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà nước. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra những vấn đề bất ổn về xã hội hiện nay, thể hiện rõ ở tình trạng khiếu nại về đất đai vẫn chiếm 70% tổng đơn khiếu nại của dân.

 

[VIDEO] - Chia sẻ của GS-TSKH. Đặng Hùng Võ về giá trị của đất:

Đối với Quảng Nam, vị giáo sư này cho rằng cần tính toán cẩn thận về đất đai thì mới tối ưu hóa nguồn thu từ đất. Câu chuyện này liên quan đến sự khập khiễng trong chính sách đất đai. Quảng Nam không thể có chính sách đất đai riêng mà phải đưa công sức vào để tạo dựng ra một chính sách, sao cho đất đai chuyển được thành tiền ở một mức độ nhất định. Nếu đưa lên cao quá, năng lực cạnh tranh sẽ thấp, mà thấp quá sẽ không có lợi, vì đất đai rẻ, lượng tiền chuyển từ đất sang sẽ thấp.

UBND tỉnh giải quyết khiếu kiện người dân về đất đai.
UBND tỉnh giải quyết khiếu kiện người dân về đất đai.

Góp ý về điều khoản quy định đấu giá quyền sử dụng đất phải có quy hoạch chi tiết 1/500, ông Nguyễn Thanh Vỹ - Trưởng Phòng TN-MT thị xã Điện Bàn cho rằng, quy định này cần tính đến những vị trí đặc thù, nhất là với các diện tích nhỏ lẻ xen kẽ trong khu dân cư thì không thể phê duyệt được 1/500 mà chỉ phê duyệt được tổng mặt bằng của cơ quan có thẩm quyền nên cần bổ sung thêm tổng mặt bằng đối với lô đất.

Điện Bàn hiện đang vướng điều chỉnh một số sai sót thường gặp trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như sai về địa chỉ thường trú… Để không gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, ông Vỹ đề nghị dự luật không nên quy định cơ quan đính chính là cơ quan có thẩm quyền cấp giấy mà nên giao cho cơ quan đăng ký đất đai ở các địa phương điều chỉnh thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc điều chỉnh và rút ngắn thời gian đi lại”.

 

Những chồng chéo về quy định của các văn bản luật, dưới luật và tình trạng “mỗi địa phương một kiểu” cũng đang là tồn tại. Ông Nguyễn Ngọc Trai - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP.Tam Kỳ cho rằng, hiện nay giữa Luật Cư trú và Luật Đất đai mâu thuẫn rất lớn. Giả sử một người dân tích cóp mua đất ở của người khác chuyển nhượng. Họ chỉ biết đó là đất ở, thực hiện đầy đủ trách nhiệm. Luật cũng cho phép chuyển nhượng. Song, khi xin xây dựng thì vướng quy hoạch.

Cuộc sống khó khăn của người dân trong vùng quy hoạch.
Cuộc sống khó khăn của người dân trong vùng quy hoạch.

Hiện nay với một dự án triển khai thực hiện, khi làm công tác BT sẽ có 2 hình thức: bằng tiền hoặc đất có cùng mục đích sử dụng. Nhưng trong chính sách, nếu dân không có hộ khẩu thường trú tại mảnh đất thu hồi thì không được giải quyết chính sách TĐC và hỗ trợ chênh lệch.

“Đây là điều bất cập, vô lý. Bởi vướng quy hoạch thì dân không làm hộ khẩu được ở nơi có đất bị thu hồi. Chúng tôi đã từng bị dân khởi kiện về việc này, nhưng vẫn không thể giải quyết, do đó sắp tới phải nghiên cứu, điều chỉnh” – ông Trai nói.

 

Ngoài ra, ông Trai cũng góp ý về việc phải thống nhất, đồng bộ trong thực thi chính sách ở các địa phương. Chẳng hạn, chính sách BT, hỗ trợ về đất nông nghiệp, mỗi nơi làm một kiểu.

“Đơn giá hiện nay Quảng Nam đang áp dụng chỉ có 357 nghìn đồng/m2 đất nông nghiệp, nhưng có địa phương ở miền Nam áp dụng mức hỗ trợ lên đến hơn 3 triệu đồng/m2. Đây là sự thiếu thống nhất giữa các văn bản cụ thể hóa Luật Đất đai của các địa phương, cần sớm có sự điều chỉnh” - ông Trai kiến nghị.

Đất nông nghiệp khi bồi thường gặp nhiều trở ngại, vướng mắc
Đất nông nghiệp khi bồi thường gặp nhiều trở ngại

[VIDEO] - Ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Trai về sự chồng chéo về quy định của các văn bản luật, dưới luật: 

Ông Trần Úc – Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nhìn nhận, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cơ bản giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra, tuy nhiên cần làm rõ và chi tiết một số khái niệm cụ thể như quyền sở hữu nhà đất do hộ gia đình quản lý sử dụng, bởi điều này phát sinh nhiều vấn đề chưa giải quyết được trong thực tế. Không ít gia đình có đông thành viên nhưng cư trú, làm ăn khắp nơi, trong một số trường hợp rất khó tìm đủ người để giải quyết, nhất là liên quan đến việc khiếu nại tranh chấp. Do vậy, Luật Đất đai sửa đổi nên chăng chỉ xác lập quyền cho một cá nhân đại diện.

“Hiện nay, hàng loạt quyết định giải phóng, thu hồi đất không triển khai được bởi vì khái niệm hộ gia đình này, không ít trường hợp các thành viên gia đình bất hợp tác, kể cả dự án đầu tư công” –  ông Úc nêu bất cập.

Cạnh đó, cũng cần xem xét điều chỉnh khái niệm “địa phương” trong giao đất cho người dân. Đơn cử, Luật Đất đai hiện hành và dự thảo Luật Đất đai mới đều quy định Nhà nước giao đất ở cho công dân không qua đấu giá với điều kiện người dân chưa có nhà ở, đất ở tại địa phương. Với nội dung này khái niệm “địa phương” rất mơ hồ vì không biết áp dụng cho cấp xã hay cấp huyện… nên cần được làm rõ.

Hiện nay có nhiều hộ dân, chủ yếu ở nông thôn có nhà đất nhưng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng dất, không có quyết định giao quyền sử dụng đất (riêng Điện Bàn khoảng 3.000 hộ trên tổng số khoảng 50 nghìn hộ nằm trong diện này) nên vướng mắc khó giải quyết.

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần đảm bảo lợi ích hài hòa khi thu hồi đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO