[eMagazine] - "Khủng hoảng" đất, cát và những hệ lụy

TRỊNH DŨNG – VĨNH LỘC - QUỐC TUẤN – TẤN CHÂU 26/02/2023 06:57

Những ngày qua, giá cả và nguồn cung loại vật liệu xây dựng thông thường cát, đất lâm vào cảnh khủng hoảng thật sự khiến nhiều công trình phải "đứng bánh", người lao động phải lao đao vì mất việc…

 
 

Thiếu đất đắp nền đường, nhiều công trình buộc phải dừng thi công, không biết khi nào mới "khởi động" lại khi nguồn cung vẫn bế tắc.

Dang dở công trình

Thiếu đất đắp, dự án tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước (Duy Xuyên) đã ngừng thi công. Ảnh: T.D.
Thiếu đất đắp, dự án tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước (Duy Xuyên) đã ngừng thi công. Ảnh: T.D.

Dự án đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước, kết nối trung tâm hành chính huyện Duy Xuyên, quốc lộ 1, quốc lộ 14H không thể hoàn thành đúng như hợp đồng thi công xây dựng. Sau hơn 4 năm đầu tư, những gì nhìn thấy được trên mặt đất của dự án chỉ là những nhịp cầu dang dở, không thể kết nối làng lụa Mã Châu sang Duy Trung qua sông Bà Rén. Địa phương không có mỏ đất san nền, đắp đường nào đạt tiêu chuẩn. Vùng lân cận khan hiếm nguồn đất.

Thiếu vật liệu đấu nối nền, mặt đường, không thể thi công các hạng mục khác, 3 nhà thầu đã ngừng thi công, kéo quân đi nơi khác. Chỉ để lại người bảo vệ giữa căn lán trại dựng bằng tôn, chung quanh đầy thiết bị (xe, vật tư, gạch đá vỉa hè...) bắt đầu hoen rỉ.

Ông Nguyễn Bá Hồ (bảo vệ công trình Dự án đường tránh lũ kết hợp phát triển đô thị Nam Phước) cho biết, dự án triển khai từ năm 2019. Tổng giá trị khối lượng theo hợp đồng thi công xây dựng khoảng 55%, nhưng buộc phải dừng. Nghe nói chủ thầu sẽ trở lại thi công sau vài tháng nữa, nhưng không biết có tìm được nguồn đất đắp hay không.

Ông Nguyễn Thế Đức – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết tiến độ các dự án đầu tư bị ảnh hưởng rất lớn do thiếu hụt đất đắp nền, san lấp. Không chỉ tuyến tránh lũ đi qua thị trấn, nhiều tuyến ĐH, ĐX cũng không có đất làm đường.

Thiếu đất đắp nền đường, nhiều công trình kết nối giao thông Nam – Bắc, Đông – Tây của Quảng Nam bị đình trệ. Chỉ tính riêng dự án hoàn thiện đường 129 (Võ Chí Công) gồm nhiều dự án thành phần đã cần đến hơn 1,5 triệu mét khối đất san nền, đắp đường, do bí nguồn cung nên tiến độ thi công không như mong muốn. Theo các nhà thầu, đất đắp được mua từ một mỏ đất ở Quế Sơn. Nhưng nhiều dự án đồng loạt thi công, tranh nhau mua đất khiến mỏ hết trữ lượng.

Một mỏ cát nằm ven bờ sông Vu Gia, đoạn qua Đại Lộc hoạt động năm 2022. Ảnh: H.P
Một mỏ cát nằm ven bờ sông Vu Gia, đoạn qua Đại Lộc hoạt động năm 2022. Ảnh: H.P

Theo ông Nguyễn Thanh Tâm – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam, tổng nhu cầu vật liệu đắp cho các công trình chuyển tiếp và các công trình chuẩn bị khởi công do đơn vị quản lý khoảng 3 triệu mét khối

Theo khảo sát, phản ánh của nhiều nhà thầu, các mỏ đất tại Quảng Nam được cấp phép có trữ lượng đất đắp nền đường rất ít. Nhiều mỏ đất không hoạt động. Các nhà thầu rất khó để mua hoặc mua với giá rất cao so với thời điểm dự thầu và công bố giá.

 

Tại cuộc họp quản lý đầu tư xây dựng mới đây, người đại diện UBND thị xã Điện Bàn nói các tuyến đường khởi công mới hay chuyển tiếp ở địa phương đều không có đất để mua đắp nền. Tình trạng này kéo dài sẽ có không ít nhà thầu trì hoãn thi công, không có khối lượng công trình giải ngân vốn đầu tư công.

Tìm đất ở đâu?

Ông Võ Văn Điềm – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Quảng Nam cho biết hiện đơn vị làm chủ đầu tư dự án các hồ chứa, cần khoảng 1 triệu mét khối đất nhưng các công trình này luôn kèm theo các mỏ đất, không phải mua từ các mỏ khác về đắp. Vì vậy đơn vị chỉ lo về thủ tục, không lo giá hay thiếu hụt nguồn đất. Các công trình giao thông đáng lo hơn về sự thiếu hụt đất đắp nền đường.

 

Khảo sát thực tế của chủ đầu tư và các mỏ khai thác đất đắp nền đường mà các công trình thường mua phần lớn tại Phú Ninh, Quế Sơn, Đại Lộc. Tuy nhiên, sản lượng khai thác không đáp ứng nhu cầu thực tế nên nhiều địa phương đã xin bổ sung thêm danh mục dự án đầu tư các mỏ này.

Có thể kể đến là mỏ Nỗng Vãi (250.000m3, công suất 685m3/ngày), mỏ đất Núi Trà (Tam Nghĩa, Núi Thành) trữ lượng 695.283m3, công suất 200m3/ngày, mỏ Nỗng Nhái (Quế Long, Quế Sơn) đã hết hiệu lực, Nỗng Tranh (Quế Cường, Quế Sơn) trữ lượng 1,1 triệu mét khối, mỏ đất tại khu vực Hố Hữu (Quế Hiệp, Quế Sơn) có trữ lượng rất nhỏ (hơn 16.487m3) và mỏ đất tại bãi chứa thải hồ chứa nước Lộc Đại (Quế Hiệp) chỉ khai thác đất san lấp, không khai thác đất đắp nền đường.

Ngày 17/2/2023, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 4 dự án đầu tư khai thác mỏ đất san nền, đường trên địa bàn Quế Sơn là núi Dàng, núi Lò Rèn, núi Lăng (Quế Mỹ) và khu vực Hòn Mới (Quế Phú), nhưng tổng trữ lượng dự kiến của 4 mỏ này cũng chỉ khoảng 950.000m3.

Duy Xuyên sẽ cho đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ đất san lấp tại núi Mỏ Diều (Chiêm Sơn, Duy Sơn), trữ lượng khoảng 500.000m3 để có thể tiến hành thăm dò, khai thác. Đại Lộc đã trình đấu giá một mỏ đất khác, nhưng cũng sẽ không đủ cung ứng theo nhu cầu.

Ngày 22/2/2023, Duy Xuyên đã đề xuất danh mục các điểm mỏ đưa vào khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường (14 mỏ) có 4 mỏ cát và 6 mỏ đất san lấp, làm nền đường. Sẽ có rất nhiều địa phương trình xin danh mục. Sẽ có nhiều mỏ đất sẽ được trình đấu giá, nhưng hồ sơ, thủ tục đến khi cấp quyền khai thác sẽ tốn rất nhiều thời gian.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn (ưu tiên đầu tư giao thông liên kết, kết nối các tuyến đường) với tổng kế hoạch vốn hơn 33.550 tỷ đồng (riêng năm 2023 hơn 7.700 tỷ đồng). Để hấp thụ hết số vốn này đưa vào nền kinh tế thì sẽ cần rất lớn số lượng đất san nền, đắp đường, nhưng các địa phương chỉ có thể cung ứng vài trăm nghìn mét khối đất. Chỉ tính riêng các công trình giao thông chuyển tiếp đã ngốn mấy triệu mét khối đất đắp, chưa kể sẽ có thêm nhiều công trình sẽ được đầu tư trong năm 2023 và những năm tiếp theo, thì dự báo nguồn cung đất đắp nên sẽ còn khó khăn dài dài!

Thiếu nguồn cát đắp đập, cây trồng nguy cơ nhiễm mặn

Công trình đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện định xây dựng dựng tại Điện Ngọc, cách trạm bơm Tứ Câu về hạ lưu khoảng 350m đem ra đấu thầu ngày 16/2/2023 đã không có doanh nghiệp nào tham dự gói thầu.

Theo văn bản gửi UBND tỉnh ngày 17/2/2023, bà Nguyễn Thị Minh Châu – Phó Chủ tịch UBND huyện nêu nguồn cát đắp đập khoảng 10.000m3 thường lấy từ mỏ trên sông Thu Bồn, nhưng giờ các mỏ đã hết thời gian khai thác, đóng cửa. Các mỏ ở Đại Lộc, Duy Xuyên... còn sản lượng khai thác, nhưng không hoạt động.

Không có cát, không có người đấu thầu, chậm xây dựng công trình, 1.855ha đất nông nghiệp, cây trồng đang trong giai đoạn phát triển có nguy cơ nhiễm mặn (ngày 16/2/2023 độ mặn ở cầu Tứ Câu là 6,5%). Không còn cách nào khác, để cứu cây trồng, UBND thị xã Điện Bàn đã “cầu cứu” UBND tỉnh xem xét, cho phép lấy cát khoảng 10.000m3 tại điểm mỏ ĐB02 (Điện Thọ).

 

Tình trạng khan hiếm cát xây dựng buộc doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải tạm sắp xếp lại hoạt động phân phối và phải xoay xở nguồn cung trong thế khó.

Giá cát xây dựng mua vào thời điểm giữa tuần qua đã cao gần gấp đôi so với trước Tết Nguyên đán nhưng nhiều dự án đành chấp nhận để duy trì thi công. Ảnh: Q.C.
Giá cát xây dựng mua vào thời điểm giữa tuần qua đã cao gần gấp đôi so với trước Tết Nguyên đán nhưng nhiều dự án đành chấp nhận để duy trì thi công. Ảnh: Q.C.

Ông Vũ - đại diện một cửa hàng vật liệu xây dựng ở Duy Hải (Duy Xuyên) cho biết, mấy ngày qua nguồn cát xây dựng từ phía thượng nguồn đứt quãng. Do không có bãi trữ lớn nên cát của cửa hàng cũng chỉ được vài chục mét khối, chủ yếu phân phối mỗi nơi một ít cho các khách hàng trong địa phương để họ duy trì thi công. "Thỉnh thoảng cũng được tiếp thêm một ít cát từ các bãi chứa lớn hơn nhưng cũng không nhiều vì có nhiều cửa hàng tương tự chúng tôi cũng tập trung về đó lấy cát phân phối" - ông Vũ nói.

Ông Thơ (trú Quế Xuân 1, Quế Sơn) - đại diện một cơ sở chuyên cung ứng vật liệu xây dựng nói, bình thường mỗi ngày cung cấp khoảng 30 - 40m³ cát chủ yếu xuống khu vực vùng Đông để phục vụ xây dựng. Tuy nhiên, những ngày gần đây chỉ còn chở vật liệu xây dựng khác chứ không có cát. Cá nhân, đơn vị nào muốn có nguồn cát thì cơ sở của ông Thơ phải kết nối vào tận Quảng Ngãi, tuy nhiên với giá còn cao hơn so với mức lấy tại chỗ nên không nhiều khách hàng chấp nhận.

 
Một số bãi cát còn bán do dự trữ từ năm trước. Ảnh: V.Lộc.

Trong khi đó, ông Vinh – người xưng là quản lý bãi cát nằm gần quốc lộ 1 đoạn qua xã Điện Minh (giáp giới xã Điện Phương, Điện Bàn) cho biết, bãi của ông hiện có gần 200 khối cát, giá bán tại chỗ mỗi khối 350 nghìn đồng, chưa tính tiền vận chuyển. Giá bán này cao hơn so với thời điểm trước Tết Nguyên đán khoảng 70 – 90 nghìn đồng.

Cách đó không xa, một “núi” cát khổng lồ khác được cho là của ông Vinh trữ từ trước cũng đang được xe múc vận chuyển đến điểm tập kết. Theo ông Vinh, tuy cát không sạch đẹp như hút dưới sông lên, song mức giá 350 nghìn đồng là quá rẻ trong thời điểm hiện tại, bởi chỉ vài hôm nữa cát sẽ hết, muốn mua cũng không có. Thời gian này, bình quân mỗi ngày ông Vinh xuất bãi khoảng 100 khối cát, ước tính số tiền ông Vinh thu được trong đợt sốt cát này lên đến hàng trăm triệu đồng, trở thành một trong số ít người “trúng” cát nhờ dự trữ từ năm ngoái. 

Công trình xây dựng nào cũng cần cát và khi thiếu nguồn cung buộc lòng các tổ chức, cá nhân phải có phương án xoay xở. Dễ thấy nhất là tình trạng người dân dời ngày động thổ cất nhà mới để ngóng tình hình giá cát nếu chưa quá bức thiết. Một số muốn tiến hành đúng dự định đành mua cát với giá cao hoặc tính phương án dự phòng.

 

 Một số ý kiến cho rằng, động thái đóng bãi đồng loạt của nhiều doanh nghiệp khai thác cát không thể ngẫu nhiên, nhất là trong thời gian Thanh tra Chính phủ vừa công bố Quyết định 466. Tuy nhiên, cũng có ý kiến hoài nghi, thậm chí đặt câu hỏi có chăng các chủ mỏ bắt tay găm hàng, thổi giá? Trong khi chờ câu trả lời thì cát vẫn khan hiếm, giá vẫn cao chót vót, dự báo khó thể hạ nhiệt trong thời gian ngắn hạn. Chưa kể, những tháng sắp tới cũng là mùa cao điểm của hoạt động xây dựng.

 

Nhiều thợ xây dựng thất nghiệp hoặc phải rời quê đến các tỉnh, thành khác tìm việc làm vì nhiều công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh tạm đóng cửa do thiếu cát xây dựng. 

Khó tìm việc

Mới đây, ông Lương Hồng Châu (thôn Trung Phú, xã Điện Minh, thị xã Điện Bàn) cùng nhóm bạn thợ hồ của mình lên đường ra Hà Nội tìm việc. Từ sau Tết Nguyên đán, nhiều công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh, kể cả TP.Đà Nẵng phải tạm đóng cửa hoặc chưa triển khai làm mới do khan hiếm cát, đồng nghĩa những thợ xây dựng như ông Châu thất nghiệp.

“Đi Hà Nội tuy hơi xa nhưng công việc ngoài đó nhiều chứ ở nhà thì không biết bao giờ mới có việc” - ông Châu chia sẻ.

Thôn Trung Phú là một trong những nơi có nhiều người làm xây dựng tại xã Điện Minh, không ít gia đình ở đây cả 2 vợ chồng đều hành nghề, chồng xây, vợ phụ. Thông thường những năm trước, ra tết là cao điểm mùa xây dựng, mỗi sáng hàng chục lao động trong làng cùng đi làm hồ, phần lớn ra Đà Nẵng hoặc qua các xã, phường lân cận; nhưng nay đã khác.

Ông Lương Hồng Phúc, một thợ hồ trong làng dự đoán, có thể phải đến cuối tháng 3 mới hy vọng có công trình xây dựng lớn. “Thật ra, việc làm cũng có nhưng không nhiều hay thường xuyên, người dân chủ yếu sửa chữa nhỏ nên chỉ vài ngày là xong” - ông nói.

Ông Phúc và nhóm bạn thợ của mình dự định lên khu du lịch Bà Nà (Đà Nẵng) xin việc vì trên đó nhiều công trình đang xây dựng cần thợ, nhưng ngặt nỗi lên đó phải cả tuần mới xuống núi, xa nhà lâu ngày không yên tâm.

Quảng Nam được xem là nơi cung cấp thợ hồ chủ yếu cho các công trình xây dựng trên địa bàn Đà Nẵng. Tuy nhiên, gần tháng qua số lượng thợ ra Đà Nẵng làm việc khá ít ỏi. Không chỉ thợ hồ thiếu việc làm, những công việc liên quan đến xây dựng như cho thuê giàn giáo, đóng cốt pha, sơn nước… cũng ít theo.

Ông Trương Bảo Trọng (Đại Cường, Đại Lộc), chủ thầu sơn nước cho biết, các mỏ cát đóng cửa khiến nhiều công trình dừng hoạt động nên đội thợ hơn 10 người của ông hiện chỉ còn làm một công trình nhỏ tại Đà Nẵng, tương lai ngắn hạn đối diện nguy cơ thiếu việc làm.

 

Ảnh hưởng dây chuyền

Ngưng khai thác cát đột ngột trên diện rộng khiến nguồn cung thiếu hụt, trở thành nguyên nhân chính gây ra những gián đoạn trong hoạt động xây dựng, ảnh hưởng gián tiếp đến chuỗi cung ứng của nhiều loại vật liệu liên quan như sắt thép, xi măng, gạch đá…, kể cả dịch vụ vận chuyển. Mặc dù chưa thể xác định được bao nhiêu dự án, công trình xây dựng phải dừng thi công vì khan hiếm cát, nhưng thực tế là nhiều doanh nghiệp xây dựng, người lao động làm việc liên quan bị ảnh hưởng.

Ông Nguyễn Văn Nam, tài xế xe chở cát cho một bãi tập kết tại xã Điện Phước (Điện Bàn) xác nhận, từ sau tết đến nay xe ông hầu như nằm bãi, chưa chạy chuyến nào, gia đình không có thu nhập. “Tôi chỉ có nghề chạy xe thuê chở cát, bây giờ các mỏ ngừng khai thác, xe nằm bãi không làm chi ra tiền, lo thì lo vậy, chứ biết tính sao chừ” - ông Nam chia sẻ.

Đặc biệt, nhiều nhà máy sản xuất gạch trên địa bàn tỉnh không thể tiêu thụ được sản phẩm, dẫn đến lượng hàng tồn đọng, hoạt động kinh doanh trì trệ. Theo ông Trần Phước Mạnh (nhà máy gạch tuynel An Hòa, xã Duy Phú, Duy Xuyên), so với cùng kỳ năm trước, sản lượng tiêu thụ gạch của nhà máy giảm hơn 50%, mặc dù giá bán khá thấp nhưng vẫn không có khách hàng.

 

Hiện tại, nhà máy gạch An Hòa tồn khoảng 4 triệu viên gạch, thậm chí tại Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh, lượng gạch tồn lên tới hàng chục triệu viên.

Ông Mạnh thừa nhận, gạch tiêu thụ chậm đã kéo theo nhiều hệ lụy như giá bán cũng rẻ hơn do gạch cũ, hoạt động sản xuất, kinh doanh đình đốn khiến thu nhập của cán bộ, công nhân đơn vị giảm sút. “Bây giờ chỉ mong các bãi cát hoạt động lại, các công trình tiếp tục thi công, khi đó thị trường gạch mới có thể sôi động lại” - ông Mạnh nói.

 

Chính quyền tỉnh đã yêu cầu các địa phương nhanh chóng đưa vào đấu giá, cấp quyền khai thác mỏ cát, đất, kiểm soát chặt hoạt động khai thác, vận chuyển và giá cả vật liệu. 

"Việt vị" giá vật liệu

Giá vật liệu liên sở công bố không theo kịp sự "nhảy múa" của giá cả trên thị trường. Nhiều yêu cầu điều chỉnh giá cho sát thực tế vẫn chưa thể thực hiện. Giá vật liệu thị trường hiện gấp 2 đến 3 lần giá công bố dự toán.

Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP.Hội An nói doanh nghiệp không tham gia đấu thầu, vì chờ giá nguyên liệu giảm xuống. Miền núi còn khó khăn hơn khi giá vật liệu, chi phí vận chuyển đến giá nhân công đều tăng. Ông Nguyễn Văn Lượm – Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nói mỏ nguyên liệu trên địa bàn không đủ trữ lượng. Báo giá vật liệu chỉ tính tại trung tâm huyện mà huyện không có bãi đất cát nào thì biết làm sao?

Trong khi đó, ông Nguyễn Hưng – Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho hay lượng vốn đầu tư năm 2023 gia tăng gấp nhiều lần so với năm cũ. Công trình chỉ trên 1 tỷ đồng đều thông qua cổng thông tin đấu thầu quốc gia, nhưng nguyên liệu cát, đất tăng cao, khan hiếm. Các chủ thầu cập nhật giá đầu tư, thấy lỗ nên trì hoãn thi công hay chưa muốn đấu thầu dự án.

Theo số liệu từ Sở KH-ĐT, tính đến hết ngày 31/1/2023, chỉ mới giải ngân hơn 286 tỷ đồng, đạt 3,7%, thấp hơn cùng kỳ năm 2022, trong đó có nguyên nhân một số hợp đồng xây lắp (2021 – 2022) bị "việt vị" giá vật liệu dẫn đến nhiều nhà thầu thi công cầm chừng, hợp đồng thi công kéo dài. Giá nguyên liệu đất đắp công trình, cát xây dựng thị trường cao hơn rất nhiều so với giá báo liên sở, lại khan hiếm nguồn cung (các mỏ đóng cửa) nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

 
 

Khắc phục tình trạng khan hiếm

Depot (khu bãi chứa) của ông Nguyễn Công Khanh bên chân cầu Gò Nổi hay bãi tập kết trên bến sông chợ Củi bên đường ĐT610B cũ đã có thêm nhiều đống cát hơn. Xe tải vận chuyển cát xây dựng tái xuất hiện trên đường, vào ra từ 3 khu vực trữ cát trên bến sông Điện Bình, Điện Phương, dù không nhiều. Lái xe tải Huỳnh Tấn Cường (ở Bình An, Nam Phước, Duy Xuyên) không còn nhàn nhã, lại tất bật với việc vận chuyển. Cường nói đã có hàng chở cho các công trình dân dụng nhỏ lẻ. Giá vẫn chưa xuống, nhưng đã không còn hiếm hàng như mấy hôm trước.

Nguồn cung từ đâu ra, liệu hết khan hàng? Ông Võ Ngọc Tốt - Trưởng phòng TN-MT huyện Đại Lộc nói ngày 22/3/2023 mỏ Pha Lê (Đại Sơn) đã hoạt động trở lại. Mỏ Trường Lợi sẽ vận hành trở lại trong ít ngày tới để cung ứng lượng cát theo nhu cầu người dân. Còn mỏ Quang Cử mới được cấp phép, đang dần hoàn thiện một số hạng mục công trình để đi vào khai thác.

Ông Tốt nói các mỏ ở Đại Lộc phục vụ chính cho dân địa phương, cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Còn khi khai thác nhiều mới cung ứng cho các địa bàn khác theo quy luật thị trường. Việc khắc phục tình trạng khan hiếm cát hay hạ giá thì phải chờ các địa phương tiến hành đấu thầu mỏ khai thác theo ý kiến của UBND tỉnh, để có thể giảm tải cho Đại Lộc và gia tăng nguồn cung.

Để có thể đáp ứng kịp thời nhu cầu cát, sỏi phục vụ xây dựng các công trình, UBND tỉnh đã thống nhất cho các huyện, thị, thành phố trên cơ sở nhu cầu vật liệu cần đáp ứng, tổ chức rà soát lại các điểm mỏ cát, sỏi có trong quy hoạch được duyệt, lựa chọn các điểm mỏ có quy mô diện tích đủ lớn, đảm bảo không ảnh hưởng đến sạt lở bờ sông, công trình hạ tầng kỹ thuật, đất ở, đất sản xuất của nhân dân. Lựa chọn doanh nghiệp đủ năng lực thực hiện, báo cáo UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, cho phép tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản và lập thủ tục trình cấp giấy phép thăm dò, khai thác đúng quy định. 

Các địa phương rà soát, có thể gộp các điểm mỏ nhỏ, gần nhau thành 1 mỏ có quy mô lớn để đề xuất tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản công khai, minh bạch, lập hồ sơ, thủ tục trình UBND tỉnh cấp giấy phép thăm dò, khai thác, bảo đảm ổn định trật tự khai thác khoáng sản. Ở vùng sâu, miền núi khai thác chỉ để xây dựng nông thôn mới, cần quy trình, thủ tục rút gọn, rút ngắn thời gian giải quyết, đáp ứng kịp nhu cầu.

Theo ông Lê Quang Trung – Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, huyện đã xin tận thu mỏ vật liệu xây dựng thông thường từ tháng 7/2022, nhưng vẫn chưa ra được giấy phép.

Ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Giám đốc Sở TN-MT nói sở đã đẩy nhanh thời gian thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực khoáng sản. Không có hồ sơ nào trễ hạn. Nhưng quy trình cấp phép khai thác khoáng sản hơn 1 năm là nhanh nhất, có thể đến 2 năm vì sự chậm trễ lại phụ thuộc việc thỏa thuận bồi thường, lấy ý kiến người dân, đánh giá tác động môi trường...

Tình trạng khan hiếm cát xảy ra từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Trong ảnh là bãi cát ven bờ sông Thu Bồn, đoạn qua xã Điện Phong (thị xã Điện Bàn) thời điểm còn hoạt động trước năm 2023. Ảnh: H.P
Tình trạng khan hiếm cát xảy ra từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Trong ảnh là bãi cát ven bờ sông Thu Bồn, đoạn qua xã Điện Phong (thị xã Điện Bàn) thời điểm còn hoạt động trước năm 2023. Ảnh: H.P

Để có thể giải tỏa tình trạng khan hiếm cát, đất và hạ giá vật liệu, ông Nguyễn Hồng Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết chính quyền đã yêu cầu các chủ mỏ phải tổ chức khai thác theo trữ lượng, giấy phép được cấp. Nghiêm cấm tạo khan hiếm để tăng giá. Niêm yết giá công khai và bán đúng giá. UBND tỉnh đã chỉ đạo thanh tra, kiểm tra xử lý. Chính quyền yêu cầu các huyện khẩn trương tổ chức lựa chọn nhà thầu khai thác, thống nhất cho phép đấu giá 41 mỏ đất, cát đã được phê duyệt để có đủ nguồn cung cho thị trường xây dựng địa phương.

Nhằm đảm bảo nguồn vật liệu cát, sỏi cung cấp cho các công trình và ổn định thị trường, Sở TN-MT vừa có công văn đề nghị UBND các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Núi Thành, Tiên Phước, Hiệp Đức, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Đông Giang đôn đốc các doanh nghiệp khai thác cát, sỏi có mỏ còn hiệu lực trên địa bàn đưa mỏ vào hoạt động khai thác. Trường hợp các mỏ không đưa vào hoạt động phải có lý do chính đáng và phải có văn bản gửi Sở TN-MT trước ngày 27/2/2023 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Liên quan vấn đề khai thác cát, khoáng sản, UBND tỉnh cũng vừa ban hành công văn yêu cầu các sở ban ngành có liên quan và UBND cấp huyện khẩn trương tổ chức lấy ý kiến đồng thuận của cộng đồng dân cư trong vùng dự án để tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 39 điểm mỏ khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường đã được phê duyệt danh mục, giao các địa phương tổ chức đấu giá.

 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
[eMagazine] - "Khủng hoảng" đất, cát và những hệ lụy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO